Aa

Phép thử Covid-19

Thứ Hai, 03/08/2020 - 18:00

Phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) diễn ra chiều 27/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phép thử lớn nhất đối với hệ thống tín dụng là dịch Covid-19.

“Trong 6 tháng qua, không chỉ trụ vững mà có sự tham gia nhanh, kịp thời của hệ thống tín dụng đối với sự phát triển ổn định kinh tế đất nước, đóng góp vào tăng trưởng dương của Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Có được điều đó một phần cũng bởi sức khỏe của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được cải thiện đáng kể sau 3 năm quyết liệt thực hiện Đề án 1058 về tái cơ cấu hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Thủ tướng ghi nhận, toàn hệ thống TCTD đã chuyển biến rất tích cực, có bước tiến lớn cả về quy mô tài chính, chất lượng tín dụng và chấn chỉnh, củng cố các mặt hoạt động. An toàn hệ thống tốt hơn, Đảng, Nhà nước và nhân dân yên tâm hơn. Nhiều chỉ tiêu quan trọng được cải thiện rõ rệt như tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, tỷ lệ nợ xấu…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quả vậy tính đến cuối tháng 3/2020, tổng tài sản của hệ thống các TCTD đạt gần 12,5 triệu tỷ đồng, tăng thêm gần 3,4 triệu tỷ đồng (tương đương tăng 37,4%) so với thời điểm cuối tháng 6/2017 là thời điểm trước khi Quyết định 1058 được ban hành. Cũng trong giai đoạn này, vốn chủ sở hữu của hệ thống các TCTD tăng 376 nghìn tỷ đồng lên 1,06 triệu tỷ đồng, tương đương tăng tới 55%; vốn điều lệ của hệ thống tăng 117 nghìn tỷ đồng lên gần 617,5 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 23,5%.

Đặc biệt hệ thống các TCTD đã xử lý được 557.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó các TCTD tự xử lý trên 76%, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về còn 1,63%, nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn thì cũng chỉ ở mức 4,43%, giảm mạnh từ mức 10,08% so với cách đây 3 năm. Bên cạnh đó, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo được tích cực triển khai, thu về đến 2,2 nghìn tỷ đồng. Tình trạng nhóm cổ đông lớn thao túng chi phối cơ bản được khắc phục.

“Gần như toàn bộ hệ thống các TCTD được chấn chỉnh, củng cố. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng, trong đó tổng tài sản chiếm 42,8% và cho vay chiếm đến 47,9% toàn hệ thống. Các TCTD phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô được cơ cấu lại, hoạt động lành mạnh, góp phần hạn chế tín dụng đen”, Thủ tướng ghi nhận.

Tuy nhiên tiến trình xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD đang gặp nhiều trở ngại bởi đại dịch Covid-19 khi mà dịch bệnh đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, từ đó ảnh hưởng tới dòng tiền trả nợ của người dân và doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính quý 2 của các ngân hàng cũng thể hiện rõ điều đó khi mà nợ xấu có xu hướng tăng, kéo theo trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn. Đơn cử như tại TPBank, trong 6 tháng đầu năm, nợ xấu của nhà băng này tăng thêm 241 tỷ đồng lên gần 1.477 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu vì thế cũng tăng từ mức 1,29% tại thời điểm cuối năm 2019 lên 1,47%. Ngay cả ngân hàng có chất lượng hoạt động tốt như Vietcombank cũng không thoát khỏi vòng xoáy của Covid-19 khi mà tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ mức 0,79% tại thời điểm cuối năm 2019 lên 0,83% vào cuối quý 2 vừa qua.

Kết quả cuộc điều tra về xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) thực hiện mới đây cũng ghi nhận 2 quý liên tiếp các TCTD cho biết tình hình kinh doanh toàn hệ thống có sụt giảm, mức độ rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng, điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng và cầu của nền kinh tế đối với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng suy giảm rõ rệt, áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao dự kiến ảnh hưởng lớn tới thu nhập và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong năm 2020.

Còn nhớ báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 10/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 1,9 - 3,2% vào cuối quý II và 2,6 - 3% vào cuối 2020. Còn trường hợp dịch được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ tăng lên 4% và 3,7% tương ứng cuối quý II và cuối năm nay. “Thậm chí, nợ xấu có thể cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu, xử lý của các ngân hàng và khả năng phục hồi các nhà băng yếu kém”, báo cáo Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Nay dịch Covid-19 lại diễn biến phức tạp khi mà liên tục xuất hiện thêm hàng chục ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Nhiều địa phương đã phải tái áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Điều đó cũng có nghĩa, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn, hệ quả là tiến trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng cũng tiếp tục gặp nhiều trở ngại. Đó quả là một thử thách lớn khi mà hệ thống các TCTD vẫn đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “chúng ta cũng cần thực hiện nhiệm vụ kép rất đặc thù, đó là vừa đẩy mạnh cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, vừa hỗ trợ hiệu quả thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top