Trong các đợt giảm lãi suất cho vay thời gian qua, các ngân hàng thương mại Nhà nước luôn đi đầu và lần này cũng không phải ngoại lệ. BIDV vừa cho biết, ngân hàng này dành tới 100.000 tỷ đồng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh như: mua nhà... với lãi suất từ 10,3%/năm trong 12 tháng đầu. Cụ thể, BIDV dành khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh như mua nhà, ô tô, tiêu dùng của khách hàng cá nhân với lãi suất từ 10,3%/năm trong 12 tháng đầu tiên hay 10,9%/năm trong 18 tháng giải ngân đầu cho khách hàng vay mua nhà ở.
Ngoài ra, áp dụng giảm thêm 0,2 - 0,4% cho khách vay mua nhà đáp ứng một số điều kiện như trả lương qua BIDV, mua nhà tại Hà Nội, TP.HCM.
Mới đây, Agribank cho biết, những khách hàng có dư nợ vay bất động sản tại thời điểm từ 31/1/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế sẽ được Agribank xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất.
Cụ thể, khoản vay kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ. Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến ngày 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh từ ngày 31/1/2023 đến hết ngày 31/12/2024…
Như vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và NHNN trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, các ngân hàng lớn đã có động thái giảm lãi suất cho vay với lĩnh vực bất động sản.
Ngoài lĩnh vực bất động sản, nhiều lĩnh vực kinh doanh khác cũng đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía ngân hàng.
Một ngân hàng lớn khác là VietinBank vừa thông báo dành 10.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023 vay với lãi suất vay từ 7%/năm cho kỳ hạn vay 6 tháng.
Không chỉ nhóm ngân hàng thương mại lớn, nhiều NHTMCP cũng có xu hướng giảm lãi suất vay. Đơn cử như MB triển khai chương trình ưu đãi lãi suất chỉ từ 8,5%/năm đối với khách hàng cá nhân kinh doanh, sản xuất. Trước đó, nhiều ngân hàng thương mại khác như Techcombank, Sacombank, SeABank, Bản Việt… cũng đã công bố các gói tín dụng ưu đãi lãi suất với mức giảm từ 1 - 2 điểm % so với lãi suất thông thường. LienVietPostBank cũng triển khai gói ưu đãi lớn nhằm tối ưu chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.
Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cũng thừa nhận rằng, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Một trong những yếu tố tác động đến tăng trưởng tín dụng chậm thời điểm này là vấn đề lãi suất còn cao. Hiện tại ngân hàng đang có chương trình ưu đãi lãi suất nhất định hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tín dụng. Trong đó chính sách lãi suất khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập, NNNT và một số lĩnh vực ưu tiên khác.
Với sự tích cực giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng nhất là các ngân hàng lớn, các chuyên gia kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ bớt căng thẳng thời gian tới. Tuy vậy, trong bối cảnh lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới có khả năng tiếp tục tăng, mức hạ lãi suất trong nước thời gian tới có thể chưa đạt như kỳ vọng của doanh nghiệp. Các ngân hàng muốn hạ lãi suất phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Thanh khoản, lạm phát…
“Thực tế, các ngân hàng rất muốn giảm thêm lãi suất cho vay vì nếu lãi suất tăng cao thì ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng, nguy cơ nợ xấu của ngân hàng cũng tăng cao. Tuy vậy, mức độ giảm lãi vay cần phải tính toán kỹ, tùy thuộc vào mức giảm lãi suất huy động cũng như đặt trong bối cảnh Fed có thể sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất thời gian tới”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích thêm.
Ở góc độ cơ quan quản lý, mới đây NHNN đã ban hành văn bản 953 yêu cầu đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các địa phương, đồng thời tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tại văn bản này, Thống đốc NHNN yêu cầu đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, trong tháng 2/2023 triển khai ngay việc tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn theo hình thức phù hợp để đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng và khách hàng; nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý tháo gỡ.
Đối với các TCTD, Thống đốc NHNN yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nội dung kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Bên cạnh đó, chỉ đạo các chi nhánh của TCTD tham gia đầy đủ các Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại địa phương; chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật... Theo yêu cầu của Thống đốc, các TCTD cũng phải thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh (điện thoại, email), kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; yêu cầu các chi nhánh TCTD có trách nhiệm xử lý, trả lời rõ ràng về ý kiến của TCTD đối với việc cấp tín dụng cho từng trường hợp cụ thể...
Ngay sau khi có chỉ đạo của Thống đốc, các địa phương cũng ngay lập tức triển khai với mong muốn doanh nghiệp, người dân tiếp cận ngân hàng một cách nhanh nhất. Ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Phú Yên nhấn mạnh, NHNN chi nhánh luôn thường trực đường dây nóng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tiếp cận vốn kịp thời với chi phí hợp lý. Qua đó giúp doanh nghiệp và người dân duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế không chỉ năm 2023 và những năm tiếp theo.