Aa

Phát triển hàng không - chắp cánh du lịch Việt!

Thứ Tư, 11/12/2019 - 13:30

Phát triển hàng không là một trong những biện pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của du lịch, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

Không chỉ riêng Việt Nam mà ngay cả với các nước phát triển trên thế giới, du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho nền kinh tế, tạo việc làm, phát triển các ngành dịch vụ, cơ sở hạ tầng, mà còn thúc đẩy hòa bình, giao lưu văn hóa. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam lần 2 diễn ra mới đây, các vấn đề về truyền thông, quảng bá, cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến... đã được đưa ra bàn thảo. Đặc biệt, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất chính là việc phát triển ngành hàng không - một trong những biện pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của du lịch, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

Tốc độ phát triển ngành hàng không nhanh nhất khu vực Đông Nam Á

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, 10 năm qua, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng từ 4,25 triệu năm 2008 lên 15,5 triệu vào năm 2018, tăng trưởng kép 12,5% mỗi năm. Ba năm gần đây, tăng trưởng khách quốc tế đạt trên 20%. Đóng góp vào GDP con số không nhỏ.

Một trong những yếu tố tạo sự bùng nổ cho ngành du lịch là việc du khách có thể di chuyển thuận tiện hơn trước nhờ sự phát triển của ngành hàng không, không chỉ nội địa mà còn cả quốc tế.

Trung bình 10 năm trở lại đây, tăng trưởng ngành hàng không Việt Nam đạt bình quân 17,4%, gấp đôi so với bình quân khu vực châu Á - Thái Bình Dương (7,9%). Nếu như trong 2008, tổng lượng khách mà các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển là 10 triệu người thì tới năm 2018 tăng gấp 5 lần.

Hàng không phát triển thúc đẩy du lịch tăng trưởng mạnh mẽ

Đến tháng 12/2018, thị trường hàng không Việt Nam có sự tham gia khai thác của 68 hãng hàng không nước ngoài đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, 5 hãng hàng không trong nước. Số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, từ năm 2008 - 2018, số lượng máy bay tăng hơn 3 lần, từ 60 chiếc lên 192 chiếc. Mạng đường bay được mở rộng với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế. Bên cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng còn có nhiều cảng hàng không khác được khai thác, phát triển như Vân Đồn, Cát Bi, Cần Thơ, Liên Khương, Phú Quốc... 

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 trên thế giới và có tốc độ nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến đạt mức tăng trưởng trung bình gần 14% trong 5 năm tới, cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.

Thừa nhận những kết quả đáng mừng của ngành hàng không những năm qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - ông Nguyễn Trùng Khánh cũng khẳng định, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh qua từng năm. Cụ thể như giai đoạn 2015 - 2018 có tốc độ tăng trưởng rất cao từ 7,9 triệu lượt/năm 2015 tăng lên 15,5 triệu lượt/năm 2018. Trong 11 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã đón được gần 16,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2018 và phục vụ 78,5 triệu lượt khách nội địa. Trong đó tỷ lệ khách quốc tế đến bằng đường hàng không chiếm hơn 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đối với ngành hàng không Việt Nam, trong thời gian vừa qua cũng đạt tốc độ tăng trưởng đáng kể, góp phần quan trọng vào việc vận chuyển khách du lịch.

Tháo gỡ nút thắt hàng không, chắp cánh du lịch Việt 

Bên cạnh những đóng góp của ngành hàng không, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng: Để thúc đẩy phát triển du lịch hơn nữa, ngành hàng không cần đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng một số sân bay quốc tế đang bị quá tải, cần mở thêm nhiều đường bay mới và các chuyến bay trực tiếp kết nối với các thị trường nguồn của du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng tiến hành liên kết, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để kéo khách đến các điểm đến mới nhằm giảm áp lực cho các sân bay quốc tế lớn đang bị quá tải.

Cụ thể hơn về vấn đề này, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay trong 4 sân bay lớn của Việt Nam thì sân bay Tân Sơn Nhất là thiếu nhất về cơ sở hạ tầng, khu trong sân bay cũng tắc mà đường đến sân bay cũng tắc”. Theo ông Cường, bên cạnh hạ tầng, công tác quản lý Nhà nước cũng đang gặp nhiều vướng mắc khi số lượng máy bay gần đây tăng đột biến nhưng lại không thể bổ sung thêm nguồn nhân lực giám sát, khai thác.

Bên cạnh đó, một số nút thắt của hàng không hiện nay cần được nhìn nhận và tháo gỡ, đó là hợp tác công - tư gắn với các dự án lớn như xây dựng sân bay Long Thành, cải thiện các sân bay cũ, phát triển hạ tầng mới và nguồn nhân lực hàng không đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính được các đại biểu, chuyên gia chỉ ra tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam đó là do hệ thống cơ chế chính sách pháp luật chưa đồng bộ, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc nên chưa thu hút được nhiều các doanh nghiệp tư nhân cũng như nhà đầu tư quốc tế tham gia đầu tư hạ tầng hàng không.

Cũng bàn về vấn đề đầu tư, TS. Lương Hoài Nam, thành viên hội đồng tư vấn du lịch TAB, cho rằng, để hàng không phát triển thì việc đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư sân bay là điều cần thiết. “Vấn đề là khi chúng ta phát động xã hội hóa thì ai cũng nhất trí nhưng khi đề cập đến dự án đầu tư cụ thể thì không thấy tinh thần đó nữa. Ví dụ, vấn đề mở rộng hành lang sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều giải pháp đưa ra nhưng không thấy tinh thần xã hội hóa đâu”, ông Nam chia sẻ.

Theo ông Nam, điểm nóng là tinh thần xã hội hóa chưa thực sự xuyên suốt, chưa đi vào thực tiễn, chưa được thể hiện rõ ràng qua từng dự án cụ thể. Trong tình hình khá nan giải về hạ tầng sân bay phía Nam hiện nay và sắp tới, ông Nam cũng đề xuất giải pháp đầu tư, khai thác hỗn hợp một số sân bay quân sự có cơ sở hạ tầng khu bay khá tốt, ví dụ sân bay Biên Hòa, sân bay Phan Rang, nhằm giảm tải cho sân bay quốc tế Cam Ranh.

Ông Chu Việt Cường, đại diện Hội đồng quản trị Vietjet Air

Đồng tình với các ý kiến trên, ông Chu Việt Cường, đại diện Hội đồng quản trị Vietjet Air cũng cho rằng các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và mô hình hợp tác công - tư là những nút thắt cần Nhà nước phối hợp cùng khối tư nhân tháo gỡ trong thời gian tới.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Vietjet Air cho biết, hãng luôn xác định phải tự lực về nhân lực và công nghệ. Về cơ bản ở Việt Nam chưa đào tạo phi công, nên Vietjet đã xác định rõ tỷ lệ giữa phi công nước ngoài và phi công Việt Nam, xây dựng kế hoạch tuyển phi công ngắn hạn, dài hạn, gắn với sự tăng trưởng của đội bay và chuyến bay. 

"Về kỹ sư, chúng tôi bắt tay với Airbus chính thức mở Viện hàng không Vietjet đạt tiêu chuẩn quốc tế. Học viện được cung cấp công nghệ hiện đại để phục vụ cho việc đào tạo như phòng mô phỏng bay hiện đại; lực lượng tiếp viên cũng được xây dựng để đảm bảo hình ảnh của hãng cũng như của Việt Nam", ông Chu Việt Cường nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top