Aa

Những thói quen gây lãng phí điện khi dùng bình nóng lạnh

Thứ Ba, 26/11/2019 - 10:37

Không bảo dưỡng thường xuyên, bật liên tục bình nóng lạnh đều gây nguy hiểm cho người dùng và lãng phí điện năng.

Vừa tắm vừa bật bình nóng lạnh

Hầu hết bình nóng lạnh hiện nay đều có cơ chế an toàn như hệ thống cầu giao chống rò điện đất ELCB (chống giật). Bộ linh kiện này thường có kích thước nửa nắm tay và đặt gần phích cắm điện. Khi phát hiện rò rỉ điện, hệ thống sẽ tự ngắt để đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng, đặc biệt là không được bảo dưỡng, bảo trì đúng thời hạn, ELCB có thể không hoạt động chính xác. Một số trường hợp khi có dòng điện bị rò rỉ, thiết bị không tự ngắt gây giật rất nguy hiểm. Vì vậy, người dùng tốt nhất không vừa bật bình nước nóng vừa sử dụng. Nên bật bình trước khoảng 15-30 phút trước và ngắt điện hoàn toàn khi bắt đầu sử dụng.

Bật bình nóng lạnh cả ngày

Bật bình nóng lạnh cả ngày có một số ưu điểm như bất kể khi nào cần, người dùng đều có nước nóng để sử dụng. Đây là lý do nhiều gia đình ở miền Bắc vào mùa lạnh thường xuyên bật bình 24/24 để không phải tiết kiệm thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, đây thực chất là cách làm không tốt cả về an toàn lẫn chi phí sử dụng.

Bình nóng lạnh hoạt động tương tự ấm đun nước. Khi đạt nhiệt độ theo cài đặt, bình sẽ ngưng làm nóng. Nhưng khi bình xuống dưới ngưỡng mức nhiệt này, bình tiếp tục đun nóng trở lại. Quá trình này liên tục lặp đi lặp lại khiến điện năng tiêu hao rất nhiều. Ngoài ra, việc đun liên tục sẽ khiến thanh đun của máy nhanh bị hao mòn, đóng cặn canxi khi sử dụng. Lớp chống điện vì thế cũng có thể bị ảnh hưởng.

Không bảo dưỡng bình nước nóng theo kỳ hạn

Thông thường, mỗi bình nước nóng cần bảo dưỡng ít nhất mỗi năm một lần (một số nhà sản xuất khuyến cáo ba tháng một lần), đặc biệt là trước mùa lạnh do có nhu cầu sử dụng nhiều. Sau một thời gian sử dụng, thanh đun bị hao mòn, có thể bị mất lớp chống dẫn điện và bị đóng cặn canxi. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về rò rỉ điện, cháy nổ hoặc đơn giản là hiệu quả làm nóng kém đi, tiêu hao nhiều điện năng hơn.

Hiện nay việc vệ sinh thanh đun có chi phí chỉ khoảng dưới 500.000 đồng, thậm chí thay hoàn toàn thanh đun này cũng chỉ khoảng dưới một triệu đồng. Việc vệ sinh và kiểm tra bộ phận chống giật ELCB cũng cần được làm thường xuyên để đảm bảo an toàn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top