Aa

Ngân hàng vẫn khó bán bất động sản để thu hồi nợ

Thứ Sáu, 16/09/2022 - 17:50

Việc chào bán tài sản đảm bảo là bất động sản để thu hồi nợ của các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn do thị trường nhà đất thanh khoản yếu.

Đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42

Nợ xấu tại các ngân hàng có xu hướng tăng do đại dịch Covid-19 bùng phát trong hơn hai năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng trả nợ của khách hàng. Trong khi đó, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN đã kết thúc từ ngày 30/6 vừa qua. TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, các ngân hàng đang chịu rất nhiều áp lực về nợ xấu trong những tháng cuối năm sau khi quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chấm dứt từ cuối tháng 6 vừa qua.

Tuy nhiên một tin vui là Quốc hội đã kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đến hết năm 2023. Thống đốc NHNN mới đây cũng đã có văn bản số 5962/NHNN-TTGSNH yêu cầu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các TCTD tiếp tục triển khai và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Giá nhà đất tăng nhưng thị trường giao dịch thấp - Ảnh minh họa.

Theo nội dung văn bản, ngày 16/6/2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 thống nhất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết, NHNN yêu cầu các TCTD, VAMC tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về xử lý nợ xấu theo Nghi quyết số 42 đã được phân công tại Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 và các văn bản chỉ đạo của NHNN có liên quan đến việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 42 trong thời gian Nghị quyết được kéo dài.

Cùng với đó, tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Chính quyền địa phương, cơ quan công an, Thi hành án dân sự, cơ quan thuế, Tòa án các cấp và các cơ quan liên quan để thực thi có hiệu quả các chính sách tại Nghị quyết 42, đặc biệt là các chính sách về thu giữ tài sản đảm bảo (Điều 7), áp dụng thủ tục rút gọn trong tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án (Điều 8), thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 12, Điều 15), các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (Điều 9, Điều 15).

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về xử lý nợ theo Nghị quyết 42 trong nội bộ và đến khách hàng hiện đang có nợ xấu tại TCTD để khách hàng hiểu rõ quyền của TCTD trong việc xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm và trách nhiệm trả nợ của khách hàng.

Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các TCTD và VAMC tăng cường phối hợp trong việc triển khai các hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu đối với các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt và mua theo giá thị trường nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42…

Khó bán tài sản bảo đảm là bất động sản

Trên thực tế, thời gian qua các ngân hàng cũng rất tích cực xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Theo NHNN Việt Nam, tính đến cuối năm 2021, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống các TCTD là 412,7 nghìn tỷ đồng, giảm 6,23% so với cuối năm 2020 và giảm 17,21% so với ngày 14/8/2017 (thời điểm trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực thi hành). Lũy kế từ 15/8/2017 (là khi Nghị quyết 42 có hiệu lực thi hành) đến 31/12/2021, các TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Nhận thức rõ áp lực nợ xấu dưới tác động của đại dịch Covid-19, thời gian qua các TCTD đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro để có nguồn xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó các TCTD cũng tích cực xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Tuy nhiên, do tài sản bảo đảm nợ tại các ngân hàng đa phần là bất động sản, trong khi thanh khoản của thị trường yếu đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của các ngân hàng. Không ít tài sản bảo đảm trải qua nhiều lần đấu giá mà vẫn không thành công.

Chẳng hạn BIDV chi nhánh Bình Tân đang thực hiện đấu giá lần 3 đối với quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại 2791 Huỳnh Tấn Phát, ấp 6, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM (số nhà cũ: 83/1 ấp 6, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM) với giá khởi điểm là 19,062 tỷ đồng; trong khi mức giá khởi điểm đấu giá lần 2 cách đây gần 1 tháng của tài sản này là 21,18 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BIDV Bình Tân cũng thực hiện đấu giá lần 2 đối với quyền sử dụng đất Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất địa chỉ 195 Đường TTN 1A, khu phố 5, Phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TP.HCM với giá khởi điểm là 12,578 tỷ đồng; thấp hơn so với mức giá khởi điểm trong lần đấu giá đầu tiên gần 1,4 tỷ đồng.

Tương tự, mới đây Sacombank cũng thông báo bán đấu giá 19 căn hộ nằm trong dự án Xi Grand Court, quận 10, TP.HCM với giá khởi điểm 79 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với thời điểm rao bán cách đây hai năm…

Giám đốc Công ty mua bán nợ (AMC) một ngân hàng cho biết, hai năm qua dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn bết bát, mặc dù ngân hàng đã cơ cấu lại nợ vay nhưng chưa hết khó khăn. Có những doanh nghiệp nợ bị nhảy sang nhóm 3 nên hai bên thỏa thuận bán bớt tài sản đảm bảo nợ vay trả nợ ngân hàng. Mặc dù giá nhà đất tăng, nhưng thị trường không có thanh khoản, nên việc bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ gặp rất nhiều khó khăn.

Lãnh đạo một ngân hàng tại TP.HCM cũng cho rằng, tài sản bảo đảm nợ vay của các ngân hàng hiện nay có đến hơn 90% là bất động sản. Trong khi thị trường nhà đất thời gian qua giao dịch ảm đạm đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top