Những vì sao

Những vì sao

Thứ Hai, 01/11/2021 - 06:00
Những vì sao

Nhận được cuộc điện thoại từ cô bạn thân sau nhiều tháng không gặp, lại đúng lúc có chủ trương nới lỏng giãn cách, vợ chồng tôi hồ hởi lên đường.

Ôi, con đường mùa thu hoa cỏ phơi phới bay, chúng tôi ngỡ ngàng vì cảnh vật hai bên cửa xe. Hàng cây sao thẳng tắp, xanh ngăn ngắt, lá bóng loáng, khỏe khoắn vẫy chào. Hàng tường vi trong giải phân cách hai làn đường căng tràn sức sống, hoa bung nở rực hồng.

Chồng tôi xem chỉ dẫn trên Google Maps. Đây rồi, qua Đồng Mô 2km, rẽ phải. Con đường dần nhỏ hơn, rải sỏi răm, đã được nén phẳng phiu. Càng đi sâu cảnh vật càng thơ mộng, cây cối um tùm, biếc xanh, quanh co, uốn lượn. Hạ cửa kính xe, tôi hít hà cái hơi rừng man mát, trong lành. Thanh bình, thư thái quá…

Qua khúc ngoặt, một sườn núi nên thơ hiện ra, mấy ngôi nhà thấp thoáng ẩn hiện đẹp như tranh vẽ. Tôi ngẩn ngơ chiêm ngắm. Bỗng, từ một khu vườn xum xuê những bông hoa hình tháp chuông màu trắng, có bóng người ùa ra, reo vui rộn rã: “Đây rồi, đây rồi… bắt được rồi… ha ha…”.

Là cô bạn tôi! Sao lại đỏ đắn, tươi ngời vậy chứ! Có cái gì sai sai. Cái nước da trắng bủng beo, cái gương mặt ủ ê, cái thần sắc lờ đờ chậm chạp đâu rồi?

Chẳng phải mới năm ngoái đây thôi, trong buổi họp lớp, bạn đã buồn rầu chia sẻ câu chuyện, đang là vấn đề nan giải của gia đình.

Chuyện là… Sau mấy chục năm miệt mài, vợ chồng bạn đã gây dựng được một sự nghiệp giản dị nhưng đáng tự hào, một gia đình hạnh phúc với hai anh con trai học hành giỏi giang, hiếu thảo. Anh con trưởng đã lập gia đình, hai đứa cháu một trai một gái lần lượt ra đời, nay đã một mẫu giáo, một tiểu học, gia đình anh sống cùng bố mẹ. Anh con thứ tốt nghiệp đại học và làm việc ở nước ngoài. Vợ chồng bạn đã đến lúc được nghỉ ngơi, hưởng thụ những chuỗi ngày cuối đời, mà theo mong muốn của bạn là “Cuối nhưng không tàn”.

Ngôi nhà của gia đình bạn nằm trong một khu phố cổ, nép dưới bóng cây hoàng lan. Nó thực ra là phần cơi nới trên khoảng sân của một ngôi biệt thự cũ, là nơi cư trú của nhiều hộ gia đình. Bao vui buồn gắn với căn nhà nhỏ. Những kỷ niệm êm đềm từ khi vợ chồng mới cưới, nắm tay nhau vượt qua gian khó, chứng kiến tuổi thơ tươi đẹp của các con… Nhưng nay, với hai ông bà ở cái tuổi chưa già không trẻ, hai người trưởng thành đương độ sôi nổi của cuộc đời và sự nghiệp, hai đứa trẻ đang lớn lên từng ngày, ngôi nhà bỗng trở nên chật hẹp.

Lúc còn đi làm, mải mê công việc, về nhà chỉ ăn ngủ, nhắc con cái học hành, cũng không có thì giờ bận tâm nhiều. Nay có nhiều thời gian ở nhà, sức khỏe không còn như trước, mới thấy cũng thật nhiều bất tiện. Lúc ông muốn yên tĩnh nghỉ ngơi hay nghiên cứu viết lách thì cháu nô đùa, đánh cầu lông, tung bóng trong nhà (không thì chúng còn biết đi đâu). Khi bà có mấy người bạn cũ đến chơi thì cháu đòi bà cùng chơi đồ hàng. Đã thế, hàng xóm láng giềng chung đụng từ lối vào, chỗ để xe cộ đến khoảng sân chung nho nhỏ, không tránh được va chạm. Không khí phố phường thì ngày càng ô nhiễm, ngột ngạt. Ông có công việc nghiên cứu, viết lách còn vui, bà quanh đi quẩn lại chỉ ngày hai bữa cơm, dọn dẹp, ra vào trong căn nhà chật chội, đâm bẳn tính, hay càu nhàu… Không khí gia đình kém vui hẳn.

Những vì sao
Những ngôi nhà phố cổ là nơi cư trú của nhiều hộ gia đình... (Ảnh minh họa: Internet)

Sau nhiều ngày trở trăn, ông bà to nhỏ bàn luận, vẫn chưa có giải pháp thống nhất. Ông đề xuất cuộc họp gia đình, vấn đề ăn ở của cả nhà được đem ra trao đổi. Bàn luận chán, cuối cùng chia làm hai phe: một phe muốn bán căn nhà phố cổ, mua hai căn hộ chung cư để ông bà và con cháu ở riêng mà vẫn gần nhau; một phe muốn giữ ngôi nhà kỷ niệm và sống như cũ. Bàn đi bàn lại mãi vẫn không thống nhất. Ông đề xuất bỏ phiếu biểu quyết. Khổ nỗi, ngoài hai đứa trẻ chưa đến tuổi bầu cử, còn bốn người lớn, số phiếu chia đều mỗi phương án 2 - 2. Bà và cô con dâu muốn đổi thành hai căn chung cư. Ông và anh con trai muốn giữ lại ngôi nhà và không thay đổi. Cuộc họp kết thúc không phân thắng bại.

Tan họp, chỉ có ông là hỉ hả. Trong thâm tâm, tuy thấy có hơi bất tiện, nhưng ông cho cứ thế này là ổn nhất. Vợ một bên, con cháu một bên, cơm vẫn dẻo canh vẫn ngọt mà lại khi bi bô con trẻ, lúc ly bia hét hò cổ vũ bóng đá tivi với anh trai trưởng, trong lòng ông có ý vui thầm. Nhưng chỉ vui ngầm thôi chứ trông cái mặt kém vui của bà và cái vẻ lặng lặng của con dâu, ông không dám vui ra mặt. Thực ra bà và con dâu rất hòa thuận và yêu quý nhau. Nhưng có lẽ với phụ nữ, ngôi nhà không đơn giản chỉ để chui ra chui vào, họ mong muốn nhiều hơn thế. Ngôi nhà là toàn bộ cuộc sống của họ. Họ khát khao được chăm chút, được thật sự tận hưởng trong vương quốc nhà của mình. Bà đâm ra giận ông, mà lại không trách được ông vì đã đồng ý biểu quyết rồi, nên bụng lại càng tức. Đáng ra ông phải bỏ phiếu ủng hộ bà chứ. Thế là có một tý chiến tranh lạnh trong căn nhà phố chật chội.

***

Thế rồi, một sự kiện bất ngờ đã thu hút sự tập trung chú ý của mọi người trong nhà, nhất là bà. Cậu trai út thông báo sẽ có chuyến về nước công tác kết hợp thăm gia đình. Khỏi phải nói bà vui như nào. Tíu tít chuẩn bị, cậu sẽ ở đâu, ăn ngủ ra sao khi giờ đây căn phòng chung của hai anh em đã được sử dụng làm phòng của gia đình anh trai.

Cuối cùng bà cũng thu xếp được một chỗ tàm tạm cho cậu. Đó là dẹp cái góc làm việc của ông và kê vào đó một chiếc giường nhỏ.

Đoạn sau đó là chuỗi ngày hàn huyên hoan hỷ của cả nhà. Vốn tế nhị, cậu hai cũng không lấy làm phiền trách vì chỗ ăn ngủ bất tiện của mình.

Rồi, không chủ định nhưng câu chuyện tương lai việc ăn ở của gia đình cũng được tâm sự với cậu.

Khi nghe câu chuyện của gia đình, cậu cười ha ha rất khoái chí và nói: Cả nhà có biết, ở các quốc gia phát triển đang có một xu hướng gì không? Đó là hoang mạc hóa đô thị! Cả nhà tròn xoe mắt. Là sao?

Ở thời kỳ công nghiệp hóa hình thành và hưng thịnh (cuối thế kỷ 17 đến thế kỷ 20), dân khắp nơi đổ về các đô thị lớn, nơi có nền công nghiệp phát triển, nơi tập trung nhiều nhà máy, công xưởng, xí nghiệp. Lịch sử mô tả đó là một cuộc di dân khổng lồ, vô tiền khoáng hậu. Hậu quả là bùng nổ dân số ở các khu công nghiệp, các thành phố lớn, các đại đô thị cũng từ đó ra đời. Trong khi đó, các vùng quê trở nên hoang vắng, đâu đâu cũng thấy những làng mạc vắng vẻ, ruộng đất và các ngôi nhà bỏ hoang. Người ta đã gọi đó là thời kỳ hoang mạc hóa nông thôn.

Nay, sau mấy thế kỷ, thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ phát triển, ngồi đâu cũng kết nối được với thế giới miễn là có mạng internet. Cách mạng công nghệ số đã thay đổi toàn bộ cách thức làm việc và lối sống của cả thế giới. Ranh giới địa lý bị xóa mờ. Người ta có thể làm việc cho Mỹ khi đang ở Việt Nam. Có thể đàm phán thương vụ với Paris hoa lệ khi đang ngồi một góc hẻo lánh nào đó nơi sa mạc bạt ngàn của châu Phi hoang dã… Ôi, những điều mà trước đây không thể tưởng tượng được thì nó đã hiển hiện ra trước mắt rồi.

Còn gì khoái hơn khi vừa nhâm nhi ly trà bên hiên nhà lát gỗ, ngắm những chú ong đang hút mật nơi bông cẩm tú cầu vừa hé nở và quyết một thương vụ bạc tỷ với đối tác bên kia bán cầu…

Vậy nên, những thành phố chật chội, đông đúc, ồn ào, ô nhiễm không còn là lựa chọn lý tưởng để có một cuộc sống chất lượng. Người ta đã có thể vừa làm việc với cả thế giới, vừa tận hưởng cuộc sống ấm áp bên gia đình trong khung cảnh yên bình giữa thiên nhiên, nếu muốn. Một cuộc di dân theo chiều ngược lại đang âm thầm diễn ra, không ồn ào ồ ạt nhưng bền vững và sâu sắc hơn.

những vì sao

Là sao? Hình như có điều gì lóe lên trong tâm tư mỗi người.

Thì sao?

Ông là người bật thốt lên đầu tiên: “Tại sao không chứ! Cả nhà đều vui”.

Nói rồi, ông cười hà hà, tôi có cách rồi đây. Cả nhà nhìn ông chờ đợi.

Này nhé….

Và đó là nguồn cơn cho cơ ngơi ngát xanh thơ mộng trữ tình này.

Ông bà có chút vốn liếng tiết kiệm, mua mảnh đất ở khu vực bán sơn địa ngoại thành này, cũng không quá đắt. Với sự trợ giúp của một kiến trúc sư trẻ, ngôi nhà được xây dựng với công nghệ mới nhất, nhà khung thép, không bê tông, không tường chịu lực. Toàn bộ phần thi công khung thép thực hiện ở xưởng, mang lên khu đất chỉ việc lắp ghép. Tường nhà được đan xen giữa tường xây chỗ cần kín đáo và tường kính chỗ cần lấy sáng và lấy view. Những ngày mưa ngồi trong ngôi nhà ấm áp vẫn được ngắm cầu vồng hư ảo ẩn hiện trong mây.

Ngôi nhà được lợp lá gồi đã qua xử lý với độ dày 30cm, đảm bảo tránh được cái nóng của miền nhiệt đới về mùa hè và vẫn ấm áp về mùa đông.

Giản dị, mộc mạc, lại tiện nghi, hiện đại, thanh mảnh. Đặc biệt, chi phí ấn tượng, chỉ bằng một nửa so với chi phí xây dựng thông thường cho ngôi nhà cùng diện tích.

Từ ngày có ngôi nhà Viên Tuyền (ghép tên mẹ chồng và con dâu), cứ hết giờ làm việc, chỉ 40 phút từ nội thành là vợ chồng anh con trai lớn đã về đến Viên Tuyền. Ông lúc thì say sưa đọc sách, khảo cứu những câu chuyện dân gian, kể chuyện cho hai cháu, lúc thì chăm hoa ngắm cảnh, nghe tiếng chim từ quy lảnh lót gọi bạn bên hè. Bà mê mải ngoài vườn chăm cây chăm cỏ, cuốc thêm mảnh vườn nhỏ trồng rau trái theo mùa. Vui nhất là hai đứa trẻ, nô đùa, chạy nhảy, đánh cầu, chơi bóng trên bãi cỏ, cả hai đều rắn rỏi, khỏe ra và lớn nhanh.

Chưa hết, bạn bè của ông bà và anh con trai đến chơi, mê quá, đã bốn, năm người mua thêm mấy mảnh xung quanh, làm nhà và dọn lên ở, một xóm mới đã được lập bên sườn núi. Mọi người vẫn gọi tên là xóm Viên Tuyền (bên cạnh "tên cúng cơm" là xóm Đa đồi Chóc).

Những ngày Hà Nội giãn cách vì dịch Covid-19, khu xóm càng thể hiện sự ưu việt của nó. Mọi người ở nhà làm việc, học tập online, mà đùa nhau là như đang đi nghỉ resort.

Đi thơ thẩn cùng tôi trên lối nhỏ viền cỏ thơ mộng, anh con trưởng vốn kiệm lời của bạn khẽ khàng tâm sự: "Cô biết không, những ngày qua, khi Hà Nội bắt đầu giãn cách, con đã đón bố mẹ vợ lên đây ở cùng. Cả trong mơ con cũng không thể hình dung có những ngày như này. Sáng sáng, hai ông thông gia ngồi nhâm nhi chén trà, bàn chuyện thế sự, hai bà cùng nhau chăm mấy luống rau, săn sóc nhau và săn sóc hai cháu. Con thấy thật may mắn, hạnh phúc! Vợ con cũng yên tâm không còn lo lắng thời gian cách ly vừa rồi thì hai cụ thân sinh trên phố sinh sống ra sao. Cô ấy vui và mãn nguyện lắm".

Sau bữa chiều ngon miệng với rau trái vườn nhà, có cả món nộm Hàm Long yêu thích của tôi mà cô cháu dâu gọi ship lên để gây bất ngờ cho khách, trời buông tối khi nào, sau tuần trà, chúng tôi cũng đã đến lúc chia tay.

Trên con đường quanh co uốn lượn xuôi xuống chân đồi, ngoái lại, đêm đã buông, trời tối hẳn rồi, ánh điện nhấp nháy tươi vui từ khu xóm nhỏ lấp lánh trên nền rừng cây như những vì sao…

Hà Nội, cuối thu 2021

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top