Aa

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2020

Thứ Ba, 01/09/2020 - 17:00

Những chính sách mới quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp... sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2020.

Rút ngắn thời gian công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chính thức có hiệu lực từ 01/9/2020, trong đó sửa đổi một số nội dung đáng chú ý.

Thứ nhất, giới hạn quy mô phát hành TPDN riêng lẻ phù hợp với quy mô vốn của doanh nghiệp. Theo đó, Nghị định đưa thêm quy định yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành. 

Đặc biệt, Nghị định 81 quy định khối lượng trái phiếu được phát hành của tổ chức phải đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành không vượt qua 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất.

Đồng thời, dư nợ trái phiếu (tính thêm cả khối lượng dự kiến phát hành) và yêu cầu dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (riêng các tổ chức tín dụng không áp dụng quy định này).

Thứ hai, hạn chế tình trạng doanh nghiệp chia nhỏ đợt phát hành TPDN riêng lẻ theo nhóm, đợt khác nhau để tăng huy động từ các nhà đầu tư cá nhân. Nghị định đã giảm số lần phát hành trái phiếu của doanh nghiệp khi quy định các đợt phát hành phải cách nhau tối thiểu 6 tháng. Dù doanh nghiệp có thể tách nhiều lần phát hành trong mỗi đợt, nhưng quy định mới yêu cầu mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin.

Thứ ba, xác định rõ mục đích sử dụng vốn trong hồ sơ phát hành TPDN riêng lẻ. Nghị định 81 bổ sung quy định doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành trái phiếu trong hồ sơ phát hành.

Thời gian công bố thông tin trước đợt phát hành được rút ngắn từ tối thiểu 10 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức đợt phát hành trái phiếu xuống tối thiểu 03 ngày làm việc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quy định về công bố báo cáo của tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu

Thông tư 77/2020/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 28/9/2020.

Trong đó quy định, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải thực hiện chế độ công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu.

Cụ thể, doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước thực hiện công bố thông tin trước đợt phát hành cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 81/2020/NĐ-CP.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gửi nội dung công bố thông tin đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 163/2018/NĐ-CP.

Đối với công bố thông tin định kỳ, doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước thực hiện công bố thông tin định kỳ theo năm tài chính: Công bố thông tin định kỳ 6 tháng trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính; công bố thông tin định kỳ hàng năm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Bên cạnh đó, Thông tư 77 cũng quy định chi tiết về việc công bố báo cáo của tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu: Thực hiện báo cáo định kỳ 06 tháng và hàng năm về việc tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 81/2020/NĐ-CP.

Báo cáo gồm những nội dung sau: Số lượng hợp đồng tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong kỳ, khối lượng phát hành thành công trong kỳ; Việc tuân thủ quy định về điều kiện và hồ sơ phát hành trái phiếu của các hợp đồng tư vấn phát hành đã thực hiện trong kỳ theo quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP và Nghị định số 81/2020/NĐ-CP.

Về thời hạn báo cáo, đối với báo cáo 06 tháng, chậm nhất là ngày 31/7 hàng năm; đối với báo cáo năm, chậm nhất là ngày 31/01 năm tiếp theo.

“Trạm thu giá” lại chuyển tên trở về “trạm thu phí”

Vào năm 2010, tại Thông tư 05, Bộ Giao thông Vận tải đặt tên cho nơi thực hiện việc thu phí phương tiện tham gia giao thông đường bộ là trạm thu phí đường bộ.

Đến năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 49 thay thế Thông tư 05, trong đó đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá.

Từ ngày 15/9/2020, Thông tư 15 thay thế cho Thông tư 49 của Bộ Giao thông Vận tải sẽ có hiệu lực, một lần nữa trạm thu giá sẽ được trở về với cái tên ban đầu là trạm thu phí.

Thông tư 15 cũng quy định, trước khi thành lập trạm thu phí phải công khai vị trí đặt trạm. Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử thông tin về tổng thời gian được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thời điểm bắt đầu thu, doanh thu tháng trước của trạm thu phí số điện thoại để tiếp nhận thông tin phản ánh…

Trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. (Ảnh minh họa)
Trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. (Ảnh minh họa)

Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo sẽ phạt đến 30 triệu đồng

Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, có hiệu lực thi hành từ 1/9/2020 quy định phạt tiền với các cá nhân có hành vi vi phạm quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch.

Theo đó, mức phạt 20 - 30 triệu đồng sẽ áp dụng đối với cá nhân có một trong các hành vi vi phạm sau:

- Giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch.

- Giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng.

- Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo.

- Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch.

- Cản trở hoạt động công chứng.

Đồng thời, buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm trên (trừ hành vi cản trở hoạt động công chứng).

Mẫu Quy chế kiểm toán nội bộ áp dụng cho doanh nghiệp từ 01/9/2020

Ngày 10/7/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 66/2020/TT-BTC về việc ban hành Quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng cho doanh nghiệp từ ngày 01/9/2020.

Theo đó, mẫu Quy chế kiểm toán này áp dụng đối với:

- Công ty niêm yết;

- Doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con;

- Doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Các doanh nghiệp không thuộc diện nêu trên được khuyến khích xây dựng Quy chế kiểm toán nội bộ trên cơ sở tham chiếu mẫu Quy chế kiểm toán nội bộ ban hành kèm theo Thông tư 66.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top