Aa

Nhà cây: Để thêm gần gũi với nhân bản

Chủ Nhật, 20/10/2019 - 13:14

Những ngôi nhà lơ lửng trên cây lại gần gũi với con người hơn chúng ta tưởng.

Nhà cây được định nghĩa là bất kỳ ngôi nhà nào được xây dựng trên cành của một hay nhiều cái cây trưởng thành. Về kiến trúc thì nhà cây có thể chỉ đơn giản là một túp lều tranh, đến cả một ngôi nhà hai, ba tầng chia thành nhiều gian khác nhau.

Một ngôi nhà cây hơn một trăm năm tuổi tại nước Anh.

Chắc hẳn có những người phải đặt câu hỏi rằng: Tại sao lại lựa chọn sống vắt vẻo trên cây trong khi có rất nhiều điều bất tiện so với ở dưới đất? Điều bất tiện đầu tiên là việc di chuyển – hầu hết những ngôi nhà cây chỉ có một cách duy nhất để vào nhà, đó là leo lên một chiếc thang. Rồi lại còn biết bao nhiêu những nguy hiểm từ mưa gió, hoả hoạn… luôn thường trực rình rập. Ngay cả diện tích sống cũng bị thu hẹp để đảm bảo cái cây chống đỡ cho ngôi nhà có thể đứng vững.

Những mối quan ngại nói trên là hoàn toàn có cơ sở. Vậy vì sao nhà cây lại đang càng ngày phổ biến trên thế giới? Đó là bởi vì nhà cây luôn đáp ứng được những nhu cầu, mong muốn rất cơ bản của con người đã tồn tại từ thời kỳ tiền sử.

Những tổ tiên đầu tiên của loài người không phải sống ở một nơi nào khác mà là trên ngọn cây. Kể cả khi những người tiền sử đã học được cách đi lại dưới đất, đêm đêm họ vẫn trở lại ngọn cây để ngủ để tránh sự đe doạ của thời tiết và thú dữ. Những ngôi nhà cây cổ nhất còn tìm thấy ở vùng Trung Phi vốn được xây dựng cũng vì lý do trên. Những bộ lạc nguyên thuỷ đã rất khéo léo trong việc lựa chọn những cái cây cổ thụ rồi xây lên những căn nhà vắt vẻo trên đó để khiến cuộc sống của họ tốt hẳn lên so với khi còn ở trong hang đá.

Bộ tộc người Korowai sống tại Indonesia có lẽ là đại diện tiêu biểu nhất cho một cộng đồng sinh sống trên nhà cây còn tồn tại đến tận hôm nay. Họ sống ở vùng lõi những khu rừng nhiệt đới rậm rạp ở cực đông của tỉnh Papua New Guinea. Phải đến năm 1974 thì một nhà truyền giáo Hà Lan mới phát hiện ra người Korowai. Thật khó có thể miêu tả hết được sự ngạc nhiên của các vị chuyên gia đến khảo sát sau đó: Họ vẫn sống trong một xã hội nguyên thuỷ, sử dụng công cụ bằng đá, và giao tiếp với nhau bằng những tiếng hú, tiếng la hét.

Người Korowai bên trong ngôi nhà cây của họ.

Tuy vậy, điểm đặc biệt nhất trong văn hoá người Korowai là những ngôi nhà trên cây. Họ sống trên cao như vậy để lẩn tránh thế lực thù địch như thú dữ, những bộ tộc lân cận. Một ngôi nhà trên cây của họ thấp thì cao 8m, còn cao thì hơn 30m. Cách duy nhất để họ lên được đến nhà là leo những chiếc thang dây cheo leo. Không thiếu những vị khách du lịch “chết khiếp” trước những cái thang này, nhưng đối với người Korowai quen leo trèo từ nhỏ thì việc leo lên leo xuống mỗi ngày vài chục lần như thế lại là bình thường.

Một điểm đáng kinh ngạc nữa về người Korowai là những ngôi nhà của họ được xây dựng rất công phu. Chỉ với sức người và những công cụ bằng đá thô sơ mà họ dựng được trên cây cổ thụ không chỉ một mà là vài gian nhà hoàn chỉnh nối với nhau. Tường và sàn nhà được làm từ cành cây đan vào nhau, còn mái nhà thì lợp tranh và lá cọ khô. Một đại gia đình có vài chục thành viên hoàn toàn có thể sinh hoạt hằng ngày trong những ngôi nhà trên cây như thế, trừ khi nấu ăn – để tránh lửa bắt vào nhà, người Korowai xây bếp ở dưới đất. Nếu không có tai nạn gì xảy ra thì các gia đình Korowai sẽ ở trong ngôi nhà của họ khoảng bốn, năm năm rồi mới phải dựng nhà mới.

Một ngôi nhà cây của người Korowai chót vót trên ngọn cây.

Tại phương Tây, nhà cây cũng được xây dựng vào thời tiền sử để làm kho chứa nông sản và gia súc. Tuy vậy, vì vùng bắc bán cầu có khí hậu bớt khắc nghiệt hơn, cũng lại có ít thú dữ hơn nên hầu hết người tiền sử không phải sống trong những ngôi nhà cây. Đến đầu thời kỳ trung cổ, nhà cây đã biến mất hoàn toàn tại châu Âu và còn lại rải rác ở châu Mỹ.

Vì vậy mà việc các quốc gia châu Mỹ và châu Âu hiện nay có số lượng nhà cây nhiều nhất thế giới quả thật là đáng ngạc nhiên. Ngọn nguồn của hiện tượng này bắt đầu vào đầu thời kỳ cách mạng công nghiệp, khi mà các thành phố châu Âu tràn ngập rác và khí thải từ các nhà máy. Nhà cây có thể tránh được ô nhiễm nhờ vào việc ở trên cao, và vì thế mà có rất nhiều ngôi nhà cây được giới nhà giàu xây dựng. Vẫn còn một số ngôi nhà cây được xây dựng từ thời đó tồn tại đến tận hôm nay.

Pháp có lẽ là đất nước mà nhà cây phổ biến nhất. Thậm chí đã từng tồn tại một thị trấn mang tên Le Plessis-Piquet có nhiều nhà cây hơn nhà dưới đất. Những người giàu có từ thủ đô Paris gần đó thường xuyên đến Le Plessis-Piquet vào cuối tuần để dạo chơi, ăn uống và nhảy múa trong những ngôi nhà trên cây. Chính sự gần gũi với nhà cây như vậy đã khiến các kiến trúc sư Pháp là những người đầu tiên nghiêm túc với việc thiết kế nhà cây. Các mẫu thiết kế của họ dần dần phổ biến trong cả giới người giàu và trung lưu, đồng thời cũng trở thành hình mẫu để nhiều kiến trúc sư nước ngoài học tập tại Pháp đem về đất nước của họ.

Một bức ảnh còn lại về ngôi nhà cây ở Le Plessis-Piquet

Dần dần nhà cây trở thành một nét quen thuộc trong kiến trúc phương Tây. Những ngôi nhà nào có vườn và một cái cây đủ cao thì hoàn toàn có thể làm nơi đặt đặt nhà cây. Chúng được coi như là một không gian vui chơi của riêng con trẻ để kích thích tính tự lập và trí tưởng tượng của các em. Có một số ít ngôi nhà lại là “đồ chơi” của những người giàu, một cách để họ thể hiện sự giàu có của mình. Ví dụ như nguyên thủ tướng Anh Winston Churchill sở hữu một ngôi nhà cây cao tận 6m trong biệt thự Chartwell của mình để có thể phóng tầm mắt nhìn hết cả hạt nơi mình sống.

Một trong số mười ngôi nhà cây toạ lạc trên đường Ngọc Thuỵ, Gia Lâm, Hà Nội thuộc sở hữu của hoạ sĩ Đào Anh Khánh.

Tại Việt Nam, nhà cây mới thực sự được biết đến từ hơn 10 năm nay, khi mà các kiến trúc sư học tập ở ngoại quốc đem kiến trúc về nước. Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hào là khả năng thiết kế và xây dựng những ngôi nhà cây không thua kém nước ngoài.

Nhà cây dành cho khách lưu trú tại khu du lịch thác DamBri, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Quán café Du Miên Garden nằm trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP.HCM

Còn quá sớm để có thể nói nhà cây có thể trở nên phổ biến ở Việt Nam hay không; tuy nhiên, chúng ta có lý do để tin tưởng nếu nhìn vào lý do để chúng “bắt rễ” ngay từ đầu. Nhà cây hiện được coi như là một phần của phong trào “kiến trúc xanh” của Việt Nam, và quả thật thì khó có mẫu nhà nào mà lại hài hoà với tự nhiên tốt như nhà cây.

Lý do thứ hai lại mang tính “quốc tế hơn”, hay đúng ra là nó liên quan đến bản chất của tất cả con người chúng ta. Trong một bối cảnh mà các không gian đô thị đang càng ngày chật chội, con người không khỏi có cảm giác như mình lúc nào cũng trong trạng thái tù túng, bị bủa vây bốn phía bởi những khối bê tông. Nhà cây vì thế đem lại được sự giải thoát, một không gian mở và sự gần gũi với thiên nhiên mà rất nhiều người thèm muốn.

Nhà cây đã và đang là một biểu tượng của sự gần gũi với thiên nhiên, sự tự do, sự cá nhân hoá, và chính vì thế mà chúng sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại một nước Việt Nam đang đô thị hoá, hiện đại hoá.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top