Chờ thông điệp về tín dụng cuối tuần này
Báo cáo thị trường tiền tệ tuần qua của SSI Research cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiếp tục sử dụng kênh phát hành tín phiếu trên hoạt động thị trường mở, với kỳ hạn linh hoạt từ 7 đến 28 ngày. Cụ thể, kênh điều tiết này đã phát hành tổng 21,8 nghìn tỷ đồng tín phiếu 7 ngày với lãi suất 0,65%, 78 nghìn tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 0,9% và 39,9 nghìn tỷ lãi suất 1,5% trong khi có 72,6 nghìn tỷ đồng đáo hạn. Kênh mua kỳ hạn được sử dụng chủ yếu vào các phiên đầu tuần, với tổng khối lượng phát hành là 793 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày và lãi suất 2,5%. Tính chung trong tuần, NHNN đã hút ròng tổng 66,8 nghìn tỷ đồng.
Tín dụng tăng tạo áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất huy động đối với các ngân hàng có thể giải ngân tín dụng được trong giai đoạn vừa qua.
“Nhìn chung, thanh khoản trong hệ thống vẫn tương đối dồi dào và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng không có nhiều thay đổi so với tuần trước. Kết tuần, lãi suất kỳ hạn qua đêm ghi nhận ở 0,93% (tăng 5 điểm cơ bản) trong khi 1 tuần không thay đổi, ở 1,52%. Chênh lệch lãi suất VND-USD vẫn đang duy trì ở mức âm khoảng 60 điểm cơ bản” - các chuyên gia của SSI Research cho hay.
Số liệu mới cập nhật từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 30/6 và so với cuối năm 2021, tín dụng tăng 9,35% (so với mức 6,47% vào 2021), tương đương với mức tăng 16,7% so với cùng kỳ. So với số liệu được công bố tính đến 20/6, chỉ trong 10 ngày, lượng tín dụng bơm mới vào thị trường đạt hơn 87 nghìn tỷ đồng, trong khi đó lượng tiền gửi tăng thêm là hơn 59 nghìn tỷ đồng.
Theo các chuyên gia SSI Research, điều này rõ ràng tạo áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất huy động đối với các ngân hàng có thể giải ngân tín dụng được trong giai đoạn vừa qua. Trên thực tế, các ngân hàng thương mại cũng đã lần lượt điều chỉnh biểu lãi suất huy động trong quý II và có mức chênh lệch khoảng 30-50 điểm cơ bản giữa lãi suất thực tế và niêm yết, thông qua các chương trình khuyến mãi, cũng như cộng thêm phần trăm lãi suất dành cho gửi online.
Theo các chuyên gia của SSI Research, trong nửa cuối năm 2022, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và trong điều kiện phù hợp sẽ thông qua việc nới trần tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
“Cuộc họp tổng kết ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm và hoạt động trong 6 tháng cuối năm được NHNN tổ chức vào cuối tuần này kỳ vọng sẽ có những thông báo rõ ràng hơn về chính sách tín dụng trong thời gian tới” - các chuyên gia của SSI Research cho hay.
Tỷ giá USD/VND tăng sau động thái của Ngân hàng Nhà nước
Trong tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố biên bản cuộc họp tháng 6, với dự báo lạm phát sẽ tăng 5,0% trong năm 2022, sau đó sẽ giảm tốc còn 2,4% vào năm 2023 và 2,0% năm 2024. Do đó, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) quyết định tăng lãi suất 5 điểm cơ bản, lên 1,50 - 1,75% trong tháng 6 và thảo luận việc lựa chọn tăng 50 điểm hay 75 điểm trong cuộc họp tiếp theo ngày 26 - 27/7.
Trên thực tế, theo thống kê từ CME Group, tại thời điểm 11/7, 93% thị trường đã đặt cược việc FED tăng lãi suất 75 điểm trong kỳ họp tháng 7, thậm chí có 7% đặt cược cho việc FED sẽ tăng 100 điểm cơ bản trong kỳ họp này.
Tương đồng diễn biến các đồng tiền trong khu vực và sau động thái nâng giá bán USD tại Ngân hàng Nhà nước vào đầu tuần trước, tỷ giá USD/VND tiếp tục xu hướng tăng.
Theo SSI Research, điểm mấu chốt cho góc nhìn chính sách tiền tệ của FED trong giai đoạn cuối 2022 và năm 2023 nhiều khả năng là cuộc họp tháng 9, khi những thông tin về tăng trưởng kinh tế cùng thị trường lao động của Mỹ sẽ phản ánh rõ nét về áp lực lạm phát.
Đồng USD vẫn duy trì ở mức cao trong tuần qua, khi tăng 1,8% và so với cuối 2021, DXY đã tăng 11,8%. Các đồng tiền chủ chốt đều giảm giá đáng kể, với EUR -2,2%, GBP -0,5%, JPY -0,66%. Các đồng tiền của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng giảm giá trong tuần, và so với cuối năm 2021, các đồng tiền này đã mất giá 4 - 10%.
Tương đồng diễn biến các đồng tiền trong khu vực và sau động thái nâng giá bán USD tại NHNN vào đầu tuần trước, tỷ giá USD/VND tiếp tục xu hướng tăng.
Cụ thể, theo số liệu từ SSI Research, trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND tăng 0,34% (lên VND 23.358 đồng) và tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng 60 đồng, kết tuần ở mức 23.190/23.500 đồng (mua vào/bán ra) - mức cao nhất kể từ tháng 5/2020.
Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do tăng 90 đồng và hiện giao dịch ở 24,030/24,060 và chênh lệch giữa 2 thị trường vẫn đang ở mức cao.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia của SSI Research, nếu so với cuối năm 2021, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 2,3% và tỷ giá niêm yết tăng khoảng 2,5% - mức tăng giá mạnh nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nếu so với cuối năm 2019 (trước Covid-19), USD/VND cũng mới chỉ tăng 0,8% so với mức mất giá 20,8% của THB (Thái Lan), -11% của INR (Ấn Độ) hay thậm chí -3,9% của SGD (Singapore), cho thấy sức mạnh của đồng VND nhờ nguồn cung ngoại tệ tích cực trong vòng 3 năm qua./.