Tốc độ đô thị hoá ở Châu Á đang trong mức cao nhất thế giới. Từ năm 1980 đến năm 2010, châu Á đã bổ sung hơn một tỷ người vào các đô thị, chủ yếu ở thành phố lớn của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia và Bangladesh. Với áp lực gia tăng dân số này, nhà ở trở thành nhu cầu bức thiết. Và thiết kế bền vững là xu hướng tất yếu. Nhu cầu ngày càng tăng về thiết kế bền vững trong khu vực đã thúc đẩy sự phát triển của Công trình Xanh để hướng tới sự thân thiện, bền vững với môi trường.
Tuy nhiên, xây dựng đô thị bền vững đi kèm với các tiêu chuẩn và thách thức. Vật liệu xây dựng xanh, pin năng lượng mặt trời, công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo vệ nguồn nước và quản lý chất thải là những tiêu chí rất cần thiết để đáp ứng sự phát triển nhà ở bền vững. Ở cấp chính phủ, việc thiếu các hành động, các chính sách thúc đẩy nhà ở bền vững cũng cản trở sự phát triển của đô thị trong khu vực.
Singapore là một ví dụ điển hình ở châu Á về việc hoạch định các chính sách phát triển Công trình Xanh. Trong một cuộc hội thảo, ông Cheong Koon Hean, Tổng giám đốc của Công ty CP Phát triển Nhà ở (HDB), đã ca ngợi sự lãnh đạo của chính quyền các thành phố trong việc giúp Singapore đạt được sự bền vững về môi trường và nhà ở giá rẻ bất chấp mật độ dân số, diện tích đất hạn chế.
Sự thành công của Singapore trong các chương trình quảng bá nhà xanh là do sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ để đầu tư cơ sở hạ tầng, phân bổ ngân quỹ cho nhà ở bền vững và giá hợp lý.
Có thể một số người hoài nghi khi lựa chọn một ngôi nhà xanh do nghĩ đến khả năng chi trả và các công nghệ đắt đỏ được sử dụng thay cho các ứng dụng thông thường. Nhiều công ty nỗ lực phát triển công nghệ xanh với chi phí hợp lý bằng cách sử dụng các phương pháp tiết kiệm nhằm giảm sử dụng điện và chi phí năng lượng cho người tiêu dùng. Thật bất ngờ, những công nghệ xanh lại có giá cả phải chăng và không đòi hỏi phải thay đổi lớn, xây dựng, lắp đặt, hoặc chi phí trả trước cho một ngôi nhà.
Trong khi những hạng mục khác đòi hỏi nhiều thời gian, tiền bạc và chuyên môn, một vài phương pháp có thể giúp tiết kiệm năng lượng, như sử dụng sợi thủy tinh hoặc cellulose vào trần nhà và sàn nhà; sử dụng thiết bị tiêu thụ năng lượng hiệu quả, đèn LED hoặc CFC; sưởi ấm và làm mát bằng hệ thống nhiệt năng nhỏ hiệu quả năng lượng cao cũng như sử dụng cửa sổ tiết kiệm năng lượng gấp ba lần... Tất cả có thể giúp tiết kiệm, giảm chi phí đáng kể cho người dùng.