Aa

Phát triển đô thị bền vững: Quy hoạch đi trước một bước

Thứ Năm, 28/07/2022 - 11:00

Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý, triển khai quy hoạch trên địa bàn nhằm ngăn hệ lụy, giảm sức ép hạ tầng đô thị, giao thông nội đô, đảm bảo đời sống...

Sức ép ngày càng tăng

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy nhận định, về cơ bản các đồ án quy hoạch hiện đã đáp ứng được yêu cầu đầu tư xây dựng và quản lý đô thị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư, nâng cấp, đang dần hoàn thiện.

Người dân xem quy hoạch phát triển chung của TP. Hà Nội. (Ảnh: Phạm Hùng)

Tuy nhiên, một số định hướng lớn của quy hoạch vẫn còn chưa được thực hiện. Quá trình phát triển đô thị diễn ra chậm, tỷ lệ đô thị hóa thấp so với mục tiêu quy hoạch. Việc tổ chức không gian, quy mô đô thị chưa hợp lý, không chỉ ảnh hưởng đến lộ trình phát triển đô thị mà còn khiến kinh tế đô thị Hà Nội chưa phát huy được lợi thế.

Ngoài những nguyên nhân khách quan do vướng mắc về cơ chế, chính sách, cũng có nguyên nhân chủ quan từ DN, địa phương đã không thực hiện nghiêm quy hoạch, làm cản trở quá trình phát triển đô thị, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Chẳng hạn, nhiều khu đô thị sau khi giải phóng mặt bằng nhưng không triển khai xây dựng được suốt nhiều năm. Tại huyện Mê Linh, có hàng chục dự án đô thị bỏ hoang cả thập kỷ nay như Cienco 5, dự án Hà Phong, dự án Minh Giang - Đầm Và, dự án Minh Đức, AIC Mê Linh… cỏ mọc um tùm, là nơi chăn thả bò của người dân địa phương.

Ngoài ra, tại Hà Nội, nhiều khu đô thị mới xây dựng nhưng cứ mưa là ngập do chưa hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoặc thiếu sân chơi vườn hoa, sân tập, trạm y tế, trường học, cây xanh… do các chủ đầu tư chậm thực hiện, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Những nội dung trên là bất cập trong thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch của TP.

Tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành mới đây cũng đã nhận định: "Diện mạo của Thủ đô có nhiều đổi thay, văn minh, hiện đại hơn". Tuy nhiên, Nghị quyết cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Trong số đó, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch.

Giải pháp, định hướng

Theo TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, phát triển đô thị đòi hỏi sự đồng bộ ở các lĩnh vực, các ngành và rất cần quy hoạch đi trước một bước cùng với hoàn thiện thể chế phát triển, quản lý đô thị.

Hiện, Hà Nội đang nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp. Đây không chỉ là đổi mới trong quy hoạch mà còn là điều kiện để phát huy kinh tế đô thị, xác định những ngành, lĩnh vực mũi nhọn của TP.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, để thực hiện hiệu quả quy hoạch xây dựng, phân loại đô thị trong giai đoạn tới, TP kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp trong quá trình lập, thẩm định các quy hoạch chung đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực quan trọng, quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan cũng như quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn.

TP Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng trụ sở bộ, ngành T.Ư và ban hành danh mục, tiêu chí, lộ trình và giải pháp di dời ra khỏi khu vực nội thành, làm cơ sở để Hà Nội chỉ đạo, rà soát, sử dụng quỹ đất sau di dời theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, TP cũng yêu cầu các quận, huyện tích cực rà soát, đánh giá, triển khai lập quy hoạch vùng huyện, đồng thời đề xuất các nội dung tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và định hướng phát triển cho Thủ đô Hà Nội đã được đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị, để đưa Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm. Trong đó thực hiện các giải pháp đưa người dân ra những đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh.

Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho biết, với dân số hiện nay là trên 7 triệu người và phương tiện đã đạt 6,5 triệu ô tô, xe máy, theo yêu cầu đất dành cho giao thông Hà Nội phải đạt từ 20 - 26% quỹ đất đô thị; riêng đất dành cho giao thông tĩnh (đỗ xe) phải đạt từ 3 - 4%.

Tuy nhiên, hiện nay cùng với Quy hoạch chung, việc thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải được hơn 10 năm nhưng quỹ đất dành cho đô thị mới đạt 10% (khoảng 50% yêu cầu), đất dành cho giao thông tĩnh là 1% (30% nhu cầu). Khu vực nội đô lịch sử, tỷ lệ đất dành cho giao thông, các khu công cộng còn thấp hơn nhiều.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top