Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trong toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn... Theo kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay chỉ mới thực hiện được khoảng 28% kế hoạch đã đề ra.
Tương tự, theo kết quả khảo sát từ Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM trong giai đoạn 2016 – 2020 thì có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội. Trong đó, cán bộ công chức: 10.000; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo: 39.000; lao động trong khu công nghiệp: 17.000; đa số trong các nhóm đối tượng đều chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ từ 65% đến 94%.
Có thể thấy một thực tế là nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp là rất lớn. Bởi vậy khi có gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ, cơ hội mua nhà của người thu nhập thấp đã mở rộng hơn. Tuy nhiên, cuối năm 2016 gói hỗ trợ kết thúc đồng nghĩa với câu chuyện về tiền vốn mua nhà cho người thu nhập thấp lại là bài toán đặt ra để đi tìm câu trả lời.
Trao đổi bên lề diễn đàn Bất động sản Việt Nam 2017, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay: “Theo tôi hiện nay đang khó có thể nhìn ra một gói, ít nhất với mức độ cao như gói 30 nghìn tỷ. Bởi vì chúng ta cũng thấy là Chính phủ đang rất nỗ lực nhưng kể từ khi gói 30.000 tỷ kết thúc cho tới nay thì chúng ta cũng thấy chỉ có khoảng 1.000 tỷ đưa về ngân hàng chính sách xã hội. Vậy bây giờ hình thành gói nào ở mức độ như 30.000 tỷ trước đây thì tôi chưa nhìn thấy.
Chúng ta cũng biết là hiện nay thu ngân sách giảm, nợ công cao, chi thường xuyên thì nhiều nhưng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước là rất hạn chế. Thế nên tìm gói nào thì chưa thấy ở đâu có thể tạo ra gói 30.000 tỷ. Thế nên hiện giờ chúng ta cứ chờ đợi thôi. Tôi cho rằng đây là một khó khăn trong phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ”.
Cùng quan điểm với GS Võ, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng trình bày quan điểm: “Tôi nghĩ rằng để có một gói cụ thể cho nhà ở xã hội là chưa có. Hiện tại chúng ta chỉ có thể thực hiện theo cơ chế mới, quy định mới của luật nhà ở nghĩa là không có một gói cụ thể nhưng sẽ phải thường xuyên quan tâm và giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp.
Gói 30.000 tỷ chúng ta thực hiện vừa qua giống như gỡ khó cho thị trường BĐS trong giai đoạn đó còn hiện tại chỉ có thể quan tâm thường xuyên hơn hoặc thực hiện theo hướng hỗ trợ lãi suất. Có nghĩa là hàng năm Chính phủ sẽ có một nguồn vốn thông qua ngân hàng chính sách xã hội cũng như các ngân hàng thương mại cổ phần để thực hiện chương trình cho vay và nhà nước hỗ trợ lãi suất”.
Nói về giải pháp để có thêm gói vốn hỗ trợ, tại phiên thảo luận của Diễn đàn, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho biết, cá nhân ông cảm thấy tài chính cho nhà ở xã hội đang là vấn đề nan giải, dường như chủ yếu chỉ huy động từ ngân hàng, từ đó khuyến khích ngân hàng cho vay.
Ông Nghĩa chia sẻ: “Tôi nghĩ Bộ Xây dựng và cơ quan chức năng nên nghiên cứu kinh nghiệm của các nước huy động nguồn vốn khác để hỗ trợ. Có thể thành lập 1 quỹ riêng cho phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ, như kinh nghiệm của Hà Lan”