Aa

Ngân hàng số sẽ tạo đột phá kinh doanh

Thứ Ba, 26/10/2021 - 06:30

Những năm gần đây thị trường ghi nhận sự đầu tư rất mạnh của các ngân hàng cho chuyển đổi số, nhất là khi thị trường xuất hiện nhiều công ty tài chính công nghệ (Fintech)...

Đến thời điểm này, đa phần các ngân hàng tại Việt Nam đã áp dụng công nghệ để cải thiện hiệu quả các dịch vụ tài chính và đưa ra chiến lược ngân hàng số thông qua cung ứng các sản phẩm - dịch vụ tài chính có tính cá nhân hoá cao qua kênh số như thanh toán di động (mobile payment), e-KYC, QR code… nâng cao trải nghiệm của khách hàng khi tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Sự đầu tư đó đã mang lại trái ngọt cho ngân hàng. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, giãn cách xã hội giúp các ngân hàng vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu.

Ngân hàng số
Ảnh minh họa.

Ông Từ Tiến Phát - Phó Tổng giám đốc ACB cho biết, mặc dù làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã buộc ACB phải đóng cửa 2/3 số phòng giao dịch trên địa bàn TP.HCM khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Thế nhưng doanh số, số lượng giao dịch vẫn tăng gấp đôi trong 8 tháng đầu năm 2021. Có được kết quả trên là do ACB đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong những năm qua.

Theo chia sẻ của ông Phát, dịch vụ mở tài khoản trực tuyến bằng eKYC đã đem lại hiệu quả rất lớn. Ban đầu khi đưa ra dịch vụ này, ngân hàng kỳ vọng sẽ mở được 3.000 tài khoản mới/khách hàng mới trong 1 ngày nhưng đến những ngày gần đây đã có khoảng 10.000 tài khoản mới/ngày; hay dịch vụ giải ngân trực tuyến tại ACB cũng đang đem lại hiệu quả rất tốt trong đại dịch... “Chuyển đổi số giúp ngành Ngân hàng và người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch”, lãnh đạo ngân hàng này nhận định.

Hay như VPBank đầu tư chi phí cả triệu USD cho hệ thống tổng đài Cisco thay thế cho hệ thống tự phát triển hoàn toàn miễn phí trước đó đã gia tăng hiệu quả hoạt động đáng kể. Bà Trần Thị Liên - Trưởng phòng Dịch vụ và Chăm sóc khách hàng của VPBank cho biết, với Cisco, 11 dịch vụ tự phục vụ từ A đến Z được triển khai mượt mà, tiết kiệm 30 nhân sự/tháng để bổ sung công tác vận hành các dịch vụ gia tăng. Lượng yêu cầu được xử lý lên tới 300.000 yêu cầu mỗi tháng, tương đương khoảng 10.000 yêu cầu mỗi ngày, trong khi con số này trước đây chỉ vào khoảng 3.000.

Hay như với việc tích hợp các tính năng vượt trội, tính từ đầu năm 2020 đến hết quý I/2021, MBBank đã có hơn 2,7 triệu người dùng App MBBank và trên 50.000 quản lý cấp độ doanh nghiệp sử dụng app Biz MBBank. So với thời điểm cuối năm 2020, số khách hàng sử dụng App MBBank tăng 58%, chiếm 54% tổng số khách hàng cá nhân của MBBank.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, việc ứng dụng công nghệ số giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như chất lượng dịch vụ tốt hơn, nhiều dịch vụ sáng tạo và an toàn bảo mật, mang lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn; giảm chi phí vận hành cho ngân hàng, tạo đột phá trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, các NHTM đang vướng mắc nhiều điểm nghẽn trong việc cung cấp đa dạng các loại hình sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, dịch vụ thanh toán số và trải nghiệm khách hàng như hành lang pháp lý cho việc ứng dụng các nền tảng công nghệ mới như eKYC, ngân hàng đại lý, cho vay online còn chưa ổn định. Thông tin dữ liệu khách hàng cấp vĩ mô đang chuẩn hóa, nhưng còn thiếu như dữ liệu về dân cư. Cơ chế hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng và các tổ chức khác như Fintech… chưa rõ ràng, còn đang trong tình trạng khép kín. Nhiều hệ sinh thái được phát triển một cách tự phát và chưa có sự liên thông. Cơ chế thí điểm Sanbox cho việc thử nghiệm các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng sau nhiều vòng lấy ý kiến của các cơ quan bộ ban ngành nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. “Đây là một trong những cơ chế rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ tiên tiến của ngân hàng”, ông Hùng nhấn mạnh.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho ngân hàng, lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị các cơ quan quản lý cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia thống nhất, cho phép ngân hàng thương mại được khai thác, phục vụ quá trình cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng. Đồng thời cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến áp dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng và ban hành, hướng dẫn triển khai cơ chế thí điểm đối với sản phẩm tài chính mới. Đồng quan điểm về những thách thức hành lang pháp lý trong ứng dụng các nền tảng công nghệ mới, lãnh đạo một ngân hàng đề xuất cần phải thay đổi đồng bộ chính sách phù hợp với nền tảng công nghệ mới. Chẳng hạn, các ngân hàng phối hợp với các Fintech sử dụng công nghệ mới trong phân tích dữ liệu, đánh giá điểm tín dụng khách hàng nhưng khi triển khai thì các ngân hàng vẫn phải sử dụng các quy định điểm tín dụng nội bộ để phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

Hiện nay, nhiều ngân hàng mới chỉ triển khai thanh toán trên nền tảng số, trong khi ứng dụng ngân hàng số rất nhiều nghiệp vụ như bảo lãnh, cho vay, quản lý tài sản, công nghệ bảo hiểm, công nghệ kiểm soát tài chính (regtech)… Nên nếu triển khai đúng nghĩa “ngân hàng số” thì còn nhiều dư địa phát triển cho các ngân hàng bứt phá. Song để khai thác hiệu quả dư địa, ngân hàng nắm rõ những thách thức và cơ hội, lựa chọn chiến lược một cách đúng đắn, khôn ngoan để tối ưu hoá điểm mạnh của mình sẽ tạo bứt phá trong kinh doanh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top