Aa

Nhóm công ty của Shark Vương đều đang “đói” vốn?

Thứ Năm, 12/04/2018 - 20:11

Ông Trần Anh Vương (Shark Vương) đang công bố tiếp tục chi tiền đầu tư cho những kế hoạch mới. Tuy nhiên, dễ nhận thấy rằng, nhóm những công ty liên quan đến đại gia này đang rất khát vốn.

Samland Riverside

Phối cảnh Samland Riverside.

Theo thông tin trong tờ trình ĐHĐCĐ thường niên 2018 tới đây, Công ty Cổ phần SAM Holdings – SAM (hiện ông Trần Anh Vương đang là Tổng Giám đốc) đang có kế hoạch phát hành hơn 108 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ từ 2.418 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng. Trong đó, công ty dự kiến phát hành hơn 7,25 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 3%, và phát hành gần 101 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 41,75% với giá tối thiểu 10.000 đồng/cổ phiếu.

Theo kế hoạch, nguồn vốn tăng thêm sẽ được HĐQT quyết định các khoản đầu tư mua cổ phần Nhà nước thoái vốn, tăng danh mục đầu tư tài chính ngắn, dài hạn; cơ cấu lại các khoản nợ. Như vậy, để gom vốn mua cổ phần của công ty khác trong năm 2018, SAM dùng phương án “đẻ” thêm cổ phiếu để lấy vốn.

Cùng thời điểm này, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam - Generalexim (TH1) nơi ông Trần Anh Vương làm Chủ tịch HĐQT lại đang thiếu tiền nghiêm trọng bởi khoản lỗ liên tiếp trong nhiều năm. TH1 cần vốn để tái sản xuất kinh doanh và đặc biệt để trả các khoản nợ.

TH1 vừa qua đã chính thức bị bắt buộc hủy niêm yết trên HNX. Kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị bị lỗ trong 3 năm liên tiếp từ 2015, 2016 và 2017 với khoản lỗ lũy kế và lỗ lũy kế gần 277 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ công ty.

Ban lãnh đạo TH1 cho biết, công ty thua lỗ do có những khoản nợ đọng khó đòi trong thời gian dài. Khả năng thanh toán các khoản nợ vay đến hạn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc huy động vốn để kinh doanh không thuận lợi khiến doanh thu giảm sút.

Bên cạnh đó, do đặc thù của công ty là hoạt động thương mại không gắn liền với sản xuất nên chưa chủ động nguồn hàng cung cấp, biến động của thị trường, chính sách cũng ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của TH1. Với nguồn lực hạn chế, TH1 gần như ngừng kinh doanh xuất khẩu một số mặt hàng do nhu cầu vốn lớn, lợi nhuận thấp và nhiều rủi ro như gạo, hạt điều, sắn lát...

Đáng chú ý, khoản nợ vay tài chính của công ty đã bị kiểm toán viên nhấn mạnh. Theo đó, kiểm toán viên cho biết tại ngày 31/12/2017, TH1 có nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 220 tỷ đồng, lỗ lũy kế 276 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu gần 93 tỷ đồng, cùng toàn bộ các khoản vay vốn ngân hàng đã quá hạn thanh toán, các khoản nợ quá hạn không có khả năng thu hồi tăng lên (vay ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền gốc gần 641 tỷ đồng và các khoản lãi vay phải trả tương ứng gần 152 tỷ đồng)...

Tính tới cuối năm 2017, TH1 có hơn 331 tỷ đồng nợ xấu, chủ yếu đến từ Công ty Xuất nhập khẩu Phước Tiếng (36 tỷ đồng), Thanh Phát HQ (81 tỷ đồng), Thanh Phát (30 tỷ đồng), Trung Thành (55 tỷ đồng), Thực phẩm C.M.T (36 tỷ đồng)...

Công ty cũng đang có khoản nợ vay ngắn hạn gần 651 tỷ đồng, bao gồm 282 tỷ đồng tại VietABank; 131 tỷ đồng tại SHB (vay bằng USD); gần 65 tỷ đồng tại Vietinbank...

Tại Công ty Cổ phần Đầu tư BVG tiền thân là Công ty Thép Bắc Việt đang lỗ lũy kế từ năm 2012 đến nay. BCTC mới nhất của BVG năm 2016, tổng tài sản công ty đã giảm xuống còn hơn 280 tỷ đồng từ mức 414 tỷ đồng trước đó. Năm 2016, BVG hoàn tất quá trình tái cơ cấu sang lĩnh vực sản xuất mới còn lỗ ròng hơn 4 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên hơn 56 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp này đã gấp 2 lần vốn chủ sở hữu.

Xuất hiện “cần câu vốn” mới trên sàn

Trong khi TH1 bị hủy niêm yết trên HNX thì ông Shark Vương lại có "con át chủ bài" thay thế là Samland. Samland sẽ là “cần câu vốn” mới trên sàn HOSE trong thời gian tới đây.

Hơn 40 triệu cổ phiếu của CTCP Địa ốc Sacom (Samland) vừa được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cấp giấy chứng nhận chứng khoán và mã giao dịch SLD.

Samland là công ty bất động sản con của SAM. Shark Vương đang là Thành viên HĐQT tại doanh nghiệp này. Ban đầu Sam Holdings nắm giữ hơn 99% tại Samland (vốn điều lệ hơn 400 tỷ đồng). Sam Holdings đã bán bớt 10 triệu cổ phiếu hồi tháng 8/2017, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 74,58%. Đây là động thái nhằm chuẩn bị cho Samland niêm yết trên HOSE.

Samland cũng đang có kế hoạch huy động thêm vốn chủ sở hữu thông qua việc phát hành riêng lẻ hoặc chào bán cổ phiếu ra công chúng. Dự kiến mức vốn giai đoạn này khoảng 600-800 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 cho thấy, Samland thu về 255 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 17% so với năm 2016. Doanh thu tài chính lại tăng gần gấp đôi là nguyên nhân khiến cho lợi nhuận năm bằng số năm trước, đạt 30 tỷ đồng.

Được biết, công ty có khoảng 204 tỷ đồng nợ phải trả, giảm hơn 1 nửa so với đầu năm 2017. Hiện tại, Samland đang có khoản vay ngắn hạn 66,7 tỷ đồng tại VietABank (lãi suất 10,25%/năm) và 9,3 tỷ đồng tại Ngân hàng Liên doanh Việt Nga (lãi suất 9,5%/năm). Hai khoản vay này đều có mục đích trả tiền mua Dự án Giai Việt và có tài sản đảm bảo là những căn hộ chung cư thuộc dự án này, và sẽ đến hạn trả nợ gốc trong tháng 8 tới đây.

Theo kế hoạch, năm 2018, Samland dự kiến thu về 454 tỷ đồng doanh thu thuần và khoản lãi ròng 32 tỷ đồng, với đặt mục tiêu chia cổ tức ở mức 7%. Nguồn thu đóng góp vào khoản này từ việc bàn giao các căn hộ khách hàng đã đặt cọc tại dự án Samland Riverside và bán toàn bộ các căn còn lại.

SAM Holdings đã nộp đơn để trở thành một trong 3 nhà đầu tư muốn tham gia vào cổ phần hóa Tổng Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade Corp) với mục tiêu trở thành cổ đông chiến lược. Protrade Corp kinh doanh rau, cây cảnh nhưng có hệ sinh thái sân golf, bất động sản.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top