Aa

Nhiều tỉnh, thành miền Trung bị thiệt hại nặng do bão số 5

Thứ Ba, 14/09/2021 - 06:05

Mưa lớn do bão số 5 (bão Conson) kèm theo gió mạnh đã gây ra thiệt hại nặng nề cho một số tỉnh, thành miền Trung.

Tại tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế dù bão số 5 không đổ bộ trực tiếp nhưng cũng đã gây nhiều thiệt hại tại hai địa phương này. Đặc biệt, trong 3 ngày qua, mưa lớn đã khiến nhiều vùng sạt lở, gây chia cắt.

Cống tràn Sê Pu, tại bản Sê Pu, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị trôi
Cống tràn Sê Pu, tại bản Sê Pu, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị trôi

Tại tỉnh Quảng Trị: Thông tin từ Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, gió lốc đã khiến 50 ngôi nhà tại xã Hải Ba, huyện Hải Lăng tốc mái phổ biến 40%. Toàn tỉnh có 290ha lúa bị gãy đổ hư hại nặng. Đặc biệt, mưa lớn đã làm sạt lở, cuốn trôi cống tràn Sê Pu, tại bản Sê Pu, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Ngầm tràn trên tuyến đường vào thôn Tri, bản Puôi xã Hướng Lập bị gãy và cuốn trôi với chiều dài 20m, rộng 8m. Tình hình sạt lở bờ sông cũng tiếp tục xảy ra tại tỉnh Quảng Trị khi mà “di chứng” của mùa mưa bão năm trước vẫn còn hiện hữu. Tại sông Thạch Hãn, có khoảng 40m bờ sông đoạn qua thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong bị sạt lở; đoạn sông Ái Tử đoạn qua thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang sạt lở dài 70m; sạt lở bờ sông Vĩnh Định đoạn qua thôn Đồng Tâm 2, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong dài đến 1,5km, trong đó đoạn nguy hiểm dài đến 500m. Mưa lũ cũng đã khiến 2 ngầm tràn thuộc tuyến đường quản lý, bảo vệ rừng tại tiểu khu 843 thuộc xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng bị cuốn trôi; tường rào nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Phước bị sập dài 50m, tường rào Nhà máy nước Hải Lăng bị sập làm ảnh hưởng đến đời sống một số hộ dân liền kề.

Tại Thừa Thiên - Huế: Thông tin từ Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế trưa 13/9, toàn tỉnh có 29 nhà bị tốc mái, trong đó nặng nhất là tại huyện Phong Điền với 24 nhà, huyện Quảng Điền với 5 nhà. UBND huyện Phong Điền đã chỉ đạo cho di dời dân đến nơi trú ẩn an toàn và đã tiến hành che đậy đồ đạc trong nhà. Trong ngày 13/9, toàn bộ 29 ngôi nhà bị tốc mái đã được các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục đảm bảo sinh hoạt trở lại của người dân.

Lực lượng công an, dân quân tại Thừa Thiên - Huế giúp một cơ sở trường học bị cây cối ngã đổ
Lực lượng công an, dân quân tại Thừa Thiên - Huế giúp một cơ sở trường học bị cây cối ngã đổ

Đặc biệt, tình trạng sạt lở cũng đã xảy ra trên nhiều điểm ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đến chiều 13/9, tuyến đường Tỉnh lộ 17 đoạn qua thôn Huỳnh Liên, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền vẫn đang bị chia cắt do sạt lở tại đoạn cầu Huỳnh Lồ. Cụ thể, tại điểm đang thi công tại vị trí Km4+800 mưa lớn khiến khu vực thi công cũng bị sạt lở nghiêm trọng, phương tiện không thể qua lại. Do chưa thể khắc phục nên cơ quan chức năng đã cắm biển cảnh báo tránh người dân qua lại khu vực này. Còn tại huyện Quảng Điền, sạt lở xảy ra với bờ sông Bồ đoạn qua xã Quảng An với chiều dài khoảng 200m. Tuyến Quốc lộ 49B đoạn qua xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc bị đất đá tràn lấp mặt đường tại Km96+160, Km100+650-Km100+800 với khối lượng khoảng 532m3, UBND xã Lộc Bình đã phối hợp với các đơn vị chức năng huy động phương tiện, máy móc tổ chức khắc phục, hiện tại tuyến Quốc lộ 49B đã được thông tuyến. Khu vực thuộc dự án nghĩa trang Trường Đồng thị trấn Lăng Cô (đang trong giai đoạn thi công) mưa lớn làm đất cát chảy trôi xuống phía khu vực rừng tràm của 1 hộ dân, diện tích khoảng 0,4ha, bồi lấp từ 10 - 20cm, qua kiểm tra hiện trạng không ảnh hưởng sản xuất của hộ dân này.

Hiện tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo, huy động các phương tiện nhân lực hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão, sớm ổn định đời sống. Riêng các tuyến đường sạt lở bờ sông, tăng cường công tác gia cố tạm thời, những đoạn sạt lở nặng cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng canh trực đề phòng tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, hiện tình hình phòng tránh, khắc phục hậu quả bão lũ tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị gặp nhiều khó khăn, nan giải khi một số địa phương vừa phòng tránh thiên tai vừa chống dịch Covid-19, thậm chí nhiều nơi phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng phong tỏa, cách ly tạm thời để phòng chống dịch nên khá nan giải khi mùa mưa bão đã và đang đến.

Tại TP. Đà Nẵng: Mưa lớn gây ngập cục bộ tại một số nơi ở TP. Đà Nẵng. Một số khu vực bị nước từ kênh tràn vào nhà như các tổ 36, 37 phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu); các tổ 16, 17, 18, 19, 27, 28... phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), có nơi nước ngập gần 0,5m. Cùng với đó, nhiều tuyến đường bị ngập nặng như Nguyễn Tất Thành, Hồ Nghinh, Nguyễn Đức Cảnh…

Nhiều tuyến đường tại TP. Đà Nẵng bị ngập nặng
Nhiều tuyến đường tại TP. Đà Nẵng bị ngập nặng

Lực lượng chức năng đã di dời 612 hộ với tổng 2.256 nhân khẩu đến nơi an toàn, hỗ trợ kê dọn đồ đạc; khơi thông cống thoát nước, dọn cây xanh ngã đổ… Thống kê sơ bộ, mưa bão làm 322 cây xanh ngã đổ, hơn 1ha rau màu bị hư hại, 4ha lúa bị ngập úng, 1 tàu cá Quảng Ngãi bị chìm tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang, không có thiệt hại về người. Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đánh giá, các địa phương, sở, ngành cơ bản đã thực hiện tốt công tác ứng phó với mưa bão, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tại Quảng Nam: Mưa bão đã làm cho nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, chia cắt như tuyến Trà Đốc đi Trà Bui; tuyến Trà Giác đi Trà Ka (huyện Bắc Trà My); đường từ Trà Tập lên Tắk Pỏ, đường Trà Cang, Trà Vân, Trà Vinh, Trà Don (huyện Nam Trà My); tuyến đường ĐH5.NS đoạn từ cầu treo đi thôn Tứ Nhũ bị sạt lở đoạn dài 15m (huyện Nông Sơn)… Cùng với đó là nhiều công trình bị hư hại như kè chợ Hội An bị sụt lún khoảng 5m trên bề mặt, bờ kè khu tái định cư giai đoạn 3 thuộc dự án tuyến Quốc lộ 1A (Cây Cốc - Võ Chí Công, thuộc huyện Thăng Bình) bị sạt lở nặng, ảnh hưởng đến nhà dân đang thi công. Bên cạnh đó, gần 3.200ha lúa và hoa màu vụ hè thu bị ngập úng. Trong đó: Thị xã Điện Bàn 850ha, Quế Sơn 283,7ha, Duy Xuyên 368ha, Thăng Bình 299ha, Tam Kỳ 287ha, Núi Thành 406ha, Hội An 200ha, Phú Ninh 204ha, Đại Lộc 246ha và Hiệp Đức 25ha.

Tại Quảng Ngãi: Trên đường đi làm về, 2 công nhân làm việc tại Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi bị nước lũ cuốn trôi. Rất may đã được Đội Thanh niên xung kích xã Tịnh Trà (huyện Sơn Tịnh) phối hợp lực lượng dân quân và công an xã kịp thời ứng cứu. Bão số 5 đã làm 15 ngôi nhà trên đảo Lý Sơn bị tốc mái, bay tôn. Nhà thiệt hại chủ yếu nằm ở vị trí sát mép biển và những khu vực xung yếu; cổng chào ở huyện đảo Lý Sơn cũng bị ngã đổ; 100ha hành bị dập lá. Ước tính bão số 5 gây thiệt hại tại Lý Sơn gần 37 tỷ đồng.

Bão số 5 cũng gây ảnh hưởng đến việc vận hành lưới điện tại một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ước tính, có khoảng 4.372 trạm biến áp với 401 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng, công suất phụ tải bị gián đoạn cung cấp điện là 56,35 MW chiếm 2,25% phụ tải toàn miền Trung (tính đến ngày 12/9).

Văn phòng Chính phủ có công điện gửi UBND các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP. Đà Nẵng; các bộ, ngành liên quan truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 và chủ động ứng phó mưa, lũ. Theo đó, các đơn vị cần khẩn trương chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ, chủ động huy động lực lượng hỗ trợ người dân nhanh chóng sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, tốc mái; hỗ trợ các hộ khó khăn ổn định đời sống; khắc phục sự cố sạt lở và triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Cùng với đó, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của người dân; vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra “lũ chồng lũ”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top