PV: Sáu tháng đầu năm 2021, tín dụng tăng 5,5 - 6%, trong khi huy động vốn tăng chậm hơn nhiều. Theo ông, điều này có đáng lo không?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Với lãi suất huy động thấp như hiện nay, một số người dân đã rút tiền tiết kiệm để đầu tư sang các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, so với cuối năm ngoái, tiền gửi vào ngân hàng 6 tháng đầu năm nay vẫn tiếp tục tăng, cho thấy tiết kiệm vẫn là kênh được nhiều người lựa chọn bởi tính an toàn.
Mặc dù vậy, tôi cho rằng, 6 tháng cuối năm, một khi chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 được triển khai rộng rãi hơn, dịch Covid-19 sớm được khống chế, hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi mạnh mẽ hơn, nhu cầu tín dụng bật tăng mạnh mẽ hơn, thì các ngân hàng sẽ phải tăng nhẹ lãi suất để thu hút tiền gửi. Trên thực tế, từ cuối tháng 3/2021 đến nay, lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động của một số ngân hàng cũng bắt đầu tăng nhẹ.
Chúng ta thấy, Ngân hàng Nhà nước cũng đang nỗ lực ổn định lãi suất và tuyên bố sẽ giữ mặt bằng lãi suất thấp, khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm thêm lãi suất cho vay để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, dù lãi suất huy động 6 tháng cuối năm có khả năng nhích lên, song lãi suất cho vay thời gian tới vẫn sẽ ổn định. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng thương mại phải chấp nhận lợi nhuận “mỏng” đi một chút, hoặc giảm chi phí kinh doanh, tái cấu trúc hoạt động để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
PV: Như ông nói, đang có sự dịch chuyển dòng vốn từ kênh tiết kiệm sang đầu tư lĩnh vực khác, vậy tín dụng có sự dịch chuyển từ sản xuất, kinh doanh sang các kênh đầu tư rủi ro không, thưa ông?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Tín dụng tăng 5,5 - 6% trong 6 tháng đầu năm theo tôi là bình thường, không có gì ghê gớm, ước tín dụng cả năm tăng khoảng 12 - 14%. Năm nay khác với mọi năm là tín dụng đã tăng tương đối tốt ngay từ những tháng đầu năm, nhưng điều này không có nghĩa là tín dụng đang chảy sang các lĩnh vực rủi ro.
Nửa đầu năm nay, kinh tế phục hồi khá khả quan đã kích thích nhu cầu vay sản xuất, kinh doanh tăng trở lại. Tín dụng bất động sản tăng trong giới hạn cho phép, tốc độ tăng tương đương với tốc độ tăng tín dụng chung; tín dụng chứng khoán tăng thấp hơn và chiếm tỷ trọng nhỏ.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo quyết liệt và giám sát rất gắt gao về tín dụng chứng khoán, bất động sản. Dòng tiền mới liên tục đổ vào chứng khoán, bất động sản theo tôi là từ tiết kiệm và các kênh khác đổ sang, chứ không chỉ riêng tín dụng.
PV: Năm nay, các ngân hàng báo lãi “khủng” trong khi sức khỏe chung của nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Ông có cho rằng, ngân hàng thương mại nên giảm lãi suất cho vay hơn nữa?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Trong điều kiện thị trường như hiện nay, rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động với ngân hàng là rất lớn. Các lĩnh vực như du lịch, hàng không, vận tải, kho cảng… sẽ tiếp tục gặp khó khăn và ngân hàng có thể khó thu hồi nợ. Cho dù nhiều khoản vay trong lĩnh vực này chưa bị chuyển nhóm nhờ được cơ cấu nợ theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, nhưng bản chất đã là nợ xấu và ngân hàng đã phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ này.
Những tháng đầu năm nay, các ngân hàng công bố lãi lớn, song nhìn báo cao tài chính cũng có thể thấy, lãi dự thu cũng tăng rất mạnh. Thực tế, có những khoản lãi dự thu ngân hàng “treo” đến 2 - 3 năm mà vẫn chưa thu hồi được. Nói cách khác, nhiều ngân hàng công bố lãi lớn, song nhiều khoản đang là “đếm cua trong lỗ”, chưa kể lợi nhuận còn sẽ bị ăn mòn bởi trích lập dự phòng dự kiến tăng lên trong năm nay theo quy định của Thông tư số 03/2021/TT-NHNN.
PV: Như ông vừa nói, trong năm nay, doanh nghiệp trong các lĩnh vực như hàng không, du lịch, vận tải, khách sạn… vẫn khó khăn và chưa thể sớm trả được nợ. Trong khi đó, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay. Theo ông, cần phải có giải pháp nào với nợ xấu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Thông tư số 03/2021/TT-NHNN hiệu lực đến hết ngày 31/12/2021. Thời điểm đó, chắc chắn doanh nghiệp trong các lĩnh vực này vẫn chưa thể phục hồi. Bởi từ nay đến cuối năm, tiêm chủng vắc-xin chưa thể triển khai rộng, chưa thể mở cửa du lịch, hàng không… trở lại.
Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng, nên cho phép khoanh nợ ít nhất 2 năm với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này./.