Aa

Nhiều sàn giao dịch BĐS "ngắc ngoải", nhân viên môi giới cũng lao đao vì dịch Covid-19

Thứ Năm, 09/09/2021 - 13:00

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4 đã khiến cho thị trường bất động sản tiếp tục "đóng băng". Không chỉ doanh nghiệp rơi vào thế khó, mà không ít môi giới liên quan đến lĩnh vực này cũng lao đao...

Nhiều sàn môi giới điêu đứng...

Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hiện cả nước có trên 1.000 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động và phải chịu rất nhiều áp lực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Các sàn giao dịch vẫn phải trả lương cho cán bộ nhân viên, nộp bảo hiểm xã hội, nộp thuế, trả tiền thuê mặt bằng, tiền lãi vay..., trong khi lại không thể triển khai bán hàng do dịch bệnh.

Cùng đó, những người hành nghề môi giới bất động sản phải nghỉ việc do giãn cách xã hội, không được ra ngoài, không được tiếp xúc khách hàng hoặc sàn giao dịch không có sản phẩm để bán, thị trường thiếu nguồn cung...

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch VARS cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp không có doanh thu từ các giao dịch mua bán. Do đó, nhiều sàn môi giới bất động sản đã buộc phải cho nhân viên nghỉ việc do không có kinh phí để trả lương, nộp BHXH, thuê văn phòng. Điều này khiến hàng ngàn môi giới bất động sản rơi vào cảnh thất nghiệp. Tâm lý bỏ cuộc của nhiều cá nhân đã ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường, gây bất ổn với những lo lắng, xáo trộn.

Hiện thị trường bất động sản đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn chồng chất, nhiều dự án đã được cấp phép nhưng vẫn phải dừng hoạt động khiến nguồn cung không được cải thiện; lực cầu suy yếu, giá cả tăng mạnh, nguy cơ bong bóng…

mot-du-an-bds
Do dịch bệnh, những hình ảnh đông khách hàng tại sự kiện mở bán dự án BĐS chỉ còn là quá khứ

Tại TP.HCM, với các công ty quy mô lớn, thu nhập của môi giới bất động sản giảm trung bình 40 - 50% so với 6 tháng trước. Các  công ty nhỏ cũng có con số sụt giảm thu nhập khoảng 70 - 80% bởi doanh số bán hàng suy giảm mạnh trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường khó khăn, thanh khoản kém…

Dưới góc độ của người hành nghề môi giới bất động sản, ông Đặng Văn Đức (Hà Nội) chia sẻ, thu nhập của người môi giới chủ yếu từ nguồn phần trăm được trích lại sau khi bán sản phẩm. Dù được hưởng lương cơ bản hàng tháng nhưng con số này không đáng kể so với chi phí marketing sản phẩm mà bản thân các môi giới phải tự bỏ ra để quảng bá theo các kênh riêng.

Theo ông Đức: "Sau những đợt dịch liên tiếp kéo dài vắt qua 2 năm thì thu nhập của môi giới như ông hiện không đủ chi tiêu mà phần lớn chi phí trang trải cuộc sống là từ nguồn tiền đã tích luỹ từ trước. Vì an toàn sức khỏe, việc tiếp xúc trực tiếp khó khăn, bị hạn chế nên giao dịch thành công sụt giảm mạnh. Với các dự án chung cư còn có thể giới thiệu thông tin, thông số sản phẩm với khách hàng qua hình ảnh trang web của chủ đầu tư, sơ đồ... chứ riêng phân khúc nhà ở riêng lẻ thì gần như án binh bất động".

Theo đó, nhiều môi giới thậm chí 5 - 6 tháng liền không có thu nhập nào, một mặt vì không có sản phẩm để bán, hoặc có sản phẩm nhưng không bán được. Một số khác thì bị chủ đầu tư nợ phí hoa hồng khiến cho cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Một số môi giới tiết lộ, trên thực tế, những khó khăn mà họ gặp phải không thua kém gì các công nhân bị mất việc.

Giám đốc của một sàn môi giới tại TP.HCM (giấu tên) tiết lộ, hiện nay rất nhiều sàn môi giới đang trong tình trạng "hấp hối" vì dịch bệnh ngày càng phức tạp. Khó khăn do dịch bệnh, cộng với việc bị đối tác nợ tiền hoa hồng, hàng tháng phải gồng gánh hàng trăm khoản chi phí khác khiến nhiều sàn kiệt sức, đứng trước bờ vực phá sản.

"Nhiều người thấy môi giới ăn mặc đẹp đẽ, sáng sủa là vậy nhưng không ít người thực chất đang là con nợ. Riêng sàn của tôi từ đầu năm đến nay phải gồng lỗ hơn 3 tỷ đồng. Một mặt là bị đối tác nợ tiền phí sau khi bán dự án, một mặt là phải gồng để trả lương cơ bản cho nhân viên, tiền mặt bằng, tiền điện nước và rất nhiều khoản chi phí khác. Mỗi tháng, cứ mỗi sàn có khoảng 20 - 30 sales thì khoản phí phải chi không dưới 300 triệu đồng, nhưng lại không có lấy một đồng thu nào", vị đại diện sàn môi giới cho hay.

Môi giới bất động sản bỏ nghề

Anh Hoàng Văn Minh, nhân viên một công ty môi giới căn hộ và bất động sản nghỉ dưỡng có tiếng ở Nha Trang cho biết, anh vừa quyết định nghỉ việc và chuyển sang làm quản lý cho một công ty nội thất, vật liệu trang trí mức lương 12 - 13 triệu đồng/tháng.

Theo anh Minh, thu nhập môi giới ngày càng giảm trong khi lương cứng chỉ 3,5 triệu đồng/tháng.

"Có hàng chục nhân viên môi giới chỉ chăm chăm vào một khách hàng, mất thời gian và công sức. Nhưng khi bán được sản phẩm, hoa hồng không còn bao nhiêu", anh Minh nói.

Tương tự, chị Nguyễn Ngọc Tân, nhân viên một công ty bất động sản lớn tại Hà Nội cho biết, chị cần bán thêm hàng qua mạng vì thu nhập giảm 60 - 70% so với hơn một năm trước, không đủ tiền sinh hoạt cho gia đình 4 người.

"Tôi từng là một môi giới giỏi, đứng đầu công ty, thu nhập khá và có nhiều khách quen nên tôi cố gắng kiên trì chứ hầu hết đồng nghiệp đều đi làm công việc khác", chị Tân kể.

Chị Tân cũng cho biết, nửa cuối năm 2020 chỉ bán được một căn hộ, hoa hồng hơn 20 triệu đồng. Trong nửa cuối năm 2020, lượng giao dịch tốt hơn, nhưng thu nhập không đủ sống. Vì lý do này, chị quyết định nghỉ việc từ cuối năm 2020.

Bắt đầu từ tháng 1/2021, chị Tân quyết định thuê mặt bằng, mở cửa hàng tạp hóa rồi kết hợp nhận ký gửi nhà đất để kiếm sống.

Ky-ket-hop-dong-dat-coc
Không ít môi giới bất động sản phải bỏ nghề, chuyển nghiệp khác

Ông Nguyễn Ngọc Linh - Phó Tổng giám đốc ABC Land cho rằng, dịch bệnh ập tới tất cả ngành nghề kinh tế đều bị ảnh hưởng, trong đó môi giới bất động sản là người thiệt hại lớn, đặc biệt là những môi giới non kinh nghiệm.

Theo ông Linh, thực tế môi giới được chia làm 2 nhóm. Thứ nhất, những môi giới non kinh nghiệm, thường thu nhập của những người này khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm. Khi dịch bệnh ập tới, nếu không có những phương án tốt thì thu nhập sẽ bấp bênh. Chính vì vậy, những người môi giới này có thể tạm thời tìm công việc có thu nhập ổn định hơn, nhưng đa phần đều phải bỏ hẳn.

Thứ hai, những môi giới kỳ cựu, có mức thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Đối với nhóm môi giới này, khi dịch bệnh bùng phát họ không ảnh hưởng quá nhiều, bởi với số tiền hoa hồng kiếm được trước đó họ hoàn toàn vẫn có thể sống tốt trong thời kỳ khó khăn. Hơn nữa, bằng kinh nghiệm của mình, môi giới vẫn có thể có những hướng đầu tư khác và phương án riêng để bám trụ được với nghề.

"Môi giới không có giao dịch đồng nghĩa sẽ không có thu nhập. Chính vì vậy, trong thời gian thách thức này dù bất kỳ ai nếu không có phương án và kế hoạch dài hạn đều không thể bám trụ. Sau thời gian này, lực lượng môi giới có thể bị tổn hại lớn nhưng những người vẫn tiếp tục làm nghề thì đa phần sẽ là những môi giới chất lượng", ông Linh nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top