Aa

Ngăn ngừa rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Thứ Hai, 22/11/2021 - 11:05

Rủi ro trên thị trường TPDN là khá lớn khi các tổ chức phát hành trái phiếu chưa được xếp hạng tín nhiệm, thiếu minh bạch; thậm chí nhiều loại TPDN không có tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán...

Với cơ quan quản lý, việc siết hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm ngăn ngừa rủi ro, đảm bảo sự an toàn cho các TCTD và cả hệ thống là phù hợp và cần thiết.

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường đạt trên 1.100 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2020, tổng giá trị phát hành đạt 437.689 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2019.

Trước sự tăng nóng của thị trường TPDN, nhất là khi lượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ tham gia ngày càng đông, thời gian gần đây đã có nhiều cảnh báo từ phía các cơ quan quản lý về những rủi ro đối với các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia mua bán TPDN. Thậm chí Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP (chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021) siết chặt hơn điều kiện phát hành TPDN theo hình thức riêng lẻ. Tuy nhiên lượng phát hành TPDN vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp việc đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Thông tư số 16 quy định TCTD chỉ được mua TPDN khi TCTD đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%
Thông tư số 16 quy định TCTD chỉ được mua TPDN khi TCTD đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%

Cụ thể theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2021 có tới 723 đợt phát hành TPDN trong nước, trong đó có 705 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị đạt 422.450 tỷ đồng (chiếm 96%), tăng khoảng 27% so với cùng kỳ 2020.

Trước những lo ngại về rủi ro gia tăng, ngày 10/11/2021 vừa qua, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/06/2016 quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua TPDN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN ngày 18/06/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN.

Một trong những quy định mới tại Thông tư số 16 là TCTD chỉ được mua TPDN khi TCTD đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua TPDN.

Thông tư 16 cũng quy định về những trường hợp TCTD không được mua TPDN. Thứ nhất, TCTD không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành. Thứ hai, TCTD không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Thứ ba, TCTD không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.

Trao đổi về vấn đề này, một chuyên gia tài chính cho rằng, rủi ro trên thị trường TPDN là khá lớn khi các tổ chức phát hành trái phiếu chưa được xếp hạng tín nhiệm, thiếu minh bạch; thậm chí nhiều loại TPDN không có tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán... Nên với cơ quan quản lý, việc siết hoạt động mua, bán TPDN của các TCTD nhằm ngăn ngừa rủi ro, đảm bảo sự an toàn cho các TCTD và cả hệ thống là phù hợp và cần thiết.

Trong nhiều lần chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng bày tỏ lo ngại việc nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu ba không (không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán) với số lượng rất lớn là cực kỳ đáng báo động, hệ luỵ khi xảy ra rủi ro có thể lây lan cho cả hệ thống tài chính tiền tệ, chứ không riêng gì nhà đầu tư.

Trên thực tế có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đã phát hành trái phiếu để huy động vốn thanh toán nợ cho nhà băng. Nhưng nếu các ngân hàng mua trái phiếu này thì rủi ro là quá rõ ràng, vì đây chỉ là hình thức đảo nợ xấu thành nợ tốt. Phân tích của SSI research cũng chỉ ra rằng, trong ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ đến từ các doanh nghiệp này là chưa nhiều khi thời điểm đáo hạn sẽ rơi nhiều vào năm 2023 - 2024. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện tại sẽ đẩy nhanh nguy cơ vỡ nợ từ các doanh nghiệp này khi không thể kiểm soát được dòng tiền khiến dòng tiền bị mất cân đối.

Đối với nhà đầu tư, chuyên gia cho rằng, phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định lựa chọn mua trái phiếu nào. Tiềm ẩn rủi ro là rất lớn nếu như nhà đầu tư không tìm hiểu các thông tin xếp hạng tín nhiệm của tổ chức phát hành và không có thông tin để sàng lọc, đánh giá rủi ro…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top