Nếu tôi nói rằng, tôi nhớ nó, ngay cả khi tôi đang ở trong lòng nó, bạn có tin? Thực sự thì đúng là như vậy… Tôi yêu cái không khí quen thuộc, yên bình, được thả lỏng giác quan và cảm xúc. Thậm chí, tôi sẵn sàng đánh đổi sự tiện nghi cho một vài bất cập…
Hồi mới tốt nghiệp Đại học, công việc còn bấp bênh, đời sống của người từ tỉnh lẻ bám trụ nơi phố xá hầu như đều cực nhọc, tôi đến thuê nhà ở khu phố này. Bà chủ hồ hởi nắm tay, ân cần chỉ cho góc này, góc nọ, gọi “con” xưng “cô”. Đó là một căn hộ nhỏ và cũ thuộc khu tập thể xây từ những năm tám mươi, chín mươi, không thể coi là tiện nghi, sáng sủa so với chung cư mới. Nhưng một cảm giác bình yên, xoa dịu chợt ùa về ngay khoảnh khắc đầu tiên. Những bức tường cũ, sự yên ắng của khu vườn, tiếng trẻ nô đùa dưới sân tập thể… từng màu sắc, thanh âm từ tốn ngấm vào tôi thật dịu dàng.
“Cô hôm nay đi làm muộn thế, nay trở trời, nấu được bát canh cá với măng chua thì hợp nhẽ?”, nghệ sĩ nhiếp ảnh già cũng thuê nhà khu này luôn có cách chào hỏi rất ấm áp và đặc biệt. Có những ngày mùa xuân nồm ẩm, mây bay mịt mờ như sương, tôi ốm yếu như con mèo hen nằm bên cửa sổ ngóng ra ngoài. Từng tán hồng xiêm đang mùa đậu quả đan nhau đầy sức sống. Những chậu cây, chậu rau các nhà cố gắng xếp đặt gọn gàng, xanh mướt mắt. Hoa quất, hoa chanh ở ban công đang nở, hương theo gió len lỏi giữa không gian lành lạnh như đóng băng. Chợt nhận ra rằng, trong chính sự cũ càng, sức sống vẫn trỗi lên như nhẽ đương nhiên phải thế.
Từ khi tôi còn ở trọ cho tới lúc có nhà riêng, căn hộ cũ lúc nào cũng ấm áp, ngập tràn hoa lá và những món đồ mang dấu ấn ký ức, kỷ niệm. (Ảnh: Lữ Mai)
Mỗi căn hộ nhỏ, dù cùng một diện tích, thiết kế, nhưng bước vào bên trong đều có nét riêng. Nhà thì cải tạo được ban công rất xinh xắn, các chậu cây chậu hoa nhỏ nhắn, hài hòa. Kiểu gì cũng đủ mấy khóm hoa, đôi chậu rau gia vị nào mùi tàu, hành hoa, húng láng… lại thêm cả quất, húng chanh, lá hẹ… trồng sẵn đấy cho trẻ con khu phố hễ bị ho, cảm sốt còn dùng. Nhà thì tập trung vào những ô cửa sổ. Ấy là giải pháp tối ưu cho ánh sáng, không khí được chan hòa trong những căn nhà cũ. Trên bậc cửa sổ thể nào cũng có mấy bé búp bê yêu yêu, những món đồ gốm sứ lưu niệm và có thể là đôi ba chậu xương rồng. Từ khi tôi còn ở trọ cho tới lúc có nhà riêng, căn hộ cũ lúc nào cũng ấm áp, ngập tràn hoa lá và những món đồ mang dấu ấn ký ức, kỷ niệm. Không phải chỉ khi đi xa, mà ngay khi ngồi giữa không gian này, nỗi nhớ nhung và thương mến vẫn dâng trào. Nhớ tiếng gọi bên hàng xóm, tiếng bước chân gấp gáp thu gom đồ giúp nhau lúc mưa gió, lời thăm nom dành cho người ốm người đau… Đâu đó cái chất cộng đồng, làng xã vẫn phảng phất theo một cách riêng nơi phố thị.
Hỏi rằng, ở nhà tập thể cũ có bất tiện không, thì phải thành thật trả lời rằng, mọi thứ, từ hạ tầng, thiết kế tới tiện nghi, tiện ích… đều không thể như các khu chung cư mới. Thậm chí, có những thứ cũ kỹ bỗng trở nên phiền hà như đường điện, đường nước, cầu thang bộ… Biết thế nên các nhà đều cố gắng cải tạo. Tất nhiên, việc cải tạo không hề đơn giản, bởi nhẽ nhà nọ sẽ ảnh hưởng tới nhà kia, đường ống nước chung, cải tạo không cẩn thận là vỡ trận. Cải tạo một công trình cũ, lại móc nối vào nhau, chưa bao giờ dễ. Tôi từng phát ốm khi sửa nhà. Bà con trong khu tạo mọi điều kiện tốt nhất; kíp thợ cũng tuyển người tin cậy, lành nghề; ý tưởng, thiết kế đâu ra đấy… nhưng vào việc mới vỡ ra nhiều phát sinh ngoài mong đợi. Thật may mắn bởi giai đoạn ấy, gia đình tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ, sẻ chia từ hàng xóm, láng giềng và thợ. Mọi người cùng bàn bạc, đưa ra giải pháp sao cho căn hộ vừa được cải tạo hợp lý mà vẫn bảo đảm tiêu chí an toàn, không gây ảnh hưởng tới xung quanh.
Vậy thì ta phải chấp nhận những gì? Đầu tiên, là không được “tham”. Nghĩa là diện tích nhà chỉ có chừng ấy, muốn thêm thắt gì cũng phải tính đến mức độ khả thi, an toàn. Không phải cứ thích nới “chuồng cọp” là nới hay “chĩa” sang phía nhà hàng xóm cái gì là chĩa với lý lẽ đó là khoảng không! Thứ nữa, là phải tìm các giải pháp thông minh giúp tiết kiệm diện tích, nguyên vật liệu, khiến không gian trở nên thoáng đãng, đón ánh sáng tự nhiên. Và cuối cùng, là đừng chắp vá, tiếc rẻ. Hãy bỏ đi những thứ khó có khả năng tái tạo. Hãy dùng nguyên vật liệu tốt để chống ẩm, chống thấm, chống cháy nổ… Không ai bỗng dưng có sẵn kinh nghiệm sửa nhà, nên sự lắng nghe, tìm hiểu và không ngại hỏi han, tham khảo chính là bí quyết hàng đầu.
Cho đến bây giờ, tôi có thể tự tin rằng, căn hộ mình ở tuy không quá rộng rãi nhưng luôn mang đến cho mọi người một cảm giác dễ chịu. Sự dễ chịu ấy đương nhiên phải được bắt đầu từ việc cải tạo, bài trí hợp lý, và một phần quan trọng đó là chúng ta ứng xử với một căn nhà cũ, khu nhà cũ thế nào. Cần có sự nâng niu, xây dựng mỗi ngày để từng bước gọn gàng, vững chãi, ấm áp hơn. Ở phố thị, có những khu nhà cùng thời điểm xây dựng, gần giống nhau về thiết kế, nhưng qua thời gian và mức độ sử dụng, sinh hoạt của con người, mà cho ra những diện mạo thật khác nhau. Có những khu tập thể rất quy củ, gọn gàng, an ninh trật tự tốt. Hằng ngày có lịch trực nhật, hằng tháng có lịch tổng vệ sinh, hằng năm có lịch kiểm tra toàn bộ hệ thống điện nước, bể chứa, sơn sửa hành lang… Lại cũng có những khu tập thể xuống cấp trầm trọng, ẩm mốc, luộm thuộm, khu sân chung và những nơi tập kết rác thì “cha chung không ai khóc”. Những tấm biển cảnh báo về ý thức đổ rác, giữ vệ sinh chung… từ ngôn ngữ có tính nhắc nhở đã chuyển thành dọa nạt, mắng nhiếc… vẫn chẳng ăn thua!
“Của bền tại người”, nhưng đôi khi đời sống lại tồn tại một thói xấu cố hữu, đó là cái gì là của mình mới bền, còn của công, của tập thể thì… mặc kệ! Ấy là một trong những thói xấu khiến những khu nhà chung, hành lang chung, cầu thang chung… không được chăm sóc đúng mức. Tôi vẫn giữ quan điểm rằng, trong thời gian chưa thể đập cũ, xây mới, thì vẫn có cách để cải tạo, nâng cấp, làm sạch đẹp các khu tập thể cũ mà không tốn quá nhiều kinh phí. Điều khó khăn nhất ở sự đồng lòng, quyết tâm, đoàn kết của người dân. Khu tập thể khác với những khu nhà độc lập ở chỗ, mọi thứ đều liên quan đến nhau. Rác nhà này hay rác nhà kia thì cả khu đều chịu ô nhiễm. Đường ống dẫn nước nứt ở đoạn nhà này thì nhà kia chịu thấm… Nên phàm đã có hai chữ tập thể, e rằng chẳng việc gì là việc của riêng.
Cách đây chưa lâu, tới thăm nhà một người bạn, dù trời không mưa to nhưng tôi phải xắn quần lội qua đoạn sân trước khu tập thể để vào nhà. Hỏi ra, do nước thải bị ứ đọng, không thoát được nên mới có cảnh ngập như vậy. Mấy hôm sau, lại có việc cần qua, thấy lạ thay chỗ ngập vẫn chưa được giải quyết, thậm chí còn ngập sâu hơn, lội được qua là cả một… nghệ thuật! Hỏi ra, chỉ có gần một nửa hộ dân đồng ý cải tạo, còn lại làm ngơ, nên cả khu “thi gan”, mặc kệ! Đó vốn chỉ là một tình huống rất nhỏ, có xử lý kinh phí cũng không đáng là bao mà còn chưa thể cùng nhau giải quyết. Thế nên, có những khi bước vào một khu tập thể, ta ngạc nhiên vì tối om, hành lang không điện sáng, chỉ bởi tị nạnh nhau, rằng bóng điện treo trước nhà nào, thì nhà ấy nhẽ ra phải bỏ tiền.
Khu tập thể của tôi từng xảy ra mất trộm. Sau giờ nghỉ trưa, chiếc xe đạp của cô bé hàng xóm vốn được khóa cẩn thận bỗng “không cánh mà bay”. Vừa trong nhà mở cửa ra, đã thấy tổ dân phố sang nắm bắt tình hình, các ông các bà hưu trí của xóm tự ứng tiền để gọi thợ về cải tạo ngay cửa ngõ. Chiếc xe không đáng bao tiền, nhưng cô bé ấy đã không phải chịu ấm ức một mình, những lời hỏi han, những hành động cần thiết (dù có thể là muộn!) vẫn cho thấy ý thức, nghĩa tình tập thể đã dựng xây, vun đắp.
Lại có những câu hỏi dành cho chúng tôi rằng, nếu có một khu nhà mới, thay cho nhà cũ, dù có phải mất thêm tiền, thì có chấp nhận không? Đương nhiên là có. Bởi những gì đến sau, bao giờ cũng thường mới mẻ, tiện nghi, thoải mái và rút ngắn khoảng cách với đời sống đương thời. Khi ấy, có lẽ chúng tôi sẽ vẫn nhớ, vẫn yêu khu nhà cũ như một tình yêu dịu dàng, ấm áp, đã cưu mang ta lúc khó khăn, vất vả. Còn bây giờ, khi chưa có sự thay đổi nào, khi biết bao nhiêu con người giữa thành phố này, có người khó khăn, có người khá giả, đều sống trong nhà tập thể, thì ta hãy biết yêu, biết gìn giữ, chung tay xây đắp để ngôi nhà, khu nhà trở nên đáng sống hơn, đáng yêu hơn./.