Người Việt thương nhau đến thế

Người Việt thương nhau đến thế

Thứ Ba, 31/08/2021 - 06:00

Sau này nếu có ai đó viết lịch sử về doanh nhân Việt Nam, chắc chắn sẽ có chương về lòng nhân ái. Tương tự nếu có bảo tàng về doanh nhân – doanh nghiệp Việt Nam hẳn nhiên lòng nhân ái doanh nhân Việt sẽ có gian trưng bày xúc động. Con người Việt Nam từ trong huyết mạch có hồng cầu nhân ái. Doanh nhân Việt là người Việt, doanh nghiệp Việt do người Việt thành lập, điều hành, hẳn nhiên trên lá cờ thương hiệu có những chi tiết của lòng nhân ái. Họ đâu chỉ vì lợi nhuận, đâu chỉ tìm giá trị tuyệt đối của “thặng dư” tư bản.

COVID-19 xuất hiện đến nay gần 2 năm đã làm chao đảo toàn cầu, các quốc gia đều vật vã. Vật vã trong đại dịch và sẽ còn vật vã để vươn lên sau đại dịch. Chưa bao giờ nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam, đội ngũ doanh nghiệp còn non trẻ của Việt Nam bị thử thách đến thế. Chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi giá trị trong nước nhiều lúc tưởng như “đứt gãy”.

Cứ nhìn vào doanh nghiệp hàng không, các loại hình vận tải khách phải dừng hoạt động, nhìn vào doanh nghiệp du lịch “đóng cửa” sẽ thấy mức độ khốc liệt do COVIVI-19 gây ra. Rất, rất nhiều doanh nghiệp mới, yếu...đóng cửa, rút lui khỏi thị trường. Những doanh nghiệp bản lĩnh đang tìm cách để thích nghi, tồn tại và tìm hướng phát triển mới trong chuỗi giá trị mới, gọi là “biến nguy thành cơ”. Trong thời khắc “sinh - tử” do COVID-19 gây ra, doanh nhân Việt càng ngời sáng “giá trị Việt”, hẳn nhiên đó là giá trị nhân ái.

Doanh nhân Việt tự hào có một lịch sử đồng hành, dấn thân cùng dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến, kiến quốc, giới công thương luôn nhiệt thành ủng hộ rất lớn về vật chất và tinh thần, góp sức giúp đất nước vượt qua những khó khăn. Những ngày chính quyền còn trong “trứng nước”, họ đã kề vai sát cánh cùng Chính phủ.

Trên hành trình chống "giặc" Covid-19, đã có rất nhiều khoảnh khắc xúc động không thể quên của các lực lượng tham gia phòng chống đại dịch (Ảnh sưu tầm)

Chỉ sau hơn hai tuần sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, vào ngày 18/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian để gặp gỡ giới doanh nghiệp và doanh nhân nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ đối với việc khôi phục, phát triển kinh tế đất nước. Và ngày 13/10/1945, Bác Hồ đã gửi thư cho giới công - thương Việt Nam. Từ năm 2004 đến nay, ngày này trở thành “Ngày doanh nhân Việt Nam”.

Lịch sử doanh nhân Việt Nam là những trang vàng. Những trang đầu có tấm gương cống hiến của thương nhân Trịnh Văn Bô, chủ tiệm vải Trịnh Phúc Lợi, số 48 Hàng Ngang, nổi tiếng Hà thành thời đó. Ông đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ. Hai ông bà còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động “Tuần lễ vàng”, khích lệ giới công thương và các tầng lớp nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370kg vàng.

Tên tuổi “lừng lẫy” kế tiếp phải là Đỗ Đình Thiện, cũng một doanh nhân Hà Nội. Ông đã ủng hộ 3 vạn đồng Đông Dương cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng sau khi đồng chí vượt ngục ở nhà tù Sơn La. Đầu năm 1945, ông bà lại nhờ ông Vũ Đình Huỳnh chuyển tới ông Nguyễn Lương Bằng 10 vạn đồng nữa.

Trước Quốc khánh chỉ một ngày, ngày 01/9/1945, ông bà Đỗ Đình Thiện đã giúp 10 triệu đồng để Chính phủ mới chi dùng. Trong “Tuần lễ vàng” gia đình ông Đỗ Đình Thiện đóng góp 100 lạng vàng. Sau này, ông bà Đỗ Đình Thiện còn ủng hộ một nửa cổ phần để thành lập Việt Nam công thương Ngân hàng (tiền thân của Ngân hàng quốc gia Việt Nam).

COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam từ tháng 3/2020. Từ 27/4 đến nay được gọi là “giai đoạn thứ 4”, với đặc điểm mất dấu F0, đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng, diễn ra trên diện rộng. Việt Nam phải ứng phó cùng lúc với hai biến thể của virus SARS-CoV-2 gồm biến thể của Anh và biến thể kép của Ấn Độ, tốc độ lây lan nhanh.

COVID-19 tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân càng đoàn kết, quyết tâm, vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực phi thường để duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Đồng thời, nêu cao tinh thần chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, đồng hành, đóng góp với Chính phủ, các địa phương, hỗ trợ người dân, tổ chức cứu trợ, vận chuyển và thực hiện hoạt động thiện nguyện, thể hiện nghĩa cử cao đẹp.

Nếu như khi dịch bệnh mới xâm nhập Việt Nam, các doanh nghiệp đã cứu trợ, chia sẻ, đóng góp khẩu trang thì ở “giai đoạn thứ 4” cộng đồng doanh nghiệp tham gia từ đóng góp “Quỹ vaccine”, vật tư, thiết bị y thế đến chương trình an sinh xã hội rộng lớn, thiết thực hướng đến đồng bào vùng tâm dịch. Nói sao hết năng lượng đồng hành, hiệu quả đóng góp, đặc biệt của doanh nghiệp tư nhân.

Lịch sử doanh nhân Việt Nam sau này nếu được viết, nếu ai viết, chắc chắn sẽ có chương về chống COVID-19, với nhiều tên tuổi, hẳn nhiên vị trí trang trọng phải có tên Tập đoàn Vingroup. Từ tháng 5/2021 tập đoàn tư nhân số 1 Việt Nam Vingroup đã trao ủng hộ số tiền tương đương 4 triệu liều vaccine thông qua Bộ Y tế.

Trước đó, Tập đoàn đã tài trợ 20 tỷ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng Vaccine phòng dịch COVID-19 “Made in Vietnam” COVIVAC cho Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế sản xuất. Tập đoàn này còn tặng Chính phủ 3.000 máy thở VSMART VFS-410 và 200 máy thở xâm nhập VFS-510, phục vụ tuyến đầu chống dịch, giảm tử vong cho bệnh nhân.

Người dân Việt Nam, hẳn nhiên vui khi biết tin Tập đoàn Vingroup ký kết với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19. Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vaccine đầu tiên vào đầu năm 2022.

Phải nói là, thực hiện “Chiến lược Vaccine” của Chính phủ, Vingroup là doanh nghiệp đang trở thành “nhà đồng hành” số một. Ngày đất nước đạt được miễn dịch cộng đồng, chuyển sang trạng thái bình thường mới, chắc không lâu nữa.

Thời gian này, tôi ngồi làm việc online do Hà Nội thực hiện “giãn cách xã hội”. Trái tim tôi, dường như cũng “chia ba phần tươi đỏ” (thơ Tố Hữu), lo lắng cho Hà Nội, quê nhà, đặc biệt là TP.HCM, nơi được coi là “nóng bỏng nhất” của “làn sóng thứ tư” dịch bệnh. Trong tình cảm với Sài Gòn, có chung, có riêng. Chung là vị trí của TP.HCM với cả nước, thành phố thành đồng luôn “đi trước về sau” cùng cả nước, vì cả nước. Riêng bởi nơi đó là cả một vùng ký ức, nơi tôi có rất nhiều người thân, anh em, bè bạn, đồng nghiệp. Thương lắm Sài Gòn, thương nhất là những phận đời ngày thường đã bươn chải, cực nhọc.

Trong hành trình nhân ái với dân vùng “tâm dịch” thật nhiều sáng tạo, lan tỏa cảm xúc yêu thương. Từ những tiệm cơm 0 đồng, cửa hàng rau xanh 0 đồng... đến những “Phiên chợ 0 đồng” ở Bình Dương... Đặc biệt, chuỗi “Siêu thị mi ni 0 đồng” do Tập đoàn PNJ khởi xướng đã làm được điều không tưởng. Chỉ riêng ở TP.HCM, từ cuối tháng 6 và nhất là từ ngày 9/7 thời điểm thành phố bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội đến nay đã có đến hơn 55.000 hộ gia đình, hàng ngàn sinh viên bị mắc kẹt trong các ký túc và hàng nghìn người yếu thế trong xã hội được cứu trợ, tặng quà.

"Nếu có bảo tàng về doanh nhân – doanh nghiệp Việt Nam hẳn nhiên lòng nhân ái doanh nhân Việt sẽ có gian trưng bày xúc động..." (Ảnh sưu tầm)

COVID-19 thức tỉnh thế giới, các quốc gia, từng dân tộc và mỗi cá nhân. Ngay an sinh xã hội chúng ta cũng kịp bừng tỉnh. Nếu như an sinh xã hội được thực hiện sớm hơn chúng ta sẽ không phải chứng kiến dòng người với hàng ngàn xe máy tự phát về quê, không phải thắt lòng chứng kiến “Những đứa trẻ vừa đi vừa lớn” (thơ Nguyễn Thị Thúy Quỳnh). Rất may, khi TP.HCM bước vào đợt giãn cách tăng cường, thực hiện mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9, lực lượng quân đội tăng cường đã “đi chợ” thay dân, cung cấp thuốc chữa bênh thông thường miễn phí cho dân.

Trong Thư gửi giới công thương ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xác tín rằng “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công - thương trong công cuộc kiến thiết...”. Chính phủ thấu hiểu khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong “cơn bão thế kỷ” COVID-19, vì thế Nghị quyết 88/NĐ-CP của Chính phủ xác định nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển kinh tế.

Rồi đây sẽ có Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Rồi đây, Chính phủ sẽ ghi nhận, tôn vinh sự đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vào cuộc chiến chống COVID-19, được xác định ngay từ đầu “Chống dịch như chống giặc”.

Doanh nghiệp, doanh nhân Việt ở thời khắc khó khăn nào của lịch sử cũng biết hy sinh, đồng hành cùng dân tộc. COVID-19 càng cho thấy trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nhân Việt, góp phần lan tỏa nhân ái Việt. Người Việt Nam thương nhau đến thế cơ mà. Chắc chắn đại dịch COVID-19 sẽ được đẩy lùi, nỗi buồn, lo lắng hôm nay sẽ qua thôi!/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top