Aa

Phát huy các giá trị của Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông

Thứ Tư, 23/11/2022 - 09:48

Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 do tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức diễn ra từ 22 - 26/11. Đây là sự kiện quan trọng để Đắk Nông chủ động tìm cơ hội phát huy các giá trị Công viên địa chất toàn cầu.

Tháng 7/2020, Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC). Cái tên “Dak Nong UNESCO Global Geopark (Viet Nam)” chính thức xuất hiện trên bản đồ Mạng lưới CVĐCTC, gồm 177 điểm đến. Đây cũng là địa phương thứ 3 của Việt Nam (sau CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và CVĐCTC Non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) và thứ 164 trên thế giới có công viên địa chất được UNESCO công nhận là CVĐCTC.

Hang C7 trong vùng CVĐCTC Đắk Nông có chiều dài 1.067m, được xác định là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á. (Ảnh: CVĐCTC Đắk Nông)

Tuy là thành viên “non trẻ” của mạng lưới, nhưng Đắk Nông đã có sự chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực mới mẻ này. Năm 2021, Đắk Nông đã mạnh dạn đề xuất và bảo vệ thành công hồ sơ đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 năm 2022 (ISV20).

Các hoạt động chính của Hội nghị gồm các hội thảo chuyên đề liên quan đến địa chất, địa mạo, báo cáo khảo sát hang động và dữ liệu…; Hội thảo khoa học “15 năm phát triển CVĐC ở Việt Nam”; các hoạt động giao lưu quốc tế của thành viên CVĐCTC; các hoạt động khảo sát thực tế CVĐCTC Đắk Nông.

Chủ đề Hội nghị ISV20 là “Bảo tồn và phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa”. Chủ đề Hội nghị được mở rộng, bao gồm cả hệ thống các núi lửa - vốn là nguồn gốc sản sinh ra các hang động núi lửa và cũng là những di sản địa chất quý giá mà tỉnh Đắk Nông và một số địa phương khác ở Việt Nam đang sở hữu.

Hội nghị thu hút đông đảo các đại biểu trong nước và quốc tế. Trong đó, dự kiến có khoảng 70 đại biểu quốc tế đến từ Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế và các thành viên Ủy ban hang động núi lửa quốc tế; Chủ tịch Hội đồng CVĐCTC UNESCO, Tổng Thư ký Mạng lưới CVĐCTC và các thành viên mạng lưới CVĐCTC; đại diện một số CVĐCTC UNESCO, Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán một số nước như: Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước ASEAN, Italia, Tây Ban Nha; Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong các lĩnh vực liên quan…

Dãy núi lửa Nâm Kar trong vùng CVĐCTC Đắk Nông. (Ảnh: CVĐCTC Đắk Nông)
Hang động núi lửa độc đáo trong CVĐCTC  Đắk Nông. (Ảnh: CVĐCTC Đắk Nông)

Việc chủ động đăng cai tổ chức một sự kiện khoa học mang tầm quốc tế khẳng định quyết tâm của địa phương trong việc bảo tồn và sử dụng hợp lý các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất mang tầm quốc tế. Qua các sự kiện tại Hội nghị, Đắk Nông mong muốn tìm kiếm được nhà đầu tư đồng hành cùng Đắk Nông đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch, hạ tầng kết nối các điểm đến trong CVĐCTC UNESCO Đắk Nông để thực hiện quan điểm “Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, CVĐCTC Đắk Nông”, đưa du lịch thực sự trở thành một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của Đắk Nông. Hội nghị cũng cơ hội để tỉnh Đắk Nông có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững di sản, phục vụ phát triển du lịch địa phương. Đồng thời, nâng cao vị thế của tỉnh Đắk Nông - Việt Nam trên trường quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực về bảo tồn và khai thác bền vững các di sản địa chất.

Cảnh hồ Tà Đùng nhìn từ trên cao - nơi được ví là “Vịnh Hạ Long của Tây nguyên” trong vùng CVĐCTC Đắk Nông. (Ảnh: Đ.A)

Lịch sử của vùng đất này bắt nguồn từ 140 triệu năm trước. Do các vận động kiến tạo của lớp vỏ trái đất, khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Chính hoạt động phun trào núi lửa đã che phủ đến một nửa diện tích khu vực này bởi các lớp dung nham bazan. Đáng ngạc nhiên là cách đây khoảng 10.000 năm, núi lửa vẫn còn hoạt động, tạo nên hệ thống hang động núi lửa độc đáo, đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo thông tin từ Ban quản lý Công viên địa chất Đắk Nông, Công viên địa chất Đắk Nông được UBND tỉnh Đắk Nông thành lập ngày 31/12/2015, có diện tích 4.760km2, trải dài trên địa phận 6 huyện, thị xã (Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G'long và TP. Gia Nghĩa).

CVĐC Đắk Nông có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động có tổng chiều dài hơn 10.000m, các miệng núi lửa, thác nước... Đây còn là vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu trữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, cùng với nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.

Có thể nói, việc được công nhận CVĐCTC đối với CVĐC Đắk Nông có ý nghĩa không chỉ là một danh hiệu, mà còn là một mô hình phát triển bền vững. CVĐCTC UNESCO chứa đựng, liên kết trong mình các di sản: Địa chất, văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, cảnh quan, đa dạng sinh học... Bên cạnh mục tiêu bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nâng cao nhận thức cộng đồng, CVĐCTC đề ra một mục tiêu rất rõ ràng là nâng cao đời sống cộng đồng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển một cách bền vững, đặc biệt là thúc đẩy du lịch và phát triển hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top