Sống ở nhà dành cho công nhân: Bao giờ hết cảnh “méo mó có hơn không”?

Sống ở nhà dành cho công nhân: Bao giờ hết cảnh “méo mó có hơn không”?

Thu Thu
Thu Thu thuthu157ajc@gmail.com
Thứ Hai, 20/11/2023 - 06:00

“Dù cơ sở vật chất xuống cấp nhanh, nhưng với mức giá thuê chỉ từ 1,7 triệu đồng/tháng cho căn hộ khoảng 53m2 hoặc 57m2, chúng tôi không dám đòi hỏi gì nhiều, ở được ngày nào, hay ngày đó…”, đây là tiếng lòng của không ít người lao động thu nhập thấp đang sinh sống tại nhà ở xã hội dành cho công nhân. 

Lời tòa soạn:

Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 388/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn. Đề án này được kỳ vọng sẽ góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Từ sau khi Đề án được phê duyệt đến nay, các kiến giải liên quan đến xây dựng và phát triển nhà ở xã hội luôn được quan tâm hàng đầu trong các cuộc họp bàn. Nhiều chính sách liên quan đến phát triển Nhà ở xã hội cũng được đưa vào Luật Nhà ở (sửa đổi) trình lên Nghị trường trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Có thể nói, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân là một trong những trăn trở rất lớn của Đảng và Nhà nước, được quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Tuy nhiên, từ những chính sách nhân văn đến hiện thực hóa giấc mơ an cư thành những ô cửa sáng đèn, thắp lên ánh sáng và hy vọng cho những phận người bấp bênh, là một khoảng cách rất xa. 634.200 căn nhà ở xã hội nếu hoàn thành xây dựng theo đúng mục tiêu đề ra, sẽ dành cho ai? Và hàng chục nghìn công nhân, người lao động đang sống trong những "thủ phủ nhà trọ" ẩm thấp kia, có đủ điều kiện để tiếp cận những "căn nhà trong mơ" đó?

Trên tinh thần nghiên cứu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tải tuyến bài: "Chính sách phát triển Nhà ở công nhân, nhà ở xã hội: 'Đường' từ bàn giấy đến ô cửa sáng đèn".

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Cách khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) khoảng 2km là lối vào khu nhà ở xã hội dành cho công nhân. Nhìn từ bên ngoài, khu nhà ở công nhân có phần cũ kỹ với lớp sơn tường ám đen do lâu ngày chưa được sơn lại. Bước vào bên trong tòa nhà CT1-B, chúng tôi nhìn thấy dáng vẻ xập xệ, cũ kỹ và thiếu sáng bao trùm không gian bởi những bóng đèn hỏng lâu rồi chưa được thay, những mảng tường ẩm mốc và cả những viên gạch lát nền nứt vỡ,...

Sống ở nhà dành cho công nhân: Bao giờ hết cảnh “méo mó có hơn không”?- Ảnh 2.

Sống ở nhà dành cho công nhân: Bao giờ hết cảnh “méo mó có hơn không”?- Ảnh 3.

Khu nhà ở dành cho công nhân. Ảnh: Thu Thu

Chỉ còn một chiếc thang máy hoạt động, chúng tôi theo chân mấy công nhân mới đi làm về và đi từ tầng 1 lên tầng 3, trong không gian tĩnh lặng, tiếng cọt kẹt cọt kẹt của thang máy vang lên đều đều.

Sống ở nhà dành cho công nhân: Bao giờ hết cảnh “méo mó có hơn không”?- Ảnh 4.
Thang máy tại tòa nhà ở công nhân CT1-B hiện chỉ còn 1 thang hoạt động. Ảnh: Thu Thu

Đi bộ 15 tầng là chuyện “thường ngày ở huyện”

Gặp gỡ và trò chuyện ngẫu nhiên với chị Nguyễn Thu Hòa, 30 tuổi, làm việc ở công ty SPV, hiện đang sinh sống tại tầng 15, chúng tôi được biết, hai vợ chồng chị Hòa đều là công nhân có cơ duyên biết và nộp hồ sơ kịp nên may mắn thuê được căn hộ này từ năm 2016. 

“Người ta đã vào ở từ những năm 2013, 2014, mình biết sau nên phải ở tầng cao thôi, các tầng dưới đã kín hết. Ngày ấy nộp hồ sơ, tôi cũng may mắn vì thời điểm ấy có hai gia đình chuyển đi, nên chỉ khoảng vài tuần là cả nhà tôi có thể vào ở rồi”, chị Hòa kể.

Sau khoảng 7 năm ở đây, theo lời kể của chị, vấn đề lớn nhất của tòa nhà là thang máy. Bởi lẽ, việc thang máy hỏng thường xuyên, có khi hỏng đến 3 - 4 tháng không được sửa chữa, khiến các cư dân trong tòa nhà gặp khó khăn rất nhiều.

Sống ở nhà dành cho công nhân: Bao giờ hết cảnh “méo mó có hơn không”?- Ảnh 5.
Chồng chị Hòa đang dọn dẹp lại bếp để chuẩn bị đi làm ca đêm. Ảnh: Thu Thu

“Thử nghĩ mà xem, tôi đi làm 8 tiếng, chồng tôi làm 12 tiếng, về nhà leo bộ 15 tầng sức đâu mà leo… Chưa kể nhiều khi tôi còn phải bế con từ tầng cao đi xuống chứ đâu phải chỉ mỗi thân mình thôi… Nói đâu xa, ngay trong tháng 10, tôi cũng đã phải leo bộ nửa tháng rồi đấy!”, chị Hòa vừa nói vừa thở dài.

Thế rồi, chị Hòa chỉ vào những mảng tường ẩm mốc, những viên gạch lát sàn bị nứt cả trong nhà và ngoài hành lang rồi nói: “Tốc độ xuống cấp của tòa nhà nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ bảo trì, sửa chữa của Ban quản lý. Nhà tôi ở tầng trên cùng còn đỡ ẩm mốc, chứ các tầng dưới gần như nhà nào cũng bị tróc. Mà trẻ con nô đùa lại chẳng may vấp vào mấy viên gạch cập kênh ngã sấp mặt như chơi!”

Sống ở nhà dành cho công nhân: Bao giờ hết cảnh “méo mó có hơn không”?- Ảnh 6.

Sống ở nhà dành cho công nhân: Bao giờ hết cảnh “méo mó có hơn không”?- Ảnh 7.

Sàn nhà ở trong phòng, ngoài hành lang đều bị nứt vỡ. Ảnh: Thu Thu

Không chỉ gia đình chị Hòa, nỗi niềm này… chẳng của riêng ai. Các hộ gia đình tại khu nhà ở công nhân này cho hay họ đã phản ánh lên ban quản lý tòa nhà rất nhiều, nhưng chuyện cứ đâu đóng đấy. Hỏi lắm thì được phản ánh lại là… “không có kinh phí”. Thậm chí, người dân còn đề xuất ứng trước tiền cho doanh nghiệp, nhưng cũng không được chấp nhận.

Anh Nguyễn Viết Huy, 35 tuổi, công nhân Công ty Canon chia sẻ: “Vì đây là nhà ở xã hội, nên nếu muốn sửa chữa hệ thống công trình sử dụng cho nhiều căn hộ như thang máy, doanh nghiệp cần phải được sự đồng ý của các cấp cao hơn, nên lâu là phải rồi. Chúng tôi có đóng tiền cho đơn vị quản lý toà nhà để sửa chữa thì người ta cũng không nhận, bởi khi thang máy dùng lâu lại gặp trục trặc tiếp, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”.

Mặc dù nhà anh Huy ở tầng 3, nhưng việc đi bộ khi thang máy hỏng vẫn trở thành một nỗi ám ảnh. “Tôi ở tầng thấp còn mệt thì nói gì đến người ở tầng tít trên cao. Vì vậy mà lâu nay chúng tôi cũng cố gắng đề nghị được sửa chữa sớm”, anh Huy trải lòng.

Gia đình anh Huy đã sống tại tầng 3 của tòa nhà CT1-B từ cuối năm 2021. Theo anh Huy, nhiều khi có những hư hỏng nhỏ trong nhà, cư dân cũng tự chủ động sửa chữa để đáp ứng nhu cầu sống thay vì chuyện nhỏ hay chuyện lớn đều báo lên ban quản lý tòa nhà. Bởi lẽ, “không thể tìm được chỗ nào khác cho thuê nhà với mức chi phí chỉ từ 1,7 triệu cho một căn hộ khoảng 53m2 hoặc 57m2, nên việc cơ sở vật chất xuống cấp là chuyện bình thường và mình phải thích nghi thôi”, anh Huy tâm sự.

Sống ở nhà dành cho công nhân: Bao giờ hết cảnh “méo mó có hơn không”?- Ảnh 8.

Sống ở nhà dành cho công nhân: Bao giờ hết cảnh “méo mó có hơn không”?- Ảnh 9.

Những mảng tường ẩm mốc đươc dùng miếng dán để che bớt đi. Ảnh: Thu Thu

Nhà ở dành cho công nhân, nhưng hết thời công nhân rồi… vẫn ở

Theo chia sẻ của người dân, khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, việc có suất ở trong khu nhà ở công nhân trở nên khó khăn hơn nhiều. Thông thường, sau khi nộp hồ sơ, người dân có thể phải chờ từ 6 tháng đến 1 năm hoặc lâu hơn thế để có chỗ ở.

“Nhiều khi còn tùy thuộc vào may mắn. Có những đoàn vào sau không bị mất phí môi giới nhưng có đoàn lại mất. Nhưng cũng phải chấp nhận thôi, nhu cầu thì nhiều, mà hồ sơ chất đống, muốn vào ở nhanh thì phải chấp nhận”, đây là lời chia sẻ của không ít công nhân đang sống tại khu nhà này. 

Để hiểu hơn về cuộc sống của công nhân tại khu nhà ở xã hội, chúng tôi đã gõ cửa ngẫu nhiên một số nhà để hỏi thăm, trong đó có trường hợp của chị Thắm đang sống tại tòa nhà CT1-B khá đặc biệt. Theo chia sẻ, gia đình chị đã ở căn nhà này từ năm 2021, nhưng thực tế mẹ chị đã nghỉ làm công nhân từ rất lâu, và chị không chia sẻ cụ thể thời gian.

“Các bạn đừng tìm hiểu về những trường hợp “trái ngạch” nhưng vẫn ở đây làm gì, tại vì nó phức tạp lắm. Nhà mình ở đây được cũng “ảo” lắm đấy”, chị Thắm nói.

Sống ở nhà dành cho công nhân: Bao giờ hết cảnh “méo mó có hơn không”?- Ảnh 10.

Sống ở nhà dành cho công nhân: Bao giờ hết cảnh “méo mó có hơn không”?- Ảnh 11.

Cơ sở vật chất của tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Thu Thu

Hiện, mẹ chị Thắm có 1 cửa hàng may mặc ở gần khu nhà ở công nhân. Nhà chị Thắm có 1 căn nhà cho thuê ở khu vực khác, mà theo lời kể của chị “nhà mình ngại xây nhà mới, mà nhà đang có hơi to quá so với nhu cầu nên để cho thuê sẽ có một khoản tích lũy tốt hơn, cuối cùng vẫn thuê nhà ở đây đến giờ”.

Thực tế, theo người dân, cứ 6 tháng 1 lần, xí nghiệp quản lý toà nhà sẽ cần xác minh lại cư dân toà nhà vẫn là công nhân bằng cách: Xác minh với doanh nghiệp sử dụng lao động và kiểm tra hợp đồng lao động. “Phải đạt đủ yêu cầu mới được vào ở. Nếu không còn là công nhân nữa thì sẽ được chuyển từ tòa nhà ở dành riêng cho công nhân sang nhà ở xã hội 5 tầng dành cho người lao động thu nhập thấp gần đó”, một cư dân tại tòa nhà cho hay.

Một trường hợp khác, khi trò chuyện với khách tới chơi nhà, chị Nguyễn Thị Th., 36 tuổi, đang sinh sống tại tòa nhà CT1-B cho biết hiện mình vẫn là công nhân và đã có thâm niên 15 năm tại Công ty Canon. Tuy nhiên, trong câu chuyện vô tình với các công nhân ở tầng khác, được biết chị đã nghỉ làm công nhân được một thời gian và hiện đang là giáo viên mầm non. 

Gia đình chị là một trong những hộ gia đình ở tòa nhà CT1-B vào năm 2014. Chị cho biết, hiện nay các suất còn rất ít, giờ muốn vào ở nhà ở công nhân rất khó.  

Chồng chị làm xây dựng bên ngoài. Gia đình chị có 3 con nhỏ, người con nhỏ nhất năm nay 3 tuổi và lớn nhất hiện đang học lớp 6. Trung bình, tổng chi mỗi tháng của nhà khoảng hơn 20 triệu đồng.

Sống ở tòa nhà CT1-B từ những ngày đầu tiên, chị cho biết cơ sở vật chất xuống cấp rất nhanh chỉ sau 1 năm, vệ sinh chưa tốt, thang máy hay hỏng. Tuy nhiên, sau nhiều lời phàn nàn, chị vẫn khẳng định: “Dù vậy vẫn nên ở đây bởi vì có chỗ cho các con chơi và phát triển, chứ với cùng mức giá này thuê trọ ngoài thì chỉ được một gian phòng nhỏ thôi”.

Có thể thấy, chỉ trong một thời gian ngắn trò chuyện, chúng tôi đã gặp hai trường hợp gia đình không còn là công nhân từ lâu, nhưng vẫn đang sinh hoạt tại khu nhà ở dành cho công nhân, trong khi đó ngoài kia rất nhiều người công nhân khác vẫn phải “chờ đợi” để có suất ở trong tòa nhà này. 

“Với giá này thì thuê ở đây là tốt nhất rồi, nên chúng tôi không đòi hỏi nhiều”

Hầu hết, những người công nhân mà chúng tôi nói chuyện đều mong muốn sở hữu một căn nhà của riêng mình, có thể là nhà đất, hoặc một căn chung cư giá rẻ. Tuy nhiên, đấy vẫn chỉ là ước muốn xa vời, bởi lẽ với họ, mức thu nhập hiện nay, chỉ việc thuê nhà thôi cũng đã là một gánh nặng. Họ rất khó có thể dành dụm được một số tiền đủ lớn để thực hiện giấc mơ có một tổ ấm của riêng mình.

“Nếu vay lãi suất để mua nhà, mỗi tháng phải trả từ 5 - 10 triệu cũng quá sức với chúng tôi. Nên thuê nhà vẫn là tốt nhất”, nhiều công nhân trải lòng.

Chị Nguyễn Thị Dung, 32 tuổi, mới quay trở lại làm công nhân tại công ty SPV khoảng 1 năm. Năm 2015, chị chuyển vào khu nhà ở công nhân này và sống tại đây cho đến nay. Chị luôn cảm thấy hài lòng và may mắn vì mình đã có một chốn để ở rộng rãi. 

Sống ở nhà dành cho công nhân: Bao giờ hết cảnh “méo mó có hơn không”?- Ảnh 12.

Sống ở nhà dành cho công nhân: Bao giờ hết cảnh “méo mó có hơn không”?- Ảnh 13.

Sống ở nhà dành cho công nhân: Bao giờ hết cảnh “méo mó có hơn không”?- Ảnh 14.

Căn hộ chị Dung thuê đã 8 năm. Ảnh: Thu Thu

Sống tại tầng 3 tòa nhà CT1-B được 8 năm, chị Dung cũng đã làm công nhân ở rất nhiều công ty. Do bầu bí, cơ thể gặp nhiều vấn đề, chị Dung đã phải nghỉ ở nhà 3 năm trước khi quay trở lại đi làm. Vì vậy, thu nhập của chị hiện tại chỉ khoảng 5,4 triệu nếu đi làm đủ. Chồng chị Dung làm tự do trong nội thành Hà Nội để có thể san sẻ gánh nặng gia đình.

“Giờ mình đang có em bé thứ hai. Nếu có ông bà ra trông sẽ đỡ khoản tiền gửi con đi học, còn nếu không thì đành cho hai con đi lớp thôi. Chồng sẽ cần “gánh” thêm tiền nhà và tiền ăn. Nói chung mình xác định là làm đủ ăn thôi”, chị Dung vừa nấu ăn vừa tâm sự. 

Chị Dung cho rằng, vì nhà chị là hộ gia đình và có ông bà ra trông, nên chị rất muốn căn hộ mình thuê có 2 phòng khác biệt, còn những người ở 1 mình sẽ bị… phí. Do đó, tòa nhà ở công nhân này sẽ ưu tiên cho hộ gia đình trước. 

Sống ở nhà dành cho công nhân: Bao giờ hết cảnh “méo mó có hơn không”?- Ảnh 15.
Chị Dung và con trai. Ảnh: Thu Thu

“Thang máy hỏng và chập chờn một chút cũng không sao cả, là hộ gia đình mà thuê ngoài thì làm gì có giá 1,7 triệu/tháng với diện tích như thế này. Vả lại, mình ở tầng thấp nên cũng không thấy có gì đáng sợ lắm. Thêm nữa, ngoài việc thang máy hỏng ra, thì các điều kiện khác đối với mình là quá ổn rồi, rất phù hợp với nhu cầu”, chị Dung khẳng định.

Đối với chị, ở chung cư này rất tiện bởi đông ấm, hè mát, người lớn có nơi sinh hoạt, trẻ con có chỗ vui chơi. Đặc biệt, theo chị đánh giá an ninh ở đây rất tốt, môi trường lành mạnh, thông thường chị đi đâu gần cũng không cần đóng cửa.

“Với mức giá thuê như vậy thì ở đây là quá tốt rồi, tôi không đòi hỏi nhiều”, chị Dung bày tỏ.

Cũng nghĩ như chị Dung, anh Phạm Văn Hùng, 35 tuổi, sống tại tầng 13 của tòa nhà chia sẻ: “Ngoài việc tôi phải thường xuyên đi thang bộ, có những khi đi bộ cả tháng trời vì hỏng thang máy thì tôi thấy không có vấn đề gì không chấp nhận được”. Theo lời kể của anh Hùng, có giai đoạn tiền thuê nhà khoảng 1,5 triệu, nhưng sau đó đã tăng lên khoảng 1,7 triệu. Cư dân vẫn hài lòng và thuê tiếp bình thường. 

“Khi vào đây tôi cũng phải tự sắm sửa hết, nhưng cũng không có vấn đề gì bởi sau này không ở đây nữa thì đồ mình vẫn mang đi được mà. Thêm nữa, nếu cùng mức giá 1,7 triệu, bên ngoài chỉ thuê được căn có diện tích bằng nửa ở đây, hoặc căn có gác xép, nhưng như vậy sẽ bất tiện hơn vì các con còn nhỏ”, anh Hùng chia sẻ thêm.

Sống ở nhà dành cho công nhân: Bao giờ hết cảnh “méo mó có hơn không”?- Ảnh 16.
Anh Hùng đang nấu nướng và chuẩn bị bữa tối. Ảnh: Thu Thu

Thực tế, khi sống trong nhà ở công nhân, không chỉ chị Dung và anh Hùng, nhiều hộ gia đình cũng có suy nghĩ tương tự. 

Với những người công nhân thu nhập thấp, việc được ở trong nhà ở xã hội dành cho công nhân là một sự may mắn, nhưng thực tế, chính bản thân họ cũng đang phải tự khắc phục những bất tiện do nhà ở công nhân không được sửa chữa, bảo trì thường xuyên. Không chỉ vậy, họ cũng đang phải đối mặt với nỗi lo rằng khi bước ra khỏi nhà ở công nhân, họ cũng khó tìm được chỗ ở mới phù hợp với nhu cầu bởi họ không có tích lũy tài chính đủ lớn, và mức tăng lương chậm hơn rất nhiều so với mức tăng giá nhà đất trên thị trường. Do đó, họ luôn cố tìm cách để bám trụ tại nơi đây, dù cho họ không còn là công nhân nữa, dù họ phải thích nghi với điều kiện cơ sở vật chất như thế nào.

Nhà ở công nhân ra đời với định hướng đem đến chỗ ở an toàn, để người lao động an cư lạc nghiệp. Thế nhưng, xây nhà ở công nhân không chỉ dừng lại ở câu chuyện xây dựng, mà việc quản lý, vận hành như thế nào để loại hình nhà ở này thật sự phù hợp với nhu cầu sống cơ bản và thực tế của người dân còn là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn.

Đón đọc kỳ sau...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top