Những ngày gần đây, câu chuyện hậu cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đang thu hút không ít sự chú ý của dư luận. Việc các nghệ sỹ gắn bó 50 - 60 năm với VFS mang đơn đi “kêu cứu” khắp nơi sau cổ phần đã gây xúc động mạnh cho nhiều người.
Hình ảnh các nghệ sỹ một thời gây dựng và hun đúc tình yêu điện ảnh cho hàng vạn người dân Việt Nam qua các bộ phim, như Biệt động Sài Gòn, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Mối tình đầu, Làng Vũ Đại ngày ấy, Con chim vành khuyên, Em bé Hà Nội… ngày nào giờ đây phải tất tả “cầu cứu” khắp nơi, nhằm giữ lại hãng phim mình gắn bó bao nhiêu năm đã gây bức xúc cho nhiều người.
Thêm vào đó, dư luận càng bức xúc hơn khi người gây ra tình trạng hiện nay của VFS lại là một đơn vị đường sông - Tổng công ty Vận tải thủy, không hề liên quan gì đến văn hóa, phim truyện.
Vivaso trước đây là Tổng công ty Đường sông miền Bắc, có trụ sở đóng tại 158 Nguyễn Văn Cừ – Quận Long Biên – Thành phố Hà Nội. Tháng 7/2010 thực hiện Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty Nhà nước thành công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên, Vivaso chyển sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo quyết định số 1764/QĐ-BGTVT ngày 25/6/2010 của Bộ Giao thông vận tải.
Sau đó, thực hiện Quyết định số 49/QĐ-BGTVT ngày 08/01/2013 của Bộ GTVT về việc Phê duyệt danh sách doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, Vivaso triển khai việc cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng Công ty Vận tải Thủy và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Vì vậy, mặc dù trên giấy tờ, “ông chủ” của VFS hiện nay là Vivaso. Tuy nhiên, bản thân Tổng công ty này cách đây gần 4 năm cũng trở thành đối tượng bị "thâu tóm" bởi một doanh nghiệp tư nhân khác - Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường. Đơn vị này hiện đang sở hữu 77,1% vốn tại Vivaso.
Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng giám đốc Vạn Cường, đồng thời là người nắm giữ tới 98,87% vốn điều lệ tại đây. Doanh nghiệp này được đánh giá là có tiềm lực lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông khi từng được Bộ GTVT giao nhiều dự án thi công đường bộ lớn như quốc lộ 1A và quốc lộ 14…
Tuy nhiên, cái tên Vạn Cường và ông chủ Nguyễn Thủy Nguyên lại nổi lên nhờ hàng loạt vụ thâu tóm doanh nghiệp cổ phần hóa trong đó có Vivaso và VFS. Theo đó, đang thi công nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn nhỏ tại các tỉnh, thành phía Bắc, Vạn Cường vẫn chịu chi hàng trăm tỷ đồng để thâu tóm hơn 77% vốn cổ phần của Vivaso vào năm 2014. Sau khi thâu tóm phần lớn cổ phần Vivaso, ông Nguyễn Thủy Nguyên nhanh chóng trở thành Chủ tịch tại công ty vận tải đường thủy này.
Liên quan đến vụ việc ở VFS hiện nay, chính ông Nguyên cũng là người đứng ra giải đáp thắc mắc của các văn nghệ sỹ trong cuộc đối thoại khá căng thẳng kéo dài gần 3 tiếng đồng hộ chiều 19/9 vừa qua.
Tại cuộc đối thoại này, trước bức xúc của tập thể văn nghệ sỹ, ông Nguyên thừa nhận, Vivaso là công ty đường thủy, không có kinh nghiệm làm phim: "Chúng tôi vẫn chưa có giám đốc, rất cần một lãnh đạo biết nghề, có kiến thức để phát triển. Chúng tôi mới tiếp quản có hai tháng thì chưa có định hướng lẫn lộ trình phát triển rõ ràng".