Nghệ An: Sẵn sàng tâm thế đón dòng vốn đầu tư mới

Nghệ An: Sẵn sàng tâm thế đón dòng vốn đầu tư mới

Nguyễn Thương
Nguyễn Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Hà Lam
Hà Lam lienlien.media@gmail.com
Thứ Tư, 09/11/2022 - 06:31

Từ một tỉnh khá mờ nhạt trong vấn đề thu hút đầu tư, Nghệ An đã trở thành điểm đến mới của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao có quy mô hàng trăm triệu USD và tiếp tục được mở rộng. 

Sự quan tâm của các tập đoàn kinh tế lớn vào Nghệ An với những cam kết đồng hành trong dài hạn là kết quả của những nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới tư duy, quan điểm và cải cách môi trường đầu tư của chính quyền tỉnh Nghệ An thời gian qua.

Đến thời điểm hiện tại, Nghệ An sẵn sàng là điểm kết nối, đón làn sóng dịch chuyển đầu tư trong và ngoài nước về với Tỉnh. Đây cũng chính là tiền đề để Nghệ An có thể biến những tiềm năng thành lợi thế để bứt phá, vươn mình thành tỉnh khá với những bước phát triển manh mẽ về kinh tế - xã hội trong tương lai gần. 

****************

Từ đầu năm nay đến hết tháng 9/2022, lần đầu tiên Nghệ An luôn nằm trong Top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm đạt 605,42 triệu USD, đứng đầu khu vực Trung bộ và duyên hải miền Trung. Trong đó, Tập đoàn Goertek là một trong những nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Nghệ An với tổng số vốn lên đến 500 triệu USD. 

“Ban đầu chúng tôi không tin rằng chỉ trong 10 - 15 ngày đã có thể hoàn thành các thủ tục cho các dự án rất lớn để chính thức đầu tư vào Nghệ An”, ông Yoshinaga Kazuyoshi, Tổng giám đốc Công ty Goertek Vina (Tập đoàn Goertek) nhận xét và cho biết, tiến độ triển khai dự án đang được đảm bảo, dự kiến vào đầu năm 2023 sẽ đưa vào vận hành sản xuất.

Định hướng phát triển trong vòng 5 năm tới, Tập đoàn Goertek quyết định chọn Việt Nam để mở rộng cứ điểm sản xuất, trong đó Nghệ An là một trong những địa điểm quan trọng được lựa chọn để tập trung rót vốn đầu tư. 

Sự xuất hiện của những “đại bàng” FDI đã tạo động lực cho một làn sóng thu hút đầu tư mới tại Nghệ An. Mặt khác, chính sự mở đường của các nghị quyết, sự đột phá trong công tác quy hoạch… là bước đệm quan trọng để Nghệ An đón đầu những cơ hội phát triển bền vững. 

Đi sâu vào câu chuyện này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An. 

PV: Hiện, Nghệ An đã đặt chân vào Top 10 địa phương thu hút vốn FDI tốt nhất cả nước. Xin ông chia sẻ thêm về tình hình thu hút đầu tư và những mục tiêu, quan điểm trong vấn đề thu hút, lựa chọn nhà đầu tư của Tỉnh? 

Ông Hồ Việt Dũng:  Trong những năm gần đây, với quyết tâm và nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An đã có nhiều khởi sắc và đạt kết quả rất tích cực. Giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh thu hút được 739 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 107.000 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, đã cấp mới 83 dự án, điều chỉnh vốn cho 30 lượt dự án, với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm trên 32.000 tỷ đồng. 

Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có xu hướng tăng nhanh, được nhiều nhà đầu tư có thương hiệu quan tâm, quy mô của các dự án ngày càng lớn, đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Nghệ An lần đầu tiên lọt vào Top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước. Tính từ năm 2019 đến nay, tỉnh Nghệ An đã thu hút được hơn 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 4 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ, như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT với tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD.

Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An tiếp tục xác định thu hút đầu tư là một trong những giải pháp trọng tâm, trọng điểm nhằm huy động được nguồn lực từ bên ngoài để tạo sự đột phá phát triển cho tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 235/QĐ-UBND ngày 24/01/2022 phê duyệt Đề án Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 thu hút được 550 - 600 dự án với tổng mức đầu tư 130.000 - 150.000 tỷ đồng. 

Quan điểm xuyên suốt của tỉnh Nghệ An là thu hút đầu tư có chọn lọc trên cơ sở chất lượng, hiệu quả dự án, đặc biệt là phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực thực sự, có khả năng triển khai thực hiện dự án theo đúng cam kết; hạn chế các nhà đầu tư vào với mục đích giữ đất. Hiện tại, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An đang mưu với UBND tỉnh, báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xử lý các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đặc biệt là dự án ngoài ngân sách với mục tiêu là xử lý dứt điểm những tồn tại trước đây của các dư án chậm tiến độ, kém chất lượng. Đây sẽ là bước ngoặt để nâng cao khả năng thu hút đầu tư của tỉnh. Bởi nếu không xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, dự án kém thì sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư của tỉnh. 

Bên cạnh đó, Tỉnh đã có quyết định thành lập các đoàn kiểm tra dự án chậm tiến độ trong năm 2022 do lãnh đạo 3 sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường làm trưởng đoàn. Trên cơ sở kết quả của các đoàn kiểm tra, Tỉnh sẽ xem xét thấu đáo những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những hạn chế, tồn tại của các dự án. Và trên quan điểm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, Tỉnh có thể gia hạn tiến độ thực hiện dự án nhưng cũng khẳng định xử lý dứt điểm những dự án cố tình chây ì, không thực hiện dự án đã được cấp phép, hoặc dự án mà chủ đầu tư không có khả năng thực hiện. 

PV: Để có được những kết quả đột phá như trên, phải chăng tư duy, quan điểm thu hút đầu tư của Tỉnh đã có những thay đổi so với trước đây? 

Ông Hồ Việt Dũng:  Nghệ An hiện nay đã có thể thu hút được những dự án có tổng mức đầu tư từ 100 triệu USD trở lên. Giai đoạn vừa qua, có dự án đạt 200 triệu USD và sau đó tăng vốn lên thành 500 triệu USD. Dự án này kéo theo 15 - 20 nhà đầu tư thứ cấp. Để có được những tín hiệu sáng như vậy đúng là nhờ bước đột phá về tư duy, chiến lược thu hút đầu tư của Tỉnh trong thời gian qua. 

Trước đây, hàng năm Tỉnh đều tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư nhưng sau đó, một phần do tác động của dịch Covid-19 nên không tổ chức nữa. Theo đó, lãnh đạo Tỉnh đã có chỉ đạo phải “bám sát, bám chặt” nhà đầu tư, tìm hiểu nhà đầu tư có những thế mạnh gì, có phù hợp với Nghệ An hay không và có thể nói là tìm đến tận “hang ổ” của “đại bàng” để trực tiếp đặt vấn đề, thuyết phục, đón “đại bàng” về. Khi nhà đầu tư đã đến với Tỉnh thì tạo mọi điều kiện, xử lý nhanh nhất về vấn đề thủ tục, tạo sự vững chắc về pháp lý cho các dự án đầu tư để khơi thông nguồn lực, tháo gỡ mọi vướng mắc cho dự án nhanh chóng đi vào triển khai, xây dựng. Tránh tình trạng như trước đây, mời gọi đầu tư thì rất nhanh, nhưng việc xử lý những tồn tại, vướng mắc khi nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn thì rất chậm, hoăc gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, lãnh đạo Tỉnh cũng chỉ đạo các sở ngành chuyên môn cũng như các địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng hệ thống dữ liệu thông tin về đất đai và các dữ liệu liên quan để khi nhà đầu tư cần có thể cung cấp ngay.

PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về sự sẵn sàng trong tâm thế thu hút đầu tư của Tỉnh để có thể tiếp tục đặt kỳ vọng vào hiệu quả đột phá của công tác này? 

Ông Hồ Việt Dũng: Để chủ động nắm bắt cơ hội thu hút đầu tư, Nghệ An chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch để định hướng rõ ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu tiên thu hút đầu tư; tập trung ưu tiên thu hút vốn FDI, trong đó xác định ưu tiên xúc tiến, thu hút đầu tư từ các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc.

Lãnh đạo Tỉnh đã đặt ra 5 nhiệm vụ hay còn gọi là “5 sẵn sàng” để “dọn tổ” đón đại bàng, thu hút nhà đầu tư đến với Nghệ An. 

Thứ nhất là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư: Nghệ An đã và đang thúc đẩy, hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; hoàn thành đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp hiện hữu; sẵn sàng về quy hoạch và các điều kiện để phát triển thêm các khu công nghiệp mới. Đến năm 2025, tỉnh Nghệ An bảo đảm có đủ quỹ đất khu công nghiệp, mặt bằng sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại với tổng diện tích khoảng 2.000ha trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp để đón nhận nhà đầu tư.

Thứ hai là sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu: Hiện Tỉnh đang tập trung huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng trọng yếu như: Dự án xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để sớm hoàn thành Dự án đường cao tốc Bắc - Nam.

Thứ ba là sẵn sàng về nguồn nhân lực: Với hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, Nghệ An luôn sẵn sàng cung cấp hằng năm khoảng 45.000 lao động, trong đó có 30.000 lao động đã qua đào tạo; hệ thống đào tạo nghề đa ngành, đa lĩnh vực với 17 trường đại học, cao đẳng và 70 cơ sở đào tạo nghề.

Thứ tư là sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng “Một cửa tại chỗ”, “Một đầu mối”, thủ tục đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi; xây dựng tinh thần chính quyền phục vụ, lấy thước đo niềm tin, sự hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư là mục tiêu cốt lõi để thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội của Tỉnh.

Thứ năm là sẵn sàng hỗ trợ: Các dự án đầu tư vào Nghệ An đều được quan tâm hỗ trợ từ khi nghiên cứu khảo sát, cấp phép triển khai, đi vào hoạt động và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, Tỉnh kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư.

PV: Đâu là lĩnh vực mà tỉnh đang chú trọng thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay?

Ông Hồ Việt Dũng: Việc thu hút đầu tư đã và sẽ tập trung vào một số lĩnh vực lĩnh vực phát huy được tiềm năng lợi thế của tỉnh, các dự án có tính đột phá, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh như: Phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu; hạn chế và giảm dần các lĩnh vực gia công, sử dụng tiêu tốn nhiều tài nguyên. Đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch chất lượng cao. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án nông nghiệp có quy mô lớn, chế biến sâu, hình thành chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao theo hướng hiện đại có hiệu quả cao và bền vững.

Trong nhiệm kỳ này, lãnh đạo tỉnh Nghệ An xác định thu hút đầu tư là nhiệm vụ quan trọng, và để đạt được mục tiêu thì trước hết phải có những dữ liệu về đất đai, lao động một cách rõ ràng và minh bạch nhất, sau đó lựa chọn những nhà đầu tư có kế hoạch cụ thể và phù hợp với các mục tiêu, điều kiện phát triển của tỉnh nhà. 

Nhãn

PV: Việc gia tăng thu hút FDI vào các khu kinh tế, khu công nghiệp đã kéo theo sự thay đổi về kinh tế - xã hội của Nghệ An ra sao, thưa ông? 

Ông Hồ Việt Dũng: Các dự án khu công nghiệp của các nhà đầu tư lớn đều có diện tích lớn, trong đó có quy hoạch khu ở cho cán bộ, chuyên gia, người lao động cùng các hạ tầng tiện ích đi kèm như trạm y tế, nhà trẻ, khu vui chơi... Ngoài ra, Tỉnh cũng đã tập trung thu hút các nhà đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp. Đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu của tỉnh, bởi người lao động có việc làm và ổn định chỗ ở thì mới gắn bó với nhà máy, với tỉnh lâu dài hơn. 

Song song với việc thu hút các nhà máy sản xuất công nghiệp, tỉnh cũng thu hút những dự án phát triển các khu đô thị gắn liền để tạo ra sự phát triển đồng bộ, bền vững, đồng thời tăng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Nghệ An. Một số tập đoàn FDI đã cam kết cùng với Tỉnh làm sao để tạo ra bước nhảy vọt về thu hút đầu tư, đóng góp vào ngân sách Tỉnh.

PV: Nhìn lại hành trình phát triển đã qua, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, Nghệ An đã từng bước vươn lên và có sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Xin ông chia sẻ về những lợi thế, tiềm năng làm nên bản sắc riêng của tỉnh Nghệ An để có thể định vị trở thành một tỉnh khá, một điểm sáng tăng trưởng của Bắc Trung Bộ và cả nước trong tương lai? 

Ông Hồ Việt Dũng: Nghệ An là vùng đất "địa linh, nhân kiệt" có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng; là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà cách mạng tiền bối, danh nhân, chí sỹ yêu nước, có truyền thống hiếu học, cần cù, đoàn kết. 

Nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, trên tuyến giao lưu Bắc - Nam của cả nước và hành lang Đông - Tây, Nghệ An kết nối thuận lợi với nước CHDCND Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan; hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không (Cảng hàng không quốc tế Vinh, công suất khai thác 2,5 - 3 triệu hành khách/năm), đường biển (với hệ thống cảng Cửa Lò, cảng The Vissai, cảng Đông Hồi, cảng xăng dầu DKC,...) và đường thuỷ nội địa. 

Là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 16.486,5km2. Địa hình phong phú, đa dạng với ba vùng sinh thái: Miền núi cao, miền núi thấp, đồng bằng ven biển. Tài nguyên thiên nhiên phong phú; diện tích rừng rộng lớn, độ che phủ cao (58,41%); có Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tài nguyên du lịch thiên nhiên của Nghệ An đa dạng, phong phú với bờ biển dài 82km, nhiều bãi biển đẹp và hấp dẫn du khách (như: Cửa Lò, Bãi Lữ, Diễn Thành, Cửa Hiền, Biển Quỳnh,...); nhiều ngọn núi, hang động, thác nước đẹp, hùng vĩ (như: Cổng trời Mường Lống, đỉnh Puxailaileng, Hang Bua, thác Khe Kèm, thác Sao Va, thác Bảy tầng,…). Hệ thống di tích lịch sử, văn hoá phong phú về số lượng và thể loại với hơn 2.602 di tích, danh thắng, trong đó 05 di tích quốc gia đặc biệt, 145 di tích quốc gia, 321 di tích cấp tỉnh; 07 lễ hội là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia; 03 bảo vật quốc gia. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Diện mạo TP. Vinh ngày càng khang trang hơn. (Ảnh: Anh Ngọc)

Dân số toàn tỉnh hiện có trên 3,4 triệu người, đứng thứ 4 cả nước, trong đó lực lượng lao động chiếm trên 1,6 triệu người. Trên địa bàn Tỉnh có 06 trường đại học (trong đó Trường Đại học Vinh là đại học trọng điểm quốc gia), 09 trường cao đẳng và nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề. Nghệ An là trung tâm giáo dục - đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, nơi cung cấp nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng cho đầu tư, phát triển và là thị trường lớn cho mọi hàng hoá, dịch vụ... 

Những tiềm năng, lợi thế trên đã tạo điều kiện cho Nghệ An phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là nông nghiệp, kinh tế rừng; kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ thương mại, du lịch văn hóa lịch sử, nghỉ dưỡng biển và du lịch sinh thái cộng đồng. 

Bên cạnh đó, Nghệ An luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Ngày 13/11/2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, là tiền đề rất lớn để định hướng, tạo động lực giúp tỉnh phát triển tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng. 

PV: Nghị quyết 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Nghệ An đã mở ra những cơ hội gì cho Tỉnh và Tỉnh có những giải pháp gì để tận dụng tối đa những cơ chế, chính sách đặc thù này trong việc thực hiện các mục tiêu, chiến lược phát triển thời gian tới, thưa ông? 

Ông Hồ Việt Dũng: Nghị quyết 36/2021/QH15 quy định 6 chính sách cụ thể thuộc 3 lĩnh vực gồm: (i) Quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước (03 chính sách); (ii) Quản lý rừng, đất đai (02 chính sách); (iii) Quản lý quy hoạch (01 chính sách). Đối với tỉnh Nghệ An, đây là Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cụ thể: 

Thứ nhất, giúp Tỉnh có thêm nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các cơ chính sách phát triển, qua đó tiếp thêm động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, cũng như các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX đã đề ra. 

Thứ hai, tác động tích cực đến công tác thu hút đầu tư của tỉnh, nhất là việc phân cấp phân quyền trong quản lý rừng, đất đai, quy hoạch sẽ giúp tỉnh tăng tính chủ động, tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư so với quy định hiện nay. Từ đó tạo môi trường thông thoáng cho địa phương để thu hút các dự án đầu tư động lực trên địa bàn tỉnh, thời gian thực hiện thủ tục nhanh hơn để sớm phát huy hiệu quả đầu tư.

Để phát huy hiệu quả cao nhất các cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành, đưa các cơ chế chính sách đi vào cuộc sống và phát huy tối đa hiệu quả của các chính sách, tỉnh Nghệ An xác định công tác triển khai thực hiện là hết sức quan trọng. Do vậy, ngay sau khi được Quốc hội ban hành Nghị quyết, tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương, báo cáo Chính phủ cụ thể hóa thành các văn bản liên quan (các Quyết định số 10/2022/QĐ-TTg ngày 06/4/2022, số 14/2022/QĐ-TTg ngày 25/5/2022 và số 15/2022/QĐ-TTg ngày 27/5/2022) để có cơ sở triển khai thực hiện. 

Đồng thời, Tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, giải pháp, phân công nhiệm vụ cho các ngành và địa phương triển khai thực hiện để phát huy tối đa hiệu quả của từng cơ chế, chính sách; trong đó, sẽ tập trung rà soát, ưu tiên nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa cao để tháo gỡ các nút thắt hiện nay, nhất là về kết cấu hạ tầng.

PV: Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đang được tỉnh triển khai hoàn thiện có những điểm nhấn trọng tâm nào, thưa ông? 

Ông Hồ Việt Dũng: Dự thảo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới mục tiêu xây dựng Nghệ An phát triển toàn diện, trở thành tỉnh khá của cả nước; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững; là trung tâm về thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, thực sự là động lực phát triển quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; văn hóa và con người Nghệ An phát triển đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển của đất nước và mang bản sắc xứ Nghệ; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.

Đồng thời, đưa ra các định hướng phát triển trọng tâm của tỉnh gồm:

Thứ nhất, hai khu vực động lực tăng trưởng kinh tế là thành phố Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An (mở rộng). 

Thứ hai, thực hiện ba đột phá chiến lược: Hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người Nghệ An.

Thứ ba, phát triển bốn hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế ven biển phía Đông (gắn với trục Quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam, đường ven biển, đường sắt quốc gia) phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao; Dịch vụ tổng hợp và các ngành kinh tế biển; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái; hành lang kinh tế Quốc lộ 7 phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; phát triển du  lịch sinh thái, mạo hiểm, du lịch cộng đồng; hành lang kinh tế Quốc lộ 48A phát triển lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khai thác và chế biến khoáng sản.

Thứ tư, đẩy mạnh năm lĩnh vực trụ cột phát triển: Phát triển công nghiệp, trọng điểm là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; phát triển thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao; phát triển du lịch dựa trên 3 trọng tâm: Du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và thể thao biển; du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với cộng đồng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Thứ năm, xây dựng Sáu trung tâm đô thị: Thành phố Vinh mở rộng là trọng tâm; Thành phố Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu); Thành phố Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn); Thị xã Diễn Châu; Thị xã Đô Lương; Đô thị sinh thái Con Cuông.

PV: Với đường bờ biển dài 82km, Nghệ An được đánh giá là địa phương đi đầu và có nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế biển. Thưa ông, trong giai đoạn tới, Nghệ An đang có những giải pháp gì để triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam, đặc biệt là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?

Ông Hồ Việt Dũng: Với vị trí địa lý kinh tế - chính trị thuận lợi, vùng biển và ven biển của Nghệ An được xem là cửa ngõ, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế biển không những của tỉnh Nghệ An mà cả khu vực Bắc Trung Bộ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Để triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam, đặc biệt là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 512/KH-UBND ngày 09/9/2020 để tập trung chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, dự kiến cuối năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về nâng cao hiệu quả thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tiếp tục tiếp tục xác định phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm, với các ngành kinh tế biển cần tập trung chỉ đạo theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Công nghiệp ven biển; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Khai thác khoáng sản biển; (6) Các hoạt động kinh tế biển khác. Đồng thời, xác định phát triển du lịch, kinh tế hàng hải và công nghiệp ven biển là các lĩnh vực đột phá; khu kinh tế Đông Nam (mở rộng) làm lãnh thổ trọng điểm cho phát triển kinh tế biển; thực hiện hợp tác vùng và hợp tác quốc tế là đòn bẩy để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.

Để thực hiện mục tiêu đưa kinh tế biển tỉnh Nghệ An đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; xây dựng tỉnh Nghệ An trở thành địa phương biển mạnh của vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau: 

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững kinh tế biển, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện, quản lý và thực hiện các chiến lược quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo phát huy các tiềm năng, lợi thế của vùng biển, ven biển. Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương gắn với xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh để huy động và phát huy các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, các ngành kinh tế biển. 

Bà là, đẩy mạnh ứng dụng, nghiên cứu khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển. Chú trọng và khuyến khích các hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới, nhất là trong nuôi trồng, khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy hải sản phục vụ phát triển kinh tế biển bền vững. 

Bốn là, quan tâm bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống tiên tai; tăng cường điều tra cơ bản biển, đảo. Đẩy mạnh việc chuyển đổi, tái cơ cấu các ngành nghề phù hợp với vùng biển đảo nhằm nâng cao thu nhập, tạo việc làm, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, an cư lập nghiệp cho người dân vùng ven biển.

Năm là, đẩy mạnh mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác về biển; huy động nguồn lực, khuyến khích phát triển mọi thành phần kinh tế, xây dựng các tập đoàn kinh tế biển mạnh. Tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, trên biển, vùng ven biển gắn với các hoạt động bảo đảm chủ quyền biển, đảo.

Nghệ An xác định rõ chiến lược đầu tư hạ tầng sẽ là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Nghệ An và trực tiếp là vào Khu kinh tế Đông Nam. (Ảnh: Mạnh Cường)

PV: Xác định hạ tầng giao thông phải là bước đột phá phải làm bằng được trong quá trình thực hiện các mục tiêu quy hoạch, Nghệ An đã và đang có những kế hoạch cụ thể nào để giải quyết nút thắt về hạ tầng?

Ông Hồ Việt Dũng: Đầu tư hạ tầng là một trong 3 mũi đột phá của tỉnh trong giai đoạn trước cũng như giai đoạn này. Nghệ An xác định rõ chiến lược đầu tư hạ tầng sẽ là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Nghệ An và trực tiếp là vào Khu kinh tế Đông Nam.
Trong nhiệm kỳ này, vốn đầu tư công đã được tập trung hơn nhiều so với giai đoạn trước và chú trọng vào những công trình trọng điểm, có tính lan tỏa vùng và kết nối địa phương này với địa phương khác. 

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ với một số công trình hiện đại, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững như: Hoàn thành đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ, đường tỉnh; đường ven biển Nghi Sơn đến Cửa Lò, đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò giai đoạn II, đường nối Quốc lộ 7C với đường Hồ Chí Minh, tuyến đường Cửa Lò - Nam Đàn...; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn qua Nghệ An), tuyến cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (đoạn qua Nghệ An); tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam...

Thực hiện nâng cấp, mở rộng Khu bến cảng Cửa Lò, một số bến cảng Đông Hồi đáp ứng cho các tàu tổng hợp, container có tải trọng lớn từ 30.000 - 50.000 DWT và trên 50.000 DWT; nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh đạt cấp 4E. Ưu tiên và đa dạng các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh hình thức đối tác công - tư để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, có tính kết nối cao, lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cảng nước sâu và sân bay Vinh.

PV: Với những mục tiêu và giải pháp chiến lược đã đặt ra, ông hình dung như thế nào về bức tranh phát triển của Nghệ An trong tương lai? 

Ông Hồ Việt Dũng: Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy rằng, nhiệm kỳ 2021 - 2025, Nghệ An sẽ hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra, tiếp tục có sự khởi sắc về thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một tỉnh khá trong khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Bởi nhiều nhà đầu tư lớn đang sẵn sàng đồng hành cùng với tỉnh để tiếp tục mời chào những nhà đầu tư mới đến với Nghệ An. Đồng thời các huyện không nằm trong khu kinh tế cũng đang chủ động đầu tư các cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư khác vào các khu vực có lợi thế. Tỉnh cũng đang tập trung trình Chính phủ mở rộng khu kinh tế Đông Nam và thêm một số khu công nghiệp để kêu gọi các nhà đầu tư cùng với tỉnh triển khai xây dựng hạ tầng. 

Cơ hội đang rất rộng mở với Nghệ An khi đây là thời điểm tốt nhất để thu hút vốn FDI sau tác động của đại dịch. Tuy nhiên, Nghệ An cũng đang phải cạnh tranh với nhiều tỉnh thành khác với những lợi thế so sánh khác nhau và để không tuột mất cơ hội, Tỉnh sẽ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để kịp thời đón được dòng vốn đầu tư. Trong đó, việc giữ chân, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lớn đồng hành với Tỉnh chính là kênh truyền thông hiệu quả nhất trong việc mời gọi các nhà đầu tư tiếp theo đến với Nghệ An. 

Hiện, Nghệ An là một trong những địa phương có khả năng cạnh tranh nhất về giá thuê đất trong khu kinh tế, bởi giá đang rất thấp so với các địa phương lân cận cũng như các địa phương ở phía Bắc và phía Nam. Nghệ An cũng có nguồn lao động dồi dào - mỗi năm có thêm 35 - 40 nghìn lao động mới bổ sung vào các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đây là những ưu thế để Nghệ An tiếp tục trở thành điểm đến mới hấp dẫn các đại bàng trong và ngoài nước./.
- Xin cảm ơn ông!

11/08/2022 16:23
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top