“Việt Nam cần tiến biển với tâm thế và tư thế mới cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp”

“Việt Nam cần tiến biển với tâm thế và tư thế mới cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp”

Thứ Hai, 21/06/2021 - 06:00

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi từng chia sẻ rằng, được sinh ra và có thời thơ ấu bên bờ sông Hồng, hằng ngày ngắm nhìn dòng sông chảy về xuôi khiến ông luôn nghĩ về miền tận cùng của sông. Sau này ở trường đại học, ông được học về khoa học trái đất, về biển. Lúc làm tiến sĩ ở Ba Lan, ông thực hiện đề tài về vùng cửa sông - nơi gặp gỡ của đất với biển. Đúng là cơ duyên đã dẫn ông từ sông ra biển lớn và dành cả cuộc đời mình gắn bó với biển, nghiên cứu, quản lý và giảng dạy về biển.

Ông nhấn mạnh: “Tôi phải tranh thủ truyền cảm hứng biển cho lớp trẻ, hy vọng có lớp người kế thừa, phát triển sự nghiệp lớn của đất nước, để các bạn tiếp tục nói cho xã hội, cho nhân dân hiểu đúng và sâu sắc về biển”.  

Vị chuyên gia đã dành thời gian chia sẻ với Reatimes về lịch sử của công cuộc lấn biển theo suốt chiều dài lịch sử và chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo của Việt Nam.

PV: Thưa PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, là người nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực biển, ông có thể chia sẻ những câu chuyện điển hình trong lịch sử về khát vọng lấn biển, chinh phục biển của dân tộc ta?

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Từ xưa các cụ đã nói, Việt Nam là đất nước “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”. Ngụ ý rằng nước ta có biển rộng, nhiều núi đồi, nhưng rất ít đất ở và trồng trọt. Đất đã chật, người lại đông. Bởi thế, công cuộc khai hoang để mở mang, khai phá ruộng đất, phát triển kinh tế - xã hội đã được chú ý và bắt đầu từ lâu đời với quy mô và hình thức khác nhau.

Đặc biệt là các hoạt động khai hoang lấn biển (gọi tắt là lấn biển) được tiến hành ở các vùng đồng bằng phù sa màu mỡ, đất tốt và dễ canh tác, nhất là vùng ven biển đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Một cách tự nhiên, đây là những vùng “châu thổ lấn tiến” ra biển, và ở vùng ven biển của hai đồng bằng này hình thành nên các bãi bồi phù sa rộng lớn, tốc độ vươn ra biển hàng năm khá nhanh.

Mục đích chung và xuyên suốt thời gian dài là khai hoang để trồng lúa, tạo dựng nền văn minh “trồng lúa nước” điển hình ở nước ta. Đầu tiên các cụ lấn các bãi bồi ven sông, sau đó chuyển sang lấn biển kết hợp “thau chua, rửa mặn” để ngọt hóa làm nông ở quy mô nhỏ lẻ, lâu dài lại chuyển thành làng mạc.

Đến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, vùng đất bãi bồi ven biển đồng bằng sông Hồng rộng mênh mông hầu như chưa được khai phá bao nhiêu, chỉ có vài làng tự phát, nhà cửa lèo tèo phía trái sông Hồng. Sau đó, cụ Nguyễn Công Trứ là người đầu tiên lập nên công trạng nhờ khai hoang lấn biển ở “quy mô lớn”, hình thành nên đơn vị cấp huyện từ khai hoang lấn biển là Tiền Hải (1828) thuộc tỉnh Thái Bình nay, và Kim Sơn (1829) thuộc tỉnh Ninh Bình. Sự nghiệp lấn biển cũng gắn với tài tổ chức của ông, với người lao động nghèo, với phát triển sinh kế mới và khát vọng hướng biển lập cơ đồ.

Sau này, trong những năm 1961 - 1970, Chính phủ ta đã phát động phong trào khai hoang các vùng đất mới, gồm đồi núi hoang vu và lấn biển. Mục đích là để giãn dân, phát triển các vùng kinh tế mới, cải thiện mức sống của người dân. Ở vùng ven biển, lấn biển vẫn là để làm nông, đôi chỗ lập nên những nông trường rộng lớn từ khai hoang, sau này kết hợp làm đầm nuôi thủy sản thông qua hình thức “quai đê” lấn biển. Các khu vực ven biển có rừng ngập mặn và đất chua phèn, sau khi lấn biển năng suất lúa và tôm đều thấp do đất ở đây dùng vài năm bị suy thoái, bị cứng rắn hóa.

Càng về sau, chuyện lấn biển càng “nóng”, chuyển đất ồ ạt sang cả xây dựng hoặc mở rộng đô thị, làm khu công nghiệp, trang trại nuôi thủy sản,... theo cách “đồng nhất hóa” việc sử dụng các vùng đất ven biển khác nhau về bản chất. Hệ lụy là nhiều vùng đất sau đó bị hoang hóa, thay đổi về chất, không cho năng suất như mong muốn. Tuy nhiên có thể nói, dù có những thành bại thế nào thì lấn biển/tiến biển vẫn luôn là khát vọng của người Việt, không chỉ để mưu sinh mà còn để tiến ra biển khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

PV: Được biết vào thời điểm 1998 - 1999, câu chuyện lấn biển được nhận định như là những “canh bạc”. Nhưng dẫu sao, những đô thị lấn biển vẫn bắt đầu được triển khai và chúng ta đã chứng kiến những đô thị lấn biển dần thành hình. Ông có thể chia sẻ thêm về bối cảnh lịch sử của quốc tế và Việt Nam thời gian này cũng như những khó khăn, rào cản khi Nhà nước hay doanh nghiệp thực hiện lấn biển?  

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Với tư cách là một thành viên của kinh tế khu vực, các biến động kinh tế tại Việt Nam chịu ảnh hưởng lan truyền từ khủng hoảng tài chính - tiền tệ của khu vực Đông Á thời điểm 1997 - 1998. Tuy vậy, ở Việt Nam vẫn xuất hiện dấu ấn chuyển từ “lấn biển” sang “tiến biển”, theo nghĩa vượt ra khỏi không gian ven bờ để nối kết với không gian đảo gần bờ và để chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển. Quả thật, thời điểm này, “đổ tiền ra biển” chỉ là những “canh bạc”, năm mươi năm mươi… 

Hàng loạt rào cản đối với nền kinh tế quốc dân từ cuộc khủng hoảng nói trên đã bộc lộ, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta bị chậm lại, GDP trên đầu người đã không thể tiếp tục duy trì và giảm xuống còn 4% vào giai đoạn 1998 - 1999; các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký tham gia khi đó chưa kịp phát huy tác dụng; đầu tư nước ngoài cũng hạn chế... Điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó tiến ra biển, dựa vào biển vẫn là khát vọng cháy bỏng.

Trong bối cảnh đó, hình hài của những đô thị “tiến biển” dọc theo chiều dài đất nước đã xuất hiện, đánh dấu một bước chuyển dịch quan trọng về nhận thức và tư duy với niềm tin vào những bước đột phá tiếp theo. Để làm được điều đó, cần có thể chế, chính sách mới và cần độ mở về cơ chế đủ để đánh thức tiềm năng vốn có của biển, đảo và vùng ven biển nước ta. Đó là bài học quý được rút ra.

Hình hài của những đô thị “tiến biển” dọc theo chiều dài đất nước đã xuất hiện. (Ảnh sưu tầm).

PV: Trong công cuộc lấn biển này, không thể không nhắc đến những doanh nhân đầu tiên dám nghĩ dám làm, dám đắp một con đường nối đất liền với đảo, để rồi những làng chài nghèo, những hòn đảo hoang sơ được tái sinh trở thành những đô thị hiện đại, khang trang, những viên ngọc du lịch có tên tuổi trên thế giới, điển hình như Tuần Châu (Quảng Ninh), Rạch Giá (Kiên Giang), Hòn Tre trong vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), hay mới đây là đề xuất lấn biển Cần Giờ (TP.HCM)… Ông có ấn tượng gì về những doanh nhân tiên phong này?

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Công cuộc đổi mới nào cũng cần có con người và nguồn lực, đặc biệt là từ các doanh nghiệp và doanh nhân, khi đất nước ta chuyển sang phát triển nền kinh tế định hướng thị trường. Văn hóa “biển” đòi hỏi những người tiến biển phải có tố chất khác, dám nghĩ, dám làm, thậm chí phải chấp nhận mạo hiểm, rủi ro vì suất đầu tư vào dự án biển thường lớn nhưng cho hiệu quả lâu dài.

Tuần Châu có thể xem là một ví dụ, khi tỉnh Quảng Ninh có chủ trương “đổi đất lấy hạ tầng”, tranh thủ huy động vốn doanh nghiệp bằng “cơ chế” đúng, chấp nhận “đánh đổi” nhưng hai bên đều có lợi. Và ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Công ty Âu Lạc - với cách nghĩ đơn giản nhưng chứa đựng sự tự tin và quyết đoán, đã mạnh dạn đầu tư vào đảo Tuần Châu, điều chỉnh linh hoạt và từng bước nâng cấp theo hướng hiện đại hóa rõ rệt.  

Đích cuối của ông là biến hòn đảo gần bờ, hoang sơ này thành một khu đô thị du lịch đẳng cấp quốc tế, và giờ đây đã đem lại hiệu quả rõ ràng. Tuần Châu đã trở thành một khu đô thị du lịch đảo nổi tiếng thế giới trong quần thể đảo vịnh Hạ Long - Cát Bà với những giá trị di sản ngoại hạng toàn cầu.

Ông Tuyển cũng trở thành một trong số những người tiên phong tiến biển ở nước ta, nhưng công bằng mà nói, tôi quan tâm tới vấn đề rộng hơn, không chỉ dừng lại ở hình thức về một “đảo ngọc” đẹp, mà là các bài học tiến biển từ Tuần Châu và về Tuần Châu cần được rút ra và nhân rộng. Trộm nghĩ, vị thế và vẻ đẹp Tuần Châu sẽ được tôn vinh hơn thế nữa nếu tiến biển, nối kết bờ với hòn đảo này không phải bằng một con đường mà bằng một cây cầu đẹp về kiến trúc, có giá trị văn hóa biển riêng và là một điểm đến của du khách... Khi đó, “tính đảo” của Tuần Châu còn nguyên vẹn, chứ không bị “đất liền hóa” theo cách lấn biển xưa cũ.

Tuy đi sau, nhưng Công ty Cổ phần Vinpearl, thành viên của Tập đoàn Vingroup, đã xây dựng thành công Khu du lịch Hòn Ngọc Việt trên đảo Hòn Tre, trong vịnh Nha Trang (một trong những vịnh đẹp toàn cầu), tỉnh Khánh Hoà. Ban đầu là một khu du lịch nghỉ dưỡng sang trọng quy mô khiêm tốn ở Vũng Me, bãi Trũ thuộc đảo Hòn Tre (đảo rộng 36km), mở cửa vào năm 2003, sau dần nâng cấp, mở rộng và giờ có thể xem là một kiểu “Đô thị du lịch - dịch vụ đảo” đa dạng, một thiên đường du lịch biển đảo của Việt Nam có đẳng cấp quốc tế với tên gọi mới từ năm 2006 - Vinpearl Land Nha Trang.

Dù có những thành bại thế nào thì lấn biển/tiến biển vẫn luôn là khát vọng của người Việt, không chỉ để mưu sinh mà còn để tiến ra biển khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc (Ảnh sưu tầm).

Câu chuyện về khu đô thị ven biển mới khang trang bên bờ biển Tây nhờ lấn biển ở vịnh Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cũng khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Người dân địa phương tự hào về sự “thay da, đổi thịt” của thành phố Rạch Giá quê hương mình và đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai phát triển của nó. Nhớ lại, dự án lấn biển Rạch Giá được chính thức khởi công xây dựng từ năm 1999 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 420ha, khu Tây Bắc gần 100ha (khởi công năm 2015) và khu vực bãi bồi tự nhiên 16ha. Chỉ riêng dự án lấn biển Rạch Giá đã giải quyết đất ở cho 60.000 người dân cùng với việc xây dựng các công trình công ích xã hội, khu hành chính cấp tỉnh, quảng trường, bệnh viện, trường học… Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Cường là đơn vị đầu tiên được tỉnh Kiên Giang bàn giao khoảng 160ha đất trong dự án biển Rạch Giá để xây dựng khu đô thị mới, có hạ tầng đồng bộ, các công trình đẳng cấp và hấp dẫn phục vụ cư dân địa phương và du khách… Nhờ lấn biển, TP. Rạch Giá có tầm vóc mới, có giá trị vị thế mới, xứng đáng là “thủ phủ” phía Tây Nam Tổ quốc.

Gần đây, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870ha đã được Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Vingroup là chủ đầu tư. Đây sẽ là một trong những dự án tạo ra bước đột phát mới cho huyện Cần Giờ, TP.HCM và cả nước trong việc phát triển đột phá kinh tế biển. Có thể nói, dự án này kế thừa không gian vốn có của thị trấn Cần Giờ hiện nay trên một cồn cát cửa sông đã cơ bản ổn định và sẽ mở rộng về phía biển. Cho nên, thuận lợi cho khả năng nối kết và hài hòa sinh thái với Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, phát huy các giá trị của “Khu rừng Sác” lịch sử cũng như những khu đô thị, công nghiệp lân cận... Song, để phát huy các lợi thế vốn có, Cần Giờ cần phát triển theo mô hình đô thị sinh thái ven biển xanh, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng với các ưu tiên cho phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn rừng ngập mặn, sử dụng năng lượng tái tạo, và là một trung tâm tài chính - văn hóa, thương mại - dịch vụ của TP.HCM.

PV: Phải chăng, những doanh nhân này đã tiếp nối ý chí kiên cường lấn biển, mở đất của cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa?

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Quả là những doanh nghiệp tiến biển ngày nay đã và đang tiếp nối được ý chí kiên cường, khao khát lấn biển, mở đất của cụ Nguyễn Công Trứ ngày trước, tạo tiền đề và tấm gương cho những người khác tiếp bước, đặc biệt là những doanh nhân trẻ noi theo. Bỏ “đồng tiền, bát gạo” đầu tư vào biển, đảo, họ phải chấp nhận những rủi ro, mất mát có thể trắng tay, họ phải biết bỏ qua những hoài nghi “dã tràng xe cát Biển Đông”… Dó đó, cần những người có ý chí, nghị lực và cả bản lĩnh.

Tôi thấy, những người này luôn có niềm tin sắt đá vào chính việc họ làm, nên họ thường vượt qua được những khó khăn, trở ngại, thậm chí có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, để đi đến thắng lợi cuối cùng. Và, không phải chỉ đơn thuần là lợi ích kinh tế, trong họ luôn có được ý thức rất rõ ràng về lợi ích quốc gia, về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982.

Tuy nhiên trong thực tế, đầu tư vào biển cũng là một dạng đầu tư “mạo hiểm”, do đó rất cần có cơ chế, chính sách thỏa đáng để khuyến khích các doanh nhân chủ động tham gia.

PV: Thưa ông, mới đây Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có văn bản yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng dự thảo Nghị định về lấn biển như đã được giao tại Nghị quyết số 134 ngày 17/11/2020, Quốc hội khóa XIV, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định, sớm trình Chính phủ vào quý II/2021 để giải quyết căn bản các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án lấn biển. Ông nhận định như thế nào về quyết định tháo gỡ khó khăn này của Chính phủ?

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Chúng ta đều biết, ngày càng có nhiều dự án lấn biển ra đời, đã và đang được thực hiện ở hầu hết địa phương ven biển với quy mô khác nhau. Bên cạnh những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn ven biển cũng như trên các đảo, hoạt động lấn biển cũng đặt ra những vấn đề phải giải quyết, nhất là về mặt môi trường và xã hội.

Gần đây, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các luật, cũng như các văn bản dưới luật liên quan tới khai thác, sử dụng biển, đảo, bao gồm hoạt động lấn biển, tiến biển. Tuy nhiên, để các dự án lấn biển đạt hiệu quả cao, bảo đảm an toàn sinh thái và môi trường, cần phải có chính sách, cơ chế, quy định cụ thể đối với các hoạt động đặc thù này.

Nghị định về lấn biển đang trong quá trình dự thảo, lấy ý kiến chuyên gia và các bộ, ngành. Tinh thần chung là tháo gỡ quy định chồng chéo giữa các luật, chính sách trong cùng ngành, giữa các ngành, giữa trung ương và địa phương; bảo đảm lợi ích của người dân liên quan dự án; bảo đảm hài hòa giữa phát triển và môi trường; khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án lấn biển...

Bên cạnh đó, nghị định được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý để kiểm soát chặt chẽ hoạt động lấn biển, bảo đảm lợi ích “kép”, bảo tồn để phát triển và ngược lại.

PV: Thưa ông, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có xác định mục tiêu “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển”. Ông có chia sẻ như thế nào về mục tiêu này? Với mục tiêu này, Việt Nam sẽ khai thác thế mạnh biển đảo như thế nào?

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Thật ra, mục tiêu bao trùm này đã được xác định từ Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 ban hành tại Nghị quyết số 09-NQ/TƯ năm 2007 và được nhắc lại trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (ban hành ngày 22/10/2018).

Mục tiêu “phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển” xuất phát từ nhận thức đầy đủ về xu thế của thời đại, từ vị thế và tiềm năng của biển cho phép Việt Nam phát triển một nền kinh tế biển mạnh, đa dạng và đa lĩnh vực. Để đạt được mục tiêu bao trùm và mang tầm chiến lược này, cần tập trung đầu tư phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững dựa trên nền tảng của kinh tế biển xanh, của khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại và của nguồn nhân lực biển có chất lượng cao, kết hợp với phát huy “văn hóa biển” đặc thù Việt Nam.  

Theo tinh thần của Chiến lược biển đến năm 2030, chúng ta phải hướng ra biển, tiến ra biển và dựa vào biển để biến các lợi thế thành lợi ích, trong khi vẫn duy trì một nguồn vốn tự nhiên phân bố trong không gian biển 3 chiều - yếu tố đầu vào của kinh tế biển xanh.

Cho nên, cần chú trọng khai thác các giá trị không gian, giá trị phi vật chất và giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái biển. Tổ chức lại không gian kinh tế biển theo hướng ưu tiên phát triển các khu kinh tế biển, các đô thị lấn biển/tiến biển để hình thành các vùng kinh tế biển động lực, các “cực phát triển” kinh tế biển mạnh và có khả năng lan tỏa; bảo đảm liên kết vùng trên cơ sở phát huy thế mạnh vùng miền. Phát triển kinh tế biển giàu mạnh là cách tốt nhất bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh trên biển; góp phần duy trì môi trường hòa bình và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

PV: Cùng với mục tiêu này, lộ trình phát triển các đô thị biển sẽ như thế nào, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Nước ta có vùng biển rộng, bờ biển dài và nhiều đảo với các lợi thế cơ bản về phát triển cảng biển, đô thị, các khu công nghiệp và kinh tế biển đa lĩnh vực. Trong đó, như trên đã nói, phát triển các đô thị biển, bao gồm đô thị ven biển, đô thị đảo và đô thị trên biển đang là một xu hướng thực tế. Phát triển các đô thị biển là vấn đề chiến lược dài hạn để góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Vì các đô thị ở 28 tỉnh thành ven biển vừa qua đã có những đóng góp to lớn, cho nên đô thị biển không phải chỉ là nơi tích tụ dân số, mà phải là các trung tâm kinh tế biển lớn - kinh tế đô thị biển. Phát triển hệ thống đô thị biển theo đúng nghĩa của nó sẽ phải được tiến hành như sau: Thứ nhất là thể chế hóa vấn đề phát triển các đô thị biển; tạo cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp/doanh nhân và người dân. Thứ hai, các đô thị biển là những không gian quan trọng trong không gian kinh tế biển quốc gia, cho nên phải có vị trí xứng đáng trong “Quy hoạch không gian biển Quốc gia” thực hiện Luật Quy hoạch 2017. Thứ ba là đô thị biển phải được nhìn nhận như một lĩnh vực quan trọng của kinh tế biển nước ta, tương xứng các ngành/lĩnh vực kinh tế biển khác, ví dụ du lịch biển...

Phát triển các đô thị biển cần có thời gian dài, nên phải theo các lộ trình hợp lý. Trước hết là chỉnh trang, nâng cấp và xây mới các đô thị ven biển (Coastal city), chú trọng các đô thị ven biển gắn với cảng nước sâu. Thứ hai là sớm xây dựng chuỗi đô thị đảo (Island city), tiếp theo thành phố đảo Phú Quốc, có thể là thành phố Côn Đảo, thành phố đảo Phú Quý, thành phố đảo Lý Sơn, Vân Đồn, Cô Tô... Thứ ba là xây dựng các đô thị trên biển (Ocean-based city) gắn với các cụm đảo nhỏ, các vị trí bảo tồn biển... Đây cũng là căn cứ định hướng sự vào cuộc của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

PV: Thưa PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, trong các nghiên cứu, bài viết, phát biểu của mình, ông đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần là làm thế nào để “Việt Nam không mãi đứng ven bờ”. Để đạt được điều đó, công cuộc lấn biển thời nay của Việt Nam phải chăng cần tiến hành dựa trên những bài học từ lịch sử và đặc biệt là tinh hoa lấn biển từ quốc tế?

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Ngày nay, lấn biển và tiến biển đa dạng hơn, nhiều mục đích hơn, quy mô rộng lớn hơn, chất lượng ở đẳng cấp cao hơn nhiều với việc áp dụng chọn lọc và hiệu quả thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 để tạo ra một khu kinh tế, một khu đô thị... xanh, sạch và thông minh.

Đã đến lúc, chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại các bài học khai hoang lấn biển của cha ông trong quá khứ và tiến biển của thế giới hiện đại. Trong đó, phát triển các đô thị biển gắn với kinh tế đô thị và bảo đảm quốc phòng an ninh ở tất cả các mảng không gian ven biển, đảo và biển là yêu cầu cấp bách và mang tầm chiến lược để “Việt Nam không mãi đứng ven bờ”.

Đây không phải là giấc mơ viển vông mà là phương án khả thi, thực tế trong bối cảnh phức tạp của Biển Đông. Ngoài các đô thị ven bờ, đô thị hóa “biển đảo”, thì phát triển năng lượng biển tái tạo, đánh bắt và nuôi thủy sản trên biển... đang là xu thế hiện hữu trong khu vực Biển Đông.

Với tư cách một quốc gia ven biển, có nhiều đảo và quốc gia có biển, chắc chắn Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Tiến biển bằng đô thị và phát triển năng lượng biển tái tạo còn cho thấy khả năng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở nước ta, dựa trên việc ứng dụng có hiệu quả các công nghệ tiến tiến, hiện đại và phù hợp.

PV: Thưa ông, một câu hỏi cuối cùng, ông nhận định như thế nào về vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong công cuộc lấn biển, chinh phục biển? Thực tế là cũng chỉ có số ít doanh nghiệp dám lấn biển, đa số vẫn là dựa vào bờ biển. Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc, không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế, mà còn là chung tay bảo vệ chủ quyền dân tộc, trong đó có chủ quyền biển đảo?

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Như trên đã nói, trong công cuộc tiến biển để phát triển kinh tế biển bền vững ngày nay, vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân cực kỳ quan trọng. Kinh tế biển nước ta rất cần có sự chung tay của “các đầu tàu kinh tế”, đặc biệt khi nhu cầu đầu tư trí lực, tài lực, vật lực và nhân lực cho các phương án tiến biển có chất lượng cao và mang lại lợi ích chiến lược được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết.

Trong thực tế nước ta, hiện số doanh nghiệp đầu tư cho các dự án tiến biển còn ít, chủ yếu vẫn dựa vào lấn biển để mở rộng vùng ven biển. Tăng nhanh số lượng các doanh nghiệp lớn, đặc biệt doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các phương án tiến biển xứng tầm là một yêu cầu cấp thiết.

Việt Nam cần ra biển với tâm thức mới, tư thế mới, ý chí mới cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự chung tay của các doanh nhân, để không còn đơn thuần là ra biển chỉ để làm kinh tế, làm giàu cho gia đình, cho doanh nghiệp, mà còn là góp phần quyết định vào việc khẳng định và thực hiện “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên Biển Đông.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

21/06/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top