Aa

Nghịch lý phát triển nhà ở nhìn từ biệt thự "cởi trần"

Thứ Sáu, 19/07/2019 - 06:01

Trong khi việc được sở hữu một ngôi nhà riêng đang là mơ ước của rất nhiều người dân thì ngay giữa lòng Thủ đô vẫn còn hàng loạt căn biệt thự bỏ hoang, lãng phí.

Tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh đã khiến nhu cầu về nhà ở tại các đô thị lớn của Việt Nam cũng tăng lên nhanh chóng. Dẫu vậy, vẫn tồn tại một nghịch lý trong câu chuyện phát triển nhà ở hiện nay đó là hàng loạt căn biệt thự "cởi trần", bỏ hoang không người ở đang xuất hiện ngày càng nhiều mặc cho nhiều người dân trong thành phố, đặc biệt là những người thu nhập thấp đang rơi vào tình trạng "khát" nhà ở. 

Cuộc chơi chỉ dành cho người giàu

Theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh phát triển quỹ nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình và thấp. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì hiện nay, diện tích nhà ở bình dân, nhà ở xã hội mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của thị trường, trong khi nhà thuộc phân khúc cao cấp lại thừa cung. Lãng phí hơn là tình trạng không ít những biệt thự cao cấp, biệt thự liền kề “ế” khách, trị giá hàng tỷ đồng phơi nắng, phơi sương nhiều năm nay tại các khu đô thị mới như Hạ Đình, Mễ Trì, Trung Văn (Từ Liêm), Xa La, Văn Quán (Hà Đông), Việt Hưng (Gia Lâm),...

Những căn biệt thự với thiết kế độc đáo mọc lên như nấm rồi bỏ hoang cho thấy biểu hiện phân hóa giàu nghèo ở các khu đô thị khá rõ ràng.Theo các chuyên gia, với mức giá nhà ở như hiện nay, chỉ có một bộ phận rất ít người dân có đủ điều kiện kinh tế để mua nhà ở Hà Nội. Nên nghiễm nhiên, cuộc chơi này chỉ dành cho người giàu đầu cơ. 

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và các hãng tư vấn bất động sản lớn như Savills, CBRE, 2 quý gần đây, giá nhà tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã tăng so với cùng kỳ năm trước. Phân khúc bán nhanh nhất, nhiều nhất là căn hộ hạng B và hạng A. Biệt thự, nhà liền kề cũng nhích tăng nhẹ. Đặc biệt, thị trường thiếu hẳn căn hộ hạng C (nhà giá rẻ) bởi do thiếu nguồn cung và thiếu dự án trong 5 - 10 năm tới.

Khảo sát về giá căn hộ tại Hà Nội của các hiệp hội chuyên ngành, các doanh nghiệp tư vấn bất động sản cũng đưa ra mức trung bình để sở hữu nhà của người dân Việt Nam là 22 triệu đồng/m2, trong đó ở Hà Nội là từ 24 - 26 triệu đồng/m2 trở lên, còn ở TP.HCM trên 24 triệu đồng. Như vậy, ước mơ nhà giá rẻ dưới 10 - 14 triệu đồng/m2 ngày càng ít đi.

Trên thực tế, Bộ Xây dựng cho biết: Từ quý II/2015 đến nay, rất nhiều dự án bất động sản chung cư thương mại, dự án biệt thự, liền kề ven biển đã mở bán, khai trương. Trong khi đó, chỉ vài dự án đăng ký nhà thu nhập thấp được mở bán, khai trương trên cả nước.

Có thể thấy, sự chênh lệch cung - cầu nhà ở các phân khúc nhà ở dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo, mất cân bằng xã hội. Trong khi những người thu nhập thấp và trung bình có nhu cầu nhà ở rất bức thiết thì bất động sản cao cấp, những căn biệt thự trị giá hàng tỷ đồng phơi nắng, phơi mưa, gây ra sự lãng phí rất lớn. 

Cần chia đều cơ hội sở hữu chốn “an cư”

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng - Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp chỉ chiếm từ 20 - 30% nhu cầu thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70 - 80% nhưng nguồn cung lại đang rất thiếu.

Lý giải nguyên nhân tình trạng mất cân bằng trên, Bộ Xây dựng nhận định, do khó khăn trong tiếp cận vốn vay nên việc phát triển các dự án nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp và công nhân lao động tại các khu công nghiệp trong thời gian qua tiến triển rất chậm, chưa đạt được mục tiêu kế hoạch mà Chính phủ đã đề ra. 

Mặc khác, các chủ đầu tư cũng không mấy mặn mà với các dự án nhà giá rẻ dành cho người có thu nhập thấp và trung bình, mặc dù phân khúc nhà ở này có tính thanh khoản cao. Bởi lẽ, để thu hút khách hàng đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn, vừa đảm bảo đủ dịch vụ, tiện ích, không gian sống mà giá thành lại phải rẻ. 

Để giải quyết bài toán về nhà ở hiện nay, theo các chuyên gia, Nhà nước cần rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Khi phê duyệt quy hoạch và kế hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải có nội dung quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên… theo quy định của pháp luật. Đồng thời có những chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho cả nhà đầu tư và người mua nhà nhưng vẫn đảm bảo tính hợp lý và bền vững. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top