Aa

Nguyên nhân sâu xa của ô nhiễm không khí do cấu trúc mô hình tăng trưởng kinh tế

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Tư, 15/01/2020 - 06:06

Hà Nội đang bị báo động đỏ bởi ô nhiễm không khí. Quá trình đô thị hóa nhanh khiến Hà Nội đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Để khắc phục vấn đề này, cần có sự cam kết và chung tay của toàn xã hội.

Ô nhiễm không khí: Vấn đề không của riêng ai

Ô nhiễm không khí đã và đang là mối quan ngại lớn với người dân cả nước nói chung và người dân Thủ đô nói riêng. Gần đây, các chỉ số chất lượng không khí liên tục trong nhiều ngày tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn hay các khu công nghiệp đang ở ngưỡng khá cao trong thang cảnh báo.

Ô nhiễm không khí không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con người mà còn là nguyên nhân dẫn đến những vấn đề bất ổn về kinh tế - xã hội. 

Tại Việt Nam, trong 10 bệnh có tỷ lệ tỷ vong cao nhất thì có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp và nguyên nhân chủ yếu từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. 

Bên cạnh đó, các chất gây ô nhiễm không khí chính là thủ phạm gây ra hiện tượng lắng đọng mà mưa axit, gây huỷ hoại hệ sinh thái, làm giảm tính bền vững của các công trình đang xây dựng. Ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng đến các hệ sinh thái trong môi trường tự nhiên và đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu.

Tại Toạ đàm Đối thoại chính sách: "Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm" ngày 14/1, TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Hội không khí sạch Việt Nam cho rằng, hệ thống thể chế về môi trường không khí hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu khi thiếu các quy định, văn bản đặc thù; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; tính hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật chưa cao và thiếu tính gắn kết.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch tại Việt Nam

Mặc dù nhận thức được sự nghiêm trọng của việc ô nhiễm không khí tới cuộc sống của con người, nhưng công tác quản lý ô nhiễm không khí vẫn còn bất cập và chưa được giải quyết triệt để. Hệ thống và cán bộ quản lý chuyên về không khí còn thiếu. Đồng thời, sự tham gia của cộng đồng tại địa phương mới chỉ là hình thức; ý thức tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các chủ nguồn thải còn nhiều hạn chế.

Nhìn nhận vấn về ô nhiễm không khí tại Việt Nam dưới góc nhìn kinh tế, PGS. TS. Đinh Đức Trường - Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc ô nhiễm không khí chính là xuất phát từ cấu trúc và hình dạng của mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nền kinh tế của ta đang thâm dụng tài nguyên và phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư tực tiếp từ nước ngoài (FDI). 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng giống như các nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá thường có sự chậm trễ trong các tiêu chuẩn về môi trường. Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tăng trưởng và ưu tiên gia tăng nguồn lực sản xuất. 

Được biết, lượng giá thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tại Việt Nam được đo theo chi phí phúc lợi xã hội và mức độ sẵn sàng chi trả của người dân để giảm rủi ro về sức khoẻ do ô nhiễm không khí thông qua rất nhiều cuộc điều tra khác nhau. “Theo cách tính này và theo thời giá 2018, ô nhiễm không khí tại Việt Nam gây ra tổn thất, thiệt hại về kinh tế rơi vào khoảng 10,8 – 13,2 tỉ USD”, ông Trường nói.

Để “bài toán” ô nhiễm không khí có được những “lời giải” đúng đắn và hiệu quả nhất, chúng ta cần có một hệ thống các giải pháp đồng bộ và toàn diện, bao gồm các biện pháp cảnh báo, khuyến cáo và thực thi các chính sách cắt giảm hoạt động gây ô nhiễm không khí.

Cần có sự đồng thuận và thực hiện của cả chính quyền và người dân

Trong câu chuyện chia sẻ kinh nghiệm để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Hà Nội, PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TNMT, Bộ TNMT cũng nhận định: “Chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đã rất rõ và đầy đủ song chưa đi sát vào thực tiễn. Mỗi công dân có quyền sống trong môi trường trong lành và trong đó có không khí. Ở các nước phát triển trên thế giới, họ có bộ luật riêng dành cho ô nhiễm không khí trong khi Việt Nam chỉ có bộ luật môi trường nói chung. Vấn đề này cần phải được chi tiết và cụ thể hoá hơn nữa để phù hợp với mức độ tăng trưởng kinh tế và cuộc sống hiện tại của người dân. 

Trong bối cảnh mới, chúng ta cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện công cụ chính sách để phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay. Đây cũng chính là cơ hội, thời cơ để chúng ta có những bước đi mới và đúng hướng”.

Cũng theo PGS. TS. Đinh Đức Trường, chúng ta có 4 nguồn thu chính có thể sử dụng để giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí, đó là: Thuế carbon; phí ô nhiễm không khí; trái phiếu môi trường và hợp tác công tư (PPP). Các khoản thu này sẽ được sử dụng để chi trả cho giám sát và hệ thống xử lý vi phạm; đầu tư cho năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; hỗ trợ đầu tư hạ tầng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh.

PGS. TS. Đinh Đức Trường, Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu & Đô thị Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày tham luận “Ô nhiễm không khí tại Việt Nam từ góc nhìn kinh tế”.

Việt Nam cũng cần có những chính sách phát triển kinh tế tổng thể để xác định mục tiêu kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là những cách tiếp cận đột phá để giải quyết vấn đề môi trường. Cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong kiểm soát vấn đề không khí dựa trên quan điểm của kinh tế. Đẩy mạnh hoạt động quan trắc và kiểm tra nguồn thải. Yêu cầu lắp đặt hệ thống quan trắc online, đồng thời, kết nối dữ liệu về sở và công khai thông tin về chỉ số và mức độ ô nhiễm. 

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải loại bỏ những tư duy độc lập, đơn ngành trong quá trình hoạch định các chiến lược, chính sách phát triển ở tất cả các cấp, các ngành; đổi mới công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiêu dùng năng lượng sạch; tăng cường nghiên cứu khoa học, đánh giá và dự báo các tác động của ô nhiễm không khí; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế.

Từ kinh nghiệm của nhiều nước phát triển trên thế giới, cuộc chiến chống ô nhiễm không khí hoàn toàn có thể mang lại kết quả tích cực cho cuộc sống của con người nếu chính phủ một nước có quyết tâm cao, chiến lược đúng đắn và triển khai ngay các giải pháp phù hợp để giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí tới người dân, cải thiện sức khỏe cộng đồng và giữ vững hiệu quả kinh tế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top