Aa

Nhiều cổ phiếu BĐS tăng giá mạnh, VN-Index lấy lại mốc 900 điểm

Thứ Bảy, 19/09/2020 - 06:00

Thị trường giao dịch tích cực trong phiên cuối tuần với sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng và chứng khoán. Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn có sự phân hóa nhưng sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn.

Thị trường biến động theo chiều hướng tích cực ngay từ đầu phiên 18/9, sắc xanh chiếm ưu thế đáng kể và giúp VN-Index duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, trong khi đó, HNX-Index có một vài thời điểm chịu áp lực rung lắc và “vòng” xuống dưới mốc tham chiếu.

Phiên 18/9 là thời điểm cả 2 quỹ ETF là FTSE ETF và V.N.M ETF thực hiện giao dịch để hoàn thành việc cơ cấu danh mục đầu tư kỳ quý III. Như thường lệ, khối ngoại sẽ có biến động rất mạnh trong phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa (ATC), nên nhà đầu tư đã tỏ ra khá thận trọng và chờ đợi những gì diễn ra trong phiên ATC để đưa ra quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, trái với những gì nhà đầu tư chờ đợi, phiên ATC diễn ra không có quá nhiều bất ngờ, thậm chí, giao dịch của khối ngoại thời gian này cũng không có sự đột biến.

Về mặt điểm số thị trường, cả 3 chỉ số VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index đều có được sắc xanh. Chốt phiên, VN-Index tăng 6,91 điểm (0,77%) lên 900,95 điểm. Toàn sàn có 245 mã tăng, 148 mã giảm và 70 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,73 điểm (0,57%) lên 129,2 điểm. Toàn sàn có 75 mã tăng, 74 mã giảm và 75 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,72 điểm (1,2%) lên 60,59 điểm.

Sắc xanh ở nhóm cổ phiếu lớn áp đảo hoàn thành, trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán có diễn biến tích cực nhất. MBB bất ngờ tăng đến 3,6% lên 18.750 đồng/cp và khớp lệnh 11,8 triệu cổ phiếu, VCI tăng 3,2% lên 29.300 đồng/cp, VND tăng 2,4% lên 12.950 đồng/cp và khớp lệnh 2,3 triệu cổ phiếu, TCB tăng 2,3% lên 21.800 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 18/9. Nguồn: Fialda.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu trụ cột như FPT, VNM, HPG, VCS, GAS… cũng đều có diễn biến tích cực và góp phần củng cố sắc xanh của các chỉ số.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 18/9. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, trong số 4 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất nhóm này chỉ có VIC đứng giá tham chiếu, trong khi đó, VHM, VRE và NVL đều tăng giá nhẹ.

Trong khi đó, sự phân hóa vẫn diễn ra ở nhóm bất động sản vừa và nhỏ, tuy nhiên, sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn. Các mã như NTB, PNT và PPI đều được kéo lên mức giá trần. PFL tăng 5,9%, CRE tăng 3,8%, CEO tăng 2,8%, DXG tăng 2,4%, DIG tăng 2,1%, LDG tăng 2%.

Chiều ngược lại, các mã giảm sâu có OCH, STL và PVL bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, OGC giảm 4,3%, HDC giảm 2,3%, SCR giảm 1,3%.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch đạt 463 triệu cổ phiếu, trị giá 7.700 tỷ đồng. Hai cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường là ITA và ASM, trong đó, ITA khớp lệnh 14 triệu, còn ASM là 8 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 18/9. nguồn: Fialda.

Khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng nhưng giá trị giảm đáng kể so với phiên trước và ở mức 77 tỷ đồng (giảm 45%). Riêng sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 68 tỷ đồng (giảm 38%). VHM là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top bán ròng của khối ngoại, trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản được mua ròng mạnh có VRE và VIC với giá trị lần lượt 27 tỷ đồng và 11 tỷ đồng.

Tính chung cả tuần, VN-Index tăng 11,98 điểm (1,3%) lên 900,95 điểm; HNX-Index tăng 3 điểm (2,4%) lên 129,2 điểm. Thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó do có ít các giao dịch thỏa thuận nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 6.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HoSE giảm 12,6% xuống 30.208 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 3,4% lên 1,8 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 13,6% lên 3.462 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 12,5% lên 290 triệu cổ phiếu.

Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index hồi phục trở lại trong tuần qua với thanh khoản tiếp tục gia tăng so với tuần trước đó cho thấy lực cầu mua lên của nhà đầu tư trong giai đoạn hiện tại là khá tốt. Trên góc nhìn kỹ thuật, với phiên tăng cuối tuần VN-Index đã vượt qua được ngưỡng quan trọng quanh 900 điểm, qua đó mở ra dư địa tăng tiếp theo với kháng cự gần nhất là quanh ngưỡng 910 điểm (fibonacci extension 50%).

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 10 tăng mạnh hơn chỉ số cơ sở VN30, qua đó nới rộng mức basis dương lên thành 5,04 điểm, cho thấy nhà đầu tư phái sinh đang lạc quan về xu hướng trong ngắn hạn.

SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (21/9 - 25/9), VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với kháng cự gần nhất quanh 910 điểm (fibonacci extension 50%). Những nhà đầu tư đã chốt lời một phần danh mục quanh ngưỡng 900 điểm có thể tiếp tục canh những nhịp tăng điểm lên quanh ngưỡng 910 điểm (nếu có) để tiếp tục hạ tỷ trọng cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể cân nhắc mua bắt đáy một phần nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 890 điểm (MA20).

Còn theo Chứng khoán VCB (VCBS), dòng tiền quay trở lại thị trường trong những phiên cuối tuần với khối lượng giao dịch trong tuần được cải thiện cho thấy tâm lý nhà đầu tư bắt đầu trở nên lạc quan hơn. Đà tăng điểm là tích cực, tuy nhiên chỉ số chung vẫn đang “mắc kẹt” tại vùng 900 điểm và mức gia tăng thanh khoản hiện tại là chưa đủ cơ sở để kỳ vọng về một xu hướng bứt phá mạnh mẽ vượt ngưỡng kháng cự 900 điểm trong tuần sau. 

Trong bối cảnh hiện tại, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh diễn ra để lướt sóng “ngắn hạn” theo tín hiệu từ các chỉ báo kỹ thuật trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư về các ngưỡng chốt lời và cắt lỗ, đồng thời, có thể cân nhắc giải ngân tích lũy với tỷ trọng vừa phải ở nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và lớn ở các nhóm ngành vẫn còn chưa “hòa chung” sắc xanh với thị trường trong tuần này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top