Nghịch lý chủ đầu tư nhưng không được quyền đầu tư tiện ích
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở, khu đô thị không được đảm bảo quyền được đầu tư kinh doanh đối với các lô đất trong dự án được quy hoạch, để thực hiện các công trình giáo dục, y tế, thể dục thể thao, công viên phục vụ vui chơi giải trí có kinh doanh.
Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, các chủ đầu tư dự án khu nhà ở, khu dân cư, khu đô thị mới trên địa bàn TP.HCM không được quyền đầu tư các phần đất giáo dục, y tế, thể dục thể thao, công viên phục vụ vui chơi giải trí (có mục đích kinh doanh) trong dự án.
Vì vậy, chủ đầu tư đã không thực hiện được đầy đủ trách nhiệm xây dựng các cơ sở dịch vụ, tiện ích trong dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cũng không thực hiện được cam kết với khách hàng. Điều này đã làm dẫn đến xảy ra tình trạng khiếu kiện tại một số dự án, gây mất trật tự xã hội và làm ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư.
Điển hình là trường hợp công viên chuyên đề Ocean World rộng 6,4ha của Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc. Công viên này đã được Vạn Phúc tự bỏ vốn tạo lập, tự bồi hoàn từng mét vuông đất, tự đầu tư kết cấu hạ tầng. Thế nhưng, đến khi chuẩn bị triển khai thì tất cả đều phải dừng lại chờ hướng dẫn, yêu cầu phải qua đấu thầu.
Được biết, ngày 12/8/2017, UBND TP.HCM đã ra Quyết định số 4353/QĐ-UBND, duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án Công viên chuyên đề (Công viên nước), và hồ điều tiết tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức.
Theo quy định tại Khoản 7, Điều 19, Luật Quy hoạch đô thị 2009, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư. Như vậy, thời điểm ra Quyết định số 4353/QĐ-UBND, UBND TP.HCM đã xác định Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc (đơn vị tổ chức lập đồ án quy hoạch chi tiết) là chủ đầu tư.
Tuy nhiên, đến ngày 23/7/2018, thành phố lại ra công văn số 7990/VP-ĐT, giao cho sở ngành thành phố và UBND quận tổ chức đấu thầu lựa chọn hình thức thực hiện dự án Công viên chuyên đề (Công viên nước) đúng theo quy định hiện hành, đồng thời hướng dẫn Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc tham gia đấu thầu theo quy định.
“Điểm bất cập là quỹ đất dự án do Công ty Vạn Phúc tự bỏ vốn tạo lập, tự đầu tư kết cấu hạ tầng thì tại sao chủ đầu tư không được tự đầu tư kinh doanh ? Quỹ đất này cũng không phải là đất công, thì tại sao lại được Nhà nước tổ chức đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời hướng dẫn Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc tham gia đấu thầu theo quy định ? Tại sao Nhà nước lập thủ tục quản lý và chỉ khuyến khích, mà lẽ ra là phải ưu tiên cho chủ đầu tư dự án thực hiện đầu tư công trình này?” ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đặt câu hỏi.
Người dân và doanh nghiệp cùng thiệt hại vì bất cập pháp lý
Việc thủ tục bị hướng dẫn lòng vòng không hồi kết kéo dài hơn 2 năm nay, đã gây không ít khó khăn và thiệt hại rất lớn cho chủ đầu tư công viên chuyên đề Ocean World.
Theo Công ty Vạn Phúc, đối tác nước ngoài là Tập đoàn Daemyung đồng ý rót 300 triệu USD xây dựng công viên nước lớn nhất Đông Nam Á, với sức chứa 10.000 người/ngày. Đội ngũ kỹ sư đã bay qua Việt Nam chuẩn bị triển khai với thời gian 18 tháng là đi vào vận hành khai thác giai đoạn 1, trang thiết bị máy móc cũng đã đặt từ Châu Âu. Thế nhưng, tất cả đều phải dừng lại chờ hướng dẫn, yêu cầu phải qua đấu thầu. Thiệt hại cho doanh nghiệp và đối tác là rất lớn.
Luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, việc chủ đầu tư dự án không được đầu tư phần đất công cộng gây ra nhiều bất cập, làm thủ tục kéo dài, từ đó doanh nghiệp không còn mặn mà đầu tư. Do vậy, việc chủ đầu tư đầu tư xây dựng các công trình công cộng cần được ưu tiên không qua đấu thầu, vì chờ đấu thầu sẽ mất thêm nhiều thời gian thủ tục. Công trình công viên, trường học, bệnh viện chậm triển khai thì người dân chịu thiệt trước tiên.