Aa

Phát triển đô thị vệ tinh: Hướng đi tất yếu của tương lai

Khởi Minh
Khởi Minh lienlien.media@gmail.com
Chủ Nhật, 10/03/2019 - 21:00

Quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và thiếu hụt nguồn cung nhà ở đang là những vấn đề nan giải nhất tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM. Lời giải cho những bài toán này chính là quy hoạch các đô thị vệ tinh, hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị.

“Chìa khóa vàng” cho tương lai đô thị

Quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh đã kéo theo một loạt những vấn đề đô thị. Dân số tập trung ở nội đô tăng nhanh nhưng diện tích đất ngày càng chật chội bởi sự phát triển như vũ bão của hệ thống hạ tầng, cao ốc. Cùng với đó, tình trạng ùn tắc  giao thông kéo dài, mở rộng đường hay xây thêm cầu vượt cũng không thể khiến tình trạng này thuyên giảm. Chưa hết, do hạ tầng bịt kín hệ thống thoát nước, chỉ một trận mưa đã khiến nhiều tuyến đường tại Hà Nội và TP.HCM ngập nặng.

Dân số quá đông, hạ tầng thiếu đồng bộ cũng đã tạo nên một bộ mặt đô thị nhếch nhác, lộn xộn. Nhà cao tầng xen kẽ với những khu ổ chuột, cơi nới. Nơi bỏ hoang cho cỏ dại, nơi lại chen chúc trong những “hộp diêm” 3 - 4m2. Giá nhà đất khu trung tâm cũng vì thế mà đang tăng cao ngoài tầm với của một phần lớn cư dân đô thị. Chi phí cho nhà ở trở thành một khoản phí cao hàng đầu trong nhu cầu hàng ngày của người lao động.

Dân số tập trung quá nhiều ở nội đô đang gây ra một loạt những vấn đề đô thị.

Dân số tập trung quá nhiều ở nội đô đang gây ra một loạt những vấn đề đô thị.

Trước thực trạng, “người tăng nhưng đất không thể tăng”, việc quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh là hướng đi tất yếu nhằm giải quyết những vấn đề đô thị đang đặt ra. Những đô thị vệ tinh của Hà Nội và TP.HCM sẽ là những “chìa khóa” cứu tinh cho sự quá tải của nội đô, giúp giãn dân và giảm áp lực hạ tầng, nâng cao môi trường sống ở đô thị.

Làn sóng dân cư dồn về các khu vệ tinh là đòn bẩy cho các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, dịch vụ - thương mại cùng với sự quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông, các công trình tiện ích cộng đồng của địa phương.

Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, nhu cầu nhà ở tăng giúp bất động sản phát triển, nhiều doanh nghiệp đầu tư dịch vụ - thương mại. Tất cả các điều kiện của quy hoạch đô thị vệ tinh sẽ làm tăng mức sống của dân địa phương và thúc đẩy kinh tế nơi đó tăng trưởng. Hàng hoá, nông sản từ các khu công nghiệp địa phương đổ về nội đô, vùng lân cận và ngược lại dễ dàng, thuận lợi hơn.

Hiện tại, Chính phủ đã nghiên cứu và đưa mô hình đô thị vệ tinh vào quy hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, thủ đô Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh và TP.HCM sẽ có 15 đô thị vệ tinh được phát triển.

Cụ thể, Hà Nội tổ chức không gian theo mô hình chùm đô thị bao gồm khu vực đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm. Về dân số dự báo năm 2020, Hà Nội đạt khoảng 7,3 - 7,9 triệu người và đạt 9 triệu vào năm 2030.

Đô thị vệ tinh Hòa Lạc đang triển khai xây dựng các yếu tố hạ tầng.

Đô thị vệ tinh Hòa Lạc đang triển khai xây dựng các yếu tố hạ tầng.

Đối với 5 đô thị vệ tinh gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Mỗi đô thị này có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ... Dự báo dân số ở 5 đô thị vệ tinh trên đến năm 2020 khoảng 0,7 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 24.300 ha. Đến năm 2030 dân số đạt khoảng 1,3 - 1,4 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 35.200ha.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, “yêu cầu phát triển đô thị vệ tinh đã nhiều lần được đặt ra. Việc quy hoạch các đô thị vệ tinh này rất quan trọng trong phát triển xây dựng Thủ đô, góp phần giãn dân tại khu vực nội đô. Đó là hướng đi tất yếu cho tương lai đô thị”.

Giấc mơ liệu có xa vời?

Giới chuyên gia cho rằng, để một đô thị vệ tinh hình thành theo đúng nghĩa của nó không đơn giản chỉ là một quyết định hành chính, mà phải hút được nguồn lực mạnh và có giá trị gia tăng cao như con người, tài chính và tài nguyên. Hay nói cách khác, người ta phải muốn đến định cư và muốn đầu tư lớn vào đô thị vệ tinh đó.

Trong quy hoạch các đô thị vệ tinh Hà Nội, có rất nhiều nội dung, hạng mục hấp dẫn các nhà đầu tư như các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; các hoạt động giáo dục - đào tạo; du lịch, nghỉ dưỡng, cơ sở hạ tầng đô thị và các dự án đầu tư đa dạng khác trong các khu đô thị vệ tinh đã, đang và sẽ được xây dựng, triển khai trong khuôn khổ quy hoạch được duyệt, nhưng vấn đề cần đặt ra là làm sao để thu hút các chủ đầu tư chuyển từ đô thị trung tâm với nhiều ưu thế về các đô thị vệ tinh?

Để giải quyết vấn đề nêu trên, theo các chuyên gia, Hà Nội và TP.HCM cần nỗ lực liên tục xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, quan tâm, cung cấp các thông tin phong phú về chủ đề quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh Hà Nội, cùng các cơ chế khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ đầu tư cần thiết vào các đô thị vệ tinh.

Ngoài ra, theo nhận định của giới chuyên gia, mô hình đô thị vệ tinh nhằm giải quyết vấn đề dân số và hạ tầng cho đô thị trung tâm, vì vậy vấn đề kết nối và chia sẻ hạ tầng không thể thiếu. Các quy hoạch đã đề cập đến việc kết nối và chia sẻ hạ tầng (bao gồm cả hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật), các đô thị vệ tinh được quy hoạch như những đô thị độc lập nhưng có thêm các tính chất đặc thù.

“Đối với việc xây dựng 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, trước hết phải chú trọng vào hệ thống hạ tầng, giao thông công cộng, để người dân thấy rằng sống ở đó người ta cảm thấy hạnh phúc, tin tưởng, cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn thì người ta mới ở. Nếu không làm được điều này thì các đô thị vệ tinh chỉ nằm trên hình vẽ và những điều đã nói chỉ là khẩu hiệu.

Nhưng xây dựng hạ tầng rất tốn kém và chúng ta đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Nên có thể bình tĩnh, triển khai theo nguyên tắc vết dầu loang mà vết dầu đó, sẽ lấn dần ra và che phủ dần. Còn một đô thị không có dân, một đô thị di dân bằng kiểu cưỡng bức thì đô thị đó không tồn tại”, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top