Aa

Ninh Thuận muốn đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ Năm, 14/10/2021 - 07:00

Tỉnh Ninh Thuận định hướng phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; đặt mục tiêu đến năm 2030 đón 6 triệu lượt khách; xác định du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá là sản phẩm trụ cột.

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, khám phá

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là ngành kinh tế trụ cột của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có thương hiệu. Hình thành khu du lịch quốc gia; quy hoạch rõ khu vực phát triển du lịch chất lượng cao, du lịch phổ thông. Hướng tới hình thành các khu du lịch có quy mô lớn, đẳng cấp cao, loại hình độc đáo với chất lượng dịch vụ tốt nhất, có tính cạnh tranh cao. Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi du lịch duyên hải miền Trung; phấn đấu thu hút du khách tăng 7 - 8%/năm.

Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2030, ngành du lịch đóng góp khoảng 15% GRDP; trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm ưu tiên của khách quốc tế tới Việt Nam, điển hình là khách Nga và là điểm du lịch khám phá sáng tạo hấp dẫn của khách du lịch nội địa. Cụ thể, đến năm 2025, đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó có 455.000 lượt khách quốc tế. Đến năm 2030, đón 6 triệu lượt khách, trong đó có 900.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 2.900 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 5.900 tỷ đồng.

Ninh Thuận sẽ đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng du lịch trong thời gian tới.
Ninh Thuận sẽ đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng du lịch trong thời gian tới. (Trong ảnh: Một góc TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận)

Để thực hiện mục tiêu nói trên, Ninh Thuận sẽ tập trung phát triển các nhóm sản phẩm đặc thù, có thế mạnh của địa phương. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, xác định các sản phẩm trụ cột gồm: Du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch di sản văn hóa Chăm. Giai đoạn 2025 - 2030 là giai đoạn phát triển bứt phá, tạo thương hiệu du lịch, phát huy những đặc trưng khác biệt của Ninh Thuận.

Do đó, tập trung khai thác các sản phẩm mới đã được bổ sung ở giai đoạn trước (khám phá và lễ hội); đồng thời phát triển đầy đủ 4 sản phẩm đặc thù (du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Vườn Quốc gia Núi Chúa), 4 sản phẩm mới lạ (khám phá và vui chơi giải trí cát - muối; săn bắn bán hoang dã; du lịch trải nghiệm đường sắt; điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe) và 4 sản phẩm bổ trợ (du lịch cộng đồng; vui chơi giải trí và ẩm thực; tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; thương mại du lịch). Trong đó, xác định du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển, du lịch khám phá chủ đề cát - muối - khí hậu bán hoang mạc, du lịch nông nghiệp… là sản phẩm trụ cột.

Đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch

Theo quyết định của UBND tỉnh Ninh Thuận tại Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tổng vốn đầu tư du lịch ước tính khoảng 75.538,3 tỷ đồng, trong đó có 49.287 tỷ đồng là vốn đầu tư mới. Vốn ngân sách đầu tư khoảng 79 tỷ đồng, phục vụ lập các quy hoạch định hướng, các đề án phát triển, hỗ trợ tổ chức các lễ hội; còn lại là nguồn vốn xã hội hóa.

Ninh Thuận sẽ đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng du lịch trong thời gian tới.
Ninh Thuận có nhiều bãi biển đẹp, có lợi thế phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai kêu gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch ưu tiên, có ưu thế về du lịch biển và khu vực các cồn cát, khu vực phía Tây Quốc lộ 1 - vùng du lịch chưa phát triển của Ninh Thuận với sản phẩm du lịch săn bắn bán hoang dã, vui chơi giải trí… Đồng thời, phát triển trung tâm dịch vụ du lịch gồm: Phan Rang - Tháp Chàm - Ninh Chữ - Bình Sơn (là khu vực đầu não, bao chứa tất cả các dịch vụ du lịch, phân phối khách và dịch vụ tới các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh); Trung tâm dịch vụ Vĩnh Hy, Trung tâm dịch vụ Bình Tiên (là khu vực tập trung dịch vụ của không gian du lịch phía Đông Bắc, nằm ở vị trí trọng điểm vịnh Vĩnh Hy, Vườn Quốc gia Núi Chúa); Trung tâm dịch vụ Cà Đú - Đầm Nại; Trung tâm dịch vụ ven sông Dinh, Trung tâm dịch vụ Cà Ná…

Tỉnh cũng chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ du lịch. Trong đó, đáng chú ý là việc khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Trại Mát để phục vụ nhu cầu phát triển du lịch, phát triển kinh tế giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận. Đồng thời, xây dựng, quy hoạch cảng du lịch Vĩnh Hy, Mỹ Tân và bến du thuyền Ninh Chữ cao cấp phục vụ du lịch, kết nối với các cảng Cam Ranh, Cà Ná. Phát triển cảng tổng hợp Cà Ná với hạng mục du lịch, bao gồm: Bến thuyền du lịch, các tuyến ổn định kết nối với Vĩnh Hy, Phan Thiết, Cam Ranh, Vũng Tàu, Đà Nẵng, TP.HCM. Phát triển hệ thống bãi neo đậu thủy phi cơ, kết nối với Côn Đảo, các đảo Khánh Hòa, đảo Phú Quý…

Được biết, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư như: Crystal Bay, Tecco, T&T, Ecoland… Trong đó, Tập đoàn Crystal Bay (nhà đầu tư phát triển du lịch với thế mạnh mang tới dòng khách Nga) đang triển khai các dự án nghỉ dưỡng cao cấp. Các dự án này tập trung tại phía Đông dải ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, hiện nay trên địa bàn đã có 5 dự án du lịch đi vào hoạt động, 20 dự án đang trong quá trình chuẩn bị thi công và 5 dự án được chấp thuận địa điểm. Công tác quy hoạch, định hướng trước khi tiến hành thu hút đầu tư cũng được chú trọng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đang có 52 quy hoạch liên quan đến các dự án du lịch, chủ yếu là các dự án nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch cao cấp…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top