Aa

Những sân bay “xanh” được thiết kế và xây dựng với tính năng bền vững

Hà Trang
Hà Trang changha1605@gmail.com
Thứ Bảy, 15/10/2022 - 06:28

Những sân bay mới được xây dựng với ưu điểm vượt trội là tập trung vào tính năng bền vững, giúp giảm lượng khí carbon thải ra môi trường được kỳ vọng sẽ trở thành một “thế hệ xanh” vững chắc của ngành hàng không.

Hiện nay, ngành công nghiệp hàng không phát triển như vũ bão trên toàn thế giới. Bên cạnh những lợi ích to lớn đóng góp cho nền kinh tế, du lịch,... của các quốc gia thì đây cũng chính là một trong những mối đe dọa của nhân loại bởi các khí thải ra môi trường trong quá trình khai thác bay. 

Các kiến trúc sư trên thế giới đã và đang tìm cách giải quyết vấn đề này bằng việc xây dựng một “thế hệ” sân bay mới với ưu điểm vượt trội, nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon đáng kể thải ra môi trường. 

Dùng các tấm pin mặt trời để cung cấp năng lượng hay thậm chí “bê” cả một thác nước khổng lồ vào đặt trong khuôn viên,... Đó đều là những sáng tạo và nỗ lực trong cả quá trình thiết kế lẫn xây dựng của những sân bay dưới đây nhằm hạn chế các tác động xấu tới môi trường và hướng tới tính năng bền vững với thời gian. 8 dự án sân bay đã và sắp hoàn thành này được kỳ vọng sẽ trở thành một “thế hệ xanh” vững chắc của ngành hàng không trong tương lai. 

Sân bay Quốc tế Seattle-Tacoma, Hoa Kỳ 

Ảnh: Woods Bagot & Miller Hull Partnership

Điểm nhấn của công trình chính là chiếc cầu thang lớn ở trung tâm và cột trụ điêu khắc được bao phủ bởi cây linh sam Douglas (có nguồn gốc từ địa phương). Bên cạnh đó, việc mở rộng sân bay Quốc tế Seattle-Tacoma rộng 13.520m² cũng nằm trong khuôn khổ của dự án phát triển thành phố bền vững.

Sân bay được dự kiến hoàn thành vào năm 2027, được kỳ vọng sẽ hiện thực hóa chiến lược giảm thiểu khí carbon với các tấm mái nhà quang điện, kính cửa sổ điện tử thông minh và hệ thống sưởi không sử dụng nhiên liệu hóa thạch nằm trong số các biện pháp hạn chế khí thải. 

Nhà ga Aile Est tại La Genève Internationale, Thụy Sĩ 

Nhà ga Aile Est mới hoàn thành gần đây, được thiết kế bởi một tập đoàn bao gồm studio kiến ​​trúc RSHP ở Anh. Công trình này được xây dựng nhằm thay thế cho một cơ sở cũ đã lỗi thời từ những năm 70 của thế kỷ trước, với mục đích sản xuất nhiều năng lượng hơn mức tiêu thụ bằng cách sử dụng các nguồn tái tạo tại chỗ như cọc địa nhiệt.

Ảnh: Joas Souza

Cấu trúc mô-đun đặc biệt của nó giúp làm giảm chất thải trong quá trình xây dựng, đồng thời giúp tòa nhà có thể dễ dàng tháo rời, tái chế hoặc mở rộng trong tương lai.

Sân bay quốc tế Bảo An Thâm Quyến, Trung Quốc 

Công trình thiết kế nhà ga cho sân bay quốc tế ở Thâm Quyến sẽ đáp ứng các mục tiêu bền vững thông qua hình thức nhỏ gọn, kiểm soát năng lượng mặt trời, sử dụng ít nước và thu hoạch nước mưa.

Ảnh: RSHP

Khu vực sân bay sẽ là không gian xanh rộng lớn, bao gồm một khu vườn trung tâm có mái che rộng 10.000m², dự kiến có thể phục vụ khoảng 31 triệu lượt khách đến và đi mỗi năm.

Sân bay quốc tế Red Sea, Ả Rập Xê Út 

Sân bay này hiện đang được xây dựng ở sa mạc Ả Rập Xê Út, nhằm phục vụ cho dự án phát triển du lịch khổng lồ Red Sea, đạt xếp hạng bền vững LEED Bạch kim và được cung cấp 100% năng lượng tái tạo.

Ảnh: Foster & Partners

Cách bố trí đặc biệt giúp sân bay trông tựa mô hình chuỗi 5 cồn cát xung quanh khu trung tâm, điểm nhấn kiến trúc này sẽ làm giảm mức sử dụng năng lượng bằng cách cho phép các bộ phận có thể ngừng hoạt động trong thời gian nhu cầu thấp.

Sân bay quốc tế Delhi Noida, Ấn Độ 

Delhi Noida được coi là “sân bay xanh nhất Ấn Độ”. Nhà ga đang được xây dựng tại sân bay chính là một “cú bắt tay” đầy sáng tạo giữa nhiều công ty kiến ​​trúc như Nordic Office of Architecture, Grimshaw, Haptic cùng các chuyên gia tư vấn.

Ảnh: Grimshaw

Nhóm nghiên cứu tuyên bố bản thân tòa nhà sẽ không có carbon, đồng thời giúp loại bỏ nhiều khí CO2 từ khí quyển nhờ cây cối trong nhà và sân vườn ở cảnh quan. 

Nhà ga T2 tại Sân bay Quốc tế Guadalajara, Mexico 

Theo các kiến ​​trúc sư của studio CallisonRTKL, các tấm năng lượng mặt trời, hệ thống che nắng, ánh sáng tự nhiên và hệ thống thông gió được cung cấp bởi trần gỗ đục lỗ sẽ kết hợp để giảm đáng kể lượng khí thải carbon của nhà ga mới cho sân bay Guadalajara so với các tòa nhà tương tự khác.

"Nhiều chiến lược môi trường giúp giảm 60% việc sử dụng năng lượng và 90% lượng khí thải carbon của dự án, tương đương với việc trồng 27.300 cây xanh mỗi năm", studio của Mỹ cho biết.

Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh, Trung Quốc 

Hoàn thành vào năm 2019, sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh với hình thù giống như sao biển, do Zaha Hadid - cố nữ kiến trúc sư nổi tiếng người Anh gốc Iraq thiết kế cùng với công ty chuyên gia ADPI, là một trong những sân bay lớn nhất thế giới với diện tích 700.000m².

Ảnh: Hufton & Crow

Công trình “xanh” này được cung cấp năng lượng bởi các tấm pin mặt trời và thu hồi nhiệt thải ra bằng cách sử dụng một máy bơm nguồn trên mặt đất, bên cạnh đó nó còn có cả một hệ thống thu gom nước mưa.

Sân bay Jewel Changi, Singapore 

Được thiết kế bởi công ty kiến ​​trúc Moshe Safdie cùng sự trợ giúp của công ty kỹ thuật Buro Happold, Peter Walker và Partners Landscape Architects; sân bay Jewel Changi trở nên thật lộng lẫy và phảng phất nét đẹp hoang sơ với điểm nhấn kiến trúc “độc nhất vô nhị”. Nhà kính rộng lớn bao phủ lấy thác nước trong nhà cao nhất thế giới đã giúp một lượng lớn đời sống thực vật phong phú phát triển ngay trong chính khuôn viên sân bay.

Ảnh: Peter Walker & Partners Landscape

Thác nước Rain Vortex cao 40 mét, được hứng nước mưa từ chính những cơn giông bão thường xuyên ở Singapore xuống bảy tầng để làm mát không khí bên trong tòa nhà một cách tự nhiên và lượng nước thu được sẽ tiếp tục được tái sử dụng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top