Aa

Nhà chờ xe buýt nhanh BRT ngổn ngang trước ngày hoạt động

Thứ Tư, 07/12/2016 - 05:00

Theo thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, ngày 15/12 tới đây, tuyến xe buýt nhanh BRT Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã sẽ được thử vận hành. Tuy nhiên, đến nay nhiều hạng mục đảm bảo cho việc lưu thông BRT vẫn còn ngổn ngang.

Tuyến BRT Bến xe Yên Nghĩa – Kim Mã được triển khai từ đầu năm 2013 với tiêu chuẩn quốc tế. Trải qua nhiều gian nan, đến nay tuyến xe đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính. Theo dự kiến tuyến xe buýt nhanh BRT sẽ được hoạt động thử vào ngày 15/12. 

Tuy nhiên, đến ngày 6/12/2016, nhiều hạng mục như: Làn đường riêng, nhà ga, đường, cầu kết nối ga vẫn đang ngổn ngang. 

Trên đường Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) nhà chờ xe buýt nhanh BRT vẫn chưa có động thái sửa chữa, chỉnh trang.    

Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã công bố phương án tổ chức điều hành giao thông để chuẩn bị cho hoạt động tuyến xe buýt nhanh này. Trong đó, đoạn tuyến phân làn BRT đi riêng như đoạn Ba La - nút giao Giảng Võ - Cát Linh, tổ chức phân làn bằng vạch sơn liền kết hợp đinh phản quang, tăng dày đinh phản quang tại các đoạn nhà chờ. 

Mặc dù tuyến xe buýt nhanh chưa được đưa vào hoạt động nhưng những biển báo chỉ dẫn đã hư hỏng.  

Địa điểm nhà chờ xe buýt nhanh BRT trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông, Hà Nội).  

 Một trong nhiều cầu vượt tiếp cận nhà chờ xe buýt nhanh BRT trên đường Tố Hữu (Hà Đông, Hà Nội) đã được xây dựng xong. 

 Tuy nhiên, việc kết nối những cầu vượt và nhà chờ vẫn chưa được hoàn thiện. 

 Cũng trên đường Tố Hữu, một nhà chờ xe buýt BRT không có hệ thống cầu vượt kết nối, lối vào vẫn đang bị đào xới. 

Các cầu vượt kết nối nhà chờ xe buýt đầy rác, chưa được thu dọn thường xuyên.

Các nhà chờ xe buýt BRT được đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thế nhưng, hiện tại, các nhà chờ này như một công trình bỏ hoang, bụi bặm... 

 Phía trong nhà chờ còn chưa được lắp đặt đầy đủ các hạng mục theo thiết kế. 

Sự kiện tuyến xe buýt nhanh BRT đi vào hoạt động trong thời tới đang được nhiều người dân Thủ đô quan tâm. 

 Anh Hoàng Minh (32 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Thường xuyên đi lại dọc theo tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, tôi cũng rất kỳ vọng vào việc thành công của dự án xe buýt nhanh BRT này. Tuy nhiên, qua quan sát, tôi vẫn chưa thực sự tin tưởng vào tiến độ và cách thức vận hành của tuyến xe buýt này". 

 Trên đường Láng Hạ, các nhà chờ xe buýt nhanh BRT đang được hoàn thiện các hạng mục hàng rào, đường kết nối giữa nhà chờ và cầu vượt. 

 Tại một vài điểm nhà chờ xe buýt nhanh, công nhân cũng đang khẩn trương thực hiện việc thi công các hạng mục còn lại. 

 Tuyến xe buýt nhanh BRT này sẽ lưu thông trong một làn đường riêng 3,5m, sát dải phân cách giữa, tách biệt với làn đường dành cho phương tiện hỗn hợp. 

 Dự kiến, xe buýt nhanh BRT sẽ chạy với tần suất 3 – 5 phút/chuyến, vận chuyển 90 hành khách/chuyến với tốc độ 20 – 22km/giờ. Hành khách sử dụng dịch vụ BRT phải mua vé từ, được tự động soát vé khi vào nhà chờ và lên xe. Đây là một trong nhiều lợi thế của xe buýt nhanh BRT. 

Được biết, tuyến buýt nhanh BRT có chiều dài 14,7 km, với 21 nhà chờ nằm trên giải phân cách giữa đường. Tuyến bắt đầu từ bến xe Kim Mã (quận Ba Đình) qua phố Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Lê Văn Lương kéo dài-trục phía bắc quận Hà Đông - Lê Trọng Tấn -Trần Phú - Ba La - bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông). 

Xe buýt BRT có sức chở 90 hành khách và dự kiến tần suất xe chạy 3 phút/chuyến. Tổng chi phí cho dự án trên 53,6 triệu USD, vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.

Theo ban quản lý dự án, với tuyến xe buýt nhanh mới, hành khách đi từ Kim Mã đến Yên Nghĩa sẽ chỉ mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay. Tuyến buýt nhanh BRT được khởi công từ năm 2013, dự án xe buýt nhanh được kỳ vọng góp phần hiện đại hóa giao thông đô thị Hà Nội, giảm thiểu ùn tắc giao thông./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top