Nhớ người thêu niềm nhớ
Người phụ nữ dân tộc Thái đen chỉ về hướng những nóc nhà sàn tỏa lan vầng khói, nói cùng tôi: “Chị thấy không? Là “khau cút” đấy, người đi xa theo đó mà về”. “Khau cút”, gọi nôm na là “sừng trăng”, biểu tượng đặt trên nóc nhà của người Thái đen gắn với ý nghĩa tín ngưỡng đặc biệt. Khu tái định cư này được Nhà nước đầu tư xây dựng với hàng trăm ngôi nhà sàn liền kề, nóc nhà “sừng trăng” vẫn ngự.
Người phụ nữ ấy tên là Biêng, gần ba mươi tuổi, có đôi mắt nâu, gương mặt sáng trong và mái tóc dài không “tằng cẩu” (kiểu búi tóc cao trên đỉnh đầu dành cho phụ nữ đã có chồng). Cô đón tôi về bản mình. Khi công trình Thủy điện Sơn La được xây dựng, bản làng của cô đã di cư về đây. Như một thực tế, chính những người dân rời quê hương bản xứ, hiến đất cho công trình thủy điện, lại có nguồn sáng sau cùng. Bà con bảo, ấy cũng là lẽ thường thôi, điều kiện vùng cao khó khăn, không phải cứ muốn là có điện. Đồng bào ta chưa bao giờ coi sự chuyển dời của mình là nỗi hy sinh, thua thiệt. Nhưng, chạnh lòng thì khó tránh. Cái tâm lý tha phương, cách trở cứ da diết mãi.
Suốt thời gian lưu trú ở đây, tôi thường chỉ quẩn quanh trong nhà Biêng xem phụ nữ thêu khăn Piêu. Mẹ cô ngoài sáu mươi tuổi, không hiểu tiếng Kinh, nói chuyện bằng nụ cười và bàn tay ram ráp. Nhà nghèo, Biêng học hết cấp một, về làm nương rẫy và lấy chồng sớm. Nhà người yêu cùng bản cũ, thời chưa tái định cư, không có tiền bạc làm đám cưới nên “chịu” lại nhà gái. Đôi trẻ theo nhau, tảo hôn nên cũng chẳng thủ tục đăng ký với chính quyền. Sinh hai con gái nhỏ, chưa từng có đám cưới nào diễn ra, khăn Piêu Biêng thêu đầy nhà cũng chẳng có cớ mang về bên ấy.
Về nhà trai, Biêng thành lao động chính, ngày lên nương rẫy, tối về cám bã chăn nuôi, chăm sóc các con. Lúc con gái đầu mới 3 tuổi, con gái thứ hai được 9 tháng thì chồng Biêng qua đời sau một tai nạn lúc đi làm ăn xa. Đau đớn, tủi phận, xong tang lễ, nàng dâu trẻ gạt nước mắt xin nhà chồng được “hạ tằng cẩu”, ôm con về nhà bố mẹ đẻ. Bố mẹ cô mang lễ vật vượt băng qua rừng đến xin nhà trai nhận lễ. Cũng vì hoàn cảnh éo le, con gái nhỏ của Biêng giờ đã thành con nuôi gia đình khác.
Trong câu chuyện cùng tôi, Biêng luôn nói, những chiếc khăn cô thêu là dành cho con gái mình, trong đó có cả đứa con nhỏ bé xa xôi. Mẹ của Biêng có tới 14 đứa cháu, giờ bà vẫn miệt mài thêu khăn. Một người phụ nữ Thái đen nếu sinh ra con gái sẽ nghĩ ngay tới những chiếc khăn Piêu nối nhau qua hết khoảnh rừng này tới con dốc nọ. Bây giờ, các bé gái không thêu thùa sớm, vì còn bận học ở trường nên hàng chục, thậm chí có nhà là vài trăm chiếc khăn Piêu làm quà cho họ mạc bên chồng đành trông cậy vào bà, vào mẹ.
Không rõ ở vùng miền khác tục mang khăn Piêu về nhà chồng còn giữ được không, riêng ở đây, truyền thống ấy vẫn đậm đà. Trước công đoạn thêu thùa, chiếc khăn đặc biệt kia sẽ được người phụ nữ Thái đen dệt từ sợi bông bằng khung cửi truyền thống, sau đó nhuộm chàm, hong no mềm nắng gió ngoài hiên. Khi từng mảnh vải lên màu đều đặn, trải dài thành dải xanh sâu, trượt qua tay xôm xốp, nhẹ nhõm mới có thể đặt kim thêu lên đó.
Hỏi Biêng: “Thêu một chiếc khăn mất bao lâu?”, cô nở nụ cười ấm áp: “Lâu lắm, mà cũng chẳng ai tính tháng, tính ngày”. Tôi lại hỏi: “Khăn này em có bán không?”, giọng nói mềm mại như suối chảy: “Không bán đâu mà, nhưng vui thì sẽ tặng…”.
Nguồn thu nhập chính của những phụ nữ như Biêng là làm thuê theo mùa vụ. Trước Tết, cô đi hái cam thuê. Biêng khoác trên vai tay nải bằng vải cũ, trong đựng cơm nếp, muối chẩm chéo để trưa nghỉ tay sẽ ăn. Tôi theo chân Biêng, đi xuyên qua những con đường mận đã nở trắng ngần ngật, che khuất từng mỏm đá nhọn sắc thâm trầm. Cũng con đường ấy, lúc trở về trong ánh chiều nhập nhoạng lại thẫm màu như nền chiếc khăn Piêu.
Trước lúc về xuôi, tôi hỏi Biêng, làm sao qua được những đêm dài, và bên cạnh những mái đầu tằng cẩu, có khi nào cô thấy chông chênh? Cô cười với một đôi mắt ướt. Biêng nói, có thế nào thì rừng vẫn chở che, và đất ấm. Cô cảm nhận được điều đó trong chính niềm tủi phận, mất mát, đớn đau. Lúc cô về nhà chồng năm mười sáu tuổi. Lúc nghe tin chồng qua đời. Lúc ngồi giữa cha mẹ, họ hàng làm lễ hạ tằng cẩu. Lúc tiễn đi đứa con bi bô tập nói. Biêng kể, khi ấy, mọi thứ váng vất, chung chiêng lắm. May rằng, đất dưới chân vẫn vững, và rừng đủ ngút ngàn ôm trọn mọi nỗi đau. Năm ấy, hoa mận nở sớm hơn, sương cũng đỡ phần buốt giá. Khi nắng ấm cuồn cuộn bừng lên, cảm tưởng, cả mây, sương, và nắng đều quánh đặc, cuộn tròn như những khối bông gòn xốp tơi, mềm mại. Cảm tưởng, từ đó, có thể rút ra những sợi bông xanh đỏ tím vàng mà dệt mà thêu lên khăn Piêu.
Có lẽ nhờ cơ duyên, sau này xa cách, tôi viết nhiều vần thơ tặng cho Biêng và những người phụ nữ nơi này: “Ta chỉ biết thương mãi về phương ấy/ Tiếng bạc reo trong khói bện nương chiều/ Thêu niềm nhớ vào khăn Piêu chỉ đỏ/ Xưa em dệt cho mình, nay dệt cho con/ Tình yêu là những mũi đâm xuyên/ Làm sao thức trọn mùa sương trắng…”.
Hoa trắng nở suốt miền mây trắng… Nhớ mãi một sáng tinh sương, tôi đang dạo quanh bản thì nghe tiếng gọi: “Có đi đám cưới không? Đi thì mặc quần áo đẹp”. Hỏi ra, là một đám cưới cùng xã, bản bên, cách nhau dăm, bảy cây số. Họ từng là hàng xóm cũ của nhau, cùng di dời để lại đất cho công trình thủy điện lớn của cả nước. “Bản mình có đám cưới, toàn bản đóng cửa, đi ăn cỗ mấy ngày cơ”, bà con nói về đám cưới bản bên như chưa từng có sự tách rời. Vẫn là bản mình thôi, người mình cả thôi. Và tôi thấy Biêng chải lại tóc, mặc áo mới, đội khăn Piêu, tay dắt con gái nhỏ. Cô rủ rỉ kể chuyện xưa, con gái Biêng làm con nuôi người cùng bản cũ. Cô vẫn khấp khởi muốn nhìn con, mà vẫn cứ sờ sợ, ngại ngần. Bản cũ vẫn như bản mình, mà đôi khi lại đan xen một nỗi gì khang khác…
Chúng tôi lên đường đi đám cưới. Dãy dài xe máy nối đuôi nhau. Phụ nữ Thái đen tằng cẩu nên có hẳn loại mũ bảo hiểm phù hợp cho mái đầu tóc búi cao. Đẹp hơn cả, trên những cung đường, ấy chính là từng vạt khăn Piêu rực rỡ, bay bay để lộ vùng thắt lưng đủ đường cong nhưng đầy đặn. Hình ảnh ấy cứ vương vít mãi trong lòng tôi khiến nỗi thương nhớ về những phận người bên đá núi lạnh băng càng sâu xa, quặn thắt. Mọi niềm vui, nỗi buồn của đồng bào cứ hôi hổi, bừng bừng như hơi rượu. Buồn đấy, rồi lại gạt đi mà bước tiếp. Nhớ đấy, rồi sẽ tìm nhau thôi. Có lẽ, chẳng phải ngẫu nhiên mà hai đầu khăn Piêu là vuông thổ cẩm sáng bừng như núi, như mây, như những mái nhà và những nỗi niềm khúc khuỷu… Cũng chẳng phải bỗng đâu có một vạt khăn Piêu luôn ngự trên đỉnh đầu hướng về phía trước, vạt còn lại như dòng suối đổ qua gáy, qua lưng như trở lại những phần hào quang đã thuộc về dĩ vãng…/.