Aa

Ngân hàng Nhà nước “tuýt còi” giao dịch khống qua thẻ tín dụng

Thứ Sáu, 25/03/2022 - 16:08

Giao dịch thẻ tín dụng đang trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng. Tuy nhiên, nhiều biến tướng “giao dịch mua hàng khống” qua thẻ cũng xuất hiện.

Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã ra Thông tư bổ sung quy định cấm loại hình gian lận thanh toán điện tử này, yêu cầu các ngân hàng siết chặt rà soát, kiểm tra để không xảy ra vi phạm pháp luật tại các đơn vị chấp nhận thẻ và khách hàng dùng thẻ tín dụng. 

Nở rộ dịch vụ rút tiền mặt, “thuê” thẻ tín dụng để thanh toán hóa đơn

Báo cáo nghiên cứu hành vi và thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng năm 2021 của Công ty Nghiên cứu thị trường Mibrand, dựa trên khảo sát 600 người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, số lượng người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai chiếm 34%. Chính sách mở thẻ ngày càng dễ dàng, thuận tiện và khách hàng được hưởng nhiều ưu đãi như các chương trình cashback (hoàn tiền) khi thanh toán chi tiêu cho cá nhân. 

Song mặt trái của đà tăng trưởng là sự phát sinh các “giao dịch mua hàng khống”, như quẹt thẻ tín dụng thanh toán tại điểm bán hàng (POS) nhưng không phát sinh hàng hóa tương ứng với mục đích sử dụng, nhằm trục lợi các chương trình ưu đãi của ngân hàng. Đây là hành vi gian lận thương mại điện tử, vi phạm các quy định cấm của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Điều đáng lo ngại là hiện tượng này đang gia tăng, gây không ít khó khăn cho các ngân hàng khi phát hành thẻ tín dụng.

Cụ thể, thẻ tín dụng là loại thẻ “xài trước trả sau”, và ngân hàng thường cấp cho chủ thẻ một hạn mức đi kèm chương trình ưu đãi để khuyến khích chi tiêu, thanh toán cá nhân tại các điểm mua hàng. Ngân hàng không khuyến khích rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, do vậy thường áp mức phí rút tiền mặt khá cao, lên đến 4 - 5% số tiền rút tùy ngân hàng. Từ đây, nhiều điểm chấp nhận thẻ, hoặc các chủ hiệu nhỏ “bắt tay” với chủ thẻ thực hiện “giao dịch mua hàng khống” để rút tiền mặt, với mức phí chỉ từ 1,2 - 1,5%, rẻ hơn nhiều so với việc chủ thẻ rút qua ATM. Chưa kể do núp bóng dưới hình thức thanh toán mua hàng, nên chủ thẻ lại được ngân hàng miễn lãi 45 ngày. Trong khi nếu rút tiền mặt tại ATM ngân hàng sẽ tính lãi ngay. 

Từ lợi dụng ưu đãi đến… vi phạm pháp luật

Nhiều trang web như ruttiennhanhhanoi.net, tindungnhanh24s… công khai chào mời dịch vụ “rút tiền mặt nhanh qua thẻ tín dụng với mức phí thấp”. Theo một điều tra trên Tuổi Trẻ, thị trường còn xuất hiện dịch vụ kết nối cho thuê thẻ tín dụng, nhằm tận dụng hạn mức chưa sử dụng hết, chính sách miễn lãi 45 ngày và lạm dụng chính sách ưu đãi hoàn tiền (cashback) của các ngân hàng. Cụ thể, Công ty S. cho đăng quảng cáo “chia sẻ thẻ tín dụng để chi tiêu” trên nhiều tờ báo điện tử và trang mạng khuyến khích “chủ thẻ dùng thẻ tín dụng thường xuyên sẽ giúp kiếm thêm thu nhập từ số dư nhàn rỗi, hay tích điểm để hưởng các chương trình ưu đãi từ các ngân hàng”. 

Điều nguy hiểm hơn, có hiện tượng một số đơn vị chấp nhận thẻ đăng ký POS dưới dạng nhà hàng/quán café, sau đó tự quẹt thẻ tín dụng qua POS mà không phát sinh hàng hóa dịch vụ, không phát sinh chứng từ có thuế, để nhận ưu đãi. Hành vi này vi phạm các chính sách về hóa đơn thuế hiện hành của Nhà nước.

Trước vấn đề nhức nhối này, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc, siết chặt quản lý hoạt động thẻ tín dụng trong nỗ lực hạn chế tình trạng gian lận giao dịch điện tử. Theo đó, từ cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung các quy định thuộc Thông tư 19/2016 về hoạt động thẻ ngân hàng, quy định cấm sử dụng thẻ tín dụng vào các mục đích không đúng quy định, như rút tiền mặt tại POS của đơn vị chấp nhận thẻ; thanh toán hàng hóa, dịch vụ không đúng quy định pháp luật. 

Cùng với đó, Nghị định 88/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực từ đầu năm 2022) đã nâng mức xử phạt đối với việc thanh toán thẻ không đúng quy định của pháp luật lên tới 150.000.000 VNĐ, thay cho mức 50 – 100.000 VNĐ như trước đây. 

“Quy định cấm được nêu rất rõ ràng theo luật và chế tài xử lý cũng công khai mức phạt. Thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ mạnh tay xử lý nghiêm các đơn vị chấp nhận thẻ vi phạm quy định, cùng với đó là xử lý đến ngân hàng thanh toán và trung gian thanh toán liên quan”, một lãnh đạo cao cấp Vụ Thanh toán, NHNN chia sẻ.

Ngân hàng đảm bảo thực thi quy định pháp luật

Với nỗ lực cung cấp giải pháp tài chính tốt nhất cho khách hàng, ngày càng có nhiều ngân hàng tham gia triển khai các chương trình ưu đãi thẻ tín dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo thực thi đúng các quy định của cơ quan chức năng và hạn chế tình trạng giao dịch qua thẻ tín dụng không đúng mục đích sử dụng, các ngân hàng luôn công bố rõ ràng điều khoản và điều kiện sử dụng đối với mỗi chương trình. 

Cụ thể, chương trình Cashback 5% của thẻ tín dụng Techcombank Signatgure và các chương trình cashback 1% thẻ ghi nợ của Techcombank quy định: “Tính năng hoàn tiền chỉ áp dụng cho các giao dịch chi tiêu cá nhân. Theo quy định tại điều kiện điều khoản thẻ tín dụng của Techcombank, trong trường hợp Ngân hàng nghi ngờ các giao dịch không phù hợp với quy định hoàn tiền Ngân hàng sẽ liên hệ chủ thẻ yêu cầu cung cấp chứng từ/hóa đơn chứng minh tính xác thực của giao dịch. Do đó, khi thực hiện các chi tiêu giá trị lớn trong các lĩnh vực được hoàn tiền, quý chủ thẻ lưu ý lưu lại các chứng từ giao dịch, đặc biệt là hóa đơn VAT theo quy định của Bộ Tài chính để cung cấp cho Ngân hàng/các cơ quan Nhà nước khi cần thiết”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top