Aa

Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo Uỷ ban Kinh tế nghiên cứu góp ý của VNREA về Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS 

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Ba, 22/08/2023 - 12:34

Ngày 18/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã có văn bản chỉ đạo Uỷ ban Kinh tế nghiên cứu những góp ý sửa đổi, bổ sung của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS.

Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu Uỷ ban Kinh tế phối hợp chặt chẽ với các Uỷ ban của Quốc hội trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Luật liên quan; tiếp tục trao đổi, thông tin kịp thời đến Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA). 

Từ khi xây dựng các dự thảo Luật liên quan đến thị trường bất động sản, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức và giao cho các đơn vị trực thuộc tổ chức trên 30 hội nghị, hội thảo, toạ đàm... lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học góp ý sửa đổi, hoàn thiện những nội dung quan trọng, toàn diện trong các dự thảo Luật.

Sau các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, Hiệp hội đã có các kiến nghị gửi đến các cơ quan của Quốc Hội, Chính phủ, các Bộ, ngành... và cơ bản các kiến nghị đề xuất của Hiệp hội đều được lãnh đạo Uỷ ban Kinh tế của Quốc Hội quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh.

Ngày 9/8, lãnh đạo VNREA đã có buổi làm việc với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về góp ý dự thảo luật. 

Mới đây nhất, ngày 15/8, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có văn bản số 07/BC-HHBĐSVN tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản. 

Theo đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung 32 nội dung tại Luật Đất đai, 31 nội dung tại Luật Nhà ở và 20 nội dung tại Luật Kinh doanh bất động sản. Trong đó, có nhiều vấn đề được xem là “nút thắt cố hữu” trong quy định pháp luật, ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản suốt nhiều năm qua cũng được VNREA đề xuất sửa đổi. 

Đơn cử như vấn đề đất để xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 2,3 Điều 80 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), VNREA đề xuất giữ quan điểm (theo bản đã trình Quốc hội tháng 5/2023): Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị không phải dành diện tích đất ở trong phạm vi dự án để xây dựng nhà ở xã hội”. 

Trường hợp không thực hiện phương án này, VNREA đề xuất cơ quan soạn thảo làm rõ các nội dung về tỷ lệ diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội và phương pháp xác định giá trị tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội. 

Lý do VNREA đưa ra là nếu quy định buộc các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị loại III trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội và phải chọn một trong ba hình thức (dành quỹ đất, đóng tiền, dành quỹ nhà) là chưa phù hợp với thực tiễn, có thể gây lãng phí. 

Ở các thành phố lớn như TP.HCM nếu sử dụng 20% (theo quy định hiện hành) diện  tích vào nhà ở xã hội là không khả thi do diện tích không bảo đảm cho một khu nhà ở xã hội đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, cảnh quan chung, tiện ích. Bên cạnh đó, quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại trung cấp, cao cấp có thể không đủ lớn, chi phí xây dựng, kết cấu hạ tầng, bố trí dịch vụ tiện ích cao sẽ đẩy giá thành, giá bán của nhà ở xã hội cao, gây thêm khó khăn cho người thu nhập thấp. 

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch VNREA tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản ngày 3/8.

Về ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê tại điểm b, Khoản 2, Điều 82 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), VNREA đề xuất bổ sung: “… Đối với thu nhập từ dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án được áp dụng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm, kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, được miễn thuế trong 04 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm thiếp theo; đối với diện tích nhà ở xã hội không thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không phải nộp lệ phí trước bạ khi cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở”. 

Tại điểm đ, Khoản 2, Điều 82 dự thảo Luật này, VNREA đề xuất sửa đổi thành: “Được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp và thời hạn vay dài hạn từ quỹ phát triển đất, quỹ đầu tư phát triển địa phương và các tổ chức tài chính khác để phục vụ thực hiện dự án; Được huy động vốn thông qua các hình thức hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết và các nguồn vốn hợp tác khác của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”. 

Tại điểm e, Khoản 2, Điều 82, VNREA đề xuất sửa đổi thành: “Được bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội thiết yếu trong phạm vi dự án và thực hiện đấu nối với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực”. 

Về nguyên tắc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội tại Điều 85 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), VNREA cho rằng, nên tôn trọng quyền tự quyết tài sản của người mua nhà. Vì vậy, Hiệp hội đề xuất không quy định thời gian tối thiểu được phép bán nhà ở xã hội (hiện là 5 năm). 

VNREA tổ chức Hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS. 

Đối với phương pháp định giá đất, VNREA kiến nghị Luật Đất đai (sửa đổi) không quy định phương pháp định giá đất mà chỉ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết tại các Nghị định, Thông tư hướng dẫn (trường hợp cần thay đổi, bổ sung thì sửa đổi các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, tránh phải thay đổi Luật trong khi còn nhiều ý kiến trái chiều). Nếu Quốc hội không đồng ý đề xuất này thì VNREA kiến nghị chọn phương án 1 (có bổ sung phương pháp thặng dư) tại dự thảo Luật Đất đai. 

Về vấn đề sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất (Điều 127 ) và điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại (Điều 12) tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề nghị sửa đổi điểm b, Khoản 4 Điều 122 dự thảo Luật để cho phép “Đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì được thỏa thuận về quyền sử dụng đất ở hoặc đất khác hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở”, không phải bắt buộc kèm theo 1m2 đất ở. 

Ngoài ra, VNREA đề nghị sửa đổi Khoản 6 Điều 127 dự thảo: “Người được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất có quyền sử dụng đất ở hoặc đất khác, hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở”; không bắt buộc kèm theo 1m2 đất ở. Đề nghị nghiên cứu trong trường hợp đối với đất nông nghiệp khi đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án. 

Đề xuất 2, VNREA cho rằng nên sửa đổi Khoản 1 Điều 127 và điểm c, Khoản 4 Điều 122 dự thảo Luật theo hướng làm rõ đối với nội dung “không thuộc quy định tại Điều 79 của Luật này” đối với trường hợp dự án thuộc quy định tại Điều 79 (ví dụ dự án khu đô thị, nhà ở thương mại...) nhưng chưa có trong danh mục các dự án thu hồi đất được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện; hoặc đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nhưng chưa có thông báo thu hồi đất; thì cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về quyền sử dụng đất /hoặc trường hợp nhà đầu tư đã có sẵn quyền sử dụng đất thì cho phép lập thủ tục chấp thuận nhà đầu tư đồng thời lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất mà không phải thực hiện việc thu hồi đất. 

Về đối tượng được thuê, mua nhà ở, công trình xây dựng được quy định tại khoản 4, Điều 16 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất: “Tổ chức nước ngoài đang trong thời hạn hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài đang trong thời hạn được cư trú hợp pháp tại Việt Nam được thuê, mua công trình xây dựng để sử dụng theo đúng công năng của công trình xây dựng phục vụ cho các hoạt động của mình theo quy định Pháp luật, không ảnh hưởng đến khu vực quốc phòng, an ninh”.  

Bởi theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê, mua công trình xây dựng tại Việt Nam là phù hợp với nhu cầu thực tế và tình hình thị trường hiện nay. 

Với tinh thần đồng hành và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, VNREA sẽ tiếp tục góp ý sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các bộ luật quan trọng./.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin các kiến nghị góp ý sửa đổi, bổ sung của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về 3 dự thảo Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trong các chuyên đề tiếp theo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top