Phát hành trái phiếu nhộn nhịp trở lại
Sau nửa năm "đóng băng", thị trường trái phiếu đang có những dấu hiệu tăng nhiệt trở lại. Theo công bố thông tin của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nửa đầu tháng 3/2023, đã có 8 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với khối lượng 23.755 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm áp đảo với 6/8 doanh nghiệp, tổng giá trị phát hành đạt gần 19.000 tỷ đồng.
Riêng ngày 16/3/2023 có 3 đợt phát hành riêng lẻ của 2 doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Hưng Yên phát hành thành công 2 lô trái phiếu, với một lô 2.700 tỷ đồng và một lô 4.450 tỷ đồng (tổng 7.150 tỷ đồng). Cả hai lô trái phiếu đều có kỳ hạn 12 tháng, lãi suất không được công bố.
Đợt phát hành thứ 3 trong ngày 16/3 là Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh và Phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam với tổng khối lượng trái phiếu riêng lẻ phát hành là 4.695 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 13%/năm.
Ngoài hai doanh nghiệp trên, trong nửa đầu tháng 3, thị trường có thêm các đợt phát hành trái phiếu của 4 doanh nghiệp bất động sản khác là: Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Dream City Villass với tổng giá trị phát hành 2.300 tỷ đồng (trái phiếu kỳ hạn 5 năm); Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh Nam An với tổng giá trị phát hành 4.700 tỷ đồng (trái phiếu kỳ hạn 18 tháng); Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại xuất nhập khẩu Thủ đô (phát hành thành công lô trái phiếu 40 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Thương mại - Sản xuất và Đầu tư Hà Thành (lĩnh vực xây dựng) huy động thành công 45 tỷ đồng.
Mới đây, Hưng Thịnh Land cũng đã đạt được thỏa thuận với trái chủ 2 lô trái phiếu có tổng giá trị 900 tỷ đồng về gia hạn kỳ hạn thanh toán, mở ra triển vọng cơ cấu nợ trái phiếu cho doanh nghiệp cùng ngành.
Về trái phiếu mua lại trước hạn, theo dữ liệu mà Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) tổng hợp từ HNX, tính đến ngày công bố thông tin 17/03/2023, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 3/2023 là 803 tỷ đồng. Còn tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt gần 16.300 tỷ đồng (tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022).
Theo các chuyên gia, việc có nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu mới cũng như gia hạn kỳ hạn trả nợ trái phiếu thành công là do thị trường này đang ghi nhận một số yếu tố tác động tích cực.
Đơn cử như lãi suất huy động đang giảm khá nhanh, kỳ hạn cao nhất của đa số ngân hàng đã lùi về dưới 9%/năm, khiến kênh đầu tư trái phiếu hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm. Hay nhiều chính sách hỗ trợ bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đã được ban hành, cụ thể là Nghị quyết số 33/2023/NQ-CP và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP.
Chính những yếu tố này là nguyên nhân giúp cho thị trường trái phiếu bớt căng thẳng, các doanh nghiệp lấy lại niềm tin và có cơ hội để trở lại “đường đua” huy động tiền bằng trái phiếu.
Thị trường bất động sản có thêm tín hiệu khởi sắc
Chia sẻ với Reatimes, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhìn nhận, thị trường trái phiếu đang có chiều hướng nhộn nhịp trở lại, đặc biệt là sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ra đời. Nghị định này được xem là “luồng gió mát” tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc quan trọng của các doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu nợ trái phiếu, phát hành các đợt trái phiếu mới.
Theo ông Ngọc, việc kéo dài thời hạn thanh toán lên 2 năm là phù hợp thực tế để doanh nghiệp có thời gian triển khai, hoàn thiện dự án, lên kế hoạch bán hàng, thu tiền và trả nợ cho trái chủ.
Mặt khác, việc kéo dài thời hạn thanh toán còn giúp doanh nghiệp có thêm thời gian gặp nhiều nhà đầu tư để mua bán, sáp nhập dự án với mức giá hợp lý.
Đối với quy định được phép hoán đổi nợ trái phiếu với bất động sản sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được bài toán đáo hạn trái phiếu. Đây cũng là cách để các doanh nghiệp dễ dàng “thoát hàng” bất động sản.
“Thị trường trái phiếu sẽ nhộn nhịp hơn trong thời gian tới khi số lượng doanh nghiệp quay trở lại phát hành nhiều hơn, các trái chủ cũng lấy lại niềm tin để tham gia thị trường. Vì vậy, lĩnh vực bất động sản cũng sẽ hưởng lợi và có cơ hội để hồi phục. Hơn hết, Chính phủ cũng đang không ngừng quan tâm và hỗ trợ cùng cộng đồng doanh nghiệp bất động sản để vượt qua cơn “vũ bão”. Từ tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho đến khơi thông dòng tiền đang được đẩy mạnh triển khai”, ông Ngọc nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, để thị trường trái phiếu cũng như bất động sản thực sự lấy lại được đà phát triển của mình thì cần khôi phục hoàn toàn niềm tin nhà đầu tư. Và để lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư, mấu chốt là thị trường phải minh bạch. Thông tin về các khoản đầu tư trái phiếu phải được công bố cụ thể, rõ ràng, bao gồm thông tin về tình hình tài chính của công ty phát hành trái phiếu, kế hoạch sử dụng vốn, tài sản bảo đảm, rủi ro đầu tư cùng các chỉ số tài chính khác.
Bên cạnh sự chủ động của các nhà phát hành, cơ quan quản lý cần thể hiện rõ vai trò giám sát, có những biện pháp kiểm soát bước đầu thông qua những quy định, luật định, chế tài xử phạt thích đáng.
“Hiện không có nhiều nhà đầu tư cá nhân sẵn sàng tham gia thị trường trở lại nên vai trò của nhà đầu tư tổ chức cần được đề cao hơn. Cần sớm nới lỏng một số điều kiện của các nhà đầu tư tổ chức như ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Việc này sẽ tạo cú hích lớn ngay lập tức ở phía cầu và cũng phù hợp định hướng phát triển của thị trường về lâu dài”, ông Ngọc phân tích./.