Aa

“Ốc đảo nhiệt” đô thị - hệ quả của đô thị hoá không bền vững

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 19/08/2019 - 06:15

Đô thị hoá là cụm từ rất quen thuộc trong quá trình phát triển của các thành phố hiện nay, song tốc độ đô thị hoá quá nhanh lại đi kèm những hệ quả không mong muốn. Giới chuyên gia cho rằng đó là quá trình đô thị hoá không bền vững.

Năm nào cũng là năm nóng nhất

Từ năm 2014 đến nay, năm nào cũng được nhận định là năm nóng nhất trong lịch sử nhưng với tốc độ đô thị hoá hiện nay có lẽ sẽ không thể xác định được năm nào là năm nóng nhất,  bởi vì mỗi năm sẽ ngày một nóng hơn. Hiện tượng nóng cả ngày lẫn đêm và vùng đô thị nóng hơn nhiều so với vùng ven đô được giới chuyên gia gọi là hiện tượng đảo nhiệt hay còn gọi là “ốc đảo nhiệt” đô thị (các đô thị được ví như các ốc đảo có nhiệt độ cao hơn rất nhiều so với các vùng khác).

Nguyên nhân hình thành các “ốc đảo nhiệt” đô thị là do năng lượng mặt trời được chuyển thành hơi nóng khi đá, kính và bê tông trong các tòa nhà, vỉa hè, đường nhựa hấp thụ, tỏa ra. Cùng thời điểm đó, các thành phố lại thiếu hơi mát từ cây xanh và nước. Ngoài ra, nhiệt lượng cũng được tạo ra bởi những hoạt động và công nghệ của con người.

Các “ốc đảo nhiệt” sẽ cảm nhận được nhiệt lượng mạnh nhất vào ban đêm và khi đó, nhiệt độ giữa các thành phố với nhau và với vùng nông thôn sẽ có sự khác biệt lớn, cách biệt trong khoảng 1 - 3 độ C. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nhiệt lượng có thể sẽ mạnh mẽ hơn vào ban ngày, khi có nắng, nhiệt độ cách biệt giữa đô thị và nông thôn sẽ lên tới 8 - 12 độ C.

“Ốc đảo nhiệt” đô thị - hệ quả của đô thị hoá không bền vững (ảnh minh họa)

Ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa và dịch chuyển dân cư đến với các vùng đô thị đang diễn ra rất nhanh, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…. Quá trình gia tăng dân số, các phương tiện giao thông, xây dựng… kéo theo sự biến mất của các hệ thống điều hòa tự nhiên (cây cối, ao hồ…). Do ít cây xanh và nhiều bê-tông cùng nhựa đường, khí hậu tại các đô thị khác biệt nhiều so với miền quê xung quanh, nhiệt độ thành phố cao hơn quanh năm so với vùng quê.

Năm 2019 tiếp tục được dự báo là năm nóng nhất trong lịch sử kể từ khi nhiệt độ bắt đầu được quan trắc vào năm 1880. Đối với các thành phố, cùng với biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hoá tăng nhanh là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tính khắc nghiệt của thời tiết, đặc biệt trong những ngày hè oi ả. 

Tại Hà Nội và TP.HCM, trong 2 tháng gần đây đã có những ngày nắng nóng  kỷ lục lên đến hơn 40 độ C và thậm chí gần 50 độ C. Nguyên nhân chính của hiện tượng này chính là do các tia năng lượng bị giữ lại trên bề mặt và các hoạt động của con người (công trình, giao thông...). Hiện tượng này đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có việc quy hoạch và phát triển đô thị.

Chuyên gia nói gì?

PGS. TS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng viện Nghiên cứu định cư phân tích, đô thị hóa là xu thế tất yếu không những của Việt Nam mà còn của toàn nhân loại. Năm 2008, 50% dân số trên thế giới bước vào đô thị. Đây được coi là dấu mốc của một kỷ nguyên đô thị. Ở Châu Á, các chuyên gia dự đoán, 12 thành phố siêu lớn có trên 25 triệu dân xuất hiện từ nay cho đến năm 2030, sẽ có khoảng 4 tỷ người bước vào đô thị.

Đô thị hóa là một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu. Nhiệt độ nóng bình thường ở khoảng 30 - 40 độ C thì nhiệt độ do bê tông hóa, đô thị hóa phải cộng thêm 10 - 15 độ C nữa.

PGS. TS Nguyễn Hồng Thục cho rằng, vấn đề nóng trong đô thị có rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là 3 nguyên nhân sau: Thứ nhất, chúng ta cho xây dựng bừa bãi những dãy nhà cao tầng chắn mặt tiền của thành phố, chắn những hướng gió chủ đạo vào thành phố vào mùa nắng nóng, rõ ràng chặn mất một nguồn lợi từ thiên nhiên làm mát thành phố. 

Nhiệt độ nóng bình thường ở khoảng 30 - 40 độ C thì nhiệt độ do bê tông hóa, đô thị hóa thì phải cộng thêm 10 - 15 độ C nữa.

Tại TP.HCM, các dãy cao tầng xây chắn các mặt tiền của sông Sài Gòn khiến gió Đông Nam, gió tốt vào trong thành phố không còn nữa. Tương tự tại Hà Nội, toàn bộ phần phía Đông Nam của thành phố hay toàn bộ phần bê tông hóa bên bờ sông Hồng của Hà Nội chưa kể vùng Hồ Tây cũng bị thu hẹp bởi mật độ xây cao tầng rất lớn, thậm chí có những tòa nhà xây sát mặt hồ mà cao đến 70 - 80 tầng, cho trung bình cao 30 - 40 tầng.

“Việc chặn tất cả các hướng gió tốt của thành phố là vấn đề nhiều thành phố lớn trên thế giới không dám làm và chúng ta thì cho xây dựng tràn lan”, PGS. TS Nguyễn Hồng Thục nhấn mạnh.

Thứ hai, trong quy hoạch chung các thành phố đều cấm sự phát triển của chung cư cao quá 25 tầng trong nội đô lịch sử (Hà Nội tính là 4 quận nội thành cũ). Thực tế, toàn bộ khu vực mà chúng ta nghĩ rằng giảm mật độ thì nhiệt độ lại tăng cao nhất. Có những khu vực không còn những quy chuẩn xây dựng tối thiểu nữa mà dày đặc bê tông hóa. “Chúng ta đã bê tông hóa chính vào những khu đất vốn đã chật chội hoặc là quỹ tự nhiên, lá phổi xanh của thành phố”, bà Thục cho hay.

Nguyên nhân thứ ba là, một số quy tắc tối thiểu như khi xây dựng các tòa cao ốc phải tránh xa những cấu trúc tự nhiên, phải lùi ra khỏi vùng tự nhiên (ví dụ như bờ sông) ít nhất 1,5 lần chiều cao của tòa nhà để tránh các bóng đổ vào trong các cấu trúc và tránh chuyện lây lan hỏa hoạn và bản thân các chung cư cũng đủ ánh sáng và lấy gió. Thứ nữa là phải dành ra các khoảng đất công cộng để người dân thành phố tiếp cận các không gian thiên nhiên. Tuy nhiên, chúng ta dường như chưa làm được, tất cả những tiêu chuẩn này chúng ta đều vi phạm.

PGS. TS Nguyễn Hồng Thục

PGS. TS Nguyễn Hồng Thục cho hay: “Tất cả các dòng sông, hồ lớn trong thành phố trên thế giới đều cấm xây các nhà biệt thự hay nhà dân hoặc họ sẽ lùi lại 100m để dành cho công cộng còn chúng ta lại lấy mặt tiền sông, mặt tiền bờ hồ cho tư nhân xây dựng. Chúng ta quây thành dãy, bịt kín các bờ sông, bờ hồ. Điều này vi phạm những quy chuẩn rất cơ bản của xây dựng đô thị”.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng, ở Linh Đàm đã từng đạt mật độ cây xanh là 5 - 6m2/đầu người, hiện chỉ còn 0,4m2/đầu người. Hà Nội trước kia cũng từng giữ được vào khoảng 3 - 4m2/người còn bây giờ chỉ còn 0,8m2/đầu người. Diện tích cây xanh mặt nước giảm cũng là hệ quả của việc cấp phép xây dựng bừa bãi - căn bệnh rất nặng trong đô thị chúng ta.

“Không gian đô thị phải chồng khít với không gian kinh tế thì người dân mới đỡ đi lại và an cư được. Đằng này chúng ta lại để xảy ra tình trạng phát triển đô thị chỉ là xây các phòng ngủ để bán, phân lô bán nền thì rõ ràng sẽ tạo ra một đô thị rất nghèo, một đô thị nông cạn. Hiện nay đô thị hoá đang tràn lan ở Việt Nam và đặc biệt các vùng ngoại vi, dần dần chúng ta biến các đô thị của Việt Nam chỉ là những đô thị rất kém về mặt dịch vụ, vẫn là kinh tế hộ, dịch vụ phố và bừa bãi ở trên các vỉa hè, đi cùng đó là những cảnh báo về hiện tượng “ốc đảo nhiệt”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top