Aa

Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Công ty chứng khoán "than khó"

Thứ Tư, 17/07/2019 - 05:00

Công ty chứng khoán là doanh nghiệp đặc thù đã được cấp phép hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ; nhưng lại không nằm trong đối tượng được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Hàng trăm doanh nghiệp trên sàn chứng khoán "đau đầu" 

Năm 2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP được ban hành nhằm quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết với mục tiêu là chống chuyển giá. Tuy nhiên, khoản 3, điều 8, chương II của Nghị định 20 bị rất nhiều doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế đánh giá là chưa hợp lý.

Cụ thể, tại khoản 3, điều 8, chương II của Nghị định 20 cho biết: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao (EBITDA) trong kỳ của người nộp thuế".

Theo thống kê từ một công ty chứng khoán, báo cáo tài chính năm 2018 của hơn 770 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội có thể thấy đa phần các công ty bị ảnh hưởng, con số chi phí lãi vay vượt mức khống chế 20% EBITDA. Khoản không được khấu trừ để tính thuế lên tới hơn 8.000 tỷ đồng.

Nếu tính thêm các doanh nghiệp chưa niêm yết, số tiền “mắc kẹt” có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, đối tượng bị ảnh hưởng có cả các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty trong nước, là những đối tượng có rất ít động cơ, khả năng để chuyển giá như mục tiêu mà Nghị định 20 nhắm đến.

Các công ty chứng khoán than kém sức bật kinh doanh với với Nghị định 20

Các công ty chứng khoán than kém sức bật kinh doanh với Nghị định 20/2017/NĐ-CP

Cách đây không lâu, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phản hồi về một số điều chỉnh của Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Đại diện cho tiếng nói chung của các công ty chứng khoán, VASB cho rằng Nghị định 20/2017/NĐ-CP, cụ thể là khoản 3 điều 8 là chưa hợp lý và chưa đúng với tinh thần của pháp luật.

Các công ty chứng khoán mong được làm rõ một số nội dung liên quan chính sách thuế trong Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Các công ty chứng khoán là doanh nghiệp đặc thù đã được cấp phép hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, một hoạt động có tính chất tương tự như hoạt động tín dụng của một tổ chức tín dụng. Để có nguồn vốn giao dịch kỹ quỹ thì công ty cần vay từ các tổ chức tín dụng, thực hiện phát hành trái phiếu... Theo đó, tại các công ty chứng khoán sẽ phát sinh chi phí đi vay tương ứng để tài trợ cho hoạt động này, nhưng công ty chứng khoán lại không nằm trong đối tượng được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng điều 3, khoản 8 của Nghị định 20.

Theo VASB, vì đó mà nội dung này không đảm bảo tính công bằng đối với các công ty trong ngành chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ. Quy định này cản trở đối với doanh nghiệp trong việc huy động vốn để phát triển hoạt động kinh doanh, mở rộng quy mô nghiệp vụ cho vay giao dịch ký quỹ.

Nghị định 20 gây khó khăn trong việc hoạch định kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn tới cản trở sự năng động của doanh nghiệp trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Nghị định cũng không khuyến khích doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, từ đó làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, mà lợi nhuận chính là nguồn đóng góp thuế cho Nhà nước.

Tính minh bạch không cao

Đại diện cho một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vực tài chính, chứng khoán, ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Việt cho rằng: “Trong các mô hình tập đoàn, thì việc hỗ trợ vốn lẫn nhau trong trường hợp cần thiết là không tránh khỏi. Tuy nhiên, việc áp mức trần lãi vay trên toàn bộ chi phí lãi vay của doanh nghiệp (bao gồm cả chi phí lãi vay từ giao dịch độc lập và cả chi phí lãi vay từ giao dịch liên kết) chứ không phải là chỉ áp dụng cho các giao dịch liên kết. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp mà có chi phí lãi vay hoặc chi phí khấu hao lớn muốn hợp lý được các chi phí lãi vay thì không được sử dụng vốn vay nội bộ mà chỉ được huy động vốn bên ngoài, làm cho chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp sẽ cao hơn, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”.

Thực tiễn cho thấy, việc công ty mẹ thực hiện chức năng quản lý vốn tập trung của Tập đoàn đang trở nên phổ biến. Trong khi đó các công ty thành viên của các tập đoàn trong nước thường không đủ năng lực để vay vốn từ ngân hàng thương mại. Do đó, theo ông Tùng, quy định này đã và sẽ tiếp tục tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con; làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn; hạn chế các cơ hội để đầu tư dài hạn vào các ngành nghề, các dự án cần tiếp cận nguồn vốn lớn.

Do đó, theo ông Tùng, nhiều doanh nghiệp mong Chính phủ xem xét và có những điều chỉnh hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt cạnh tranh, hội nhập và phát triển mạnh mẽ hơn.

Cũng cùng quan điểm, PGS. TS. Doãn Hồng Nhung - Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chi phí lãi vay trong kinh doanh rất dễ hợp thức vào chi phí để xác định thuế thu nhập doanh nghiệp của người nộp thuế. Hợp thức hóa khoản vay dưới hình thức chứng từ hay hợp đồng vay vốn của các chủ thể thông qua tự kê khai hoặc hợp đồng thỏa thuận... Do đó, theo bà Nhung, tính minh bạch của phương pháp này là là không cao. Các giao dịch liên kết có đảm bảo và cả những liên kết thực hiện không cần đảm bảo.

So với thế giới, mức khống chế trên là khá thấp. Chẳng hạn, con số áp trần lãi vay tại Pháp là 25% (mỗi năm phải giảm 5% sau năm tính thuế đầu tiên)… Tại Đức, mức giới hạn chi phí lãi vay lên tới 30%. Quy định này thực hiện cho các công ty có liên kết và các bên độc lập, thậm chí tính cả cho khoản vay tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các công ty liên kết có lãi vay ròng với giá trị dưới 1 triệu euro/năm không bị áp giới hạn chi phí lãi vay này.

Tại Nhật Bản, con số chi phí lãi vay được đánh giá là “cởi mở” hơn khi mức quy định lên tới 50%. Tuy nhiên, điểm khác biệt, Nhật Bản chỉ đánh thuế trên mức chi phí lãi vay ròng.

Trao đổi với Reatimes, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải Quan, Học viện Tài chính, cho rằng, con số 20% áp dụng là tương đối thấp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp cần nhiều vốn như bất động sản, y tế, nông nghiệp...

“Môi trường đầu tư hiện nay là bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt trong pháp luật về thuế lại càng phải bình đẳng. Tuy nhiên, với những lĩnh vực đặc thù, cần lượng vốn đầu tư lớn thì phải nghiên cứu lại tỷ lệ khống chế trần lãi vay, có thể là lớn hơn mức 20%”, ông Trường chia sẻ.

Để làm rõ điều này, ông Trường nhận định, cần phải có một khảo sát nghiêm túc, khoa học để có tính toán chính xác, đưa ra số liệu chứng minh mức độ khống chế lãi vay phù hợp, 25% hay 30% hay một con số phần trăm khác. Nhưng quan trọng nhất là diễn đạt lại khoản 3 điều 8 cho rõ ràng hơn để chỉ hiểu theo một cách mà không theo nhiều cách gây hỗn loạn và hoang mang cho doanh nghiệp.

Theo đó, chỉ các doanh nghiệp liên kết nhưng khác biệt về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, có ưu đãi thuế hay có động cơ chuyển giá mới bị khống chế lãi vay theo Nghị định 20 thay vì “ôm trọn” vào tất cả các doanh nghiệp như hiện tại.

Nói thêm về khoản chi phí lãi vay khống chế theo Nghị định 20, TS. Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight cho rằng: "Nếu áp dụng khoản 3 điều 8 trong Nghị định 20 thì các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình hiện đại (holding) sẽ phải phát sinh thêm số thuế phải nộp lên đến hàng trăm tỷ đồng, bởi phần chi phí lãi vay vượt trần 20% sẽ không được khấu trừ để tính thuế. Điều khoản này sẽ làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.

Như vậy, điều kiện vay này sẽ không khuyến khích phát triển mô hình công ty mẹ – con, mô hình tập đoàn đối với các doanh nghiệp trong nước. Trong khi Việt Nam đang cần những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, đóng vai trò trụ cột cho nền kinh tế thị trường thì quy định này vô hình lại siết quá chặt hoạt động của doanh nghiệp, tạo rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con".

Theo PGS.TS Lê Xuân Trường để không làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, cần phân định rõ đâu là doanh nghiệp liên kết có động cơ chuyển giá cần phải khống chế, đâu là doanh nghiệp nằm ngoài phạm vi và được miễn kê khai cũng như không khống chế lãi vay.

“Nếu các doanh nghiệp không có động cơ chuyển giá, ví dụ như họ có quan hệ giao dịch vay vốn giữa công ty mẹ và công ty con, thuế suất của họ là bằng nhau, đều áp dụng một mức thuế suất phổ thông, không có ưu đãi thuế thì họ phải thuộc trường hợp không bị khống chế lãi vay theo Nghị định 20. Còn nếu không phân định rõ mà khống chế lãi vay cả những trường hợp này, tất yếu sẽ tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top