Aa

Nhiều tuyến đường giao thông ở miền Trung “khát” vốn

Thứ Bảy, 03/06/2023 - 06:13

Nhiều tuyến đường giao thông ở Kon Tum, Phú Yên, Quảng Ngãi… chưa đáp ứng lưu lượng giao thông hoặc xuống cấp, hư hỏng nặng, nhưng vẫn chưa cân đối được vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa.

Quốc lộ 14C là tuyến đường chiến lược, chạy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thông thương với Campuchia và Lào qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, giữ vững an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên.

Quốc lộ 14C
Quốc lộ 14C qua Kon Tum cần tiếp tục được đầu tư nâng cấp. (Ảnh: Thanh Trần)

Chưa đáp ứng lưu lượng giao thông

Trong thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, Quốc lộ 14C đoạn qua tỉnh Kon Tum dài 106,8km, đã đầu tư được 44,8km (Từ Km0 - Km10, Km72 - Km106+800), đoạn còn lại dài 62km từ Km10 - Km72 chưa được đầu tư nâng cấp.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, để đảm bảo giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn, từ năm 2016, Bộ Giao thông vận tải đã bố trí kinh phí để sửa chữa mặt đường đoạn Km10 - Km72, với kết cấu đá dăm láng nhựa theo hiện trạng. Tuy nhiên, với kết cấu sửa chữa tối thiểu như trên, chỉ đảm bảo giao thông thông suốt, chưa đáp ứng lưu lượng giao thông trên tuyến ngày càng tăng cao, cũng như đường chưa vào cấp theo quy hoạch đã được phê duyệt (cấp IV miền núi).

Mới đây, cử tri huyện Ia H’Drai đã kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum xem xét, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ quan tâm đầu tư nâng cấp đoạn tuyến còn lại (từ Km10 - Km72) Quốc lộ 14C đoạn từ huyện Ngọc Hồi đến huyện Ia H'Drai đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi trở lên, đảm bảo đủ điều kiện cho phương tiện vận chuyển hành khách lưu thông, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là các huyện có Quốc lộ 14C đi qua.

Để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, UBND tỉnh Kon Tum đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư các đoạn còn lại Quốc lộ 14C vào cấp theo quy hoạch. Phúc đáp, Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất với tỉnh Kon Tum về nhu cầu đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14C đoạn còn lại theo quy mô quy hoạch, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, kết nối, phát huy được các lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 287/2021 tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ, nên chưa thể cân đối bố trí để nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14C.

Trước mắt, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp các bên liên quan và địa phương thực hiện tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và duy tu, sửa chữa đối với đoạn tuyến để đáp ứng nhu cầu vận tải, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Trong khi đó, tuyến đường từ xã Ya Ly đi xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy được đầu tư từ năm 2002 với chiều dài khoảng 11,5km, chưa được đầu tư xây dựng rãnh thoát nước dọc và ngang. Hiện nay, tuyến đường này đã xuống cấp hư hỏng nhiều đoạn. Do đó, cử tri huyện Sa Thầy đã kiến nghị đầu tư sửa chữa tuyến đường này. UBND tỉnh Kon Tum nhìn nhận, kiến nghị của cử tri là cần thiết và chính đáng. Tuy nhiên, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 22/10/2021 và đã phân bổ hết cho các chương trình, dự án, việc bố trí kinh phí để đầu tư tuyến đường ở thời điểm hiện tại là rất khó khăn.

Đây là tuyến đường thuộc phạm vi quản lý của UBND huyện Sa Thầy, nên trước mắt, UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Sa Thầy quan tâm, bố trí kinh phí từ các nguồn vốn thuộc ngân sách huyện (bao gồm các nguồn vốn phân cấp ngân sách tỉnh cho ngân sách huyện) và các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đã phân bổ cho huyện để đầu tư bảo trì, bảo dưỡng tuyến đường trên theo phân cấp quản lý nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến. Ghi nhận kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh Kon Tum cho biết sẽ chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí đầu tư sửa chữa tuyến đường khi cân đối được nguồn vốn.

Lý do là tập trung vốn cho các dự án động lực

Theo tìm hiểu của phóng viên, tuyến ĐT645 sau khi được nâng cấp lên thành Quốc lộ 29, với chiều dài 182,5km, đi qua thị xã Đông Hòa, các huyện Tây Hòa, Sông Hinh (Phú Yên), Krông Năng, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), đã trở thành một trong những trục đường huyết mạch hướng Đông - Tây, nối Phú Yên với Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên hướng ra cửa ngõ phía Đông, tạo động lực phát triển kinh tế cho Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Quốc lộ 24B
Quốc lộ 24B nếu được đầu tư mở rộng sẽ tăng cường kết nối và phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trong ảnh là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. (Ảnh: Thanh Trần)

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên cho hay, Quốc lộ 29 được đánh giá là êm thuận, ít độ dốc, nhưng tương lai vẫn cần tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng. “Dự kiến, Quốc lộ 29 sẽ tiếp tục được đầu tư, nâng cấp mở rộng trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, Chính phủ đang dồn nguồn lực đầu tư cho các tuyến đường cao tốc, nên các tuyến đường ngang ở Phú Yên tạm thời giữ nguyên hiện trạng, bảo trì để đảm bảo an toàn giao thông”, ông Đông chia sẻ.

Bộ Giao thông vận tải đồng tình về việc đầu tư mở rộng Quốc lộ 24B là cần thiết, đặc biệt là các đoạn qua địa bàn TP. Quảng Ngãi và huyện Sơn Tịnh (Km23+300 - Km29 + 800) để tăng cường kết nối và phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Thông báo số 18/TB-VPCP ngày 30/1/2023), Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, cân đối trong tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các nguồn vốn hợp pháp khác, báo cáo cấp có thẩm quyền để sớm thực hiện dự án.

Mới đây, cử tri tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm, sớm thực hiện đầu tư mở rộng Quốc lộ 24B (trước hết ưu tiên đoạn qua địa bàn TP. Quảng Ngãi và huyện Sơn Tịnh) để bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời góp phần khai thác hiệu quả tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, cơ quan này đồng tình về việc đầu tư mở rộng tuyến Quốc lộ 24B là cần thiết, đặc biệt là các đoạn qua địa bàn TP. Quảng Ngãi và huyện Sơn Tịnh (Km23+300 - Km29 + 800) để tăng cường kết nối và phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Thông báo số 18/TB-VPCP ngày 30/1/2023), Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, cân đối trong tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các nguồn vốn hợp pháp khác, báo cáo cấp có thẩm quyền để sớm thực hiện dự án.

Trước đây, căn cứ theo nhu cầu, Bộ Giao thông vận tải đã giao các đơn vị trực thuộc lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 24B, dự kiến bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của bộ này được phân bổ hạn hẹp (304.105 tỷ đồng), sau khi điều chỉnh giảm để phân bổ lại cho một số địa phương (thực hiện đường Vành đai 4, TP. Hà Nội; Vành đai 3, TP.HCM; các cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) thì còn lại là 287.011 tỷ đồng, được tập trung cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ nên chưa thể cân đối để thực hiện thêm các dự án mới, bao gồm nâng cấp Quốc lộ 24B./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top