Aa

Nhà đầu tư mua nhà phố, biệt thự… để nuôi gà

Thứ Ba, 15/10/2019 - 10:30

Nhà đầu tư mua nhà phố, biệt thự… để nuôi gà; Quý III: Thị trường nhà ở tiếp tục phát triển mất cân đối; Thống nhất cho công trình sai phạm ở Mã Pì Lèng được chỉnh trang, cải tạo... là những tin tức đáng chú ý 24h qua.

Nhà đầu tư mua nhà phố, biệt thự… để nuôi gà

Thị trường bất động sản TP.HCM đang rất khan hàng, giá tăng dần theo từng quý khiến người có nhu cầu nhà ở ngày càng khó tiếp cận. Thế nhưng, đang diễn ra một nghịch lý là tại nhiều dự án nhà phố, biệt thự, tỷ lệ cư dân về ở rất ít. Có những căn biệt thự cả chục tỷ để hoang nhiều năm, người dân xung quanh “tiếc của” quây lại để chăn nuôi lợn gà.

Năm 2015, Công ty cổ phần Kiến Á ra mắt dự án Khu đô thị Cát Lái tại quận 2, TP.HCM. Dự án có tổng diện tích hơn 152ha, quy mô gần 11.000 căn hộ, biệt thự và nhà thấp tầng, dân số dự kiến đến 50.000 người. Kiến Á quảng cáo đây là dự án đầy đủ các tiện ích đáng sống của người dân TP.HCM.

Với các khu biệt thự, nhà phố được xây dựng phần thô, tách biệt và chia ra từng phân khu mang tên CitiBella,… giá bán thời điểm đầu tiên từ 2 - 7 tỷ đồng/căn hộ.

Thế nhưng, khu đô thị từng rất đắt hàng này hiện khá hoang vắng. Các khu nhà phố được xây dựng và bàn giao nhưng lượng người ở chỉ chiếm khoảng 30%. Theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản vào cuối tuần qua, có những khu nhà phố như City Bella 5 chỉ vài căn nhà có người ở, còn hầu hết xây thô rồi bỏ không.

Thậm chí, phóng viên còn bắt gặp cảnh một số biệt thự 2 mặt tiền trên tuyến đường chính của dự án này dù đã xây dựng xong phần thô với 1 trệt 3 lầu, nhưng thay vì người ở thì lại được người dân nuôi hàng chục con gà.

“Vì rất lâu không ai ở nên người dân tại đây quây lại nuôi gà. Có người có nuôi thêm cả chục con lợn. Hàng ngày, gà lợn sổng chuồng ra đường dũi đất ăn cỏ, nhìn mà cám cảnh”, bà My, một trong những cư dân hiếm hoi sống tại khu nhà phố tại dự án này cho biết.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Dự án Thành phố Thông minh có đem lại cơn sốt cho thị trường Đông Anh?

Ngày 6/10 vừa qua, liên doanh nhà đầu tư gồm Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) chính thức công bố và động thổ dự án Thành phố Thông minh tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

Dự án được lập dựa trên quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân - Nội Bài, chiều dài khoảng hơn 11km, từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài. Với tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD, đây hiện là một trong những dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Cũng trên tuyến đường này còn có hai dự án trọng điểm khác là Công viên giải trí Kim Quy do tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư và Trung tâm triển lãm quốc gia do Vingroup phát triển.

Dư luận một lần nữa đặt ra câu hỏi, liệu khu vực Đông Anh có tiếp diễn cơn sốt đất trong ngắn hạn và dài hạn?

Bởi gần nhất, một khảo sát của trang Batdongsan.com.vn vào quý II/2019 cho thấy, nhà đất thổ cư ở các quận, huyện Đông Anh, Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Hoài Đức đang có mức độ quan tâm lớn trên thị trường. Cụ thể, từ 2015 đến năm 2018, giá nhà đất ở quận, huyện ngoài trung tâm gồm Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh giá nhà phố tăng từ 19% - 64%.

Riêng tại Đông Anh, ghi nhận nửa đầu năm 2019, số người tìm kiếm bất động sản khu vực này tăng mạnh, gấp từ 1,5 đến 2 lần so với những tháng cuối năm 2018. Đông Anh cũng nằm trong top những địa phương có số người tìm kiếm bất động sản lớn của cả nước.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thống nhất cho công trình sai phạm ở Mã Pì Lèng được chỉnh trang, cải tạo

Công văn số 4141/BVHTTDL-DSVH về việc công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy ký nêu rõ: Bộ VHTTDL nhận được báo cáo số 412/BC-UBND ngày 0/10/2019 của UBND tỉnh Hà Giang về công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây dựng tại khu vực Mã Pì Lèng huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và báo cáo số 344/BC-SVHTTDL ngày 11/10/2019 của Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang về quá trình kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng.

Về vấn đề này Bộ VHTTDL có ý kiến như sau: Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng đã được Bộ VHTTDL xếp hạng tại quyết định số 4194/QĐ-BVHTTDL ngày 16/11/2009 nằm trong quần thể công viên đá địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn - di sản được UNESCO ghi danh trong danh mục công viên địa chất toàn cầu năm 2010.

Do đó danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng cần được bảo vệ và phát huy giá trị theo đúng quy định của pháp luật và khuyến nghị của Hội đồng công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Theo quy định tại điều 36 Luật Di sản văn hóa: “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường, sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Quý III/2019: Thị trường nhà ở tiếp tục phát triển mất cân đối

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản nhà ở cả nước quý III/2019 tiếp tục cho thấy sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018, có dấu hiệu phát triển không ổn định. Vì vậy, cần theo dõi sát sao và có biện pháp bình ổn nếu cần thiết.

Tại Hà Nội, quý III/2019 thị trường bất động sản đánh dấu sự sụt giảm cả về lượng cung và giao dịch so với quý II và cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Cụ thể, giao dịch thành công chủ yếu vẫn là khách hàng có nhu cầu sử dụng thực; Đầu tư lướt sóng lãi nhanh từ bất động sản ở Hà Nội giảm mạnh; Đầu tư để kinh doanh bất động sản nhỏ lẻ kém hiệu quả hơn so với TP.HCM; Giá bán căn hộ gần như không có biến động so với quý trước, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018; Giá nhà ở thấp tầng tiếp tục ổn định.

Ở chiều ngược lại, trong quý III/2019, lượng cung và giao dịch bất động sản nhà ở tại TP.HCM tăng mạnh. Cụ thể, lượng cung chung cư quý III tăng xấp xỉ 3,5 lần so với quý I; 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ hấp thụ bất động sản nhà ở tại TP.HCM đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm qua, xấp xỉ 95%; Giao dịch chung cư quý III tăng xấp xỉ 3,9 lần so với quý I; 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Căn hộ chung cư trung cấp có tỷ lệ hấp thụ cao nhất, hơn 97%. Lượng cung và giao dịch chủ yếu nằm ở đại dự án Vinhome Grand Park - Quận 9, chiếm hơn 85% toàn bộ thị trường.

Ở phân khúc cao cấp có sự chênh lệch lớn về giá bán: Các dự án tại khu trung tâm: Giá từ 100 triệu đồng/m2, có những dự án lên tới 200 - 300 triệu đồng/m2; các Dự án tại Quận 7, Quận 2: dao động ở mức 60 - 75triệu đồng/m2

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bộ Tài chính phản bác việc Moody’s xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm Việt Nam

Ngày 10/10, Bộ Tài chính đã đưa ra phản hồi chính thức sau khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service thông báo về việc sẽ xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đối với các khoản vay bằng nội tệ và ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam (hiện ở mức Ba3).

Theo đó, Bộ Tài chính lý giải, cơ sở để Moody’s đưa ra quyết định xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm bắt nguồn từ đánh giá cho rằng những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ.

Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định, đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ.

Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của bên cho vay.

Vì thế việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp.

“Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ", thông cáo của Bộ Tài chính nêu rõ quan điểm và khẳng định Chính phủ chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top