Phát triển đô thị và hạ tầng Bắc Trung Bộ: Tháo gỡ rào cản

Phát triển đô thị và hạ tầng Bắc Trung Bộ: Tháo gỡ rào cản

Hà Thương (Thực hiện)
Hà Thương (Thực hiện) ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Hai, 26/12/2022 - 06:20

Sau gần 20 năm thực hiện cơ chế, chính sách theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW, nhiều địa phương tại tiểu vùng Bắc Trung Bộ đã trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ngày càng tăng. Kết cấu hạ tầng dần được đầu tư mở rộng theo hướng hiện đại. Hệ thống đô thị hình thành, phát triển tương đối nhanh. Các khu du lịch ven biển, sinh thái chất lượng cao, có thương hiệu dần trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế biển, đảo được chú trọng và khai thác hiệu quả hơn.

Song đến nay, tiểu vùng Bắc Trung Bộ vẫn chưa hoàn thành các mục tiêu phát triển như kỳ vọng. Trong đó, vấn đề đô thị và hạ tầng vẫn còn nhiều thách thức đan xen. Nổi bật như tỷ lệ đô thị hoá, khả năng liên kết vùng, liên kết trong từng địa phương. 

Để có góc nhìn đầy đủ hơn về vấn đề này cũng như tìm ra các giải pháp khắc phục hiệu quả, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam. 

Các đô thị lớn nằm dọc ven biển

PV: Bắc Trung Bộ đang “thay da đổi thịt” mỗi ngày, đặc biệt là việc phát triển đô thị và hạ tầng. Ông nhìn nhận như thế nào về bức tranh phát triển của tiểu vùng trong thời gian qua?

TS. Đặng Việt Dũng: Bắc Trung Bộ là tiểu vùng nằm trong vùng kinh tế - xã hội Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Hệ thống đô thị tiểu vùng Bắc Trung Bộ bao gồm một đô thị trung tâm cấp quốc gia, một đô thị trung tâm cấp vùng, 4 đô thị trung tâm cấp tỉnh, còn lại là các đô thị trung tâm cấp huyện là vùng trung tâm chuyên ngành của tỉnh, huyện lỵ, thị xã và các đô thị trung tâm cấp khu vực là trung tâm các cụm khu dân cư nông thôn hoặc là các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng trong các vùng ảnh hưởng của đô thị lớn. 

Có thể thấy, để đạt được những kết quả này, chứng tỏ Bắc Trung Bộ đã không ngừng cố gắng và cải thiện đầu tư trong vấn đề phát triển hạ tầng, đô thị. 

PV: Theo ông, đâu là đặc điểm chính của hệ thống đô thị tiểu vùng Bắc Trung Bộ?

TS. Đặng Việt Dũng: Một trong những đặc điểm chính của hệ thống đô thị tiểu vùng Bắc Trung Bộ là mạng lưới đô thị phân bố không đều. 

Toàn bộ các đô thị lớn là trung tâm cấp tỉnh, bao gồm 10 đô thị từ loại III trở lên đều nằm vùng đồng bằng ven biển phía Đông hoặc sát bờ biển hoặc có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy nối ra biển. 

Việc tập trung các đô thị lớn dọc biển, trong đó nhiều đô thị bước đầu trở thành cực tăng trưởng kinh tế, cửa ngõ hướng ra biển của tiểu vùng Bắc Trung Bộ, đã góp phần quan trọng hình thành hành lang kinh tế ven biển thông qua mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt quốc gia, hình thành chuỗi đô thị ven biển. Trong khi ở khu vực vùng núi phía Tây dọc hành lang tuyến đường Hồ Chí Minh chủ yếu là đô thị loại V và một số ít đô thị loại IV với mật độ khá thưa thớt. Sự phân bố thiên về phía Đông của mạng lưới đô thị dẫn tới sự phát triển kinh tế không đồng đều giữa hai khu vực Đông và Tây, hạn chế khai thác hiệu quả nguồn lực, gia tăng chênh lệch mức sống của người dân.

Một đặc điểm khác của hệ thống đô thị tiểu vùng Bắc Trung Bộ là hệ thống đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề của điều kiện địa hình và khí hậu. Địa hình dốc từ Tây sang Đông, phân chia rõ rệt giữa khu vực ven biển và khu vực miền núi, ảnh hưởng nhiều đến công tác đầu tư phát triển đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối. 

Toàn bộ đô thị ven biển tại tiểu vùng đều được xác định sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Lũ lụt, ngập nước sẽ là những vấn đề cần được giải quyết cho khu vực đô thị này. Trong khi đó, lũ quét và sạt lở đất sẽ là thách thức cho hệ thống các đô thị khu vực miền núi. 

Nhiều thách thức phải đối mặt

PV: Không thể phủ nhận những thành quả của việc phát triển hệ thống đô thị Bắc Trung Bộ, tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ đô thị hoá tại khu vực này vẫn còn thấp?

TS. Đặng Việt Dũng: Đúng vậy, tỷ lệ đô thị hóa, số lượng đô thị được phân loại tại Bắc Trung Bộ vẫn chưa đạt chỉ tiêu theo chương trình phát triển đô thị do từng địa phương đặt ra. 

Chương trình phát triển đô thị của tỉnh Thanh Hóa ban hành theo Quyết định số 1252/QĐ-UB ngày 11/4/2016 xác định đến năm 2020, Thanh Hóa có 70 đô thị được phân loại với tỷ lệ đô thị hóa là 35%, tuy nhiên đến năm 2021 theo báo cáo của Sở Xây dựng, Thanh Hóa chỉ có 34 đô thị được phân loại với tỷ lệ đô thị hóa đạt 36%. 

Ở Hà Tĩnh, chương trình phát triển đô thị của tỉnh ban hành theo Quyết định số 528/QĐ-UB xác định đến năm 2020, Hà Tĩnh có 17 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 30 - 32%, tuy nhiên đến năm 2021 theo báo cáo của Sở Xây dựng, Hà Tĩnh có 16 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt 28%. 

Tương tự, cho đến năm 2020 số lượng đô thị được phân loại tại Quảng Trị là 13 đô thị/20 đô thị theo chỉ tiêu được nêu trong Nghị quyết số 02/NQ-TU của tỉnh ủy Quảng Trị khóa 16. 

Ở Quảng Bình đến năm 2021 có 10 đô thị được phân loại/13 đô thị theo Nghị Quyết số 62/2013/NQ-HĐND tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa của một số địa phương không những không đạt chỉ tiêu kế hoạch mà còn thấp xa chỉ tiêu trung bình cả nước. Năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa trung bình cả nước là 40%.

Tốc độ phát triển đô thị không đồng đều giữa các khu vực trong một tỉnh và giữa các tỉnh trong tiểu vùng. Một số đô thị không thể nâng loại trong nhiều năm do không đạt các tiêu chí về dân số và phát triển hạ tầng.

PV: Bên cạnh tỷ lệ đô thị hoá thấp, việc phát triển hệ thống đô thị tại Bắc Trung Bộ còn đang gặp phải những thách thức gì, thưa ông?

TS. Đặng Việt Dũng: Liên kết trong hệ thống đô thị còn yếu cả trên không gian kinh tế và kết nối hạ tầng cũng là một trong những vấn đề Bắc Trung Bộ đang gặp phải. 

Các đô thị được xác định là cực tăng trưởng cho khu vực còn phát triển khá chậm, chưa hội tụ đủ các chỉ số như lưu lượng giao thông, điểm kết nối kinh tế, khoa học công nghệ, y tế, du lịch... để thực sự trở thành các đô thị động lực, có tác dụng lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực. 

Mô hình phát triển đô thị cơ bản giống nhau, chưa phát huy được thế mạnh có sẵn, chưa xây dựng được bản sắc riêng phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, dân số - xã hội, trình độ khoa học, kỹ thuật, truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương và các yêu cầu phát triển mới, thậm chí một vài đô thị ven biển cùng thế mạnh còn cạnh tranh mãnh liệt.

Đầu tư hạ tầng kết nối còn nhiều hạn chế, đặc biệt kết nối giao thông giữa các đô thị nằm ở đồng bằng ven biển và đô thị khu vực miền núi. 

Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không theo kịp tốc độ phát triển đô thị. Tỷ lệ đất giao thông trong các đô thị còn thấp, hầu hết đạt dưới 10% đất xây dựng đô thị; một số đô thị chưa hình thành vận tải hành khách công cộng. Việc đầu tư phát triển hệ thống cấp nước sinh hoạt chưa đáp ứng nhu cầu người dân, phạm vi bao phủ dịch vụ cấp nước còn thấp, chưa đạt kế hoạch; nguồn nước đã và đang bị suy thoái cả về chất lượng và trữ lượng. Tỷ lệ cây xanh, công viên, mặt nước, trường học vẫn còn thấp.

Giải pháp phát triển đường dài

PV: Để thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 06/NQ-TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiểu vùng Bắc Trung cần có những giải pháp cụ thể nào?

TS. Đặng Việt Dũng: Tôi cho rằng, từng bước khắc phục những tồn tại trong quá trình phát triển hệ thống đô thị tiểu vùng Bắc Trung Bộ là hướng đi cần thiết nhất hiện nay. Và để làm được điều này cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về phát triển đô thị. Sửa đổi đồng bộ giữa các luật đất đai, quy hoạch đô thị, quy hoạch, xây dựng, bất động sản... Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch đô thị, phù hợp với các yếu tố mới phát sinh trong phát triển đô thị như đô thị nén, xanh, thông minh, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển bền vững, đặc trưng vùng, miền về điều kiện tự nhiên, di sản, văn hóa,... 

Điều chỉnh các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá, phân loại đô thị, phân loại đơn vị hành chính đô thị theo hướng đồng bộ giữa các văn bản pháp luật nhằm tăng cường kiểm soát quá trình đô thị hóa. Khắc phục tình trạng phát triển không đồng đều của hệ thống đô thị về số lượng và chất lượng đô thị, tình trạng phân bố đô thị không đồng đều giữa các vùng, khu vực và ngay trong từng địa phương. Khắc phục tình trạng nông thôn hóa đô thị, tình trạng phát triển đô thị theo kiểu “vết dầu loang”, mở rộng đô thị bằng cách đưa các xã thành phường để đạt các tiêu chí nâng loại đô thị về quy mô dân số, không đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Đặc biệt, cần sớm ban hành Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển đô thị tại địa phương. Tiến hành đánh giá toàn diện kết quả triển khai Quyết định 445/QĐ-Ttg sau 13 năm thực hiện, những kết quả đã đạt được về quy mô số lượng đô thị, những đóng góp của đô thị trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại bất cập trong công tác kiểm soát phát triển đô thị.

Thứ hai, cần xây dựng và triển khai có kết quả chương trình phát triển đô thị. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng đô thị được nêu trong các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương cho các địa phương và đối với địa phương là chương trình phát triển đô thị. Rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu, giải pháp thực hiện đảm bảo tính khả thi, tính hiệu quả, lồng ghép nội dung kế hoạch phát triển đô thị trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, kế hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn nhằm khắc phục tình trạng nợ tiêu chí trong phân cấp đô thị, thiếu kết nối trong hạ tầng đô thị. Tổ chức nghiên cứu triển khai kịp thời chương trình phát triển đô thị tại địa phương đảm bảo sự phát triển đô thị có kiểm soát cả về dân cư, hạ tầng và sử dụng đất hiệu quả trong đô thị. 

Thứ ba, quan tâm có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch xây dựng đô thị. Ngoài chịu tác động thường xuyên của thiên tai như bão lũ thì các địa phương thuộc tiểu vùng Bắc Trung Bộ còn hứng chịu các tác động như triều cường, nước biển dâng, sạt lở bờ biển tại các đô thị ven biển, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các đô thị vùng núi. 

Với đặc điểm khí hậu khắc nghiệt và bất thường, các địa phương cần nghiên cứu xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu cho các đô thị của mình, lập bản đồ xác định các khu vực cấm, hạn chế xây dựng theo kịch bản biến đổi khí hậu và theo thực tế các địa phương. 

Đối với các đô thị ven biển cần được quy hoạch ở khu vực có độ cao ổn định, nền móng vững chắc, đảm bảo cung cấp đủ nước ngọt trong mùa lũ, xây dựng bản đồ ngập lụt toàn đô thị để có giải pháp chủ động phòng tránh. Đối với các đô thị vùng núi xây dựng bản đồ xác định các khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, lựa chọn các khu vực xây dựng đô thị có địa chất ổn định. Xây dựng các giải pháp kỹ thuật, đầu tư các công trình phòng, tránh nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai đến hoạt động của đô thị, đảm bảo an toàn cho người dân.  

Cầu Cửa Hội nối Nghệ An - Hà Tĩnh. (Ảnh VNN)

Thứ tư, nâng cao khả năng kết nối hệ thống đô thị trong tiểu vùng. Tập trung nguồn vốn đầu tư các công trình hạ tầng giao thông tạo điều kiện kết nối hệ thống đô thị trong tiểu vùng với quốc tế thông qua cảng hàng không và cảng biển, kết nối với khu vực khác trong nước thông qua hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, kết nối giữa các đô thị ven biển và khu vực miền núi. Xây dựng không gian phát triển kinh tế đô thị trên cơ sở chia sẽ thế mạnh của từng đô thị, phát huy vai trò đầu tàu của đô thị trung tâm, đô thị động lực. Phân chia chức năng đô thị như đô thị hành chính, đô thị công nghiệp, đô thị du lịch thương mại vừa tạo ra bản sắc đô thị vừa đảm bảo hiệu quả trong hoạt động của đô thị, hiệu quả đầu tư xây dựng đô thị. Từng bước đầu tư hạ tầng số đồng bộ, thúc đẩy mô hình quản lý thông minh trong vận hành, khai thác đô thị.

Thứ năm, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa. Đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nâng cao tốc độ phát triển đô thị. Phát triển đô thị theo chiều rộng bao gồm tăng quy mô dân số và diện tích đất đô thị và theo chiều sâu, trọng tâm là điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ. Nâng tỷ lệ đô thị hóa các địa phương thuộc tiểu vùng Bắc Trung Bộ tiệm cận với tỷ lệ đô thị hóa trung bình cả nước. 

Và cuối cùng là đổi mới mô hình quản trị đô thị. Bên cạnh việc xây dựng mô hình quản lý nhà nước cho đô thị cấp quốc gia do trung ương thực hiện, các địa phương trong tiểu vùng cần chủ động nghiên cứu tạo ra cơ chế nhằm trao quyền mạnh mẽ cho các đô thị trực thuộc theo hướng các địa phương được quyền tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm về ngân sách, biên chế để đạt hiệu quả tốt nhất về thời gian, chất lượng công việc và sử dụng nguồn lực. Xem xét cân đối lại tỷ lệ trích ngân sách về địa phương đối với các đô thị động lực để các đô thị đó có đủ nguồn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ công đô thị. Xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị. Đổi mới mô hình cung cấp dịch vụ đô thị./.

- Xin cảm ơn ông!

12/23/2022 16:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top