Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt

Lương Kim
Lương Kim luongkjm@gmail.com
Thứ Hai, 10/05/2021 - 08:00

Cuốn sách “7 chiến lược thịnh vượng và hạnh phúc” của tác giả Jim John dành những trang đầu viết về ông vua thép vĩ đại Andrew Carnegie, về mẩu giấy ố vàng được vị doanh nhân này viết khi tuổi đời còn mới đôi mươi: “Tôi sẽ dành nửa đầu cuộc đời mình để tích lũy tiền bạc. Tôi sẽ dành nửa cuối cuộc đời mình để cho đi toàn bộ số tiền bạc đó”. Rất rõ ràng về mục tiêu cuộc đời, để rồi ngài ấy đã thực hiện được đúng như những gì đã hứa với tháng năm tuổi trẻ.

*****

Chi tiết ấy làm tôi nghĩ đến “ông vua Thép Việt” Trần Đình Long, một doanh nhân vốn được báo chí nhắc đến với sự kiên định trong mục tiêu, kỹ càng trong kế hoạch, “chậm mà chắc”, “nghĩ lâu nhưng làm rất nhanh”. Để sau 30 năm gây dựng, phát triển, Hòa Phát không còn là một công ty phân phối thiết bị phụ tùng nhỏ lẻ mà dần tiến bước trên con đường đa ngành, khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế, mang đến sự hưng phấn cho ngành thép Việt.

Xin được bắt đầu câu chuyện từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Đây không phải là nơi khởi nghiệp của ông Trần Đình Long, nhưng lại là điểm ngoặt quan trọng để Hòa Phát cất cánh và thay đổi “cuộc chơi” của ngành thép Việt.

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 1.

Nằm trong làn sóng các dự án công nghiệp nặng tỷ đô đổ vào Việt Nam ở giai đoạn 2006 - 2008 khi Việt Nam gia nhập WTO, nhà máy thép Quang Lian Dung Quất (Dự án) là một dự án của Tycoons Worldwide Steel (Đài Loan) với tổng vốn đầu tư đề xuất ban đầu lên tới 1 tỷ USD.

Khởi công năm 2006, nhưng đến tận những năm 2015, 2016, Dự án vẫn được mô tả là một khu đất hoang vắng lặng, cỏ mọc tràn lan, ngổn ngang những cọc sắt được chủ đầu tư đóng vội trong ngày đầu thi công, một số đoạn tường rào bằng dây thép gai ngả nghiêng. Một bức tường bê tông cắt đứt con đường từ đông sang tây của khu kinh tế Dung Quất… 

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 2.
Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 3.
Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 4.

Hình ảnh dự án nhà máy thép Quang Lian Dung Quất bị bỏ hoang cả thập kỷ khiến người dân không khỏi xót xa...

Ngày ngày, hàng nghìn lượt người lao động, người dân từ các xã phía tây huyện Bình Sơn phải lội nước bì bõm, lùa đàn bò qua mương thoát nước sâu bên bờ tường chắn của dự án. Mỗi ngày, các công ty sản xuất hàng xuất khẩu ở khu tây Dung Quất chịu thiệt hại thêm hàng chục triệu đồng tiền xăng do vận chuyển hàng đến cảng Dung Quất phải đi đường vòng, xa hơn hàng chục cây số…

Một vùng đất rộng mênh mông trước mắt mà không sản xuất được, đường ngay trước mặt mà không thể đi…, đó là bức tranh mang đầy màu xám của Dự án khi ấy. Để rồi, sau 10 năm kể từ ngày khởi công, với 5 lần điều chỉnh giấy chứng nhận và vốn đầu tư, dự án được đăng ký vốn lên tới 4,5 tỷ USD đã chính thức “khai tử”. 

Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi đồng ý chủ trương giao cho Tập đoàn Hòa Phát tiếp quản đầu tư Dự án với kỳ vọng mở ra tương lai tươi sáng hơn cho vùng đất này.

Hòa Phát cam kết trong vòng 40 tháng từ khi triển khai sẽ hoàn thành các giai đoạn của Dự án, lựa chọn và sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, đảm bảo môi trường; sau khi đi vào hoạt động dự kiến doanh thu 2 tỷ USD, đóng góp 4.000 tỷ đồng/năm cho ngân sách địa phương. 

Nhưng chưa cần đến 40 tháng, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đã được định hình, cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và 2 cùng các hạng mục liên quan trong chuỗi sản xuất khép kín từ quặng sắt tới thép xây dựng. Trên 80% hạng mục thiết bị chính của giai đoạn 2 cũng đã hoàn thành. 

Khu liên hợp sản xuất Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 1
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 1.

Sau 4 năm, người ta không còn nhắc đến vùng đất hoang làm nơi chăn thả bò, mà chỉ còn lại sự thán phục, ngỡ ngàng khi khung cảnh một khu liên hợp sản xuất quy mô hơn 400ha đã hoàn thành, sẵn sàng cung ứng ra thị trường khoảng 2,7 triệu tấn thép cuộn cán nóng (Hot rolled coil - HRC), hàng triệu tấn phôi và thép xây dựng...

Sự hiện diện của Hòa Phát đã khiến cho diện mạo khu kinh tế Dung Quất đổi thay mạnh mẽ.

Trước đó, bằng sự kiên định và mạo hiểm đầu tư phát triển của Ban Lãnh đạo, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát ở Kinh Môn (Hải Dương) đã biến một vùng thuần nông trở nên nhộn nhịp, sôi động, đời sống người dân thay vì chỉ biết có hành, tỏi và cánh đồng lúa nay đã có thép, có Hòa Phát song hành. Hòa Phát Kinh Môn tạo ra bước ngoặt cho Hòa Phát trong ngành thép, còn, Hòa Phát Dung Quất, là sự khai mở, đưa Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long bước sang một trang mới... 

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 6.

Cùng nhìn lại "cuộc chơi" của Hòa Phát trong ngành thép từ những năm đầu phát triển tới nay:

Giai đoạn 2000 - 2010: Năm 2000, thép xây dựng lần đầu tiên xuất hiện trong danh mục sản xuất của Hòa Phát. Từ một "tay mơ" bắt đầu với thép, Hòa Phát dần đi vào hoạt động ổn định trong giai đoạn 10 năm sau đó.

Giai đoạn 2010 - 2017: Hòa Phát gia tăng thị phần thêm 10% trong giai đoạn này.

Năm 2015, theo thống kê của Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel), Việt Nam đứng ở vị trí thứ 24 về sản xuất thép thô trong top 50 quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2014.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng vị trí số 1, chiếm 29% tổng sản lượng thép thô của khu vực. Sản xuất thép thành phẩm Việt Nam năm 2015 cũng đứng vị trí số 1 trong ASEAN, chiếm gần 34 % tổng sản lượng thép thành phẩm của khu vực.

Năm 2017 là một dấu mốc đáng nhớ - đúng 1 năm sau khi Tập đoàn Hòa Phát hoàn thành giai đoạn 3 Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương, thị phần thép Hòa Phát tăng lên 22,2%, lần đầu tiên vượt qua khối VNSteel (Tổng Công ty Thép Việt Nam) để nắm vị trí thị phần số 1 trong ngành.

Giai đoạn 2017 - 2020: Hòa Phát tiếp tục gia tăng thêm 10% thị phần. 

Đánh giá về ngành thép trong giai đoạn này, Hiệp hội Thép Việt Nam ghi nhận: “Ngành thép Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể, giữ vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và cải thiện vị trí trong ngành công nghiệp thép thế giới”.

Từ chỗ chỉ biết nhập khẩu thép từ Trung Quốc, Việt Nam đã xuất ngược trở lại thị trường khổng lồ này lô hàng đầu tiên ngay trong tháng 1/2018.

Tháng 10/2020: Giai đoạn 1 Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất chính thức hoàn thành, giai đoạn 2 đạt trên 90% và đã tuyển dụng gần 10.000 lao động.

Nhìn lại quãng đường ấy, nhiều người phải thốt lên: Kỳ tích! Phải, chỉ có “kỳ tích” mà không cần đến 4 năm, Hòa Phát đã dựng xây một khu liên hợp quy mô ngần ấy, và chỉ có “kỳ tích” mà thép Việt bắt đầu ghi danh trên thị trường thế giới.

Đến năm 2020, sản xuất thép thô của Việt Nam đã đạt mức rất cao, 19,5 triệu tấn/năm, ngành thép Việt Nam đã vươn lên thứ 14 thế giới. Đây là bước tiến mạnh mẽ trên bản đồ ngành thép thế giới.  

Quý I/2021, Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam với sản lượng bán hàng hơn 2,16 triệu tấn thép các loại. 

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 7.

Bởi vậy mà giới chuyên môn đánh giá: Khu liên hợp gang thép Dung Quất sẽ là chìa khóa giúp HPG thay đổi “cuộc chơi” của toàn bộ ngành thép trong nước. Khi thành phần của Dung Quất giai đoạn 1 đi vào hoạt động, HPG sẽ rút ngắn được thời gian vận chuyển thép vào miền Nam xuống chỉ còn 3 ngày, so với mức 7 ngày trước đây.

Tuy nhiên, đó là những câu chuyện của ngày hôm nay. Còn để trở thành ông vua Thép Việt từ chỗ “chẳng biết gì về thép”, Hòa Phát của ông Trần Đình Long đã phải trải qua chặng đường không kém chông gai.

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 8.

Nhìn lại bước đường phát triển của Hòa Phát, nhiều vị chuyên gia đã không ngại ngần giãi bày.  

Tiếp chúng tôi ngay sau ngày ĐHĐCĐ Hòa Phát 2021 diễn ra, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - vị chuyên gia lão luyện với gần 60 năm cống hiến cho ngành thép nước nhà, không giấu vẻ tiếc nuối khi kể: “Bà lão nhà tôi có hỏi: Ơ… thế ông thân với ông Long, ông Tuấn mà ông không có cổ tức ở Hòa Phát à? Tôi cười mà trả lời: Tôi có cổ tức thì đã không làm Chủ tịch Hiệp hội Thép, số mình nghèo thì đành chịu vậy thôi".

Ông Cường cười: “Nói vui vậy, nhưng cũng là thật, tôi già rồi, đầu tư làm gì nữa, cho ai đâu!”. 

Nguyên chủ tịch Hiệp hội thép việt nam Phạm Chí CƯờng
Ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.

Vị chuyên gia với mái tóc mang màu sắc có phần trẻ trung so với số tuổi nhưng vẫn giữ phong thái nhanh nhẹn nhìn tôi rồi nở nụ cười pha chút tiếc nuối. Nhưng trên tất thảy, tôi thấy ở đó là niềm hạnh phúc và mãn nguyện, vì dẫu sao, trong quá nửa đời người, ông đã nhiều lần tiếp xúc và làm việc với một vị tỷ phú được ví là “ông vua Thép Việt”, được chứng kiến sự trưởng thành của Hòa Phát nói riêng và thép Việt nói chung. 

Có lẽ, với một con người luôn chất chứa trong mình niềm đam mê, tâm huyết với thép như vị nguyên Chủ tịch này, thì như vậy là quá đủ.

Xin chia sẻ đôi chút về ông Phạm Chí Cường, vị chuyên gia đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn không nề hà tiếp chúng tôi, để rồi có những câu chuyện rất chân thật về một “ông trùm Thép Việt”.

Thuở nhỏ, ông Cường sống ở Thái Nguyên. Học phổ thông, ông mê và học giỏi môn Hóa, rồi vào Đại học Bách khoa, khóa 1959 - 1963. Ngay khi ra trường, theo lời kêu gọi của nhà nước, ông lên định cư và tham gia xây dựng khu Gang thép Thái Nguyên từ tháng 3 - 11/1963. Ngày ấy, Tổng Giám đốc Khu gang thép là ông Đinh Đức Thiện, tác phong rất kỷ luật, kỹ sư ra trường cũng phải thực tập, làm từ vị trí công nhân.

Trong 9 năm làm việc, nhờ chăm chỉ học hỏi và nghiên cứu, ông được tín nhiệm dần lên trưởng ca. Khi chuyển lên Bộ Cơ khí và luyện kim (sau đổi là Bộ Công nghiệp nặng), ông phụ trách kỹ thuật luyện kim rồi chuyển về Tổng Công ty Thép, ông Cường làm ở Hiệp hội Thép trong suốt giai đoạn 2001 - 2013 với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội.  

Một người mang đầy đủ yếu tố “thép”, 56 năm cuộc đời gắn bó với thép, với luyện kim, rất hào hứng chia sẻ về những người “chẳng biết gì về thép” nhưng rồi đã thành công, thành công rất vang dội với thép…

Ông Phạm Chí Cường: Nền móng ban đầu của Hòa Phát là từ những người không phải trong ngành thép, nhưng họ lại rất say sưa với thép. Khi bắt đầu làm, chưa có nhiều vốn nên họ kinh doanh, buôn bán các loại phụ tùng, thiết bị gia công đất, mua về rồi bán…

Sau đó họ mới chuyển sang làm bàn ghế, đồ nội thất vào khoảng năm 1995. Nhưng để làm đồ nội thất thì cần đến sắt, thế là phải liên lạc, kết hợp với Đài Phát (Đài Loan) mới có vốn để mua nguyên vật liệu thép, để làm thành bàn ghế, rồi cuối cùng trở thành đồ văn phòng. Đồ văn phòng Hòa Phát cũng rất nổi tiếng, ký ức tôi còn vang mãi điệp khúc trong đoạn quảng cáo của Hòa Phát hồi đó: Nội thất Hòa Phát, không hòa, chỉ phát.

Năm 2000 họ chuyển sang làm thép, đầu tiên là làm ống thép, sau đó đến cán thép, lò thép… làm ra thép. Lò rất nhỏ thôi, 15 - 20 tấn, nhỏ lắm.

Đi từ nhỏ như vậy nên họ có kinh nghiệm, từng bước đẩy công suất của nhà máy lên. Đến nay chúng ta thấy, họ có cả khu liên hợp sản xuất lớn, dự án Dung Quất Hòa Phát đã sang giai đoạn 2.

- Để đạt được vị trí như hiện nay sau gần 30 năm hoạt động, đâu là lợi thế của Hòa Phát, thưa ông?

Lợi thế mà tôi nhận thấy ở Hòa Phát đó là biết vốn của mình đến đâu, chọn làm những việc hợp với sức của mình và tích lũy dần. Cho nên mới thấy, giai đoạn khó khăn của nền kinh tế hay chính như giai đoạn dịch bệnh vừa qua, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn cùng, là bởi họ đầu tư bằng vốn vay nhiều. Còn anh Hòa Phát, anh ta lại cứ lãi và lãi to. Đấy là do Hòa Phát vay rất ít, nhìn báo cáo tài chính của anh này thì thấy rõ. Nên có lúc, lãi suất ngân hàng có lên tới gần 20% thì Hòa Phát cũng không chịu ảnh hưởng, bởi họ làm vừa sức và dùng vốn tự có là chính. 

Biết lượng sức mình, đi từ nhỏ đến lớn, vừa làm vừa tích lũy vốn, tích lũy kinh nghiệm. Đó chính là cách đi của Hòa Phát, cho nên họ tiến rất vững chắc.

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 10.

- Một chuyên gia thép nói tốt về doanh nghiệp thép, e rằng sẽ bị đánh giá là thiếu khách quan. Có lẽ cần có nhiều bằng chứng hơn về chuyện “biết lượng sức mình” và “những bước đi vững chắc” của doanh nghiệp này, thưa ông?

Đúng thật là cũng có một chút thiên kiến. Nhưng người ta làm tốt mà anh cứ nói xấu thì lại cũng không thật (cười).

Nhớ thời tôi còn đương nhiệm, Ban lãnh đạo Hòa Phát khi ấy là anh Long, anh Dương đã có mấy lần mời tôi sang để tham vấn, góp ý. Từ khi doanh nghiệp còn nhỏ hay lúc đã phát triển lớn mạnh, họ đều giữ phong thái như vậy, dù sau đó tiếp thu ý kiến của mình thế nào thì không rõ, nhưng điều đó cho thấy họ rất cầu thị. Từ cái văn phòng nho nhỏ ở Hàng Chuối, ra đến văn phòng to hơn ở Lê Đại Hành, rồi ra Bà Triệu, mọi thứ với Hòa Phát đều từ nho nhỏ mà phát triển lên.

Câu chuyện về vốn chính là biểu hiện của biết lượng sức mình. Nói thật là giờ nhiều anh doanh nghiệp vừa mới thành lập, nhưng cái gì cũng phải hoành tráng, phải to nhất, quảng cáo cứ gọi là ngút trời. Dù khập khiễng khi so sánh sự cạnh tranh của thị trường ngày nay với 20, 30 năm trước, nhưng bản chất của người điều hành doanh nghiệp thì nó phải là sự bền vững và ổn định, đúng không! Anh Hòa Phát khi làm thép tôi nghĩ muốn vay nhiều cũng chẳng khó đâu, nhưng anh ta quyết không vay, cứ dựng xây từ những thứ nho nhỏ mà lên thôi.

Thứ hai là Hòa Phát mạnh về tính toán. Thời điểm họ làm thép xây dựng cũng là giai đoạn tôi làm Chủ tịch Hiệp hội Thép, khi ấy nguồn cung gấp đôi cầu rồi, nhưng Hòa Phát vẫn đầu tư. Bộ Công Thương và Hiệp hội Thép rất lo, dư thừa cung rồi, doanh nghiệp Nhà nước khi ấy còn đấu đá nhau mà phát triển, tranh giành thị phần, nhưng Hòa Phát thì vẫn xin làm thép xây dựng. Hóa ra anh này đã chuẩn bị rồi, sẽ xuất khẩu thép ra nước ngoài. Anh ta nhìn ra rằng phải đi bằng những bước đi đột phá, có tầm nhìn rộng hơn thì mới sống được.

Hòa Phát dám làm và xuất khẩu đầu tiên là cho thị trường Đông Nam Á. Hóa ra thuận lợi khi ấy lại rất lớn, xuất khẩu mà vẫn có lãi, nên bước đi của Hòa Phát dù mạo hiểm nhưng rõ ràng là đã có tính toán kỹ càng. 

Nói về điều này thì lại phải nói thêm về cách đầu tư của Hòa Phát. Anh ta có một cách đầu tư rất thông minh, đó là cái gì rẻ, mua được của Trung Quốc mà vẫn chất lượng thì cứ mua; còn cái gì nhất thiết phải mua của G7, của châu Âu thì cũng quyết tâm đầu tư. Ví dụ như cái tạ tấn thì Trung Quốc làm được, rất rẻ, nhưng các loại máy cán thì phải mua của Ý - mua công nghệ cao, mời chuyên gia Ý để chuyển giao công nghệ. Tức là họ biết người biết của, lựa chọn công nghệ hợp lý và tiên tiến.

Thông minh ở chỗ đó!

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 11.
Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 12.

Ảnh trái: Chuyến ra nước ngoài khảo sát thị trường đầu tiên của ban lãnh đạo sau khi bắt tay vào thành lập Công ty TNHH Thiết bị phụ tùng Hòa Phát . Ảnh phải: Ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát tại ĐHĐCĐ 2021.

Một điều nữa, rất quan trọng đối với doanh nghiệp là quản lý nhân sự, thì Hòa Phát cũng làm rất tốt.

Phải nói thật rằng Hòa Phát quản lý đúng theo tư bản, tức là biết sử dụng con người, nên lãnh đạo họ rất nhàn. Ông Trần Đình Long đã có lúc chia sẻ với báo chí rằng vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt, ăn sáng, cà phê rồi làm việc sau khi lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes, chẳng hề giống cuộc sống của một tỷ phú mà mọi người mường tượng. Tôi nghĩ anh ấy chia sẻ thật, và đúng là thời gian biểu của vị tỷ phú này không vất vả như nhiều chủ doanh nghiệp khác đâu, vì ông Long biết dùng người.

Thú vị nhất là tại ĐHĐCĐ vừa qua, có cổ đông lo ngại về bình đẳng giới ở Hòa Phát, vì Ban lãnh đạo toàn nam thôi, nhưng đâu biết được rằng, nữ giới ở Hòa Phát cũng rất nhiều, và toàn là những “nữ tướng”. Hòa Phát dùng những nữ tướng rất chặt chẽ để mua vật tư, chịu trách nhiệm về nhập hàng.

- Ông Long chia sẻ rằng, hiện có một “nữ tướng” sinh năm 1992 phụ trách toàn bộ việc mua than và quặng đầu vào cho sản xuất. Có lẽ khó tin mỗi năm có hàng mấy chục nghìn tỷ đồng qua tay một nữ nhi gần U30 như thế…

Tôi ghi nhận điều này. Chính bởi biết sử dụng đúng người đúng việc, tin tưởng ở nhân viên cộng với chế độ đãi ngộ tốt, nên Hòa Phát đã xây dựng được đội ngũ nhân sự đáng tin cậy.

- Nghe nói chuyện lương bổng ở Hòa Phát chưa hẳn đã cao so với mặt bằng chung, vậy tại sao lại có những con người gắn bó lâu bền với doanh nghiệp này?

Không chỉ lương không cao nếu so ra với những doanh nghiệp khác, mà môi trường làm việc của Hòa Phát còn rất khắt khe.

Nhưng họ lại có cái lợi, đó là khi tập đoàn phát triển, nhân viên có cổ tức, lương không cao nhưng người ta làm và tin rằng Hòa Phát sẽ phát triển, cái lợi là lợi cổ tức, quyền lợi cá nhân được hưởng khi tập đoàn phát triển. Hay như thông tin chia sẻ tại đại hội cổ đông, họ đối xử tốt với cả gia đình cổ đông, chế độ đãi ngộ tốt. Tôi nghĩ, đó chính là sự tử tế mà Hòa Phát mang đến và được đáp lại bằng sự cống hiến của người lao động.

- Ấn tượng của ông về doanh nhân Trần Đình Long thế nào?

Ấn tượng về anh Long à, đó là một người giản dị và rất chân thành. Tôi gọi điện thoại bất cứ lúc nào cũng trả lời rất chi tiết và cần thiết là gặp gỡ trao đổi, không có sự kiêu kỳ ở con người ấy. Tỷ phủ thì thường hay kiêu, nhưng Trần Đình Long rất khác, con người vẫn rất giản dị, rất cầu thị và cũng khá nhạy bén với tình hình, là con người có đầu óc, thấy có gì mới là tham khảo ý kiến ngay.

Trần Đình Long là người rất vun đắp cho Hiệp hội Thép, với cương vị là Nguyên Chủ tịch, tôi rất biết ơn sự đóng góp, vun vén ấy.

- Giá thép tăng, đại hội lại vừa diễn ra, nên Hòa Phát đang là từ khóa nóng, và vị doanh nhân này cũng đang được xuất hiện khá nhiều trên báo chí, liệu có phải là có mục đích gì ẩn chứa sau đó?

Tay này rất tránh báo chí, không lên mặt báo nhiều, gần đây chứng khoán sốt nóng, cổ phiếu HPG tăng phi mã, đại hội cổ đông, rồi tỷ phú các thứ thì mới lên… Chứ hắn ấy giấu mặt lắm.  

Đóng góp của Hòa Phát là đóng góp chung cho nền kinh tế, còn để mà quảng cáo, đánh bóng thì không, đối với cả các thành viên của ban lãnh đạo Hòa Phát hiện nay cũng vậy. Họ làm từ thiện, ủng hộ rất nhiều, âm thầm mà không nói và cũng chẳng cần ai biết.

*****

Có lẽ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” là có thật trong câu chuyện phát triển và vững tiến của Hòa Phát. Bởi lẽ, từ những gập ghềnh của dự án Thép Dung Quất trước đó, khi Hòa Phát đặt chân đến, dù đó là vùng đất hoang vu nhưng đã được giải phóng mặt bằng đến 90%, các yếu tố cơ sở hạ tầng gần như đủ đầy, đó chính là địa lợi. 

Và tương truyền câu chuyện khi một vị lãnh đạo được giao trọng trách cuốc nhát đất đầu tiên động thổ dự án Hòa Phát Dung Quất, sau lễ động thổ, trời mưa như trút nước, mà giới kinh doanh gọi đó là “lộc”. Phải chăng đó chính là thiên thời, để rồi chỉ 1 năm sau đó, trên mảnh đất hoang vu ấy đã sừng sững một khu liên hợp lớn nhất nhì cả nước… 

Còn nhân hòa, là sự hòa hợp giữa các con người trong tổ chức ấy, là dụng nhân, là đối nhân xử thế, hòa hợp với chính các đối tác chứ không coi là đối thủ…

Để sau những sự e dè, nghi ngờ là một niềm tin bất diệt. Còn nhớ tại ĐHCĐ 2017, là một phen đau đầu với Ban Lãnh đạo Hòa Phát khi phải trả lời hàng loạt câu hỏi, nghi ngờ về khả năng thành công của dự án Hòa Phát Dung Quất. Những 60.000 tỷ đồng đổ vào một dự án được cho là quá lớn, quá mạo hiểm.

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 13.

Đến 2018, sự nghi ngờ ấy vẫn diễn ra, dù đã bớt nóng giận. 

Nhưng “nhân” đã “hòa” trong ĐHĐCĐ mới đây, nụ cười mãn nguyện, sự hài lòng pha lẫn vẻ vang của các cổ đông vì đã tin, đã nắm giữ trong tay cổ phiếu HPG. Một vị cổ đông cũng đã ngoài 70, nắm trong tay hơn 1 triệu cổ phiếu HPG, một câu chuyện song hành mà ít doanh nghiệp nào làm được. 

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 14.

“Không chỉ nhất Việt Nam mà Hòa Phát đang vượt lên rất nhanh vào Top 50 doanh thu và Top 10 lợi nhuận các tập đoàn thép toàn cầu, đó là điều mà các nhà đầu tư như tôi không thể tưởng tượng ra vài năm trước”, ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư SGI nhận định.

Có lẽ không chỉ vị Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư SGI mà tất cả cổ đông, thị trường đều không thể tưởng tượng được điều đó. Tại danh sách tỷ phú thế giới 2021, Forbes ước tính ông Long sở hữu 2,2 tỷ USD (thời điểm ngày 3/4/2021), xếp hạng 1.444 toàn cầu. Mọi chuyện tưởng chừng như đến một cách ngẫu nhiên, may mắn nhờ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, nhưng qua góc độ phân tích sắc sảo và đi sâu vào bản chất hoạt động của Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) của ông Lê Chí Phúc, tôi mới nhận ra rằng, may mắn chỉ chiếm 1%, còn 99% của thành công đến từ sự nỗ lực tự thân của “tay lái” cừ khôi trên chiếc xe lu vạm vỡ mang tên Hòa Phát. Bởi chẳng điều gì ngẫu nhiên mà tới, kể cả may mắn. 

- Cơ duyên nào đưa ông đến với HPG? 

Ông Lê Chí Phúc: HPG là doanh nghiệp quản lý chi phí tốt nhất tôi từng biết, kể từ ngày đầu tiên khi tôi nghiên cứu sâu về họ là năm 2008. Mà làm sản xuất thì chi phí thấp chính là lợi thế bền vững nhất. Vì thế tôi tin, HPG sớm muộn sẽ vượt qua các đối thủ lớn nhất ngành lúc ấy là các tập đoàn thép Nhà nước và cả các đối thủ nước ngoài.

Câu chuyện còn lại là vấn đề thời gian và các mốc đột phá HPG đi qua thôi, gần như một lộ trình tất yếu.

Điều vẫn khiến tôi ngạc nhiên là HPG còn làm nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với kỳ vọng của bất kỳ ai. Sau 10 năm, quy mô doanh thu tăng gấp 10 lần, và lợi nhuận tăng gấp 20 lần. Không chỉ lên nhất Việt Nam, mà đang vượt lên rất nhanh vào top 50 doanh thu và top 10 lợi nhuận các tập đoàn thép toàn cầu. Đây là điều mà chỉ vài năm trước, tôi cũng không thể tưởng tượng ra.

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 15.

Để bạn hiểu rõ hơn về lý do khiến tôi ngạc nhiên thì tôi xin chia sẻ, đó là trước khi tham gia vào quỹ đầu tư thì giai đoạn 2005 - 2007, tôi làm tư vấn phát triển kinh tế tư nhân, được gặp khá nhiều doanh nghiệp tư nhân và nghiên cứu nhiều về động lực tăng trưởng một quốc gia nhờ kinh tế tư nhân.

Nên tôi không lạ khi khối tư nhân Việt Nam đang vươn lên rất mạnh trong 10 năm qua, lần lượt thay thế vị trí dẫn đầu các ngành trước đây là của khối Nhà nước. Nhưng vài năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu có một số tập đoàn tư nhân xuất sắc tới mức có thể nói là phát triển nhanh và hiệu quả top đầu thế giới (so sánh cùng ngành). Đó là điều hết sức thú vị! Và tôi tin sẽ tiếp tục có những tập đoàn tư nhân xuất sắc vượt lên.

Cũng giống như cách Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) 20 - 40 năm trước có những bước phát triển nhảy vọt về kinh tế khi có những đầu kéo là các tập đoàn tư nhân lớn và hiệu quả. 

- Người ta dùng cụm từ “kỳ tích” để nói về Hòa Phát, hay chính xác hơn là nói về Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất, vì sao lại là “kỳ tích”?

Bạn có tin không, mỗi bước chuyển trong 10 năm qua của Hòa Phát đều tăng gấp 3 về quy mô lợi nhuận. Từ 1.000 lên 3.000 với Khu liên hợp gang thép Hải Dương giai đoạn 2012 - 2013, rồi từ 3.000 lên 9.000 giai đoạn 2016 - 2018; và bây giờ, từ 9.000 lên 30.000 tỷ khi Hòa Phát Dung Quất 1 đi vào hoạt động. Tất cả chỉ trong 10 năm! 

Chưa có doanh nghiệp nào trong nước “nhảy” được những bước lớn như vậy. Nên người ta gọi là kỳ tích cũng đúng thôi.

- Có người lại nói đó là do“thiên thời - địa lợi - nhân hòa”?

Ở góc độ khách quan, tôi cũng đồng tình rằng phải có “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Và điều HPG đang có là sự kết hợp của cả thiên thời: Nhu cầu thép trong nước tăng mạnh do đô thị hóa, hạ tầng, bất động sản bùng nổ; địa lợi: Do Việt Nam nằm ở trung tâm giao thương và nhà máy Dung Quất có vị trí rất đắc địa với cảng nước sâu; và nhân hòa - điều quan trọng nhất: Đội ngũ này quá giỏi trong quản trị sản xuất! 

Thiên thời giai đoạn tới (2020 - 2025) còn là việc Trung Quốc giảm sản xuất công nghiệp nặng để giảm khí thải, ô nhiễm nên cung thép không tăng kịp cầu thép trên toàn cầu. HPG chính là doanh nghiệp sẵn sàng nhất để hưởng lợi từ xu hướng rất lớn này.

Khoảng 20 - 30 năm trước, trung tâm sản xuất thép nằm ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga... Sau đó tới Trung Quốc. Và giờ dịch chuyển qua các nước như Ấn Độ, Việt Nam… Nên một ngày nào đó của 5 năm tới, HPG có doanh thu lọt top 20, lợi nhuận lọt Top 3 thế giới, tôi sẽ không ngạc nhiên.

Có một điều, có lẽ bạn cũng đã biết nhưng tôi nói lại ở câu chuyện này vì nó liên quan tới vấn đề mà chúng ta đang trao đổi, đó là mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều có xuất phát điểm giống nhau, nhưng sau đó thành công lại rất khác nhau. Điều đó là do tự thân họ vận động ra sao, chiến đấu ra sao và có nắm được cơ hội hay không.

Cơ hội là chia đều cho mọi người nhưng không phải ai cũng thành công. Câu chuyện chính là như vậy với Hòa Phát!

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 16.
Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 17.
Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 18.

Cả thị trường nghi ngờ, cổ đông chất vấn. Ngoài kia giá thép giảm khi bất động sản ảm đạm, nhưng Ban Lãnh đạo Hòa Phát vẫn quyết liệt triển khai Dung Quất. Họ hiểu rõ cơ hội, và tự tin vào năng lực. Đã tính toán rất kỹ và chắc thắng.

ĐHĐCĐ lần này, bạn thấy không, không mấy ai nghi ngờ Dung Quất giai đoạn 2 như Đại hội năm 2017, 2018 nữa.

Bản thân ngành thép Việt Nam rất nhiều doanh nghiệp đang khó khăn, thua lỗ, nợ nần đầm đìa. Trong bối cảnh ấy, những doanh nghiệp hiệu quả nhất đang giúp cơ cấu lại ngành thép trong nước, và Hòa Phát đang “gánh” rất nhiều trong đó. Việc lớn nhất HPG đã làm được là giúp Việt Nam không còn phụ thuộc vào thép nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. 

Trước đây, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu toàn bộ HRC, nhiều triệu tấn thép dài, thép xây dựng, phôi thép. Từ 2021, HPG trở thành nhà sản xuất thép thô lớn nhất tại Việt Nam, cũng là top Đông Nam Á. Và sản xuất từ thượng nguồn là quặng thô ra tới thành phẩm, giúp doanh nghiệp trong ngành tự chủ nguồn HRC, phôi thép, thay thế nhiều tỷ USD nhập khẩu, và tăng dần giá trị thép Việt Nam xuất khẩu ra toàn thế giới. 

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 19.

- Vậy các doanh nghiệp thép khác cũng sẽ tận dụng được “thiên thời”, “địa lợi” ấy?

Ông Lê Chí Phúc: Đây chính là điểm khiến cá nhân tôi thấy nể phục ông Long và Ban Lãnh đạo HPG, đó là triết lý: Hòa hợp cùng phát triển. Đó cũng chính là điều mà Hòa Phát khác với nhiều doanh nghiệp khác.

Họ thực sự nói và làm như vậy! Với Dung Quất, sản lượng của HPG trở thành rất lớn và vượt trội, thậm chí ở một số thời điểm giai đoạn 2019 - 2020 là dư so với nhu cầu trong nước. Nhưng HPG không lựa chọn cách bán phá giá sâu để lấy thị phần, không chọn chiến lược tiêu diệt đối thủ cùng ngành, mà thay vào đó tìm hướng xuất khẩu ra ngoài, thậm chí xuất khẩu thẳng tới trung tâm sản xuất thép thế giới là Trung Quốc, dù có thể biên lợi nhuận thấp hơn bán trong nước. 

Nhiều cổ đông cũng có hỏi về điểm này, tại sao HPG không hạ giá bán thêm 5%, sẽ nhanh chóng chiếm thị phần và tiêu diệt các đối thủ vốn đã lỗ kéo dài và tài chính rất yếu. Ông Long trả lời: HPG không chọn cách làm này. 

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 20.

Bạn tôi làm doanh nghiệp tôn mạ lớn top 3 trong nước có chia sẻ mối lo khi HPG 4 năm trước bước chân vào lĩnh vực tôn mạ này. Và HPG bây giờ tự chủ đầu vào HRC (80% giá vốn tôn mạ) thì việc họ muốn mở rộng, ăn thị phần, loại bớt đối thủ là không khó. Nhưng bạn tôi nói cũng đoán trước ông Long và HPG sẽ không làm vậy, vì rất hiểu Ban Lãnh đạo HPG, họ vốn cũng chơi với nhau và là đối tác lâu năm.

Ngành thép Việt Nam vốn trước đây phân mảng, cạnh tranh cũng khốc liệt, đôi khi thiếu lành mạnh, giờ có một Leader biết cân bằng lợi ích các bên, hòa hợp như vậy thì luôn luôn là điều tốt cho tất cả, đó là chiến lược: Win - Win. 

Ông Long hướng tới những bài toán, những thách thức, những thị trường to lớn hơn. Và không phải lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng nghĩ và làm được như vậy,  hiếm lắm. 

- Về kế hoạch mở rộng sang bất động sản của Hòa Phát, dưới góc độ phân tích đầu tư ông có đánh giá thế nào?

Theo tôi, đó là một kế hoạch rất dài hạn và còn quá sớm để kết luận điều gì. Chỉ có một điều, nhà đầu tư và cổ đông có thể tin tưởng là HPG sẽ không làm gì hớ hênh, rủi ro cao.

*****

“Ta không được quyền quyết định những quân bài ta có, nhưng ta có quyền chọn cách chơi”. (Jawaharlal Nehru)

Trần Đình Long sinh năm 1961, tuổi Tân Sửu. Năm nay ông tròn 60. Lá số tử vi về nam nhân Tân Sửu 1961 được tả như sau: Những người tuổi Tân Sửu thường là những nhà lãnh đạo rất tận tâm, họ luôn chuẩn bị chu đáo mọi việc với một tâm lý vững vàng, rất ít bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh. Có thể nói điểm mạnh của những người tuổi Sửu, đó là họ rất lương thiện, siêng năng, chịu khó, cần cù, bền bỉ và thận trọng trong mọi việc. Tuy nhiên, những người tuổi này đôi khi rất bướng bỉnh, khó gần và không có khả năng biểu hiện cảm xúc của mình. 

Tôi cảm tưởng những dòng chữ ấy đang mô tả về chính Trần Đình Long, một nhân vật kiên nghị, nói ít làm nhiều. Không truyền thông, hạn chế báo chí và dành thời gian cho công việc, cho một cuộc sống chẳng hề tỷ phú như nhiều người nghĩ. Cuộc đối thoại dài nhất của ông với báo chí có lẽ chỉ luôn thông qua các cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Tại cuộc họp mới đây, vị Chủ tịch này đã có câu phát ngôn rất ấn tượng: Tôi đang tự hát và khen tôi hát hay luôn đấy!

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 21.

 

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 22.

Xin được giả tưởng một cuộc đối thoại, giữa Trần Đình Long của năm 2000 - khi bắt đầu với thép, và Trần Đình Long của 2021 - khi Hòa Phát đã trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.

- Vì chúng ta cách nhau hơn 20 năm, và tôi là một Trần Đình Long "đã cũ" nên mình hãy coi nhau như 2 người bạn, trao đổi thẳng thắn về những điều còn lấn cấn trong lòng nhé, được không? Xin mở đầu câu chuyện, Hòa Phát của anh năm 2021 khác gì với Hòa Phát của tôi năm 2000?

Tôi đồng ý với đề xuất đó của anh... anh Long ạ! (cười). Xin trả lời anh là sức cạnh tranh của thép Hòa Phát tại Việt Nam ở thời điểm năm 2021 đang rất tốt, và hiện cũng ở mức trung bình khá trên thế giới.

Anh - tôi, và cả các cổ đông có thể yên tâm về sức cạnh tranh. Bởi trong bối cảnh thuận lợi thì có kết quả tốt như hiện nay, còn nếu khó khăn, chúng ta vẫn có thể giữ được ở mức ổn định. Chắc chắn là vậy.

- Kể từ năm 2000, khi Hòa Phát bắt đầu làm thép, thì sau đó một loạt các lĩnh vực mới đã được đầu tư thêm, năm 2021 liệu có thêm điều gì mới?

Đó là những bước thử sức, thử thách. Năm 2021, Hòa Phát sẽ tối ưu hệ sinh thái về còn 4 đơn vị: Tổng Công ty Gang thép, Tổng Công ty Sản phẩm thép, Tổng Công ty Nông nghiệp, Tổng Công ty bất động sản. Chỉ như vậy!

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 23.
Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 24.

- Nghe nói Hòa Phát quyết tâm sản xuất container, tại sao vậy?

Đại hội vừa qua cổ đông cũng hỏi rất nhiều, họ lo lắng rằng phải ở trong chuỗi giá trị thì mới có thể phát triển, rồi lo làm xong container thì không biết bán đi đâu. Nhưng có một thực tế rằng, không nhất thiết anh phải ở trong chuỗi giá trị nào đó thì mới có thể làm container. Trung Quốc đang chiếm trên 90% container sản xuất trên toàn thế giới, 2,7 - 2,8 triệu chiếc; vậy mà thị trường này vẫn khan hiếm sản phẩm thời gian qua.  

Trong khi đó, chúng ta lại đang có nhiều lợi thế. Một là, trên 60 - 70% giá thành container liên quan đến thép, là loại thép đặc biệt - thép kháng thời tiết - mà Hòa Phát có nhà máy sản xuất được loại thép này, đặc thù, chỉ tự sản xuất mới nghĩ đến.

Thứ hai, đang có quá trình chuyển dịch lớn, và mặt mạnh sản xuất container không phải của Hòa Phát mà là của Việt Nam khi chi phí sản xuất không quá cao, trong bối cảnh nhu cầu container trên thế giới tăng trưởng rất nhanh.

Nên anh đừng lo, và tôi cũng đã nhắn nhủ với cổ đông, chuyển sang sản xuất container, cổ đông cứ yên tâm, thuận lợi là rất nhiều. Cơ bản thì làm gì cũng có cái khó, làm gì cũng có cái cạnh tranh, nhưng mình nhìn ra được cái gì thuận lợi thì mình làm thôi. Hơn nữa, nếu sản xuất được container thì lại là một điều tốt, trở thành nguồn tiêu thụ thép cho giai đoạn tiếp theo của Hòa Phát Dung Quất. 

- Còn chuyện mua mỏ, nếu mua đứt một vài mỏ quặng thì có giúp giảm giá thành đi không? Tôi băn khoăn mãi điều này.

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 25.

Với tiềm lực của chúng ta bây giờ thì mua mỏ rất thuận lợi, nó nằm trong hệ sinh thái sản xuất, mua mỏ để lấy quặng cho mình dùng thì rất tốt.

Nhưng, chính anh (và tôi) đã luôn đặt ra câu hỏi: Có lợi không? Có là thời cơ kinh doanh hay không? Mua mỏ về chúng ta không chỉ để khai thác, mà phải tính xem hoạt động kinh doanh đó có phát triển và có lợi hay không

- Năm 2015 ban lãnh đạo đã mở rộng thêm mảng nông nghiệp. Vậy nông nghiệp của chúng ta đang tăng trưởng ra sao?

Khác với sản xuất công nghiệp, khi anh làm xong một chiếc máy là xong, lĩnh vực nông nghiệp còn phải có chu kỳ sống của con vật. Vì thế, khi bắt tay vào mảng nông nghiệp, tôi cũng xác định trước là phải đến năm 2019 - 2020 mới xong được “chu kỳ dựng lên ban đầu”. 

Kế hoạch tăng trưởng mảng nông nghiệp 5 năm tới là doanh thu gấp 2 lần so với 2021, xấp xỉ 20.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế khoảng 1.700 - 1.800 tỷ đồng. Cái này thì chúng ta cần cẩn trọng khi đưa ra kế hoạch, vì phát triển nông nghiệp phụ thuộc nhiều yếu tố như môi trường, dịch bệnh…, chứ không như câu chuyện ta sản xuất thép.

Sản lượng thức ăn chăn nuôi thì phải tính bò khoảng 200.000 con, trứng khoảng 300 triệu quả và khoảng 780.000 con heo thành phẩm 1 năm. Cũng căng thẳng lắm đấy anh ạ! 

- Tôi thấy nhiều nơi phản ánh về giá thép lắm đấy, có thay đổi gì không?

Hiệp hội Nhà thầu xây dựng làm kiến nghị về kiểm tra giá thép, đó là bình thường; nếu mình sản xuất thép mà thấy quặng và than lên quá thì cũng cần kiểm tra vì sao tăng. Thép là đầu ra của Hòa Phát nhưng là đầu vào của các đơn vị xây dựng, nên cá nhân tôi nghĩ các nhà thầu kiến nghị cũng là bình thường.

Chắc anh băn khoăn có ảnh hưởng tới biên lợi nhuận hay không, thì tôi trả lời luôn là cơ bản không ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp đâu. Trên cơ sở kiểm tra, tăng giá không có gì bất thường, không phải do độc quyền thì không vấn đề gì. Về tổng thể, nhu cầu về thép đang tăng rất cao, cá nhân tôi nghĩ không có ảnh hưởng gì lớn.

Như nhiều lần đã nói, chúng ta kinh doanh tính toán ở điều kiện khó khăn và bình thường nhất mà công ty vẫn phát triển là được rồi; bối cảnh hiện tại là đang tốt; còn giá quặng giảm thì như đã nói, Hòa Phát là người cuối cùng chịu thiệt hại.

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 26.

- M&A bất động sản thì sao, có phải là một xu hướng thời thượng?

Anh cũng nắm bắt thị trường sát sao đấy chứ! M&A đúng là thời thượng, trên thế giới họ làm điều này lâu rồi, tại Việt Nam cũng có không ít doanh nghiệp đã M&A thời gian qua. Đặc biệt là giai đoạn năm ngoái tới nay, dịch bệnh, khó khăn, nhiều doanh nghiệp "ngã ngựa" lắm anh à. Cũng là một cơ hội hấp dẫn.

Xu hướng thì rất nhiều, anh em lãnh đạo cũng đoán biết, cập nhật hết, nhưng không phải cứ cái nào nóng là chúng ta lại chạy đua anh ạ.

Anh còn nhớ không, giai đoạn mà chúng ta triển khai giai đoạn 2 Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương để xuất khẩu thép ra nước ngoài, lúc ấy cung vượt cầu, Bộ Công Thương rồi Hiệp hội Thép đều lo lắng, can ngăn. Nhưng chúng ta vẫn quyết tâm làm. Khi ấy thì làm thép đâu phải thời thượng, cũng chẳng phải là xu hướng. Nhưng kết quả thì sao? Chúng ta vẫn thành công, vì mọi thứ đều đã được tính toán, đo lường kỹ càng cả rồi.

À, tôi nhớ mãi giai đoạn 4, 5 năm trước, người người nhà nhà làm nông nghiệp, thật ra chúng ta cũng cập nhật xu hướng thời thượng làm nông nghiệp đấy, nhưng không dồn vốn đầu tư, tôi gọi giai đoạn đó là thử sức, trải nghiệm với số vốn vừa phải thôi. Không bỏ lỡ cơ hội, nhưng chỉ cái gì chắc thắng chúng ta mới làm - đó chính là điều mà anh và tôi vẫn nhắc nhau, phải không?!

Rồi giai đoạn làm dự án Hòa Phát Dung Quất, cũng căng thẳng lắm chứ. Cả thị trường, cả cổ đông, rồi các chuyên gia khuyên can. Nhưng chúng ta muốn đi xa, muốn tiến vững thì cần mở rộng thị trường. Không thể cứ mãi loanh quanh trong khu vực trong khi công nghệ ngày một thông minh và các nền kinh tế thì ngày một gắn kết như thế này. Chúng ta đang có quá nhiều cơ hội trong tay anh ạ. Chỉ cần tính toán kỹ càng, với kinh nghiệm Hòa Phát có được hơn 30 năm qua, tôi tin chúng ta sẽ còn thành công hơn nữa.

Thật ra, tại đại hồi rồi tôi cũng đã chia sẻ với cổ đông, không ai có thể làm thép mãi được, năm nay đạt 120.000 - 140.000 tỷ doanh thu, tiếp theo là trên 200.000 tỷ; rồi chúng ta vẫn phải phát triển các ngành sau thép thôi; như mọi tập đoàn khác, sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ phải đa ngành. 

Chúng tôi đang tìm kiếm, “ngắm” các khu vực bất động sản tốt, xin đất tại một số tỉnh. Hòa Phát đang có uy tín tốt trên thị trường, đã đi các tỉnh, xin phát triển từ đầu với giá vốn thấp về bất động sản; vẫn sẽ tìm M&A, nhưng chỉ M&A khi chắc chắn chúng ta có lợi nhuận tốt, chứ không M&A bằng mọi giá. 

Nhưng tính đến ngày hôm nay thì chúng ta chưa M&A cái nào, anh ạ!

- Mới đây có bài viết nói Hòa Phát “sa lầy” khi đầu tư bất động sản, anh đọc chưa?

Đó là giai đoạn thử sức, anh ạ. Không thử sao biết mình làm được hay không, cái gì cũng sợ, cái gì thấy khó cũng bỏ qua thì tôi e rằng giờ này chúng ta vẫn là một công ty buôn bán nội thất thôi.
Tin vui chia sẻ với anh là kết quả kinh doanh quý II có thể còn tốt hơn quý I.

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 27.

Nói chung thì không phải đều thuận lợi cả, nhưng tôi thấy chúng ta may mắn khi nhà nhà làm bất động sản thì chúng ta không lao đi làm bất động sản. Chúng ta kiên định với thép thời gian qua, có nền tảng tốt; rất nhiều người đã, đang và sẽ làm như Hòa Phát nhưng vẫn có nơi thua lỗ; không phải là toàn thuận lợi. 

Chúng ta giữ trạng thái thăng bằng, bình thường; dù ở trạng thái không tốt thì Hòa Phát cũng trụ vững được, tôi đã hứa với cổ đông, với nhân viên rằng: Ngày nào chúng tôi còn điều hành thì chúng tôi xin cam kết là Hòa Phát sẽ còn tốt, không phải vì thấy người ta ăn khoai mà vác mai đi đào. 

- Quỹ phúc lợi hiện nay thế nào, chế độ cho anh em vẫn tốt chứ?

Để Hòa Phát phát triển thì là tài năng của ban lãnh đạo, công sức của cán bộ công nhân viên và thứ ba là hệ thống đại lý, họ có làm tốt thì mới đến được người tiêu dùng. Có những đại lý đang làm rất tốt; kể cả bán lỗ ta cũng phải bán, xây dựng đại lý mới là điều quan trọng. Cho nên dành 225 tỷ đồng làm quỹ thưởng cho Ban Điều hành gồm ban giám đốc công ty, các trưởng, phó phòng ban với tổng cộng khoảng trên 400 người - tôi thấy con số đó không nhiều, có khi là chưa đủ so với những gì họ đã và đang cống hiến.

Lại một lần nữa nói về quan điểm cá nhân tôi, đó là không thể giảm quỹ tặng, vì số đó là một dạng đầu tư chiều sâu, lo cho cán bộ nhân viên về phần phúc lợi, phúc lợi rất nhiều. Hiếm tập đoàn nào, đến trưởng bộ phận cũng được thưởng cho cả gia đình đi du lịch châu Âu. Nhưng đó là đầu tư, nguồn không thể giảm; họ rất xứng đáng, là phần đóng góp của anh em, nhân viên làm ngày làm đêm…

*****

Không phải ai cũng có một giọng hát trời phú, nên không phải ai cũng đủ tự tin để tự hát và tự khen mình. Nhưng có một người, đã dám hát, đã dám tự khen mình trước hàng trăm người, thì giọng hát ấy phải rất ấn tượng, thì con người ấy phải tự tin đến nhường nào. Sẵn sàng nói không với những xu thế thời thượng khi thấy chưa phù hợp, và cũng sẵn sàng để đi ngược lại bức tranh thị trường, để rồi mạnh mẽ xuất khẩu thép ra nước ngoài, tạo cho mình một "con đường thời thượng" khác biệt. Doanh nhân Trần Đình Long không chỉ khiến đối thủ phải ngả mũ thán phục vì sức chiến đấu kiên cường mà còn bởi ý chí dám thực hiện khát vọng với một tầm nhìn rất xa.

Trần Đình Long chẳng muốn nhận mình là vua, là ông trùm, hay với “danh xưng” tỷ phú, dẫu có hay không, thì vị doanh nhân ấy vẫn sở hữu cho mình cả một chặng đường dài lớn mạnh cùng thép, đưa ngành thép Việt chạy đà trên đường băng bước vào cuộc đua mang tầm quốc tế. 

Thuyền trưởng Hòa Phát Trần Đình Long - Người thay đổi “cuộc chơi” ngành thép Việt- Ảnh 28.
Thanh Thảo - Lê Quyên
10/05/2021 08:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top