Những “bóng hồng” quyền lực nhất trên thị trường tài chính

Những “bóng hồng” quyền lực nhất trên thị trường tài chính

Thứ Ba, 15/06/2021 - 08:00

Thị trường tài chính Việt Nam chứng kiến những chân dung nữ doanh nhân tài năng, chèo lái các công ty, ngân hàng, tập đoàn lớn mang lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, góp thêm động lực thúc đẩy nền kinh tế. Các nữ doanh nhân giàu có và quyền lực nằm trong danh sách của Forbes Việt Nam không chỉ nghĩ lớn, làm việc lớn mà cũng lại có chung điểm sáng ở tấm lòng. 

CEO VietJet là người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang là Tổng Giám đốc của Vietjet Air, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sovico.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, từng học tập tại Nga. Nữ tỷ phú quyền lực này không chỉ tốt nghiệp 2 trường đại học với chuyên ngành tài chính, ngân hàng và kinh tế mà còn từng học về nghệ thuật hiện đại. Bà Thảo lấy bằng tiến sĩ kinh tế vào năm 27 tuổi.

Trở về Việt Nam từ Nga, bà Thảo góp vốn thành lập Techcombank và sau đó là VIB, đây là hai trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Tới năm 2008, bà đầu tư vào HDBank và trở thành Phó chủ tịch thường trực Hội Đồng Quản Trị ngân hàng này cho tới nay.

Đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng từ những ngày sơ khai, ngoài ra còn kinh doanh bất động sản, thế nhưng nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lại được biết đến nhiều với tư cách CEO Vietjet Air nhiều hơn. 

"Là doanh nghiệp năm nay vận hành hơn 80 tàu bay nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng sân bay, dịch vụ cung ứng khác như nhà ga, sân bay, chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào cái hệ thống gần như độc quyền của nhà nước từ nhiều năm nay. Chúng tôi nói đùa là tư nhân chúng tôi không tấc đất cắm dùi tại các sân bay mặc dù chúng tôi hoàn toàn có năng lực đầu tư khẩn trương, chất lượng, hiệu quả và không dùng một đồng vốn ngân sách", CEO của Vietjet đã từng chia sẻ. 

Với Vietjiet, hãng hàng không này đặt mục tiêu năm 2021 với doanh thu vận tải hàng không đạt 15.500 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất đạt 21.900 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm 2020. 

Tại Đại hội đồng cổ đông Vietjet (VJC) diễn ra hồi cuối tháng 6, cổ đông đã thông qua phương án chào bán 10 triệu cổ phiếu cho người lao động để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khích lệ tinh thần làm việc và sự gắn bó lâu dài của người lao động góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của Vietjet. Hiện VJC mở cửa phiên 12/7/2021 ở mức giá 118.900 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa thị trường ước tính hơn 69.500 tỷ đồng.

Năm 2018 là năm vị nữ tỷ phú USD của Việt Nam nhận được nhiều sự công nhận từ quốc tế. Bà Thảo được xếp ở vị trí thứ 44 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2018 của tạp chí Forbes, đồng thời lọt nhóm 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu năm 2018 của hãng tin Bloomberg.

Theo lời nhận xét của John Leahy, Tổng Giám đốc Thương mại toàn cầu của Airbus: “CEO VietJet là người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung. Cứ thử đàm phán hợp đồng với bà ấy mà xem”. 

Nữ chủ doanh nghiệp tư nhân kỳ cựu có vị thế hàng đầu tại Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch HĐQT SeAbank là người đầu tiên tham gia thành lập ngân hàng tư nhân tại Việt Nam. Bà Nga lần lượt làm Chủ tịch Techcombank và SeABank, hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG sở hữu nhiều sân golf, khách sạn nổi tiếng. Bà Nga được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất Châu Á.

Trong danh sách phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2015, Forbes cũng đã xếp bà Nguyễn Thị Nga ở vị trí thứ 5. Miêu tả về bà Nga, Forbes viết: “Bà Nguyễn Thị Nga được biết đến như một trong những chủ doanh nghiệp tư nhân kỳ cựu có vị thế hàng đầu tại Hà Nội, với bề dày kinh doanh trên thương trường bắt đầu từ những năm đầu thập niên 1980. Gia sản của bà Nga và gia đình tập trung vào bất động sản, du lịch, ngân hàng và kinh doanh thương mại”.

Sau khi rời Techcombank, bà Nga vẫn tiếp tục nghiệp ngân hàng khi tham gia đầu tư vào SeABank, khi đó SeAbank là một ngân hàng thương mại rất nhỏ ở Hải Phòng. 

Tháng 3/2021, SeABank chính thức niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SSB trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Đánh dấu một bước ngoặt mới trong quá trình hoạt động của ngân hàng. Sau khi niêm yết, cổ phiếu SSB liên tục có có những phiên tăng liên tiếp với mức giá cao nhất lên tới hơn 45.000 đồng/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa của ngân hàng vượt 2,3 tỷ USD, nằm trong tốp 12 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán.

SeABank đặt mục tiêu kinh doanh năm 2021 với tổng tài sản tăng 10% đạt 198.229 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 2.414 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2020.

Ngoài vị trí quan trọng tại SeABank, Chủ tịch tập đoàn BRG, bà Nga từng là Chủ tịch HĐQT Hapro, đồng thời là cổ đông chủ chốt tại Intimex Hà Nội, doanh nghiệp Nhà nước có khối bất động sản giá trị cao.

Ở đỉnh cao của sự phát triển, con người lại quay về với thiên nhiên

 

Bà Mai Kiều Liên -Tổng giám đốc Vinamilk(VNM) sinh năm 1953 tại Paris, Pháp trong một gia đình trí thức người Việt, cha mẹ bà đều là bác sĩ. Quê nội của bà ở Vị Thanh, trước thuộc Cần Thơ, nay thuộc Hậu Giang. Năm 1957, gia đình bà quyết định trở về Việt Nam cống hiến, không lâu sau khi Hiệp định Genève được ký kết.

Trở về nước, bà Mai Kiều Liên được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) năm 31 tuổi. Bà cũng là người tiên phong trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sớm đưa Vinamilk trở thành Doanh nghiệp nhà nước đầu tiên cổ phần hóa. VNM phát triển với chiến lược phát triển đầy trí tuệ, kết hợp hài hòa giữa đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại song song với đào tạo nguồn nhân lực cùng mô hình điều hành, quản lý theo tiêu chuẩn cao nhất của thế giới.

“Nữ hoàng” ngành sữa này vẫn đang liên tục bổ sung thêm các sản phẩm sữa và ngoài sữa vào danh mục sản phẩm, trong đó đáng chú ý là sản phẩm sữa Organic và sản phẩm sữa A2.

“Ở đỉnh cao của sự phát triển, con người lại quay về với thiên nhiên”, bà Mai Kiều Liên nói về lý do Vinamilk đầu tư làm sữa Organic. Sau trang trại organic Đà Lạt, Vinamilk đang liên tục mở rộng vùng nuôi bò organic với các trang trại ở Thanh Hóa và Cần Thơ.

Vinamilk được thành lập vào ngày 20/8/1976, dựa trên cở sở tiếp quản 3 nhà máy sữa do chế độ cũ để lại: Nhà máy sữa Thống Nhất, nhà máy sữa Trường Thọ, nhà máy sữa Bột Dielac. Vào tháng 3/1994, Vinamilk chính thức khánh thành Nhà máy sữa đầu tiên ở Hà Nội.

Năm 2020, Vinamilk đã vượt qua tác động của dịch bệnh khá tốt, đồng thời củng cố lợi thế cạnh tranh để tăng trưởng trong tương lại. Theo đó, kế hoạch doanh thu năm 2021 của Vinamilk là 62.160 tỷ đồng, tăng 4,1% và lợi nhuận sau thuế 11.240 tỷ đồng, tăng 0,2%.Hiện, cổ phiếu VNM đang ở mức giá 85.700 đồng/cổ phiếu.

Từ trải nghiệm ở Vinamilk, bà Liên cho rằng nếu doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần sớm có lẽ còn thành công hơn nữa. "Cổ phần hóa, chúng ta hoạt động quy củ, đúng luật hơn, có trách nhiệm với cổ đông hơn, phòng ngừa rủi ro tốt hơn. Ở giai đoạn niêm yết rồi, có thể nhiều người ngại vì để lộ hết doanh số, lợi nhuận, chiến lược… nhưng riêng tôi thì không ngại chuyện này vì mọi thứ minh bạch, nhiều người giám sát, cho ý kiến thì càng tốt” - bà nói.

Nữ doanh nhân hiền như Đất, mạnh mẽ như Nước và Gió

Bà Thái Hương - Tổng giám đốc Bac A Bank, Nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH sinh năm 1958 tại Nghệ An. Vào thời điểm 1990, khi đang làm cán bộ công ty vật liệu chất đốt tỉnh Nghệ An, phụ trách phân phối vật tư, bà Thái Hương quyết định nghỉ việc nhà nước và ra làm riêng. Đây được xem là hành động rời khỏi vùng thoải mái, cũng là bước ngoặt trong sự nghiệp của Tổng Giám đốc Bac A Bank, chủ tịch công ty sữa TH TrueMILK sau này.

Năm 1994, bà Hương cùng một số cộng sự chuyển hướng sang thành lập Bac A Bank với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Năm 1995, ngân hàng khai trương chi nhánh đầu tiên ở Hà Nội. Đây là một trong những mốc son quan trọng nhất trong hành trình phát triển của Bac A Bank để mở rộng quy mô lẫn mạng lưới của ngân hàng.

Với quan niệm "sống không có ước mơ là sống vô cảm nhất. Sống phải có ước mơ, hoài bão để cống hiến” kết hợp với tư duy chiến lược hơn người, bà Thái Hương đã gây dựng và phát triển ngân hàng Bac A Bank hùng mạnh.

Dưới sự điều hành của nữ doanh nhân Thái Hương, từ số vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng, trải qua 26 năm xây dựng và phát triển, đến nay Bac A Bank đã đạt 7.085 tỷ đồng vốn điều lệ và hoạt động trải dài khắp cả nước với hội sở chính, 44 chi nhánh, 146 điểm giao dịch tại 32 tỉnh thành kinh tế trọng điểm. Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt mức 117.189 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cuối năm trước. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 8,9%, đạt 79.440 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 13,5%, ở mức 86.442 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay ở mức 0,79%.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, căn cứ vào vốn điều lệ dự kiến đạt 7.531 tỷ đồng, Bac A Bank đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 125.510 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế là 700 tỷ, tăng 20% so với năm ngoái. Bac A Bank sẽ nâng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng trong vòng 3 năm tới cùng các bước đi vững chắc, ưu tiên mở chi nhánh tại những nơi có dự án lớn, từng bước phục vụ thế hệ trẻ, đáp ứng kịp xu thế của thời. Và mục tiêu trong vòng 5 năm tới, ngân hàng sẽ chú trọng tư vấn đầu tư cho các dự án về phát triển hệ thống thảo dược, đông y, giúp chăm sóc y tế và sức khỏe cộng đồng.

Được biết, vào đầu tháng 3 vừa qua, Bac A Bank đã chính thức niêm yết hơn 700 triệu cổ phiếu BAB tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sau hơn 3 năm giao dịch tại hệ thống UPCoM. Đáng chú ý, 3 phiên liên tiếp sau khi lên sàn HNX, cổ phiếu BAB đều tăng trần và hiện giao dịch quanh mức 25.000 đồng/cổ phiếu.

Trong bối cảnh nền công nghiệp sữa bị rối loạn và đe doạ bởi nạn sữa nhiễm khuẩn Melamine vào những năm 2008-2009, bà Thái Hương quyết định đầu tư lớn vào một ngành chưa hiểu biết nhiều nhưng với “tư duy vượt trội”, bà Thái Hương đã quyết định sản xuất ra sản phẩm sữa tươi sạch, đạt đẳng cấp hàng đầu thế giới.

“Làm thế nào để người dân quê tôi có quyền tự hào về mảnh đất của họ. Vấn nạn an toàn thực phẩm, sự vô cảm và lòng tham của con người đã dần xen lấn trong đời sống thường nhật, đỉnh điểm để tôi có một quyết định đầy táo bạo, đầy dũng cảm là sự cố sữa nhiễm melamine của Trung Quốc năm 2008, nguy cơ có thể làm cho hàng triệu triệu trẻ em phải chảy máu thận. Vào cái đêm định mệnh đầy nhân duyên đó, sau khi xem truyền hình đưa tin có kèm hình ảnh, tôi đã đau thắt trái tim mình. Sáng hôm sau tôi đã khẩn cấp cuộc họp Hội đồng Quản trị và ra quyết định làm sữa ngay trên đồng đất quê hương mình ”TH true MILK - sữa tươi sạch ra đời như vậy đó, bà Thái Hương chia sẻ.

Sản phẩm của Tập đoàn TH đều "đậm vị tự nhiên"

Năm 2018, thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK chiếm hơn 40% thị phần sữa tươi tại Việt Nam với 72 loại sản phẩm, tăng trưởng sản lượng sữa tươi đạt 22%, doanh thu tăng trưởng 30% với tổng doanh thu đạt hơn 7.000 tỷ đồng, mở rộng thị trường ra Trung Quốc và các nước ASEAN. Sau Nghệ An, bà Thái Hương tiếp tục phát triển mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Hà Giang, Cao Bằng, Phú Yên, Sóc Trăng... Cùng với đó, bà cũng đang phát triển mô hình liên kết với nông dân trong chăn nuôi bò sữa với thương hiệu Đà Lạt Milk.

Sản phẩm của Bà đã giành được nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế, trong đó có các giải vàng tại triển lãm Thực phẩm Thế giới tổ chức tại Moscow liên tiếp 4 năm từ 2015 - 2018, các giải thưởng tại Dubai, Philippines, Mỹ…

Với những cống hiến đặc biệt, bà đã nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Giải thành tựu nổi bật cho đóng góp cộng đồng tại Dubai, giải Nữ doanh nhân tiêu biểu ASEAN, giải Đại sứ Thương mại Toàn cầu do Hội Doanh nghiệp nữ Los Angeles, Mỹ trao tặng, giải Lãnh đạo có trách nhiệm cộng đồng. Năm 2018, bà Thái Hương được ghi nhận là Lãnh đạo doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội ở châu Á, do tổ chức Enterprise Asia trao tặng. Bà cũng đã trở thành nữ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam được trao Giải thưởng “Doanh nhân xuất sắc của năm” tại Stevie Awards - giải thưởng được coi là “giải Oscar trong kinh doanh”.

Mọi thành viên trong gia đình người Việt đều được hưởng lợi về sức khoẻ khi sử dụng sản phẩm của Tập đoàn TH

Cuối năm 2017, bà Thái Hương đã quyết định chọn làm Tổng Giám đốc Bac A Bank và thôi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH nhằm đáp ứng quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Bà Hương chia sẻ rằng đã hoàn thành sứ mệnh tại Tập đoàn TH và đã đến lúc nhường lại cho lớp trẻ tiếp tục sứ mệnh mang lại một sản phẩm sạch, vì con người. Tuy nhiên, bà Thái Hương cho biết sẽ tiếp tục giữ vai trò là người sáng lập, nhà tư vấn và sẽ thực hiện giám sát bước đường phát triển tiếp theo của Tập đoàn TH.

Năm 2016, Bac A Bank cũng đã vinh dự giành được 2 giải thưởng quan trọng gồm Giải thưởng Ngân hàng có Sản phẩm sáng tạo tiêu biểu 2016 và Giải thưởng ngân hàng vì cộng đồng năm 2016. Năm 2018, Bac A Bank được Tạp chí IFM bình chọn và trao giải thưởng ở 2 hạng mục: Ngân hàng Tư vấn đầu tư tốt nhất Việt Nam và Lãnh đạo Truyền cảm hứng của năm dành cho bà Thái Hương.

“Tôi là Thái Hương, tôi sinh ra từ Đất - Nước và Gió. Tôi hiền như Đất nhưng cũng mạnh mẽ như Nước và Gió. Chúng ta hãy trân quý Bà mẹ thiên nhiên, Người sẽ cho mình tất thảy”, bà Thái Hương - Tổng giám đốc Bac A Bank, Nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH chia sẻ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top