Aa

Những tiếng hô lạc lõng về Hanoi Cinematheque!

Thứ Hai, 28/11/2016 - 08:40

Tôi không có nhiều điều kiện để đi xem phim tại tất cả các rạp chiếu của Hà Nội. Nhưng những rạp có “tiếng”, được nhiều người rỉ tai, giới thiệu tôi đều đã từng ghé qua. Riêng Hanoi Cinematheque, thú thực, phải đến cách đây vài ngày, tôi mới bắt đầu nghe tiếng.

Tôi nghe đến khi đọc được những lời kêu than, tiếc nuối, hoài niệm, thậm chí có cả những lời lên án, phẫn nộ yêu cầu phải “bảo tồn” nó trên báo chí và các trang mạng xã hội. Trời ạ! Phải là điểm sinh hoạt văn hóa đặc sắc, tinh hoa thế nào thì người ta mới “nhảy dựng” lên như thế chứ? Tò mò, tôi tìm hiểu, và dần nhận ra, rất nhiều người hò hét phải bảo vệ rạp chiếu này chưa từng đặt chân đến đây?!?

Có người, họ hô hào phải “bảo vệ bằng mọi giá” vì “đây là nơi duy nhất của Hà Nội chiếu những bộ phim thật sự là đỉnh cao của nghệ thuật”, trong khi họ cũng chỉ nghe bạn bè, đồng nghiệp…tả thế. Họ hô “vọng” từ một nơi xa lắc xa lơ nào đó! Còn người trực tiếp “tả” về nó, giọng điệu đầy hoài niệm trên trang báo với hình ảnh ám ảnh người đọc là cây hoàng lan già tỏa bóng thì thực tế khi tìm hiểu, tôi được biết cây hoàng lan đó đã chết tự đời nào?!? 

Những hình ảnh xập xệ, bừa bộn, nhếch nhác tại rạp  Cinematheque. (Ảnh Hà Thủy Nguyên)

 

Những hình ảnh xập xệ, bừa bộn, nhếch nhác tại rạp Cinematheque. (Ảnh Hà Thủy Nguyên)

Những hình ảnh xập xệ, bừa bộn, nhếch nhác tại rạp Cinematheque. (Ảnh Hà Thủy Nguyên)

Thấy một số người cho rằng cần phải bảo vệ Hanoi Cinematheque, vì nó mang giá trị lịch sử, tôi liền tìm hiểu những thông tin liên quan mới té ra, đây đơn thuần chỉ là quán café có chiếu phim do một ông chủ người Mỹ lập ra được hơn chục năm nay. Hơn chục năm, so với hơn nghìn năm tuổi của mảnh đất kinh kỳ, chắc những người hiểu về thời gian và con số sẽ chẳng buồn so sánh làm gì, vì chẳng đáng. Và chắc chắn, lấy cái mốc hơn một thập niên ấy ra để coi đó là địa điểm có “giá trị lịch sử” thì e rằng, từ khi bước sang thế kỷ 21 đến nay, ở Thủ đô yêu dấu của chúng ta, đã sản sinh ra hàng trăm nghìn các địa điểm “có giá trị lịch sử”. Nếu cái nào cũng cần bảo tồn, có lẽ, cả Hà Nội đành phải “đứng im”?!?

Có người khác lại nức nở cho rằng đây là địa điểm mang “giá trị văn hóa”, khiến tôi lại tò mò tìm hiểu, lần này là những người nghiên cứu và có thâm niên trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật. Một đạo diễn phim có tiếng mà chắc khi nhắc tên những người yêu điện ảnh trong nước đều biết (xin được giấu tên) khi nghe hỏi đã tránh ánh mắt háo hức của tôi rồi nói với giọng trầm trầm: Thực ra, Hanoi Cinematheque đúng là nơi lưu trữ nhiều phim kinh điển của cả thế giới và trong nước.

Hình thức hoạt động kiểu quán café có phòng chiếu phim mini này cũng không lạ vì nhiều nước xuất hiện mô hình này từ rất lâu. Nhưng, địa điểm này khó tồn tại vì có nhiều bộ phim ở đây là phim “trôi nổi”, ông chủ rạp chưa thương lượng được vấn đề bản quyền. Người thưởng thức nghệ thuật thực sự khó lòng chấp nhận xem những bộ phim chiếu “chui” như thế. Vào đó, phòng chiếu thì cũ kỹ, xập xệ, bừa bộn. Giờ xã hội ngày càng hiện đại, văn minh, thưởng thức nghệ thuật phải có không gian tương xứng. Vừa ngồi xem phim vừa thu chân lên không sợ chuột cắn thì sao có thể coi đó là điểm “đỉnh cao văn hóa, nghệ thuật” được?!?

 Những hình ảnh xập xệ, bừa bộn, nhếch nhác tại rạp Cinematheque. (Ảnh Hà Thủy Nguyên)

Do đặc thù công việc, tôi có khá nhiều bạn bè, người thân là dân Hà Nội “xịn”. Thật bất ngờ, khi nhắc đến địa điểm này, hầu hết những người tôi hỏi đều lắc đầu ngơ ngác bảo “không biết”, hoặc chỉ nghe “mang máng”. Còn một cô em ở ngay cạnh đó, cùng ngõ với rạp, ngày nào cũng đi qua đi lại vài lần chốn đó cho rằng, trước đây ngõ vắng vẻ, yên bình lắm. Giờ tự nhiên xôn xao vì dự án mới sắp triển khai, thấy nhiều người khóc than, nuối tiếc. Nhưng, cô ấy thấy lạ vì tại sao người than vãn, hô hào nhiều thế mà lượng khách đến quán vẫn vắng thưa? Lẽ ra phải kéo nhau đến thật đông để thể hiện sự ủng hộ chứ nhỉ?.

Cũng phải nói thật, thoạt đầu, khi nghe một số ý kiến kêu gọi phải bảo vệ “không gian văn hóa quý giá”, nơi duy nhất chiếu những bộ phim “đỉnh cao của nghệ thuật” trên đất Hà thành, tôi cũng khá mủi lòng, có chút đồng cảm. Và tôi cứ nghĩ, đây là một địa điểm sinh hoạt, giao lưu văn hóa do nhà nước quản lý. Nhưng không phải, đó là của tư nhân. Dù hình thức kinh doanh của ông chủ Mỹ này không nặng về lợi nhuận, nhưng ông vẫn phải cần tiền để duy trì, nuôi dưỡng nó. Nghe nói, ông đang gặp khó khăn về tài chính, và giờ ông đã chấp nhận “buông” nó một cách vui vẻ! Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu để rạp chiếu này bị khai tử.

Nó khai tử theo đúng quy luật của nền kinh tế thị trường, vì những gì không hiệu quả, xa rời thực tế sẽ bị đào thải, nhường chỗ cho điều khác hợp lý hơn. Đây là điều hết sức bình thường, giống như giờ người ta đã quên dần việc viết thư tay, mang ra thùng dán tem gửi đi rồi hồi hộp nín thở chờ lá thư phúc đáp. Điện thoại, email đã thay những bì thư và con tem kia, dù lá thư một thời từng là nét văn hóa và phổ biến hơn nhiều, ăn sâu vào tâm thức của nhiều người hơn nhiều so với cái không gian cũ kỹ nằm ở 22A Hai Bà Trưng kia.

Tôi còn được một cán bộ đội cảnh sát PCCC khu vực rạp này hoạt động tiết lộ, qua kiểm tra, Hanoi Cinematheque không đủ tiêu chuẩn an toàn về PCCC. Căn nhà được dùng làm rạp cũng đã xuống cấp. Ở đâu cũng vậy, những khu nhà thiếu an toàn như vậy sẽ bị loại bỏ, thay thế. Và một dự án mới nhằm làm đẹp và hiện đại hơn cho khu vực này (được phê duyệt từ năm 2009) chính là thể hiện quyết tâm này của thành phố. Có thể, một số người sẽ tiếc nuối những không gian, giá trị cũ, nơi gắn bó với cuộc đời, kỷ niệm bản thân. Nhưng trong quy hoạch đô thị, cơ quan chức năng phải nhìn bằng đôi mắt của nhà kiến trúc, nhìn về tương lai, chứ không thể chung ánh nhìn với một số ít người mơ màng hoài niệm.

Khi tranh luận trên diễn đàn mở, tôi hỏi một người phản đối dự án mới thay thế rạp chiếu phim kia rằng: Sao bạn không bỏ tiền ra để góp với ông chủ, nuôi dưỡng rạp đó tồn tại, vì đây có phải rạp của nhà nước đâu mà đòi hỏi các cấp phải nhảy vào bảo tồn? Cậu đó im lặng không nói gì nữa. Lúc đó, tôi hiểu, họ có thể cứ hô hào vậy, lên án vậy, kịch liệt phản đối vậy, chứ ngay bản thân họ cũng chẳng có hành động gì thiết thực, cụ thể hơn để góp sức chung tay bảo tồn cái chốn mà mình yêu thương! Tôi gọi đó là những tiếng hô “suông”. Và hô suông thì bao giờ cũng vậy, nó chẳng có giá trị gì và sẽ trở thành lạc lõng mà thôi!?!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top