Mới đây có thông tin, Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín – Sacombank sẽ có đợt đấu giá lớn với 11 bất động sản khu vực TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 27/9. Mức giá khởi điểm của toàn bộ các bất động sản trên là 10.040 tỷ đồng. Nhà đầu tư có nhu cầu đấu giá cần đặt cọc trước 5% giá khởi điểm.
Trong đó, riêng Dự án Khu công nghiệp Phong Phú có giá khởi điểm hơn 7.600 tỷ đồng. Đây là dự án khu công nghiệp có thời hạn sử dụng 50 năm với diện tích 134ha nằm trên mặt đường Nguyễn Văn Linh, Bình Chánh và cách Quốc Lộ 1A chỉ 3,7km. Quyền tài sản của chủ đầu tư phát sinh từ việc đền bù 120ha đất và còn 13,8ha chưa thanh toán đền bù. Ban đầu, dự án do Công ty cổ phần KCN Phong Phú làm chủ đầu tư. Công ty này do CTCP Xây dựng Bình Chánh (BCCI) sở hữu 70% vốn nhưng chuyển nhượng sang CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigonnic) – một công ty liên quan tới ông Trầm Bê.
Dự án khu công nghiệp này trở thành tài sản thế chấp cho khoản vay tại Sacombank có thể do ngân hàng này nhập về các khoản cho vay từ Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) sau thương vụ sáp nhập năm 2015. Hiện dự án vẫn đang là bãi đất trống bỏ hoang.
Bên cạnh khu đất rộng lớn này, nhóm các tài sản Sacombank đấu giá đợt này còn có dự án tại xã Xuân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM và khu đất tại xã Phước Thuận, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều có diện tích trên 5ha. Sacombank rao bán hai khu đất này với giá khởi điểm lần lượt 477 tỷ đồng và 208 tỷ đồng.
Một số dự án tại các khu vực trung tâm TP.HCM cũng được đấu giá với mức khởi điểm hàng trăm tỷ đồng. Giá khởi điểm dự án 270m2 tại quận 3 xấp xỉ 227 triệu đồng/m2. Dự án 391-393-395-397 Trần Hưng Đạo được chào bán với giá 61,5 tỷ đồng, tương đương gần 265 triệu đồng/m2. Dự án 28-30 Nguyễn Biểu, quận 5, TPHCM có diện tích 1.744m2 được rao bán với giá gần 119 triệu đồng/m2.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm, Sacombank có khoảng 40 Nghị quyết/Quyết định của HĐQT được thông qua liên quan đến xử lý nợ xấu. Trong đó, HĐQT đã họp bàn về phương án xử lý một số khoản vay, thanh lý bất động sản nhận cấn trừ, bán đấu giá tài sản. Đến cuối quý II, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng giảm còn 3,3%.
Bên cạnh Sacombank, Vietinbank cũng đẩy mạnh việc rao bán nợ. Sau đợt chào bán khoản nợ 74 tỷ đồng của một công ty do Shark Vương từng làm chủ tịch, ngân hàng này tiếp tục bán khoản nợ 111 tỷ đồng của Công ty cổ phần Thương mại NEM. Trong khi đó, Vietinbank Chi nhánh Ba Đình cũng rao bán khoản nợ hơn 66 tỷ đồng của Công ty cổ phần Sông Đáy – Hồng Hà Dầu Khí. Chi nhánh Thủ Đức rao bán đấu giá khoản nợ hơn 21 tỷ của Địa ốc Gia Phú.
Trong khi đó, gần đây, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã liên tục đưa ra các thông báo rao bán tài sản đi kèm các khoản nợ. Một trong số đó là số tài sản của Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài. Thuận Thảo chính là công ty của bà Võ Thị Thanh, người được mệnh danh là "bông hồng vàng" Phú Yên. Tổng số nợ gốc và lãi của các khoản vay này lên tới 2.378 tỷ đồng. Được biết, phần lớn là các khoản vay của Công ty Thuận Thảo vay tại nhà băng này với tài sản đảm bảo là các bất động sản và cổ phiếu công ty.
Agribank và Agribank AMC trong tháng 9 này cũng sẽ có hàng chục đợt đấu giá tài sản .Trong đó có 3 quyền sử dụng đất ở phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM với giá khởi điểm 96 tỷ đồng; đất tại số 132 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội cùng tòa nhà gắn liền với giá khởi điểm 69 tỷ đồng.
Với hoạt động tích cực trong việc xử lý nợ xấu, khả năng con số nợ xấu tại các ngân hàng sẽ thuyên giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, dễ nhận thấy các khoản “nợ chìm” tại các ngân hàng, là con số đang quan tâm, cũng đang dần được hé lộ.
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo - Thống kê, NHNN tiến hành trong tháng 6/2018, các tổ chức tín dụng dự kiến, đến cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng có thể giữ ở mức thấp và hầu hết dự kiến tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với cuối năm trước. |