Ngôi nhà xinh đẹp 30m2 ngỡ như 60m2 với thiết kế lệch tầng, ngập tràn ánh sáng tự nhiên
Ngôi nhà của cặp vợ chồng trẻ có diện tích 30m² với kích thước mặt tiền 4,6m và sâu 6,5m nằm trong một con ngõ nhỏ thuộc phường Cự Khối, quận Long Biên, TP. Hà Nội. Để giúp ngôi nhà có thể sử dụng tối đa công năng và thuận tiện hơn trong sinh hoạt, đơn vị thiết kế và thi công Anda House đã lên ý tưởng kết hợp giữa kiến trúc lệch tầng và không lệch tầng.
Thời gian thiết kế ngôi nhà trong 2 tháng từ tháng 10/2020 đến tháng 12/2020. Thời gian thi công từ tháng 12/2020 đến giữa tháng 5/2021. Mặc dù diện tích đất trên sổ đỏ là hơn 30m2 nhưng do thửa đất không được vuông vắn nên diện tích xây dựng thực tế là 28.35m2 (4.5m x 6.3m).
Chia sẻ với PV Reatimes, anh Nguyễn Mạnh Dũng Giám đốc Phát triển dự án Công ty Anda House cho biết, vì chủ nhân của căn nhà này là 1 đôi vợ chồng trẻ với 2 con nhỏ có tiêu chuẩn rất cao với không gian sống nên ngôi nhà được thiết kế lệch tầng cho tầng 1 và tầng 2. Cầu thang được bố trí dọc theo 1 bên nhà, đặc biệt giếng trời được đặt tại cuối nhà và được thông từ tầng 2 lên tầng 4 giúp ngôi nhà trở nên rộng rãi, thoáng mát, đủ ánh sáng, và các không gian được kết nối với nhau.
“Kiến trúc nhà phải xanh, tất cả các không gian đều phải có ánh sáng tự nhiên và không khí tươi. Hơn nữa do đặc thù nhà ống, sinh hoạt theo chiều đứng nên để tăng tính gắn kết giữa các thành viên trong gia đình thì phải có sự kết nối tầm nhìn giữa không gian sử dụng chung và không gian sử dụng riêng”, anh Dũng chia sẻ.
Ngôi nhà nhỏ 4 tầng có 1 phòng khách, 1 phòng bếp - ăn, 3 phòng ngủ (trong đó 1 phòng ngủ master có phòng vệ sinh khép kín, phòng thay đồ tách biệt), 4 phòng vệ sinh, phòng thờ, sân phơi và 1 không gian riêng để làm việc và đọc sách. Tầng 1 của ngôi nhà được bố trí thoáng mát với cây cối xen kẽ tạo cảm giác thư thái, cùng không gian bếp rộng rãi được đặt bàn ăn cho gia đình 4 người, và bar đảo bếp. Mặc dù ngôi nhà có diện tích đất hạn chế nhưng anh Nguyễn Mạnh Dũng vẫn thiết kế khu vực để xe máy cho gia đình và 1 khoảng không gian rộng để có thể tổ chức những buổi party khoảng 10 - 12 người.
Điểm nhấn của không gian tầng 1 đó là đưa 1 chút không gian xanh vào khoảng thông tầng để tạo cho gia chủ 1 cảm giác thư giãn mỗi khi về nhà. Không gian đặc biệt nhất của ngôi nhà chính là tầng 2 được thiết kế lệch tầng với khoảng trần cao gần 5 mét. Không gian này giúp ngôi nhà có diện tích nhỏ có thể tận dụng tối đa không gian.
Phòng khách cũng được bố trí tại đây với thiết kế đơn giản nhưng vẫn sang trọng, với điểm nhấn là đèn thả bocci theo concept dải ngân hà. Khoảng giếng trời nhỏ ở cuối nhà cũng giúp lấy ánh sáng và không khí tự nhiên. Bên cạnh đó là 1 không gian đọc sách được thiết kế với 1 bàn trà và thảm ngồi Nhật mang lại cảm giác gần gũi, thư thái.
Phòng ngủ nhỏ của cậu con trai lớn cũng được thiết kế ấn tượng với giường, tủ và bàn học liền khối giúp tiết kiệm diện tích. Theo anh Dũng, đây là phòng ngủ có view đẹp nhất với độ cao lệch 1,9m so với phòng khách và thấp hơn một chút so với không gian đọc sách, chính vì thế khi nhìn view qua ô cửa sổ tròn sẽ có thể dễ dàng nhìn ngắm toàn cảnh của không gian tầng 2.
Tầng 3 của ngôi nhà là phòng ngủ master với ban công nhỏ đủ để trồng vài cây chuối rẻ quạt thêm không gian xanh cho căn nhà. Căn phòng với chiếc giường lớn giúp vợ chồng có thể ngủ ngon giấc hơn, phòng thay đồ cùng tủ quần áo lớn và bàn trang điểm tách biệt với không gian ngủ. Trong phòng ngủ master tiêu chuẩn có 1 WC khép kín.
Tiếp tục đến tầng 4 của ngôi nhà là 1 phòng ngủ nhỏ, phòng thờ cùng không gian giặt và phơi quần áo. “Phòng ngủ nhỏ với vệ sinh khép kín sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng cho gia đình với 2 thế hệ cùng sinh sống. Phòng thờ không quá rộng nhưng đầy đủ ánh sáng được bố trí 1 cách gọn gàng đảm bảo sự trang nghiêm và giúp thể hiện sự tôn kính của bạn dành cho tổ tiên của mình. Không gian giặt phơi được bố trí hợp lý để tối ưu hóa diện tích sử dụng của 1 ngôi nhà nhỏ”, anh Dũng chia sẻ.
Cũng theo anh Dũng, để ngôi nhà thêm xinh đẹp, rộng rãi và thoáng mát hơn, anh đã chọn màu sơn trắng chủ đạo kết hợp với màu gỗ sồi. Điểm nổi bật trong thiết kế của ngôi nhà này đó là cách xử lý không gian theo cả chiều đứng và bề ngang giúp cho căn nhà không những tối ưu trong bố trí công năng mà còn tạo cho nó 1 tầm nhìn liên kết rất đặc biệt giữa không gian chung và riêng của ngôi nhà. Ngoài ra, việc sử dụng đá ong xám, gạch thông gió hay 1 số bức tường được tạo hình cong tròn, bán nguyệt cũng tạo nên những điểm nhấn thú vị cho ngôi nhà.
Bật mí về tổng chi phí xây dựng của ngôi nhà bao gồm cả đồ nội thất, anh Dũng cho biết khoảng 1,1 tỷ đồng, chi phí này chưa có thiết bị điện tử như tủ lạnh, tivi... Mặc dù ngôi nhà có diện tích khiêm tốn nhưng vẫn tối ưu được công năng, giúp gia đình nhỏ thoải mái khi sinh hoạt và thư giãn mỗi khi trở về nhà. Với anh Dũng, "Nhà không chỉ là nhà, mà nó còn là nơi gánh vác hạnh phúc của cả một gia đình".
Chia sẻ thêm về ngôi nhà này, anh Dũng cho biết: “Với hình dung của riêng tôi, một ngôi nhà đẹp là nơi bản thân có thể nhìn thấy sự hạnh phúc trong mắt của 2 thiên thần nhỏ, là nơi tôi có thể tìm thấy sự bình yên bên cạnh người phụ nữ đẹp nhất cuộc đời mình, là nơi mà bất kỳ khi nào muốn chúng tôi đều có thể lưu lại được những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống mà không cần phải tìm đến 1 ảnh viện nào cả. Không quan trọng là nhà to hay nhà nhỏ, cũng chẳng quan trọng là nhà triệu đô hay nhà giá rẻ chỉ cần bên trong ngôi nhà đó luôn rộn ràng tiếng cười và đầy ắp tình yêu thương thì với tôi đó đã là ngôi nhà đẹp nhất rồi”.
Sau khi ngôi nhà hoàn thành, bạn bè đến chơi nhà cũng khá bất ngờ với diện tích thật là 30m2 bởi ai cũng tưởng nhà rộng khoảng 60m2. "Việc tối ưu trong bố trí công năng và không gian mở giúp cho không gian chung và riêng có được sự liên thông về tầm nhìn giúp cho căn nhà như lớn hơn diện tích thực rất nhiều”, anh Dũng kể.
Tâm sự thêm về quá trình thiết kế ngôi nhà, anh Dũng cho biết bản thân anh cùng team đã mất gần 2 tuần thức trắng đêm để lên ý tưởng thiết kế với không dưới 100 bản vẽ nháp đã được lên rồi xé bỏ. Và cuối cùng 1 ý tưởng khá đột phá là sử dụng kết hợp cả kiến trúc lệch tầng và không lệch tầng trong cùng 1 ngôi nhà đã được lựa chọn. Đối với nhà ống đặc biệt nhà ống diện tích nhỏ thì nhược điểm lớn nhất đó là thiếu ánh sáng và thiếu tầm nhìn kết nối giữa các không gian.
“Do đó để giải quyết được những nhược điểm này thì kiến trúc sư không chỉ xử lý không gian theo bề ngang mà còn phải tính toán hợp lý chênh lệch cao độ giữa các không gian theo chiều đứng để tạo ra sự tối ưu trong công năng sử dụng và tầm nhìn kết nối đặc biệt giữa không gian sử dụng chung và riêng”, anh Dũng tâm sự.
Ngoài ra, kiến trúc sư còn phải tính toán rất kỹ về việc phân bổ diện tích sử dụng giữa không gian chung và riêng thật hợp lý để giúp tăng tính gắn kết trong cuộc sống của các thành viên trong gia đình.
Theo anh Dũng, vấn đề phối hợp ăn ý giữa thiết kế và thi công cũng vô cùng quan trọng vì có 1 số thứ trong bản vẽ thiết kế khi ra thi công không thực sự khả thi nên sẽ phải đưa ra phương án điều chỉnh cho phù hợp.
“Như ngôi nhà này, kiến trúc mặt tiền thực tế sau khi hoàn thiện đã điều chỉnh khác đến 90% so với bản dựng ban đầu. Hay khu vực cầu thang bay đi từ phòng khách lên không gian đọc sách cũng phải điều chỉnh từ việc sử dụng cáp treo như trong thiết kế ban đầu sang phương án lan can kính tay vịn gỗ”, anh Dũng chia sẻ.
Với kinh nghiệm của bản thân, theo anh Mạnh Dũng để làm ra 1 ngôi nhà đáng sống nhất thì kiến trúc sư đừng đặt mình vào 1 giới hạn nào về sự sáng tạo, đặc biệt đừng bao giờ để tư duy của mình bị giới hạn bởi từ “không thể”. “Còn đội ngũ thi công thì phải thật cẩn trọng và tỉ mỉ từ những phần việc nhỏ nhất vì chỉ cần 1 sơ sót trong quá trình thi công sẽ để lại những rắc rối rất lớn cho gia chủ sử dụng căn nhà sau này”, anh Dũng nói./.