Nước cờ độc nhất vô nhị của Gamuda Land

Nước cờ độc nhất vô nhị của Gamuda Land

Thứ Ba, 06/10/2020 - 06:00

Trước khi có sự hiện diện của Khu đô thị Gamuda với những toà nhà hiện đại trong một không gian xanh mướt như vậy, vùng đất Yên Sở được mệnh danh là “rốn nước” Hà Nội. Vùng đất khô cằn, hoang hoá tưởng chừng như khó tạo nên những mầm xanh đã dần đổi thay đến ngạc nhiên.

Để biến “rốn nước” Yên Sở trở thành khu đô thị sinh thái là cả một chặng đường dài và đầy táo bạo của Tập đoàn Gamuda Berhad Malaysia khi đặt chân vào Việt Nam. Đó cũng là một nước cờ mạo hiểm khi Khu đô thị Gamuda là dự án đầu tay của Tập đoàn này ở Việt Nam. Nhưng, chia sẻ với báo giới, vị thuyền trưởng chèo lái con tàu Gamuda Land, ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng Giám đốc Gamuda Land Việt Nam vẫn luôn mặc định đó là một hành trình cần phải làm, dựa trên triết lý kiến tạo ra khu đô thị sinh thái, không gian sống thực sự.

PV: Hơn 10 năm trước, Gamuda Berhad Malaysia chính thức vào Việt Nam bắt đầu một hành trình mới, đó là cải tạo một nơi từng mệnh danh là “rốn nước” như Yên Sở trở thành một mảnh đất “đáng sống”. Thưa ông, ở thời điểm đó, điều gì đã khiến Tập đoàn Gamuda Berhad Malaysia, một doanh nghiệp bất động sản uy tín Malaysia lại lựa chọn Việt Nam làm điểm đến và Yên Sở là nơi đặt dấu chân đầu tiên?

Ông Dennis Ng Teck Yow: Hơn một thập kỷ trước, chúng tôi đặt bước chân đầu tiên vào Việt Nam và bắt đầu hoạt động kinh doanh bằng hành trình cải tạo một nơi được mệnh danh là “rốn nước” Yên Sở thành một vùng đất “đáng sống”.

Mục tiêu chính của chúng tôi là xây dựng cơ sở hạ tầng trước khi tiếp tục phát triển xây dựng dự án bất động sản. Chúng tôi là nhà phát triển bất động sản uy tín của Malaysia và là một trong những nhà đầu tư FDI đầu tiên vào Việt Nam thông qua chương trình hợp tác BT với Hà Nội để đổi đất lấy hạ tầng.

Thực sự, khi bước chân vào Việt Nam, chúng tôi đã thấy trước được tiềm năng của đất nước này trên nhiều lĩnh vực về kinh tế, địa lý và nhân khẩu học. Chúng tôi dự đoán rằng, dân số trẻ ở Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh và sẽ đạt đến giai đoạn đỉnh cao trong thời gian 10 - 15 năm tới.

Sự thật chứng minh những nghiên cứu của chúng tôi là đúng. Thông qua các nghiên cứu thị trường, chúng tôi thấy rằng bản thân sự phát triển kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng. GDP của Việt Nam trong 10 năm qua có tốc độ tăng trưởng đáng kể. Những kết quả này đã giúp chúng tôi củng cố niềm tin để phát triển mô hình kinh doanh bất động sản dựa trên quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp và đồng bộ ở Việt Nam.

Bất động sản phát triển sẽ mang lại lợi ích cho xã hội nói chung cũng như với chính quyền nói riêng. Chúng tôi đề cập đến chính quyền là bởi, sự hợp tác và bản quy hoạch tổng thể cho thấy khu vực phía Nam Hà Nội đang diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Điều đó đã mang lại cho chúng tôi cơ hội tham gia vào quá trình đó. Chúng tôi dự đoán rằng, càng ngày sẽ càng có nhiều người đến Hà Nội để chọn nơi định cư mới, những ngôi nhà mới và những cơ hội chắc chắn sẽ đến.

Tóm lại, quyết định đầu tư vào “rốn nước” Yên Sở thực sự là bước đi tất yếu đối với những gì chúng tôi đã chuẩn bị trước đó. Thế nên, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn cơ sở hạ tầng ở khu vực này của Hà Nội và biến nó thành một “nơi đáng sống”.

PV: Có vẻ như trong đánh giá của nhiều người, đó vẫn là một nước cờ quá mạo hiểm, bởi rõ ràng, đây là lần đầu tiên Tập đoàn Gamuda Berhad Malaysia đặt chân tới Việt Nam và vùng đất Yên Sở lại là dự án đầu tay?

Ông Dennis Ng Teck Yow: Khái niệm về “rốn nước” thực ra không quá ghê gớm như tưởng tượng khi lần đầu tiên chúng tôi bước chân vào Hà Nội. Ở góc độ tích cực, phía Nam Hà Nội là một khu vực khá bằng phẳng và chính quyền thành phố đang thực hiện mọi sáng kiến để hạn chế sự cố úng ngập trong suốt 10 năm qua.

Các sáng kiến của chính quyền thành phố về cơ bản là quản lý hệ thống dòng chảy của sông Hồng về phía Nam để tránh lũ. Bất kỳ đề xuất nào của Gamuda trong việc xây dựng 5 nhà máy xử lý nước thải ở khu vực Yên Sở cũng sẽ giúp thành phố chống úng ngập. Phương châm của thành phố là sử dụng hồ làm nơi chứa nước. Hầu hết nước mưa, nước thải của thành phố đều chảy xuống phía Nam và chúng tôi đã quản lý tốt hơn vấn đề này khi nước đã được làm sạch thông qua nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.

Thực tế, nhà máy xử lý nước có thể làm sạch hơn hơn 1/3 lượng nước thải của Hà Nội. Khi làm được điều này, chúng tôi đã tái sinh môi trường sống cho phía Nam Hà Nội và tạo ra môi trường sống xanh hiện nay cho cộng đồng cư dân nơi đây.

Một nơi đáng sống là nơi mà có cộng đồng xã hội, nơi mà mọi người thích nghi với môi trường, nơi mà bản thân họ có thể trở thành một phần của cộng đồng. Ở giai đoạn tới, chúng tôi sẽ tạo ra một hệ sinh thái Gamuda bền vững phát triển cùng các dự án bất động sản.

PV: Thời điểm mới đặt chân vào Việt Nam, Gamuda Berhad Malaysia đã có định hướng và kỳ vọng như thế nào về sự xác lập hình ảnh, thương hiệu của Tập đoàn tại Việt Nam?

Ông Dennis Ng Teck Yow: Thực ra chúng tôi rất lấy làm tiếc khi chưa chú ý vào việc làm hình ảnh và định vị thương hiệu ngay từ đầu mà chỉ tập trung vào mục tiêu làm sản phẩm cho thật tốt. Thông qua những gì chúng tôi đã và đang làm được chính là chìa khóa để khách hàng biết đến Gamuda hơn. Đó là cách tốt nhất để thể hiện thương hiệu của mình, hơn là chỉ nói cho hay. Chính vì vậy, chúng tôi chú trọng việc làm thực tế hơn làm hình ảnh.

Cách đây 10 năm, chúng tôi đến Việt Nam không phải bằng cách tạo sự ồn ào. Hồ sơ năng lực của chúng tôi ít người biết đến, nhưng chúng tôi sẵn sàng bắt tay vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Chúng tôi kết nối mọi người. Chúng tôi kết nối với chính quyền thành phố. Và chúng tôi đã tạo ra được một cộng đồng cư dân tại phía Nam Hà Nội như bây giờ.

Tôi nghĩ, những gì chúng tôi bỏ ra và sự nỗ lực 10 năm qua thực sự đã đưa chúng tôi đến những thành công ngày hôm nay.

Hiện tại, để xây dựng hình ảnh, thương hiệu, chúng tôi tập trung vào 3 chữ trong triết lý kinh doanh: Đó là Tâm huyết (Sincere), Uy tín (Responsible) và Tiên phong (Original). 

Cụ thể, “Sincere - Tâm huyết” nghĩa là sự kết nối chúng tôi với cộng đồng, chính quyền và mọi người xung quanh theo cách cởi mở để mọi người thấy được sự tâm huyết và chân thành của Gamuda.

Thứ hai, về “Uy tín - Responsible”, Gamuda không đầu tư bất động sản bằng việc chỉ đến để xây dựng nhà ở mà còn rất quan tâm đến cộng đồng. Việc tạo dựng môi trường xung quanh tươi đẹp và hiền hòa hơn là một minh chứng.

Thứ ba, về "Original - Tiên phong", khi tham gia, chúng tôi đã hứa và cam kết phát triển như vậy. Chúng tôi thực sự cam kết mang đến những kinh nghiệm chuyên môn tinh túy nhất của Gamuda ở Malaysia. Và chúng tôi tiếp tục trở thành tiên phong trong việc tạo dựng thương hiệu trong cộng đồng Việt Nam. 

Mô hình kinh doanh từ ngày đầu tiên đến nay không bao giờ thay đổi. Những người mà chúng tôi gắn bó từ ngày đó cho đến bây giờ không bao giờ thay đổi. Chiến lược chúng tôi đã áp dụng để đưa cộng đồng vào đúng vị trí của khu đô thị và khiến mọi người chấp nhận chúng tôi không bao giờ thay đổi. Đó là lý do chúng tôi dám tuyên bố rằng Gamuda là tiên phong.

Ngoài ra, chúng tôi còn có các hoạt động xã hội như chương trình “Run for the heart” tổ chức hàng năm đã quyên góp được khoảng 30 tỷ đồng giúp đỡ trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được sống khoẻ mạnh. Gamuda cũng tổ chức nhiều hoạt động tri ân xã hội khác.

PV: Chắc hẳn đã có những khó khăn, có những khoảng thời gian phải thích ứng và định vị thương hiệu, nhất là khi Gamuda Berhad Malaysia lại lựa chọn một vùng đất từng được cho là khó sống. Ông có thể chia sẻ lại về hành trình đã qua?

Ông Dennis Ng Teck Yow: Câu chuyện 10 năm trước, khu Yên Sở này là vùng trũng không phù hợp cho cuộc sống. Tại sao Gamuda Land lại chọn đầu tư ở đây thì nó là sự nghiên cứu lâu dài chứ không phải ngày một, ngày hai.

Chúng tôi đã nghiên cứu thị trường và làm việc sát sao với chính quyền để ra được bản quy hoạch tổng thể cho 30 năm. Thời gian đó, Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới - WTO, nên Gamuda nhận định, Hà Nội sẽ phát triển vì các yếu tố như dân số trẻ, GDP phát triển ổn định.

Trong các báo cáo dự đoán kinh tế, nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh trong 10 - 15 năm nữa. Cộng với quy hoạch tổng thể 30 năm của dự án này đã khiến chúng tôi quyết định đầu tư vào khu vực Yên Sở.

Ở thời điểm đó, Tập đoàn Gamuda Berhad ở Malaysia chuyên về xây dựng hạ tầng cầu đường, kỹ thuật chứ không chuyên về bất động sản. Được thành lập từ 1976, đến năm 1992, Gamuda lên sàn chứng khoán. Đây là động lực thúc đẩy Gamuda tiến xa và mở rộng thị trường. Việt Nam là thị trường rất tâm huyết của Gamuda. Gamuda đã có hơn 30 năm phát triển trong lĩnh vực bất động sản ở Malaysia nên khi đến Việt Nam, chúng tôi tin rằng sẽ thay đổi được bộ mặt phía Nam Hà Nội nói chung và Yên Sở nói riêng.

Lúc ấy, Gamuda nghĩ việc đầu tiên phải làm là đưa công nghệ vào để biến vùng đất này không còn hoang hóa nữa và phù hợp hơn với điều kiện sống. Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở ra đời là dự án BT như ban đầu chúng tôi đã nói. Nhà máy này sau khi hoàn thành đã xử lý được 1/3 lượng nước thải của thành phố Hà Nội và biến nước ở khu vực này thành nước có thể sử dụng được, các loài động thực vật có thể phát triển được.

Khi Gamuda đến đây, chúng tôi gặp phải khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Chúng tôi đã phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền để giải phóng mặt bằng được nhanh chóng. Sau khi giải phóng mặt bằng xong, chúng tôi đã phải làm việc với cộng đồng xung quanh, qua các chuyên gia sở tại để tìm hiểu văn hóa Việt Nam.

Sau hơn 10 năm, hệ thống luật đã được sửa đổi nhiều nên công việc của chúng tôi đạt được kết quả nhanh chóng hơn. Chính phủ cũng đã hỗ trợ cơ sở hạ tầng khu vực này rất tốt như đường vành đai 3 nối Hải Phòng, Bắc Ninh, với Hà Nội đã thành đường trung chuyển rất hiệu quả. Tuyến đường Tam Trinh đang được mở rộng, giảm ách tắc cho Giải Phóng, đồng thời tuyến đường Metro từ Yên Sở đến ga Hà Nội đang triển khai giúp việc tiếp cận khu vực này dễ hơn. Ngoài sự hỗ trợ của chính quyền thì Gamuda cũng nỗ lực cố gắng để tiếp cận văn hóa Việt Nam để phát triển nhiều dự án tốt hơn.

PV: Đến thời điểm hiện tại, theo ông, những định hướng và kỳ vọng đã thu được thành tựu như thế nào?

Ông Dennis Ng Teck Yow: Nói về thành tựu thì chúng tôi không tự đánh giá được, nhưng chúng tôi muốn nói đến 2 từ “ghi nhận”. Thứ nhất là từ phía chính quyền thành phố, đó là sự tiếp tục đầu tư mở rộng về hạ tầng ở khu vực này bởi họ thấy được môi trường ở khu vực này đã thay đổi. Nơi đây dần trở thành một điểm đến rất hấp dẫn thu hút người dân đến sinh sống nên các tuyến đường vành đai và tuyến đường xung quanh đang được mở rộng; ngay cả tuyến đường Metro và các tuyến xe bus quanh đây nữa… đều cho thấy được sự thay đổi về hạ tầng.

Thứ hai là sự ghi nhận từ cộng đồng. Mọi người có thể nhìn thấy Gamuda làm được gì, đó là công viên Yên Sở - một trong những công viên cây xanh lớn nhất Hà Nội với hệ sinh thái đa dạng. Tiếp theo là khu đô thị Gamuda Gardens với tôn chỉ SRO - Tâm huyết, Uy tín và Tiên phong.

Gamuda đã làm được nhiều điều, biến những khu vực này thành khu cư dân đông đúc, lành mạnh. Mọi người được đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, từ trường học đa cấp quốc tế đến nhà hàng, câu lạc bộ cho cư dân, nhiều tiện ích đa dạng phong phú khác cho toàn cư dân trong khu vực…

PV: Như ông vừa trao đổi, thành công của Gamuda là đã xây dựng được cộng đồng cư dân thân thiện. Dường như sự khác biệt về văn hoá không phải là một trở ngại trong quá trình kiến tạo một khu đô thị của người Việt, thưa ông?

Ông Dennis Ng Teck Yow: Ở Malaysia có 3 cộng đồng chung sống với nhau nên concept khu đô thị khi đưa ra sẽ phải phù hợp với văn hóa cộng đồng đó, đôi khi khá nhạy cảm, còn ở Việt Nam chỉ có 1 cộng đồng người Việt chung sống. Đó là lý do Gamuda cần điều chỉnh cho phù hợp với sự khác biệt văn hóa này.

Người Việt Nam coi trọng phong thủy trong nhà ở hay khu vực riêng cho người giúp việc… nên chúng tôi phải nghiên cứu xem xét thiết kế cho hợp lý. Người Việt Nam sử dụng nhiều xe máy hơn ô tô, nên chúng tôi cần thiết kế làn đường cho xe máy mà vẫn an toàn cho mọi người di chuyển hay đi dạo bộ trong khu đô thị, trong khi các phương tiện khác vẫn di chuyển được mà không gây nguy hiểm.

Điểm khác biệt nữa là ở Hà Nội khí hậu có 4 mùa còn trong Sài Gòn có 2 mùa khá giống Malaysia. Điều này liên quan đến tiêu chuẩn kĩ thuật của căn nhà để thích ứng được với thời tiết, đồng thời chúng tôi phải áp dụng các công nghệ tiên tiến vào xây dựng và kinh nghiệm trong kiến tạo khu đô thị, làm sao để tạo dựng 1 khu đô thị chất lượng nhất cho người Việt.

PV: Là một người có gần 10 năm kinh nghiệm tại thị trường bất động sản Việt Nam,ông nhận định thế nào về cách phát triển dự án bất động sản của doanh nghiệp Việt Nam và Malaysia?

Ông Dennis Ng Teck Yow: Việt Nam và Malaysia khác nhau rất nhiều thứ. Trước đó, ở Malaysia chúng tôi tự hào là nhà kiến tạo đô thị có tên tuổi nhưng khi sang Việt Nam, chúng tôi sẽ phải bắt đầu lại dựa trên những khác biệt từ văn hóa đến thể chế.

Khi chúng tôi đưa concept township (khu đô thị) vào Việt Nam thì nó khác với khái niệm khu đô thị ở đây. Ở Malaysia, sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người rất rõ rệt ở một khu đô thị, nhưng hiếm có một khu đô thị như vậy ở Việt Nam vào thời điểm đó.

Cho nên khái niệm đó rất mới, khoảng gần 10 năm trở lại đây mới có. Ở Việt Nam chưa có thể chế rõ ràng cho khu đô thị mà mới chỉ dành cho các khu chung cư, nhà cao tầng; trong khi đó, ở Malaysia thể chế này được hoàn thiện hơn.

PV: Có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản nước ngoài khi đặt chân vào Việt Nam đều cảm thấy khó thích ứng khi có sự khác biệt lớn về quy trình, thủ tục. Còn ông, có bao giờ chính ông thấy “mệt” khi phải thích ứng với “văn hoá hành chính” ở Việt Nam?

Ông Dennis Ng Teck Yow: Nói vui một chút thì có thể thấy tóc tôi đã rụng đi nhiều kể từ khi làm việc cho Gamuda từ 2012 đến nay, gần 9 năm. Tuy nhiên, nếu nhìn mọi thứ theo hướng tiêu cực thì sẽ không thể làm được gì. 

Bản thân tôi luôn nhìn mọi thứ theo hướng tích cực và luôn coi mọi thứ là cơ hội để học hỏi, điều đó sẽ khiến bản thân luôn cởi mở với mọi người xung quanh và cấp dưới, từ đó đưa ra được đường hướng rõ ràng nhất.

Cá nhân tôi đánh giá cao những cá nhân trong công ty và những gì mọi người đã làm được. Những nhân viên ở đây đều có khả năng làm việc rất tốt và thích ứng được nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Điều thứ 2 tôi nghĩ, mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn chính là văn hóa công ty. Lúc trước, những tiêu chí tôi đã chia sẻ về SRO thì bản thân từ phía các nhân viên cấp dưới đều phải hiểu rõ, bởi mỗi cá nhân là một đại diện thương hiệu của công ty. Từ đó làm cho công ty tốt hơn, không chỉ từ phía khách hàng mà còn từ phía nhân viên.

Tiếp theo, tôi luôn tìm cách thay đổi tư duy của khách hàng bằng bộ phận chăm sóc khách hàng. Đây là đường dây kết nối để khách hàng cởi mở hơn với Gamuda. Và chúng tôi có thể cải thiện chất lượng dịch vụ của mình, đem đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm tốt hơn nữa. Đây cũng là cách để tôi tiếp cận gần hơn được với nhân viên và có thể biến những khó khăn thành tích cực và cơ hội cho Gamuda.

PV: Với những thành công được ghi nhận tại khu đô thị Gamuda, bước tiến tiếp theo của Tập đoàn tại Việt Nam được hoạch định ra sao, thưa ông?

Ông Dennis Ng Teck Yow: Với những gì Gamuda đã làm được thì chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội mở rộng dự án, đồng thời có thể khẳng định vị thế ở thị trường Việt Nam tốt hơn. Gamuda cũng có tham vọng mở rộng các dự án bất động sản. Nếu có thể, chúng tôi cũng muốn tham gia vào mảng bất động sản công nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ, còn chi tiết thì phải chờ những gì Gamuda sẽ làm thực tế sau này.

Cụ thể ở Hà Nội, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển dự án Gamuda City với concept “City within the City” - Thành phố nằm trong lòng thành phố. Chúng tôi muốn biến khu vực này thành khu dân cư phát triển và thành điểm đến mới cho người dân Hà Nội. Mọi người có thể thấy được đây là một nơi sống lý tưởng vì có thể tìm kiếm được nhiều giá trị ở đây. Khoảng cách địa lí không quá xa trung tâm Hà Nội, môi trường sống rất thân thiện hài hòa, hệ sinh thái phù hợp cho một cuộc sống phát triển nên Gamuda sẽ đem đến những gì tinh túy nhất từ tiện ích cho đến sự phát triển công nghệ nhưng vẫn giữ nguyên được sự hài hòa trong khu vực.

PV: Tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng là không thể tránh khỏi. Liệu đây có là một chướng ngại vật với Gamuda khi tiếp tục mở rộng quy mô và phát triển?

Ông Dennis Ng Teck Yow: Thời điểm hiện tại là khó khăn chung của toàn thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Tuy nhiên chúng tôi nhìn thấy những điểm sáng tích cực. Thứ nhất là chỉ số kinh tế vĩ mô GDP hay FDI thì các chuyên gia kinh tế dự báo thấp hơn các năm khác nhưng vẫn đạt mức 2,5%. Chúng tôi thấy triển vọng sáng sủa với nền kinh tế giai đoạn này.

Chúng tôi cũng nhìn thấy những kế hoạch vĩ mô Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện như xây dựng sân bay lớn ở Long Thành, Vân Đồn,… Đồng thời, ở cả miền Bắc và miền Nam đều đang thấy có nhiều nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào, nên chúng tôi tin rằng giá trị bất động sản 2 khu vực này tiếp tục tăng. Chúng tôi tin tưởng hoàn toàn vào tương lai xán lạn của thị trường Việt Nam.

- Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Mai Linh - Trần Ngọc
Thảo Quyên * Video: Quốc Phú
06/10/2020 06:00


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top