Kỳ 2: Nguyễn Ngọc Mỹ - Tương lai nằm trong tay những người đáng tin cậy

Kỳ 2: Nguyễn Ngọc Mỹ - Tương lai nằm trong tay những người đáng tin cậy

Hồng Vân (thực hiện)
Hồng Vân (thực hiện) dohongvan115@gmail.com
Thứ Sáu, 11/06/2021 - 06:00
​​​​​​Kỳ 2: Nguyễn Ngọc Mỹ - Tương lai nằm trong tay những người đáng tin cậy - Ảnh 1.

Ngay từ đầu tôi đã ấn tượng bởi những lời tựa đó trong cuốn sách: Con gái Bà Triệu thế kỷ 21 của nữ tác giả Irene Ohler, bởi những dòng viết đó làm tôi liên tưởng ngay đến cô gái mà tôi chuẩn bị gặp gỡ. Và thật tình cờ, đây chính là cuốn sách mà cả tôi và cô ấy cùng yêu thích. Có lẽ vì thế mà cuộc đối thoại với Ngọc Mỹ đã đưa tôi đi xa hơn, trở thành hành trình đối thoại với chính mình.

Ngọc Mỹ Alphanam Group

Ở Nguyễn Ngọc Mỹ hội tụ tất cả những yếu tố “con nhà người ta” trong truyền thuyết. Kể từ khi về nước năm 2014, cô liên tục được truyền thông nhắc đến với cụm từ Ái nữ xinh đẹp nhà Alphanam. Nhưng có lẽ vì thế, Mỹ lại khá dè chừng với những cuộc hẹn phỏng vấn, bởi sợ sự lặp lại chính mình trong những bài viết. 

Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, giữa những ngày Hà Nội nóng như đổ lửa và cả nước đang căng mình chống chọi làn sóng Covid thứ 4. Tôi thực sự muốn biết rõ hơn về Ngọc Mỹ, không phải với mỹ từ Ái nữ nhà Alphanam như người ta vẫn nhắc, mà là với tư cách một nữ doanh nhân trẻ, đang ứng biến trước những khó lường của Covid-19 và hoạch định chiến lược cho tương lai.

​​​​​​Kỳ 2: Nguyễn Ngọc Mỹ - Tương lai nằm trong tay những người đáng tin cậy - Ảnh 3.

PV: Covid-19 kéo dài từ 2020 đến nay như bóng đen phủ lên nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Giai đoạn này lại trùng hợp với thời điểm hoàn tất cuộc chuyển giao thế hệ của Alphanam. Trước đó, Mỹ đã bao giờ chuẩn bị cho mình một tâm thế đối diện với những khủng hoảng như Covid-19 khi kế nghiệp chưa?

Nguyễn Ngọc Mỹ: Những khó khăn, thách thức mà tôi phải đối diện không nằm ngoài những gì các doanh nghiệp khác đang trải qua: Gián đoạn về nguồn cung, sự thay đổi về phương thức tiếp cận bán hàng, dòng tiền, chi phí và hiệu quả nhân sự. Trong suốt hơn 1 năm vừa qua, chúng ta gọi chung là năm Covid, Việt Nam cũng trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, kèm theo những diễn biến, rào cản, và khó khăn trong từng thời điểm khác nhau. 

Nếu nói chuẩn bị tâm thế đối mặt với một khủng hoảng như Covid-19 thì tôi chưa từng nghĩ đến. Nhưng ở một góc độ khác, tại Alphanam tôi đã được rèn luyện để quen với việc ứng phó, xoay chuyển với những tình thế không mong muốn, và làm thế nào để mình xử lý công việc, dẫn dắt được mọi người cùng nhau đến được mục tiêu ban đầu đã đặt ra. Chính điều này được vận dụng trong bối cảnh Covid.

PV: Tôi nhớ doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải có nói một câu: “Không phải chỉ những lúc bị dồn vào chân tường mới ứng phó, mà đôi khi phải tạo những tình huống ‘có biến’ để thúc đẩy sự đổi mới, vận hành của doanh nghiệp”. Có phải bản lĩnh mà Mỹ có được ngày hôm nay là nhờ rèn luyện từ chính triết lý đó? 

Nguyễn Ngọc Mỹ: Tôi lại nghĩ hơi khác một chút. Cuộc sống không nên tự tạo ra những áp lực cho chính mình, nhưng để đối diện với những áp lực xảy ra, mình cần rèn luyện trong cả một quá trình. Bố tôi hay nói: “Mình thưởng thức những áp lực trong cuộc sống như là chanh, ớt làm cho bát phở ngon hơn". Chính vì thế, khi Covid xảy đến, với nhiều những thông tin bất ổn, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan đến du lịch, tôi luôn phải nghĩ, làm thế nào để thích nghi trong mọi điều kiện, mình vẫn vượt qua được chính mình, tăng khả năng của bản thân để thực hiện những kịch bản tình huống 1, 2, 3.

Nguyễn Ngọc Mỹ Alphanam Group

Thực tế, trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc sống cũng đều có thể xảy ra những biến cố không mong muốn, không phải là Covid thì sẽ là một điều gì đó khác buộc mình phải ứng biến. Những gì tôi có được để đối mặt với thách thức ngày hôm nay, thực tế đã có  sự chuẩn bị nào đó trong suốt một quãng thời gian, giờ chỉ chọn phương án để thực hiện, chứ không phải khi xảy ra khủng hoảng mới tạo ra tâm thế để đối mặt. 

PV: “Nghịch cảnh xảy ra không ai muốn, nhưng thực tế nghịch cảnh không phải là bất hạnh mà đó là món quà mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta”, Mỹ có nghĩ vậy không?

Nguyễn Ngọc Mỹ: Hành trình 26 năm phát triển của Alphanam không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, và chính vì thế tôi được rèn giũa, học hỏi trong chính những cách vượt qua thử thách của người Alphanam và bố. Một trong những phẩm chất đặc biết của bố Hải là: Không bao giờ đổ lỗi. Vì thế, dù bất cứ điều gì xảy đến, bố đều nói: “Do mình”, chứ không nhìn nhận như lỗi lầm của ai khác hay do hoàn cảnh tác động. Khi sự việc xảy đến, cần nghiêm túc nhìn lại mình trước để rút ra bài học và chủ động suy xét vấn đề. Thắng hay thua cũng đều do mình. Thành hay bại cũng là do mình. Vì do mình nên mình là người duy nhất có khả năng để thay đổi kết quả. 

Thực tế cuộc sống đều có những chu kỳ lên xuống. Không ai và không doanh nghiệp nào thoát khỏi quy luật chung của xã hội và nền kinh tế. Vì thế, cần phải giữ được tâm tĩnh trước mọi xáo trộn và làm cách nào để biến chính những giai đoạn trũng đó thành nền tảng, cơ hội cho tương lai. Có một câu mà tôi rất tâm đắc: “Không bao giờ được lãng phí một cuộc khủng hoảng”. 

​​​​​​Kỳ 2: Nguyễn Ngọc Mỹ - Tương lai nằm trong tay những người đáng tin cậy - Ảnh 5.

Mỗi khi có khủng hoảng xảy ra hoặc biến động được gọi là trũng, thì tốt nhất chúng ta nên dành thời gian đó để tôi luyện bản thân, để thời điểm kinh tế phục hồi hay tăng trưởng lại, lúc đó đã có một nền tảng vững chắc hơn, khi có cơ hội đến, mình đã ở tâm thế sẵn sàng. 

Có lẽ đây cũng chính là một phần nằm trong slogan của Alphanam xây dựng trong suốt 1/4 thế kỷ qua: “Đi trước một bước”. Trong rất nhiều hàm ý thì có một điều quan trọng là luôn luôn phải đối diện mọi thứ một cách chủ động. Bị động sẽ không bao giờ tạo ra được kết quả như mong muốn. 

​​​​​​Kỳ 2: Nguyễn Ngọc Mỹ - Tương lai nằm trong tay những người đáng tin cậy - Ảnh 6.

PV: Tôi khá bất ngờ khi kết quả kinh doanh của Alphanam năm 2020 lại có những tăng trưởng rất khả quan. Thực tế trước một năm 2020 đầy biến động, là một trong những người “đứng mũi chịu sào” của Alphanam, bạn đã ứng biến như thế nào?

Nguyễn Ngọc Mỹ: Khi có khó khăn xảy ra, chúng ta mất nhiều tài nguyên, vốn liếng những cách khác nhau, vì thế càng phải hiểu được điều gì là thứ cần bảo toàn. Chúng tôi luôn lấy những giá trị cốt lõi của Tập đoàn làm kim chỉ nam – Nhân sự là tài sản quý giá nhất.   

gia đình Alphanam

Để biến thách thức thành cơ hội, ngoài sự nhạy bén của ban lãnh đạo thì cần hơn cả là sự quyết tâm và tập trung cao độ của người Alphanam. Chỉ có sự đồng lòng mới tạo ra cú hích. Khi mà nhiều nơi có thể “buông súng” thì người Alphanam quyết định tiến lên, tấn công chứ không phòng thủ. 

Alphanam cũng có một nhánh liên quan đến bất động sản du lịch, nên từ đầu chúng tôi đã xác định, Covid chắc chắn không chỉ gây ảnh hưởng trong 1 - 2 năm. Giai đoạn này, những mảng liên quan đến sản xuất và các lĩnh vực khác phải tiến lên, chiếm được thị phần, phát triển và tăng trưởng để tương trợ. 

Nhưng nhìn sâu hơn, văn hoá doanh nghiệp là sợi dây kéo chúng tôi lại gần nhau và tiến về phía trước. Một năm qua, gia đình Alphanam đã tạo được những thành quả nhất định chính từ sự gắn kết ấy. Các năm trước, mảng du lịch tạo cảm hứng rất nhiều cho toàn hệ thống, nhưng trong năm qua, những cán bộ nhân viên ở mảng này lại nhận được rất nhiều sẻ chia của những anh em trong nhóm ngành khác. Năm ngoái, có giai đoạn Đà Nẵng bị “đóng băng” vì Covid,  một nhân viên của Alphanam đã đề xuất ý tưởng chia sẻ một ngày lương để ủng hộ, hỗ trợ những cán bộ nhân viên đang làm việc ở khách sạn trong Đà Nẵng. Đề xuất này ngay lập tức nhận được hưởng ứng của hàng ngàn cán bộ nhân viên.

Điều này có được là nhờ sự kết dính trong suốt hành trình 26 năm của Alphanam chứ không phải đợi đến khi Covid xảy ra hay khi tôi và anh Nhật kế nghiệp. Tôi học được ở bố một điều, trong những khó khăn, nếu tinh thần rệu rã chắc chắn sẽ thất bại; chỉ có sự đồng lòng, gắn kết mới có thể tạo thành sức mạnh tiến về phía trước. Bố tôi là người luôn biết cách truyền cảm hứng và có năng lượng vô biên để đồng hành cùng cán bộ nhân viên. Ở Alphanam, mọi người không lạ với việc 11 thậm chí 12 giờ đêm vẫn thấy Chủ tịch nhắn tin để thăm hỏi, động viên các đội nhóm ở thời điểm đang cần giải quyết những công việc nóng. Bố cũng là người sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, tâm sự với mọi người, dù đó là cán bộ lãnh đạo hay nhân viên. Bố là người có khả năng giải quyết các vấn đề nóng rất tài tình và đi vào lòng người.  

PV: Cái tài của doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải là luôn toả ra nguồn năng lượng tích cực và tinh thần của một người anh cả, người thủ lĩnh, vì thế có khả năng thu phục lòng người. Nhưng một nữ doanh nhân có tuổi đời còn rất trẻ như Mỹ, phải điều hành hàng nghìn cán bộ nhân viên, trong đó có cả thế hệ các chú, các bác, có khi nào bạn thấy mình phải “mặc một chiếc áo quá rộng”?

Nguyễn Ngọc Mỹ: Tôi và anh Nhật học được nhiều điều ở bố, nhưng mỗi người có một triết lý làm việc khác nhau. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm thế nào để tình yêu của mọi người dành cho gia đình Alphanam, dành cho bố có thể lan toả được đến nhiều thành viên hơn nữa, để văn hóa Alphanam không bị đứt gãy. 

​​​​​​Kỳ 2: Nguyễn Ngọc Mỹ - Tương lai nằm trong tay những người đáng tin cậy - Ảnh 8.

Ở Alphanam có nhiều thế hệ khác nhau, từ 5x - 2000. Câu chuyện của thế hệ mình là làm thế nào để tất cả các thế hệ của Alphanam cùng có chung một góc nhìn. Chỉ khi nào các thế hệ khác nhau, làm việc ở các vị trí khác nhau, thuộc các đơn vị khác nhau, bán các sản phẩm khác nhau hiểu cùng định nghĩa về kim chỉ nam và sứ mệnh, thì Alphanam mới tạo ra được một tập thể đồng đều. 

Hôm nay ở Alphanam có kế hoạch tăng trưởng khoảng 1.000 nhân sự mỗi năm. Vậy tôi cần phải chuẩn bị lộ trình để giải bài toán nhân sự đó từ chính nền tảng được kế thừa. Để tạo ra được môi trường làm việc cho hàng ngàn người Alphanam hạnh phúc, thì không có cách nào khác là vận hành bằng một hệ thống với những quy trình chuẩn. Khi tất cả đều theo quy trình, mỗi người có thể tiết kiệm được thêm nhiều thời gian cho những hoạch định chiến lược, tăng trưởng và tạo cảm xúc tích cực. Tôi nghĩ quy trình đó dựa trên những yếu tố sau:

Đầu tiên, mỗi cán bộ nhân viên được đánh giá đúng. Việc đánh giá này không dựa trên cảm tính, vì họ thân sếp hơn, họ làm việc lâu năm hơn… Và cũng không cần phải Chủ tịch, Tổng giám đốc hay Trưởng phòng nhân sự đánh giá, mà bản thân chính hệ thống với các quy trình làm việc đã đánh giá được năng lực nhân sự. Công bằng là nền tảng đầu tiên để tạo ra một môi trường làm việc hạnh phúc. 

​​​​​​Kỳ 2: Nguyễn Ngọc Mỹ - Tương lai nằm trong tay những người đáng tin cậy - Ảnh 9.

Thứ hai, mỗi người đều hạnh phúc khi cảm thấy được cống hiến hết mình và làm việc đúng trình độ được công nhận. Điều đấy dựa vào việc doanh nghiệp có đánh giá đúng trình độ của họ để giao những công việc phù hợp, giúp mỗi người đều được phát huy hết khả năng của mình hay không. 

Thứ ba, tạo ra một môi trường có những cộng sự phối hợp ăn ý. Một cầu thủ giỏi cũng khó có thể ghi những bàn thắng xuất sắc nếu không có những đồng đội phối hợp nhịp nhàng, biết tạo cho nhau cơ hội. Mỗi nhân viên đến nơi làm việc, tôi muốn họ không bị chi phối cảm xúc bởi 1, 2 người lãnh đạo nào đó. Đương nhiên, nếu họ đã yêu quý Chủ tịch, yêu quý Ngọc Mỹ hay Minh Nhật thì đấy là điều rất tốt. Nhưng khi họ chưa đủ thời gian gắn bó để hiểu và yêu được, thì họ cứ yêu công việc, yêu môi trường, yêu những người đồng đội sát cánh hàng ngày. Tạo ra sân chơi, môi trường và những đồng đội ăn ý, cùng chung chí hướng sẽ giúp mỗi người đều cảm thấy gắn bó với nơi làm việc của mình. Yêu Alphanam thì chúng ta nhất định cùng gắn bó với nhau.

Và yếu tố cuối cùng, mỗi người đến Alphanam đều cảm thấy đang đóng góp được giá trị của mình vào cho Alphanam và cho bản thân từng người. Vì thế, cần có lộ trình cho sự phát triển của từng nhân sự, để cùng với tăng trưởng của Alphanam là tăng trưởng của mỗi cán bộ nhân viên, về thu nhập, vị trí và về giá trị bản thân của mỗi người. Có như vậy mới tạo ra được môi trường làm việc và phát triển bền vững. 

Với tôi, nhân sự vẫn là tài sản cốt lõi làm nên sức mạnh của Alphanam ứng biến trước mọi khó khăn, thử thách của bên ngoài, và tôi đặc biệt chú trọng đến khâu đào tạo, phát triển nhân sự trong doanh nghiệp. Trong Alphanam, tôi đảm nhận nghiên cứu sâu về chiến lược phát triển nguồn nhân lực bền vững.

​​​​​​Kỳ 2: Nguyễn Ngọc Mỹ - Tương lai nằm trong tay những người đáng tin cậy - Ảnh 10.

PV: Mỹ từng khẳng định “Con sẽ không phải là bản sao của bố, con sẽ là chính con”. Nhưng tôi nhìn thấy ở bạn những điểm tương đồng với doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải. Đó chính là sự mạch lạc, rạch ròi và lý trí khi nhìn nhận và xử lý một vấn đề. Phải chăng bạn mơ hồ sợ rằng mình không thể vượt qua cái bóng của bố?

Nguyễn Ngọc Mỹ: Tại sao phải bước ra khỏi cái bóng đã quá hoàn hảo, mà thay vì đó mình có thể làm cho cái bóng ấy trở nên rộng hơn nữa. (Cười)

Nguyễn Ngọc Mỹ Alphanam

Thật ra, tôi rất hy vọng được giống bố ở một điểm: Đó là khả năng lãnh đạo bản thân. Bố là người rất có kỷ luật với bản thân. Mọi thứ trong cuộc sống mình chỉ có thể vươn tới sự hoàn thiện, chứ không thể nào là một phiên bản đã rất hoàn thiện. Nhưng cái mình học được nhiều nhất ở bố là tự chủ để lãnh đạo bản thân. 

Ở nhà tôi có một câu thường được nhắc đến mà nhiều lúc nghe cũng thấy bị tổn thương. Nếu đau ốm, hay làm sao mà kể lể, câu đầu tiên bố mẹ sẽ bảo: “Đấy là do con không ý thức giữ gìn sức khoẻ”. Bất cứ vấn đề gì xảy đến, đầu tiên bố mẹ sẽ bảo tôi phải nhìn nhận lại chính mình, chứ không bao giờ được phán xét xã hội, đổ lỗi cho hoàn cảnh. Khi mình tự soi xét lại mình, mình sẽ hiểu điều mình muốn, vì thế không bao giờ lệ thuộc vào ai khác, cũng không so sánh bản thân với bất cứ ai, dám chịu trách nhiệm và kiên định đi con đường của riêng mình.

PV: Càng độc lập phụ nữ càng cô đơn, bạn có sợ “lời nguyền” này không?

Nguyễn Ngọc Mỹ: Mỗi người lớn lên đều không phải tự nhiên mà hội tụ những phẩm chất, tính cách như đang có. Tất cả đều xuất phát từ môi trường, từ văn hoá gia đình mà thành. Khi còn bé, bố mẹ đều rất bận rộn, tôi đã quen với việc phải tự xử lý mọi vấn đề của bản thân. Bây giờ, nhìn cháu gái 4 tuổi được cả nhà dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc, đôi lúc tôi lại nhớ về hình ảnh mình ngày bé… Nhưng khi đó, vì hoàn cảnh gia đình, tôi phải tự lập làm rất nhiều việc mà không nghĩ đến chuyện chờ đợi ai hỗ trợ mình. 

Khi lớn hơn một chút, bắt đầu biết tiếng Anh, trong các chuyến đi nước ngoài, bố đều yêu cầu tôi tự lên kế hoạch, book phòng, đặt vé, tìm hiểu thông tin… mà không được nhờ văn phòng của bố hỗ trợ. 

Tôi sang Mỹ học năm 14 tuổi. Khoảng thời gian này tôi cũng có những lúc rơi vào trạng thái tủi thân. Học ở một trường dòng, nơi mà đa số các bạn đều thuộc các gia đình căn bản, có điều kiện nên tôi chứng kiến việc các bạn được bố mẹ đưa đón, chăm sóc rất chu đáo. Trong khi mình hoàn toàn tự lập để giải quyết các vấn đề. Tôi và anh Nhật quen với việc tự chăm sóc bản thân và chăm sóc lại bố mẹ, cũng như luôn trong tâm thế chủ động giải quyết và chịu trách nhiệm mọi việc. Và bố chỉ luôn nói: “Con cứ làm đi, cái gì không biết thì hỏi”.

Trong suốt quá trình trưởng thành, tôi đã nhiều lần tự hỏi bản thân: Nếu bố mẹ chăm sóc, yêu thương mình theo kiểu con ngã bố mẹ nâng thì mình học được những gì và mình có thể trở thành mình của ngày hôm nay không?

​​​​​​Kỳ 2: Nguyễn Ngọc Mỹ - Tương lai nằm trong tay những người đáng tin cậy - Ảnh 12.

PV: Bạn đã lớn lên trong một sự rèn luyện nghiêm khắc như thế và có bao giờ tự hỏi, tại sao bố luôn cư xử với mình bằng “cái đầu lạnh”?

Nguyễn Ngọc Mỹ: Dù trong xã hội nào, có một điều không bao giờ thay đổi, mỗi ông bố bà mẹ đều luôn muốn làm những điều tốt nhất cho con mình. Đặc biệt với con gái, cha mẹ thường mong muốn con có một cuộc sống an nhàn, hạnh phúc theo kiểu, mọi thứ vừa đủ thôi, không gai góc và lấy một người chồng tốt. Tôi cảm nhận rất rõ bố cư xử với mình lúc “nóng”, lúc “lạnh”. Và tôi hiểu trong bố là một cuộc tranh đấu nội tâm giữa việc muốn con gái có cuộc sống ổn định, an nhàn và việc nhìn thấy những tiềm năng của con để thúc đẩy con phát huy hết những tố chất ấy mà không khổ. Nhưng đã làm doanh nhân thì sao có thể không khổ bởi luôn phải ý thức việc đứng mũi chịu sào, đương đầu với những khó khăn, vì thế chỉ có thể học cách sung sướng trên những nỗi khổ thôi. 

Và vào thời kỳ đại học, tôi đã viết những lá thư gửi về cho bố. Tôi chia sẻ rằng, con hiểu những suy nghĩ, tâm tư của bố. Bố cứ để con phát triển hết những tiềm năng mà con đang có, để con là chính con, dù có khó khăn thế nào con cũng sẽ vượt qua được. Những chia sẻ đó của hai bố con đã cởi một nút thắt lớn trong lòng bố. Và từ đó, bố không còn phải băn khoăn giữa việc đứng ở vị trí người bố che chở, bao bọc con gái mình, hay đứng ở vị trí người yểm trợ để con tự tin phát huy tất cả khả năng mà con có, để con thành người mà con có thể trở thành.

Có một điều may mắn là tôi ý thức được điều này từ sớm, để cảm nhận được cả trái tim nóng và cái đầu lạnh của bố mà đôi khi khoảng cách giữa 2 thế hệ sẽ khiến một số gia đình chưa tìm được sự đồng cảm đó. 

Gia đình Alphanam

PV: Điều khó khăn nhất giữa hai thế hệ F1 và F2 chính là sự thấu hiểu?

Nguyễn Ngọc Mỹ: Tôi đã từng chia sẻ điều này với nhiều bạn F2 khác của mình. Quá trình nhận thức này không ngay lập tức có được mà phải diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài, có cả nụ cười và nước mắt. Nhưng con cái luôn cần hiểu rằng, không có quyết định nào của bố mẹ mà không vì con cả, dù khi đó họ quyết định từ cái đầu lạnh hay trái tim nóng thì cũng đều xuất phát từ tình yêu thương. Nhưng tình yêu đôi khi hơi mù quáng. Đã yêu thì khó phân định rạch ròi đúng - sai. Bố mẹ chỉ biết yêu con hết lòng mà không phải lúc nào cũng đúng cách.  

Và điều quan trọng của cả thế hệ F1 và F2 là làm thế nào để nhìn thấu tình yêu đó và hiểu rằng, để yêu thấu được thì cần giải quyết những bài toán gì, gỡ vướng như thế nào để cùng chung tiếng nói. Áp dụng từ chính văn hoá gia đình mình, tôi nghĩ điều quan trọng nhất vẫn là việc chia sẻ, cởi mở giữa các thành viên nhưng tôn trọng quyết định của nhau. 

​​​​​​Kỳ 2: Nguyễn Ngọc Mỹ - Tương lai nằm trong tay những người đáng tin cậy - Ảnh 14.

PV: Trong rất nhiều rào cản giữa hai thế hệ khi chuyển giao, tôi nghĩ việc khó khăn nhất chính là tôn trọng quyết định của thế hệ F2, dù có thể, với sự tỉnh táo và kinh nghiệm thương trường, thế hệ F1 đủ hiểu đấy là quyết định chưa thật tối ưu. Và doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải đã làm được điều này. Đây có phải là cách mà người cha lùi lại để con mình được tiến về phía trước? Cũng giống như câu chuỵện, trong dự án đầu tư ở Sa Pa, ông đã nhượng bộ trước những thông điệp rất cứng rắn của bạn, và vì thế phải thay đổi lại toàn bộ thiết kế?

Nguyễn Ngọc Mỹ: Tôi nghĩ rằng không phải bố lùi lại để cho con tiến về phía trước, mà bố đang muốn chúng tôi tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Giao quyền là giao trách nhiệm, chứ tuyệt đối không có chuyện, con cứ làm đi, nếu sai bố sẽ sửa (cười).

Với dự án ở Sa Pa, khi đưa ra thông điệp cần thiết kế dự án theo hướng bảo tồn cảnh quan, bảo tồn những con suối và cây cối ở đó, tôi không chắc chắn về việc bố sẽ đồng ý với mình. Nhưng không phải tự nhiên sinh ra tôi đã thành con người quan tâm đến những vấn đề xã hội, mà bản chất được học và thấu hiểu những giá trị này đến từ gia đình. Chỉ có điều, mỗi thế hệ, mỗi một cá nhân sẽ thể hiện sự quan tâm đến xã hội bằng một cách khác nhau. 

Nhưng thật ra, tất cả những quyết định mà tôi đưa ra đều dựa trên những nguyên lý và mục tiêu cốt lõi của Alphanam. Mỗi doanh nghiệp có một triết lý và mục tiêu phát triển khác nhau. Với doanh nghiệp gia đình như Alphanam, chúng tôi có mục tiêu cốt lõi là phát triển bền vững hướng đến 1/4 thế kỷ tiếp theo. Vậy thì ngay tại thời điểm này, chúng tôi phải bắt tay vào thực hiện cho lộ trình đó, để thế hệ F3 của Alphanam có thể tự hào về những gì mà thế hệ trước đã làm.  

Ngọc Mỹ Alphanam

PV: Tôi biết bạn đã theo đuổi hành trình bảo vệ môi trường và phát triển bền vững một cách lặng lẽ từ rất lâu. Nhưng bạn có nghĩ, nếu bạn tham gia các hoạt động cộng đồng ở những hình thức khác thì cái tên Alphanam sẽ được làm thương hiệu tốt hơn?

Nguyễn Ngọc Mỹ: Tôi học quản trị kinh doanh và cũng học về truyền thông. Tôi hiểu chính xác sự đầu tư vào truyền thông so với sự đầu tư vào sản phẩm, vào quá trình vận hành. Nhiều người nghĩ, đáng ra tôi nên làm hoạt động rầm rộ để đẩy mạnh câu chuyện thương hiệu, nhưng tôi chọn cách đầu tư vào giới trẻ, vào các thủ lĩnh xanh, vào người bản địa, và vào những hoạt động phát triển lối sống xanh như một phần của cuộc sống chứ không phải là một hoạt động xã hội ngoài lề.

Từ triết lý đó, các hoạt động chúng tôi chọn làm khá linh động, lúc là con cá, lúc là cần câu, lúc là đào tạo, dựa vào thời điểm và địa điểm. Ví dụ như khi xác định hỗ trợ cho những vùng bão lũ, cái họ cần ngay là thực phẩm, là nhà, chúng ta không thể đưa những hoạt động khác mang tính dài hạn để áp đặt. 

Trong vài năm trở lại đây, tôi trở thành thành viên hội đồng quỹ Sống (tiền thân là Nhà Chống Lũ) và từ đó, một số hoạt động của Alphanam Green Foundation đi liền với quỹ Sống/ NCL. Tôi tin rằng, vận hành dự án thiện nguyện hay quỹ cũng cần có sự chuyên nghiệp và đầu tư bài bản như điều hành doanh nghiệp, để số tiền được sử dụng hiệu quả, thiết thực, và tạo ra nhiều ảnh hưởng. 

Và khi thực hiện những điều này, tôi không nghĩ cần phải cắt nghĩa xem những việc mình hay Alphanam đang làm sẽ thể hiện hình ảnh gì trước dư luận. Mỗi doanh nghiệp chọn cho mình một cách thức riêng để thể hiện trách nhiệm xã hội. Tôi và tập thể Alphanam đơn giản chỉ đang làm mọi việc như bổn phận công dân của mình. Chúng tôi nhận được rất nhiều từ xã hội, nên chúng tôi chung tay để cùng xây dựng xã hội bền vững hơn, chứ không nghĩ mình đang cho đi để nhận lại điều gì. 

PV: “Đúng vậy, muốn có nước thì phải có cây! Muốn giữ đất, muốn đất không bị sạt lở cũng phải có cây! Có cây, có rừng là giữ được đất, giữ được nước, giữ được ĐẤT NƯỚC!

Triết lý ấy thật giản đơn, chỉ cần chúng ta sống chậm lại, mong muốn vừa đủ, là sẽ có thời gian trồng cây, là có thể gìn giữ những cánh rừng cho chính chúng ta và những thế hệ mai sau”, tôi đọc được những dòng chia sẻ như thế trên trang cá nhân của bạn?

Nguyễn Ngọc Mỹ: Thật ra, tác giả câu nói này là chị Giang Kều, người sáng lập "Nhà chống lũ", tôi rất tâm đắc với những ý nghĩa của đúc kết ấy nên chia sẻ lại. Mỗi vùng lãnh thổ ngăn cách bằng những ranh giới, địa giới. Nhưng điều làm nên giá trị chính là những tài nguyên bên trong, chính là đất, là nước, là cây cối, là giá trị của tự nhiên. Nhưng tài nguyên trong một quốc gia không phải là vô hạn, chúng ta hiểu trách nhiệm của mình là làm sao để nơi đó được màu mỡ nhất, tạo ra nhiều giá trị nhất cho chúng ta và đến cả thế hệ mai sau, chứ không phải khai thác cạn kiệt nó. Thấu hiểu được điều này, mỗi người sẽ có những quyết định chính xác hơn để có cách thức đầu tư hợp lý, tạo được giá trị trong dài hạn. 

Ngọc Mỹ Alphanam
Dự án Mường Hoa Sa pa
​​​​​​Kỳ 2: Nguyễn Ngọc Mỹ - Tương lai nằm trong tay những người đáng tin cậy - Ảnh 18.

Doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải, Nguyễn Ngọc Mỹ và KTS Bill Bensley trong một chuyến đi khảo sát ở Sa Pa

PV: Với tất cả những gì bạn đang vun đắp và thực hiện, tôi thấy ở bạn hình ảnh của một nhà hoạt động xã hội nhiều hơn. Bởi là một doanh nhân, đặc biệt lại liên quan đến lĩnh vực bất động sản, thường sẽ đặt mối quan tâm hàng đầu là bài toán kinh tế?

Nguyễn Ngọc Mỹ: Tấc đất, tấc vàng. Ở đất có giá trị sử dụng, giá trị thương mại, nhưng còn một yếu tố nữa là giá trị thiên nhiên không đo đếm được. Bài toán phải giải đối với tôi là làm thế nào vẫn tấc đất ấy mà có thể nâng tầm giá trị về mặt thương mại, giá trị sử dụng, thông qua bảo vệ môi trường, cảnh quan tạo ra giá trị bền vững. Không có một lời giải hoàn hảo, và mỗi nhà phát triển bất động sản sẽ giải bài toán theo những cách khác nhau. Ví dụ với dự án trên Sa Pa, tôi lựa chọn những cộng sự, những đối tác có thể giúp mình cân bằng cán cân, vừa tạo giá trị dự án vừa làm đẹp cho thiên nhiên.

​​​​​​Kỳ 2: Nguyễn Ngọc Mỹ - Tương lai nằm trong tay những người đáng tin cậy - Ảnh 19.

Đối với tôi, phát triển bền vững còn mang yếu tố tạo nên công ăn việc làm cho người bản địa, cùng họ gìn giữ và tiếp nối những câu chuyện của văn hoá, lịch sử, chứ không chỉ bảo tồn một cách hình thức theo kiểu giữ nguyên hiện trạng. Khi lên dự án, chúng tôi thường có túi mang theo để nhặt về những chai nhựa bị bỏ lại, và chi phí thiết kế cảnh quan là một chi phí đáng kể cho dự án. Tuy nhiên, để làm tốt và chỉn chu thì thường không nhanh, nên có lẽ lời giải chung cho việc phát triển bất động sản bền vững tại Việt Nam là đừng nóng vội. 

Ở vị trí một Tổng Giám đốc, tôi cần lắng nghe những ý kiến khác nhau, đó là góc nhìn của bố, góc nhìn của đơn vị tư vấn thiết kế, góc nhìn của đối tác vận hành… Và tôi cũng phải học từ chính những suy nghĩ của bố để đưa ra cán cân tương đối đồng đều. Nhưng tôi tin mọi quyết định của mình luôn gắn chặt với triết lý kinh doanh của Alphanam.

Chúng ta thường đo đếm mọi thứ, đặc biệt là với các dự án bất động sản dựa trên giá trị thương mại. Bởi thật ra đây là thước đo dễ nhìn thấy nhất và ngay lập tức. Kể cả với sự phát triển của một địa phương hay quốc gia, chúng ta cũng nhìn vào chỉ số GDP. Điều này không sai và là công việc cần phải làm. Nhưng tôi nghĩ, ở thế hệ mình cần đưa ra cho mọi người thêm những thước đo mới. Chẳng hạn nếu được cái này mà mất cái kia thì dự án không thành công. Nhưng được 1 phần này và thêm 1 phần kia thì dự án có thể là sự đo đếm thành công không được tính trong 5 năm mà nó bền vững dài lâu.

ngọc mỹ alphanam
"Phù thuỷ" KTS Bill Bensley là người bạn đồng hành đáng tin cậy giúp Ngọc Mỹ hiện thực hoá những dự án nghỉ dưỡng hiện đại, tầm cỡ thế giới nhưng hoà hợp với cảnh quan thiên nhiên, mang đậm nét bản sắc văn hoá

Các địa phương hiện nay đều đặt ra mục tiêu phát triển du lịch theo hướng bền vững, tức là ưu tiên bảo tồn vẹn nguyên cảnh quan tự nhiên cũng như các nét văn hóa đặc sắc bản địa.

Vì thế, nhiệm vụ của một nhà phát triển bất động sản là phải cân bằng được tất cả các yếu tố, phát triển một dự án bằng tâm huyết và đồng thời là chiến lược bài bản, tham vấn và áp dụng kinh nghiệm của các đối tác quốc tế hàng đầu. Cần phải nhớ rằng cảnh quan môi trường chính là yếu tố quan trọng làm gia tăng giá trị của các sản phẩm du lịch. Các khu du lịch, nghỉ dưỡng càng nhiều "sao" thì càng có sự hòa quyện, gắn bó mật thiết với cảnh quan tự nhiên. 

PV: Trong cuốn sách “Thế giới rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm” của tác giả Kim Woo Choong, Nhà sáng lập, cựu Chủ tịch Tập đoàn Daewoo, ông đã nhắc đến một mối lo, đó là “hội chứng vừa đủ”. Trong khó khăn, thiếu thốn, thế hệ của những doanh nhân trẻ khởi nghiệp luôn thường trực một ngọn lửa hết mình cống hiến. Nhưng ngày nay với thế hệ F2, sự đủ đầy có thể trở thành rào cản?

Nguyễn Ngọc Mỹ: Dịp Tết vừa rồi, khi đến thăm cô Phạm Chi Lan, cô có nhắc lại về kỷ niệm hòm công tơ điện của Alphanam. Câu chuyện này là một khoảnh khắc mà sau đó nhận được sự đồng lòng của rất nhiều người. Những người hoạt động trong những khối kinh tế khác nhau: Nhà nước, VCCI..., nhưng đều cảm thấy cần phải đứng ra để bảo vệ doanh nghiệp Việt. Câu chuyện này thể hiện một điều, chắc chắn nếu có gì động chạm đến tinh thần dân tộc, người Việt sẽ cùng đoàn kết, đứng lên để bảo vệ và tạo ra sức mạnh.

Tinh thần dân tộc thường trực trong mỗi chúng ta và sẽ trỗi dậy thành hành động khi đặt vào những bối cảnh cụ thể. Nhưng với doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm là sự sống còn. Tinh thần dân tộc có thể bảo vệ mình được qua một vài cơn bão, nhưng không thể đưa ra quyết định toàn phần về việc khách hàng sẽ lựa chọn mình. 

Ở thời điểm hiện tại, tinh thần dân tộc của thế hệ doanh nhân trẻ có những cách thể hiện khác.

​​​​​​Kỳ 2: Nguyễn Ngọc Mỹ - Tương lai nằm trong tay những người đáng tin cậy - Ảnh 21.
Ngày 13/10/2020, Nguyễn Ngọc Mỹ là một trong những đại diện doanh nhân trẻ tham dự và phát biểu đóng góp ý kiến của cộng đồng doanh nhân tới Chính phủ tại buổi gặp mặt các Doanh nhân trẻ tiêu biểu nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam

Thứ nhất, thể hiện được tinh thần dân tộc qua việc đem lại cho xã hội, con người Việt Nam những sản phẩm mà chúng ta đánh giá là tốt nhất. Phải bỏ cách nghĩ sản xuất hàng Việt Nam thì chỉ cần chất lượng đến thế, mà phải tạo ra được những sản phẩm mà người Việt Nam xứng đáng được trải nghiệm. 

Thứ hai, chúng tôi thể hiện tinh thần dân tộc qua mục tiêu phát triển bền vững. “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đây không chỉ là khẩu hiệu, mà là kim chỉ nam rõ ràng và có hệ thống của cả Nhà nước. Người đứng đầu doanh nghiệp phải suy nghĩ làm thế nào cùng đồng hành phát triển đúng mục tiêu này. ‘Dân giàu’ đối với chúng tôi là tạo nhiều công ăn việc làm; công ty tạo ra lợi nhuận, tăng trưởng tốt, tạo ra được lợi ích chung cho xã hội, tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

‘Dân chủ, công bằng, văn minh’ phản ánh trong chính môi trường doanh nghiệp. Điều mà cộng đồng doanh nghiệp có thể làm chính là tạo nên sự văn minh tại nơi làm việc, đồng thời kết nối và bắt tay nhau. Để thể hiện tinh thần dân tộc, không có gì rõ nét hơn bằng việc chúng ta phải đoàn kết. 

Thế hệ F2 trong các doanh nghiệp gia đình có một lợi thế là đã có sự kết nối, chia sẻ với nhau trong cuộc sống. Tuy nhiên, cần vận dụng, liên kết những kết nối này với câu chuyện kinh doanh. Tôi hy vọng cộng đồng doanh nghiệp gia đình sẽ là một tập thể đoàn kết, có sức mạnh, khi đất nước cần, kéo một sợi dây là có thể trở thành khối tiên phong xử lý các vấn đề lớn hơn trong xã hội.

Ngọc Mỹ Alphanam Group
​​​​​​Kỳ 2: Nguyễn Ngọc Mỹ - Tương lai nằm trong tay những người đáng tin cậy - Ảnh 23.

Không chỉ dừng ở hành trình bền bỉ với những đóng góp về môi trường, Ngọc Mỹ còn tâm huyết với hoạt động phát triển nguồn nhân sự bền vững. Để hiện thực hoá điều này, cô trở thành một trong những lãnh đạo doanh nghiệp tiên phong mời đơn vị quốc tế đến đánh giá, thẩm định về môi trường làm việc của doanh nghiệp mình. Alphanam trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt và top 50 doanh nghiệp trên thế giới nhận chứng chỉ EDGE của Thuỵ Sỹ về môi trường làm việc và bình đẳng giới.

Ít ai ngờ rằng, bên trong một cô gái mảnh mai với giọng nói luôn nhẹ như gió thoảng ấy, lại là một nội lực và sự kiên định đến ngỡ ngàng, để lựa chọn cho mình một con đường riêng không giống ai và mong sẽ “đi trước một bước” trên hành trình của chính mình. 

nguyễn ngọc mỹ alphanam
alphanam nhận chứng chỉ EDGE

Alphanam Group được nhận chứng chỉ Bình đẳng giới toàn cầu EDGE (Economic Dividends for Gender Equality - Lợi ích Kinh tế từ Bình đẳng Giới) cấp độ MOVE

“Thế hệ doanh nhân chúng tôi được “sáng mắt” bởi sự chín chắn sâu sắc của những người rất trẻ đã dám giơ vai gánh vác trọng trách được chuyển giao. Điều lớn hơn là họ cho chúng tôi niềm tin vào thế hệ mới. Và tin rằng những đêm mất ngủ bạc đầu, những lo toan trăn trở và sự gây dựng cả đời người, những giá trị cốt lõi được hoàn thiện theo tháng năm... của thế hệ đi trước chắc chắn được trân trọng, giữ gìn và được phát huy theo cách tốt nhất..”, bà Hà Thu Thanh, Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao đỏ, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam chia sẻ trong một sự kiện.

Đối diện với nhân vật của mình, tôi lại nhớ đến nhận định của một nữ văn sỹ nước ngoài: “Tôi thường hay so sánh những người phụ nữ Việt Nam với cây tre. Cây tre có đặc điểm trông mảnh mai, nhưng… Có hai cái: Thứ nhất là nó không dễ bị bẻ gẫy chút nào, có nghĩa là khi gió lớn, cây tre sẽ uốn cong nhưng không gẫy và khi gió tan, nó lại đứng thẳng dậy. Vì vậy nó vừa mềm dẻo, vừa không khuất phục. Thứ hai, các chuyên gia về tre ở Indonesia đã khám phá được rằng, khi đốt trụi một khu vực nào thì thứ cây trỗi dậy, nảy mầm sớm nhất chính là tre. Vì vậy nó có khả năng trỗi dậy, hồi sinh và đầy sức sống”. 

Những tưởng so sánh ấy chỉ phù hợp với thế hệ của các bà, các mẹ, những người phụ nữ Việt Nam sống trong bối cảnh lịch sử của những năm tháng chiến tranh gian khó. Nhưng hoá ra không phải vậy, tôi cảm nhận được điều này ở Ngọc Mỹ - một cô gái thuộc thế hệ 9X, tiếp thu nền giáo dục phương Tây và đi du học từ rất sớm. Văn hoá, cội nguồn có lẽ là thứ bắt rễ rất sâu mà không phải lúc nào ta cũng có thể nhìn và đo đếm bằng mắt thường.

Ngọc Mỹ Tổng giám đốc địa ốc Alphanam

Và tôi càng tin rằng, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc vẫn là sức mạnh to lớn để khơi dậy nội lực của mỗi người, trong doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải hay Nguyễn Ngọc Mỹ. Mỗi người có thể là một tái sinh của lịch sử, kế thừa từ sức mạnh của cảm xúc và trí tuệ trau dồi từ ngàn năm, quay trở lại trong một phiên bản mới để rồi tiếp tục chảy đến tương lai, ghi dấu cho bước trưởng thành của con người, và dòng sông ấy sẽ hội nhập để chảy ra biển lớn… 

Hình ảnh gia đình Alphanam làm tôi nhớ đến những vần thơ đầy cảm xúc trong bài thơ “Những cánh buồm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông:

…Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
Nghe con bước, lòng vui phơi phới.
Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:
“Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,
Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”
Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:
“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,
Sẽ có cây, có cửa, có nhà
Vẫn là đất nước của ta
Ở nơi đó cha chưa hề đi đến”.
Cha lại dắt con đi trên cát mịn,
Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời
Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:
“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,
Để con đi!”
Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.

11/06/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top