Ngày 28/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và đoàn công tác Chính phủ đã kiểm tra thực địa dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Cuộc kiểm tra diễn ra sau 20 ngày kể từ khi Phó thủ tướng có cuộc giao ban trực tuyến với tỉnh Đồng Nai về tiến độ dự án.
Báo cáo Phó Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết ngày 20/12, tỉnh đã bàn giao thêm cho Cảng vụ hàng không miền Nam thêm gần 195ha. Đến nay, tỉnh đã giao đất cho Cảng vụ hàng không miền Nam với tổng diện tích 1.479,53ha/2.532ha, đạt 58,43%. Dự kiến phần diện tích khoảng 1.000ha còn lại sẽ hoàn hành giao trong quý I/2022.
Về công tác giải ngân vốn cho dự án, dự kiến từ nay đến hết năm 2021, Đồng Nai sẽ giải giân được 18.122 tỷ đồng, đạt hơn 79% tổng vốn đã bố trí.
UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp tiếp tục nhận bàn giao mặt bằng đợt 3, với diện tích 383ha. Phần diện tích còn lại 142,43ha cố gắng bàn giao trong tháng 1/2022. Riêng khu vực dự trữ đất dôi dư, đã giao 194,96ha/722ha sẽ bàn giao theo phương pháp cuốn chiếu, bảo đảm đủ mặt bằng thi công, không làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng giai đoạn I của dự án, hoàn thành trong quý I/2022.
Báo cáo về tiến độ xây dựng, lãnh đạo ACV cho biết đối với hạng mục san nền, hạng mục quan trọng, làm tiền đề cho các hạng mục tiếp theo, ngày 17/12, đã phát hồ sơ mời thầu và dự kiến trong 1 tháng là chọn xong nhà thầu. Ngay sau đó, ACV sẽ khởi công hạng mục này với khối lượng dự kiến hơn 56 triệu m3 đất.
ACV đặt mục tiêu khởi công phần thân nhà ga trong tháng 10/2022, đây là nhà ga quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, thời gian thi công dự kiến 34 tháng. Về hạ tầng cảng hàng không, ACV cho biết đã chọn được liên danh tư vấn, sẽ hoàn thành thiết kế kỹ thuật vào tháng 6/2022, khởi công vào tháng 8/2022, bảo đảm theo kịp tiến độ nhà ga.
Ghi nhận nỗ lực của ACV, nhưng Phó Thủ tướng Lê Văn Thành bày tỏ chưa hài lòng với việc các hạng mục chậm được hoàn thiện thủ tục để triển khai thi công thực tế. “Tại sao cần đến 30 tháng để hoàn thành san lấp mặt bằng?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi cho đại diện ACV về thời gian hoàn thành gói thầu san lấp.
Trả lời Phó Thủ tướng, đại diện ACV cho biết theo hồ sơ mời thầu, do tổ chức cuốn chiếu theo tiến độ thi công các hạng mục công trình, nên dự kiến thời gian hoàn thành toàn bộ việc san lấp của cả dự án là 30 tháng.
Phó Thủ tướng cho rằng, san lấp là hạng mục quan trọng mà thời gian 30 tháng là quá dài. Tiến độ thi công thể hiện ngay ở hồ sơ mời thầu, khi đã ký hợp đồng thì rất khó điều chỉnh.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, cần rút ngắn thời gian khi giao “đề bài” cho nhà thầu, ai có khả năng đáp ứng thì lựa chọn. “Mình cho 6 tháng thì họ làm 6 tháng, mình giao 15 tháng thì họ lại túc tắc làm 15 tháng”, Bộ trưởng nói và cho rằng trong vòng 3 năm thì hoàn toàn có khả năng hoàn thành việc xây dựng.
Không chấp nhận việc làm túc tắc, Phó Thủ tướng yêu cầu phải đổi mới tư duy, phương pháp, cách thức, nếu cứ tư duy cũ thì không thể hoàn thành được. Tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng, lãnh đạo ACV cho biết sẽ rút ngắn thời gian san lấp mặt bằng ngay trong hồ sơ mời thầu.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, đây là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô rất lớn. Đến nay, ngân sách đã bố trí đủ vốn cho dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân hiện còn thấp (57%), đề nghị tỉnh Đồng Nai tháo gỡ khó khăn để giải ngân tối đa để hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng.
Về phía Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhất trí mục tiêu đầu năm 2025 đưa dự án đi vào hoạt động bởi đây là mục tiêu thống nhất. Ông cũng đề nghị ACV tăng cường nhân lực để triển khai dự án, phải lấy mục tiêu bảo đảm thời hạn để gia đầu bài cho nhà thầu.
Kết luận cuộc giao ban, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá công tác triển khai dự án có chuyển biến tích cực, nhưng bộ máy vẫn chưa thực sự quyết liệt. Ví dụ như gói thầu san lấp mặt bằng, các khâu thiết kế đến thẩm định còn chậm.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Đồng Nai tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng bởi đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực phát triển mới cho địa phương và yêu cầu địa phương cố gắng giữ cam kết đã đưa ra.
Đồng thời phải thiết lập trụ sở ban quản lý dự án tại công trường, “dự án 100.000 tỷ đồng mà không có trụ sở cơ quan điều hành thì không được”. Nếu không có ban quản lý đủ mạnh, có cơ sở vật chất, phương tiện đầy đủ, thì sẽ dễ xảy ra ra thất thoát, tiêu cực.
"Tinh thần là cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu cuối năm 2024 là hoàn thành phần xây dựng, đầu năm 2025 là vận hành thử và khánh thành. Công trình này không cho phép chúng ta chậm nữa. Tất cả dồn vào mục tiêu hoàn thành phần xây dựng vào cuối năm 2024”, Phó Thủ tướng yêu cầu.